Để đồng bộ hạ tầng giao thông kết nối, tạo điểm nhấn kiến trúc cảnh quan khu vực vịnh Cửa Lục, tỉnh Quảng Ninh quyết định đầu tư cầu Cửa Lục 1 và cầu Cửa Lục 3 nối TP Hạ Long với huyện Hoành Bồ.
Cuối năm 2019, thông qua một cuộc thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc cho công trình cầu Cửa Lục 1, Cửa Lục 3, phương án “Cánh chim biển” được lựa chọn là thiết kế kiến trúc của cầu Cửa Lục 1, phương án “Mặt trời trên vịnh Hạ Long” được lựa chọn là thiết kế kiến trúc của cầu Cửa Lục 3.
Theo một thành viên trong Hội đồng chấm giải cuộc thi tuyển, giải pháp kiến trúc của cả 2 phương án được lựa chọn đều được đặt ra là phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về kỹ thuật - mỹ thuật - cảnh quan - kinh tế. Cầu Cửa Lục 1 và đường dẫn có tổng chiều dài toàn tuyến 4.265m, điểm đầu giao với tuyến đường nối Khu công nghiệp Cái Lân – Việt Hưng đến đường cao tốc Hạ Long – Vân Đồn tại phường Giếng Đáy; điểm cuối đấu nối với QL279 tại Km24+750, xã Lê Lợi, TP Hạ Long.
Cầu Cửa Lục 1 khởi công ngày 28/4/2020, được bố trí tổng cộng 05 vòm thép liên tục, trong đó: mỗi bên 02 vòm thép được đặt đối xứng với vòm chính. Điều này tránh sự đơn điệu cho kết cấu vòm chính và tạo ra các điểm nhấn về du lịch và cảnh quan; Bố trí bổ sung các sảnh ngắm cảnh dành cho bộ hành và hệ thống cây xanh; Bố trí hệ thống dây văng căng ngang phía trên vòm của nhịp chính và 02 nhịp biên để tăng không gian khi dòng phương tiện di chuyển trên cầu. Đồng thời vào ban đêm hệ thống dây căng ngang với sự kết hợp của hệ thống đèn trang trí, để tạo nên điểm nhấn du lịch như một “bầu trời đầy sao”; Điều chỉnh chiều cao của vòm thép tại nhịp chính và các nhịp biên, để tạo ra sự hài hòa uốn lượn và tính liên tục, mềm mại của kết cấu; Khoảng thông thuyền phía dưới cầu, bố trí đảm bảo chiều cao tĩnh không đứng và tĩnh không ngang theo quy định sông cấp III.
Trong đó chiều cao tĩnh không được tính từ mực nước H5% có xét đến chiều cao sóng, chiều cao nước biển dâng do biến đổi khí hậu. Do đó giá trị mực nước H5% của cầu Cửa Lục 1 là 2,75m sẽ cao hơn giá trị mực nước áp dụng đối với cầu Bãi Cháy trước kia (H5% = 1,94m); Đề xuất các điểm nhấn đặc biệt về kiến trúc và cảnh quan tại khu vực hai đầu cầu, để du khách viếng thăm vịnh Cửa Lục và thành phố Hạ Long, đồng thời thu hút các nhà đầu tư tiềm năng phát triển khu vực.
Cầu Cửa Lục 3 khởi công tháng 10/2020, có tổng chiều dài 2.847m, gồm đường dẫn và cầu, điểm đầu đấu nối tuyến đường trục chính Khu đô thị FLC tại phường Hà Khánh; điểm cuối giao với Quốc lộ 279, thuộc địa phận xã Thống Nhất, TP Hạ Long.
Cầu Cửa Lục 3 được bố trí thêm 02 vòm thép cùng dây văng tại vị trí sảnh ngắm cảnh và nằm “nghiêng cách điệu” bố trí so le hai bên của nhịp dẫn. Điều này tránh sự đơn điệu cho kết cấu vòm chính và tạo ra các điểm nhấn về du lịch và cảnh quan; Điều chỉnh chiều cao của vòm thép tại nhịp chính (chiều cao 40m – tính từ mặt cầu đến đỉnh của vòm thép) để tạo nên điểm nhấn với hình tượng mặt trời trên vịnh Cửa Lục.
Khoảng thông thuyền phía dưới cầu, bố trí đảm bảo chiều cao tĩnh không đứng và tĩnh không ngang theo quy định sông cấp III. Trong đó chiều cao tĩnh không được tính từ mực nước H5% có xét đến chiều cao sóng, chiều cao nước biển dâng do biến đổi khí hậu. Do đó, giá trị mực nước H5% của cầu Cửa Lục 3 là 2,82m sẽ cao hơn giá trị mực nước áp dụng đối với cầu Bãi Cháy trước kia (H5% = 1,94m).
Đến thời điểm ngày 8/10/2021, cầu Cửa Lục 1 có tiến độ thi công đạt 79%, dự kiến hoàn thành kết cấu chính toàn cầu ngày 25/10/2021; hoàn thành thảm bê tông nhựa ngày 4/12/2021; hoàn thành hệ thống chiếu sáng, mỹ thuật ngày 10/12/2021 và hoàn thiện cầu bàn giao sử dụng ngày 14/12/2021, dược đánh giá là đảm bảo hoàn thành theo tiến độ đã cam kết với chủ đầu tư cũng như chiến dịch 100 ngày đêm hoàn thành dự án của tỉnh Quảng Ninh.
Cầu Cửa Lục 3, tiến độ thi công đạt 26,3%, trong đó tiến độ thi công phần cầu chính, cầu dẫn phía Hạ Long đang đảm bảo yêu cầu của chủ đầu tư, dự kiến tháng 3/2022 sẽ hợp long cầu chính.
Theo Ban Quản lý dự án ĐTXD các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Quảng Ninh, chủ đầu tư đã tổ chức họp, yêu cầu nhà thầu xây dựng tiến độ cụ thể, chi tiết cho từng hạng mục; trong đó bao gồm việc lập biểu đồ tiến độ thực tế tại công trường, bổ sung nhân lực, thiết bị, duy trì chế độ báo cáo theo ngày, bám sát vào kế hoạch tổng thể... Chủ đầu tư cũng tích cực tập trung tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, tồn tại đối với từng hạng mục đảm bảo hoàn thành các mốc thời gian đã hoạch định.