Song thực tế cho thấy doanh nghiệp khó có thể tiếp cận được nguồn vốn tín dụng, cũng như khả năng hấp thụ dòng vốn này của nền kinh tế ở mức độ nào.
Phóng viên: - Hiện một số NH lớn đã giảm lãi suất huy động lẫn cho vay. Khả năng các doanh nghiệp tiếp cận dòng vốn này để phục hồi ra sao, thưa ông?
Ông Phan Lê Thành Long: - Việc một số NH tiến hành giảm nhẹ lãi suất, tôi nhận thấy có mấy vấn đề cần lưu ý. Thứ nhất, lãi suất cho vay có thực sự giảm và sẽ giảm bao nhiêu khi lãi suất huy động giảm, đây là điều đến nay vẫn chưa rõ. Trên lý thuyết, lãi huy động giảm có thể làm cơ sở để lãi cho vay giảm.
Song thực tế, lãi cho vay không phụ thuộc quá nhiều vào lãi suất huy động, mà phụ thuộc vào yếu tố rủi ro của doanh nghiệp. Có nghĩa, khi cho vay từng đối tượng doanh nghiệp cụ thể, các NHTM sẽ chấm điểm tín dụng. Theo đó, nếu doanh nghiệp có rủi ro cao, lãi suất cho vay sẽ không giảm. Nhìn vào bức tranh kinh tế và doanh nghiệp hiện nay, tôi cho rằng “sức khỏe” của các doanh nghiệp chưa ổn định, vẫn nhiều khó khăn, nên theo đánh giá sẽ có nhiều rủi ro hơn.
Thứ hai, vốn tín dụng về cơ bản cũng là một loại hàng hóa, có lượng và giá. Doanh nghiệp muốn tăng vốn tín dụng, tức tăng đi vay thì lãi suất cho vay giảm, giá giảm. Nhưng điều này chỉ là một phần của câu chuyện. Phần quan trọng nhất là lượng có thực sự tăng phải do nhu cầu thực về vốn tín dụng của chính doanh nghiệp.
Chúng ta thấy lãi suất cho vay giảm sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp nâng phần lượng - tức khả năng tiếp cận vốn tín dụng dễ dàng và chi phí thấp hơn, nhưng điều này phụ thuộc rất nhiều vào việc doanh nghiệp có làm ăn hiệu quả, có đầu ra cho sản xuất và có nhu cầu mở rộng quy mô đầu tư sản xuất hay không, từ đó mới có nhu cầu về vay vốn tín dụng hay không.
Bởi khi doanh nghiệp có nhu cầu về vốn tín dụng sẽ đòi hỏi dòng tiền trong nền kinh tế phải quay vòng liên tục. Khi đó, vốn tín dụng NH bơm ra thị trường mới đem lại hiệu quả và có ý nghĩa, mới đúng và trúng.
Soi vào thực tế, tôi cho rằng điều này vẫn còn hạn chế do nhu cầu đơn hàng xuất khẩu sụt giảm mạnh, nền kinh tế các quốc gia là thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam, như Mỹ hay EU, đến nay khả năng phục hồi kinh tế và nhu cầu nhập khẩu đơn hàng của họ cũng chưa được cải thiện nhiều.
Cộng hưởng với đó là tình hình thực tế của kinh tế trong nước. Nếu kinh tế trong nước có phục hồi, nhu cầu vay vốn tín dụng của doanh nghiệp mới tăng. Còn trong bối cảnh kinh tế phục hồi chậm chạp, sản xuất vẫn gặp nhiều khó khăn như hiện nay, nhu cầu về vốn vay sẽ thấp, do đó việc giảm lãi suất cũng không thực sự mang nhiều ý nghĩa như kỳ vọng.
Phóng viên: - Khả năng giảm lãi suất của các NH sẽ kéo dài bao lâu và thời gian tới liệu sẽ có sự đảo chiều, thưa ông?
Ông Phan Lê Thành Long: - Căn cứ vào lãi suất điều hành của NHNN, năm 2024 sẽ không còn có nhiều dư địa để các NHTM tiếp tục giảm lãi suất, vì có thể nói hiện đã đi vào “vùng đáy”. Về việc lãi suất thấp kéo dài trong bao lâu phụ thuộc vào nhiều yếu tố cả bên trong lẫn bên ngoài.
Yếu tố bên trong là nếu tình hình phục hồi kinh tế diễn biến tốt, xuất nhập khẩu được cải thiện, lạm phát xuống thấp, có thể làm gia tăng nhu cầu vay vốn và tạo ra áp lực làm lãi suất tăng trở lại. Yếu tố bên ngoài là chính sách lãi suất của các NHTW sẽ có sự điều chỉnh theo bối cảnh cụ thể của các diễn biến kinh tế. Đặc biệt, việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) thực thi chính sách tiền tệ ra sao sẽ có ảnh hưởng trực tiếp các nền kinh tế, trong đó có Việt Nam.
Về việc mặt bằng lãi suất trong nước có còn dư địa để giảm tiếp, tôi cho rằng là khó. Bởi lẽ, NHNN khó điều chỉnh đi “ngược dòng” với thế giới, nhất là trong bối cảnh lạm phát của Mỹ gia tăng trở lại, Fed đang cân nhắc việc có giảm lãi suất hay không.
Thực tế cho thấy, khoảng cách chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và Việt Nam thời gian qua đang hút lượng lớn dòng tiền từ Việt Nam sang thị trường Mỹ - nơi có lãi suất cao hơn. Cụ thể, trong năm 2023 thị trường chứng khoán Việt Nam đã chứng kiến các nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 1 tỷ USD do sự chênh lệch lãi suất.
Về ý kiến lãi suất có thể “đảo chiều” để bật tăng trở lại, tôi cho rằng điều này cũng khó xảy ra. Chính phủ đã đặt mục tiêu rất rõ ràng và chỉ đạo quyết liệt năm nay bằng mọi giá hỗ trợ cho tăng trưởng, phát triển kinh tế, do đó tăng lãi suất sẽ không phải là phương án được tính đến.
Phóng viên: - Một vấn đề được đề cập đến khá nhiều trong thời gian qua là khả năng hấp thụ vốn tín dụng của nền kinh tế hiện nay, thưa ông?
Ông Phan Lê Thành Long: - Hiện tại tổng cầu nền kinh tế đang suy giảm, thu nhập và sức mua từ người dân đang rất yếu. Do đó, khả năng hấp thụ vốn tín dụng của doanh nghiệp hiện vẫn rất yếu. Các NH cũng muốn tăng trưởng tín dụng cao, nhưng để tăng trưởng bền vững, tạo ra công ăn việc làm, doanh nghiệp tạo ra giá trị và có lợi nhuận, xuất khẩu tăng trưởng trở lại, cần phải có sự tăng trưởng tín dụng một cách thực chất.
Nghĩa là, tăng trưởng tín dụng phải đi vào các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng vốn cho các hoạt động sản xuất ra hàng hóa, xuất khẩu, cung cấp các dịch vụ như du lịch, lưu trú, ăn uống. Chỉ khi đó giá trị của tăng trưởng tín dụng mới phản ánh vào nền kinh tế, từ đó phản ánh trên thị trường tài chính.
Tôi cho rằng trong 6 tháng đầu năm 2024, tình hình kinh tế nói chung và tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nói riêng, sẽ vẫn còn gặp nhiều khó khăn, khi nền kinh tế vẫn chưa phục hồi hoàn toàn.
- Xin cảm ơn ông!
Nhìn vào bức tranh kinh tế và bức tranh doanh nghiệp hiện nay, “sức khỏe” của các doanh nghiệp vẫn chưa ổn định, có nghĩa khả năng giảm lãi suất cho vay đối với từng đối tượng doanh nghiệp cụ thể rất khó xảy ra.
Nguồn: https://dttc.sggp.org.vn