Việc lập chương trình điều chỉnh phát triển sẽ tạo cơ sở cho việc đầu tư phát triển triển kết cấu hạ tầng đô thị, tổ chức sắp xếp và quản lý đô thị.
Nhiều yếu kém, hạn chế trong phát triển đô thị
Năm 2014, UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt Chương trình Phát triển đô thị tỉnh Đồng Nai giai đoạn đến năm 2020 và giai đoạn 2021 - 2030. Trải qua hơn 9 năm thực hiện, quá trình phát triển các đô thị trên địa bàn tỉnh đã có những kết quả đáng ghi nhận. Đồng Nai đã hình thành 11 đô thị. Tuy nhiên, quá trình phát triển đô thị trong hơn 9 năm qua đã bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém.
Cuối năm 2015, Thủ tướng Chính phủ có quyết định công nhận thành phố Biên Hòa, đô thị trung tâm của tỉnh là đô thị loại I. Thế nhưng, gần 10 năm sau ngày được công nhận, đến nay, một số tiêu chí của đô thị loại I TP Biên Hòa vẫn chưa hoàn thành được. Không những vậy, những hạn chế trong phát triển hạ tầng đô thị của thành phố lại ngày càng được bộc lộ rõ nét hơn. Tình trạng kẹt xe, ngập nước dù đã được nỗ lực khắc phục nhưng diễn ra ngày càng trầm trọng.
Chủ tịch UBND TP Biên Hòa Đỗ Khôi Nguyên cho biết, đến nay, các chỉ tiêu đất công cộng, cây xanh đô thị, bãi xe tập trung… của thành phố Biên Hòa vẫn chưa đạt so với quy định về đô thị loại I. Thực tế, việc các tiêu chí, nhất là các tiêu chí về hạ tầng đô thị chưa đáp ứng nhu cầu của người dân đang là tình trạng chung của hầu hết các đô thị trên địa bàn tỉnh.
Theo Sở Xây dựng, bên cạnh những kết quả đã đạt được, phát triển đô thị của Đồng Nai trong thời gian qua cũng phản ánh sự yếu kém, hạn chế trong quá trình phát triển cũng như quản lý đô thị. Những hạn chế, yếu kém này được bộc lộ từ khâu quy hoạch phát triển đô thị đến quản lý. Công tác đầu tư, thực thi quy hoạch và quản lý phát triển đô thị có nhiều điểm bất cập như: về mô hình phát triển, các hướng phát triển đô thị; quy hoạch sử dụng đất, phân khu chức năng; giao thông, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội...
Mặt khác, kết cấu hạ tầng đô thị cũng chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội và đời sống của nhân dân. Các chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm ngập nước, giảm ô nhiễm môi trường dù đã được đề ra và triển khai thực hiện nhưng lại chưa mang lại kết quả rõ rệt.
Đặc biệt, công tác quản lý quy hoạch tại các đô thị còn hạn chế. “Việc quản lý quy hoạch, chọn mũi đột phá, kết hợp chỉnh trang khu nội thành hiện hữu với phát triển các đô thị mới theo các trung tâm chưa chặt chẽ, hợp lý. Nhiều dự án khu dân cư, khu đô thị được xây dựng lên nhưng không thu hút được dân cư đến sinh sống và làm việc, do việc đầu tư cơ sở hạ tầng xã hội, tiện ích xã hội còn yếu kém” - Phó giám đốc Sở Xây dựng Huỳnh Tấn Lộc cho biết.
Điều chỉnh để tạo “làn gió mới” trong phát triển đô thị
Tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức phê duyệt Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, lĩnh vực phát triển đô thị của tỉnh đã có nhiều định hướng mới được xác định.
Đối với hệ thống đô thị, quy hoạch xác định đến năm 2030, Đồng Nai sẽ có 19 đô thị, bao gồm 1 đô thị loại I (TP Biên Hòa); 2 đô thị loại II (TP Long Khánh và đô thị Nhơn Trạch); 1 đô thị loại III (Long Thành); 7 đô thị loại IV và 8 đô thị loại V.
Giai đoạn 2030 - 2050, Đồng Nai có 26 đô thị, bao gồm 3 đô thị loại I (TP Biên Hòa, TP Long Khánh và đô thị Nhơn Trạch); 1 đô thị loại II (TP Long Thành); 1 đô thị loại III (TP Trảng Bom); 7 đô thị loại IV và 14 đô thị loại V.
Cùng với đó, một số đô thị quan trọng của tỉnh cũng có sự thay đổi lớn về tính chất. Trong đó, khu vực đô thị sân bay Long Thành sẽ phát triển khu đô thị tại phía Tây Nam Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Đồng thời, phát triển các khu cụm công nghiệp, logistics phía Đông Nam, liên kết với hệ thống công nghiệp - dịch vụ hậu cần cảng biển Cái Mép - Thị Vải; phát triển chuỗi đô thị - công nghiệp - dịch vụ theo trục đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, quốc lộ 51…
Đối với đô thị Nhơn Trạch sẽ phát triển chuỗi đô thị - dịch vụ - công nghiệp công nghệ cao, kết nối đồng bộ về cơ sở hạ tầng, dịch vụ logistics với hệ thống cảng biển Cái Mép - Thị Vải, cảng biển Phước An, trung tâm TP.HCM. Phát triển tuyến dịch vụ - du lịch kết nối Cảng hàng không quốc tế Long Thành với khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ.
Tại huyện Cẩm Mỹ sẽ phát triển khu đô thị - công nghiệp - dịch vụ Sông Nhạn tại cửa ngõ phía Đông Bắc Sân bay Long Thành.
Trong khi đó, đô thị Trảng Bom được định hướng nâng cấp toàn huyện lên thành phố. Đô thị Thống Nhất sẽ giữ vị trí đầu mối giao thông quan trọng của vùng Đông Nam Bộ.
Đặc biệt, khu vực hành lang sông Đồng Nai cũng được định hướng mô hình phát triển dịch vụ, đô thị, du lịch sinh thái có chọn lọc. Liên kết hài hòa tuyến cảnh quan ven sông với tuyến TOD liên đô thị. Phát triển giao thông đường thủy phục vụ du lịch và dân dụng, cùng các hoạt động vui chơi giải trí nước đa dạng.
Theo ông Huỳnh Tấn Lộc, chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh đã được duyệt từ năm 2014 được lập trên cơ sở quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Đồng Nai. Hiện nay, hồ sơ quy hoạch tỉnh là căn cứ pháp lý mới, các nội dung định hướng đều thay đổi cả về hệ thống đô thị, quy mô và tính chất... Vì vậy, việc lập điều chỉnh chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh đến năm 2030 là cần thiết và phù hợp với quy định pháp luật.
Nguồn: Báo Đồng Nai