Ngày 21/11, Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội phối hợp với Tạp chí Cộng sản tổ chức Hội thảo khoa học “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn trong xây dựng và thực hiện Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Theo báo cáo đề dẫn tại Hội thảo, dự thảo Quy hoạch Thủ đô Hà Nội nêu 5 quan điểm phát triển, 8 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá và 2 ưu tiên thực hiện (vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường và cải tạo, chỉnh sang, tái thiết đô thị…).
Thủ đô Hà Nội được nghiên cứu tổ chức thành 5 vùng phát triển kinh tế - xã hội, 5 không gian chú trọng phát triển (không gian văn hoá, không gian xây dựng, không gian ngầm, không gian xanh, không gian số), các định hướng quy hoạch các ngành, lĩnh vực, địa bàn được tập trung theo 5 tuyến hành lang và vành đai kinh tế, gắn với 5 trục phát triển, cùng với hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ (hệ thống đường vành đai và đường sắt đô thị); đồng thời nghiên cứu hình thành 2 thành phố trực thuộc Thủ đô, tạo nên hình ảnh Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại - Kết nối toàn cầu với những đặc trưng về kinh tế - xã hội phát triển, văn hoá, đặc sắc, môi trường xanh, trong lành, người dân được thụ hưởng cuộc sống có chất lượng tốt.
Các nội dung phương án quy hoạch Thủ đô tập trung xoay quanh 5 trụ cột phát triển: (1) Văn hoá, con người và di sản nghìn năm văn hiến; (2) Phát triển kinh tế xanh, kinh tế số; (3) Hạ tầng kết nối đồng bộ, hiện đại; (4) Xã hội số, đô thị thông minh; (5) Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Trên cơ sở đó, Hội thảo nhằm khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng của việc lập Quy hoạch Thủ đô; cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan và của Thành phố về lập Quy hoạch Thủ đô; sự tham gia lập Quy hoạch Thủ đô của cả hệ thống chính trị Thành phố.
Hội thảo cũng nhằm làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn trong xây dựng và thực hiện Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp với các định hướng quan trọng theo Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, đã tham luận, thảo luận về các nội dung: Tiêu chí, tiêu chuẩn quốc tế và khu vực trong huy động các nguồn lực phát triển nói chung, trong tổ chức thực hiện Quy hoạch Thủ đô nói riêng; các ưu tiên, đột phá trong Quy hoạch Thủ đô Hà Nội; các mô hình, ý tưởng phát triển đặc sắc, gắn với phát triển Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại - Thành phố kết nối toàn cầu.
Phát biểu kết luận Hội thảo, TS Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội đánh giá, Hội thảo đã được lắng nghe các ý kiến đóng góp, gợi mở nhiều giải pháp cho Hà Nội trên con đường đi vào hiện đại, trong xu hướng toàn cầu hoá và hội nhập.
Trên cơ sở các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, Ban tổ chức sẽ hoàn thiện nội dung, phát hành sách trên cơ sở Kỷ yếu Hội thảo, là một tài liệu quan trọng đối với công tác lập Quy hoạch Thủ đô mà Thành phố đang triển khai thực hiện, cũng như việc xây dựng và phát triển Thủ đô trong tương lai.
Cũng theo TS Nguyễn Văn Phong, TP Hà Nội sẽ tiếp thu một cách nghiêm túc các giải pháp, kiến nghị của các nhà khoa học để bổ sung và cụ thể hoá vào các chương trình, kế hoạch, đặc biệt là đối với việc hoàn thiện Báo cáo tổng hợp Quy hoạch Thủ đô đang trong giai đoạn nước rút, cần lấy ý kiến rộng rãi của chuyên gia, nhà khoa học, các cấp, Bộ, ngành và quần chúng nhân dân để hoàn thiện sản phẩm Quy hoạch tích hợp đầu tiên của Thủ đô.
Trong năm 2023, TP Hà Nội triển khai đồng thời 3 nhiệm vụ quan trọng đó là: Xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), lập Quy hoạch Thủ đô, Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Đây là cơ hội quan trọng để Hà Nội nhìn nhận, đánh giá một cách tổng thể, toàn diện, chuẩn bị các luận cứ khoa học và thực tiễn xây dựng thể chế, chính sách phát triển, định vị các không gian phát triển, huy động các giá trị và nguồn lực để xây dựng, phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.