Làm rõ hơn phạm vi, đối tượng áp dụng của dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn

20:02 22/09/2023
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị chỉ đạo Ban soạn thảo dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, tập trung làm rõ hơn phạm vi, đối tượng áp dụng của dự thảo Luật; mạnh dạn đề xuất nội dung đổi mới, phân cấp, cải cách thủ tục hành chính…

Tăng cường phân cấp cho cơ quan cấp tỉnh

Sáng 22/9, tại cơ quan Bộ Xây dựng đã diễn ra cuộc họp Ban soạn thảo và Tổ biên tập dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị - Trưởng Ban soạn thảo chủ trì cuộc họp.

Tại cuộc họp, ông Vũ Anh Tú - Phó Vụ trưởng Vụ Quy hoạch - kiến trúc, Phó Tổ trưởng Tổ biên tập cho biết, dự thảo Luật xây dựng trên cơ sở 3 nhóm chính sách đã được Chính phủ và Quốc hội thông qua như: Hoàn thiện các quy định về hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn; Hoàn thiện các quy định về lập, thẩm định, phê duyệt, rà soát và điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn; Hoàn thiện các quy định về lựa chọn tổ chức tư vấn lập quy hoạch, nguồn kinh phí và các quy định có liên quan khác nhằm nâng cấp tính khả thi của quy hoạch đô thị và nông thôn, quyền được tiếp cận thông tin về quy hoạch đô thị và nông thôn.

Ảnh minh họa. Nguồn: ITN.

Cấu trúc của dự thảo Luật được thiết kế theo 5 Chương, 60 Điều với nhiều nội dung đổi mới như: Sắp xếp, quy định rõ về các loại hình, cấp độ quy hoạch đô thị - nông thôn; chú trọng rút ngắn số lượng các cấp độ quy hoạch trong một số trường hợp; quy định thống nhất, đồng bộ về kinh phí lập quy hoạch theo từng cấp độ giữa các loại hình quy hoạch; trách nhiệm quản lý kinh phí lập quy hoạch; nguồn lực hỗ trợ và sử dụng nguồn lực hỗ trợ hoạt động quy hoạch.

Quy định rõ hoạt động do Nhà nước thực hiện, hoạt động được Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư, hỗ trợ; quy định nội dung hợp tác quốc tế;

Đặc biệt, dự thảo Luật quy định tăng cường phân cấp cho cơ quan cấp tỉnh trong tổ chức lập quy hoạch chung đô thị mới và quy định cụ thể đối với việc tổ chức lập quy hoạch phục vụ đấu giá, đầu thầu lựa chọn nhà đầu tư;

Bổ sung, hoàn thiện quy định về yêu cầu nội dung lập nhiệm vụ, đồ án theo từng loại hình, cấp độ quy hoạch; bổ sung quy định về đồ án quy hoạch không gian ngầm đô thị, bảo vệ môi trường;

Quy định cụ thể hơn về đối tượng lấy ý kiến, thời gian lấy ý kiến, nội dung lấy ý kiến đối với từng loại hình, cấp độ quy hoạch; quy định rõ hơn về thành phần, trách nhiệm của Hội đồng thẩm định.

Dự thảo Luật cũng tăng cường phân cấp cho UBND cấp tỉnh thực hiện phê duyệt quy hoạch chung đô thị mới; hoàn thiện quy định về việc thông qua HĐND, lấy ý kiến của cơ quan chuyên môn cấp trên đối với đồ án quy hoạch trước khi cấp có thẩm quyền phê duyệt;

Bổ sung, hoàn thiện các quy định về rà soát quy hoạch, điều kiện điều chỉnh quy hoạch; các loại điều chỉnh quy hoạch đô thị - nông thôn và nguyên tắc điều chỉnh; trình tự điều chỉnh quy hoạch; thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch; bổ sung quy định về quản lý nhà nước và trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước tại Trung ương và địa phương.

Làm rõ mối quan hệ của các loại quy hoạch

Tại cuộc họp, đại diện Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành, hội nghề nghiệp và đại diện các địa phương là thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập cùng các chuyên gia tập trung thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến về cấu trúc dự thảo Luật, quy định chuyển tiếp trong dự thảo Luật, các vấn đề cần tổ chức lấy ý kiến rộng rãi; các nội dung khác liên quan đến công tác thẩm định, thẩm tra và ban hành.

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam phát biểu tại cuộc họp.

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, cần làm rõ hơn các định nghĩa, khái niệm cũng như các thuật ngữ trong dự thảo Luật để sát với thực tiễn đời sống, giúp người dân có thể hiểu đúng và đầy đủ về Luật.

Đặc biệt, cần chú ý làm rõ cấu trúc hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn, mối quan hệ giữa quy hoạch đô thị với quy hoạch vùng, nhất là các nội dung liên quan đến quy hoạch không gian ngầm đô thị, gắn quy hoạch các đô thị với các cấp chính quyền.

Ông Ngô Trung Hải - thành viên Ban soạn thảo và Tổ biên tập cho rằng, Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 chính là kim chỉ nam cho dự thảo Luật, cần bám sát để tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị.  

Đồng thời, cần tăng cường công tác quản lý nhà nước cùng các thể chế, chính sách, linh hoạt theo cơ chế thị trường và sáng tạo cho các nhà đầu tư, giảm bớt thủ tục hành chính, rút gọn những nội dung chồng chéo hoặc không cần thiết.

Nhấn mạnh sự cần thiết đổi mới tư duy, phương pháp quy hoạch trong dự thảo Luật, bà Phạm Thúy Hạnh - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ đề nghị dự thảo Luật làm rõ mối quan hệ của các loại quy hoạch, vì thực tế có cùng 1 chủ thể quản lý nhưng lại có nhiều loại, cấp độ quy hoạch khác nhau. 

Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu, thành viên Ban soạn thảo đối với dự thảo Luật; đồng thời yêu cầu Tổ biên tập tổng hợp đầy đủ.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị chỉ đạo, trong quá trình xây dựng dự thảo Luật, Ban soạn thảo, Tổ biên tập cần bám sát các chủ trương, nghị quyết của Đảng, Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo phù hợp Hiến pháp, tuân thủ Luật Ban hành VBQPPL và các quy định pháp luật hiện hành.

Tập trung làm rõ hơn phạm vi, đối tượng áp dụng của dự thảo Luật. Rà soát lại những nội dung bị chồng chéo, trùng lặp và mạnh dạn đề xuất nội dung đổi mới, phân cấp, cải cách thủ tục hành chính; đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, minh bạch, khả thi, lấy quyền, lợi ích chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm giúp khơi thông nguồn lực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; thể hiện rõ luật chuyên ngành, dễ hiểu, dễ áp dụng, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước.

Bình luận