Chiều 10/12, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng đã tổ chức buổi làm việc về Đề án đề nghị công nhận TP Hoà Bình là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Hoà Bình. Buổi làm việc diễn ra sau chuyến khảo sát thực tế phát triển đô thị TP Hòa Bình của đoàn khảo sát liên ngành, do Bộ Xây dựng chủ trì.
Dự buổi làm việc có Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Việt Hùng; ông Nguyễn Văn Chương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoà Bình, cùng thành viên đoàn khảo sát.
Báo cáo tại buổi làm việc cho thấy, phạm vi lập Đề án bao gồm toàn bộ địa giới hành chính TP Hòa Bình với 19 đơn vị hành chính (12 phường và 7 xã), diện tích 348,65 km2.
Phạm vi cụ thể khu vực lập Đề án được giới hạn như sau: Phía Bắc giáp huyện Ba Vì và huyện Thạch Thất, TP Hà Nội; phía Nam giáp huyện Cao Phong và huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình; phía Đông giáp huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình; phía Tây giáp huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ và huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình.
Kết quả phân loại đô thị TP Hòa Bình (do địa phương tự đánh giá) đã đạt 5/5 tiêu chí, 57/63 tiêu chuẩn, tổng số điểm đạt 84,63 điểm (quy định tối thiều là 75 điểm) đảm bảo theo quy định tiêu chí đô thị loại II tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị.
Ngoài ra có 06 tiêu chuẩn chưa đạt, gồm: (1) Tỷ lệ đất giao thông so với đất xây dựng đô thị; (2) Mật độ đường giao thông đô thị; (3) Tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật; (4) Đất cây xanh sử dụng công cộng khu vực nội thành; (5) Công trình xanh; (6) Khu chức năng đô thị, khu đô thị mới được quy hoạch, thiết kế theo mô hình xanh, ứng dụng công nghệ cao, thông minh.
Sau khi khảo sát thực tế, các thành viên đoàn công tác liên ngành đã đóng góp một số ý kiến để hoàn thiện hồ sơ Đề án.
Đại diện Vụ Quy hoạch Kiến trúc (Bộ Xây dựng) đề nghị Đề án cần nhấn mạnh quá trình phát triển của địa phương; làm rõ hơn vị trí TP Hòa Bình thuộc vùng Trung du và miền núi phía Bắc, cửa ngõ vùng Tây Bắc; thuyết minh rõ nét hơn về bản sắc văn hoá địa phương, cảnh quan thiên nhiên để phục vụ phát triển du lịch; đầu tư thêm nguồn lực phát triển vùng phía Bắc thành phố, vốn là khu vực miền núi gặp nhiều khó khăn.
Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) đánh giá địa phương có nhiều lợi thế về giao thông; tuy nhiên tỉ lệ đất giao thông và mật độ đường giao thông đô thị chưa đạt tiêu chuẩn đô thị loại II; bên cạnh thế mạnh về cấp nước, thì thoát nước lại là điểm yếu khi TP Hòa Bình chưa có hệ thống thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt.
Đại diện Bộ Nội vụ cho rằng, TP Hòa Bình có nhiều công trình điểm nhấn đô thị, nhất là ở khu vực trung tâm; tuy nhiên đối với khu vực ngoại thành dự kiến thành lập phường, cần quan tâm hơn đến công tác chỉnh trang đô thị; chức năng đô thị cấp vùng về kinh tế, tài chính chưa rõ nét; quy mô dân số khu vực nội thành tương đối lớn, tuy nhiên cần rà soát tỉ lệ lao động khu vực ngoại thành để đảm bảo hợp lý hơn; ngoài ra cần nhấn mạnh vai trò vị trí đô thị cấp vùng, cấp tỉnh, vùng Thủ đô.
Đại diện Bộ TN&MT đề nghị Đề án cần rà soát, chuẩn hóa các số liệu, hệ thống bản đồ, bảng biểu.
Ông Lê Hoàng Trung - Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) cho rằng, Đề án cần nhấn mạnh yếu tố lịch sử hình thành nhiều năm của đô thị TP Hòa Bình, với nhiều lần sáp nhập, chia tách; tính chất vùng cũng cần làm rõ hơn liên quan đến năng lượng, cấp nước, du lịch, bản sắc văn hoá địa phương…; cũng như làm rõ hơn việc đầu tư cho giao thông kết nối để tạo sức bật cho địa phương; tăng cường đầu tư các công trình thoát nước và xử lý nước thải; làm rõ hơn và xác thực các số liệu về môi trường đô thị, thu gom, xử lý nước thải, rác thải; định hướng xây dựng đô thị thích ứng với BĐKH…
Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Việt Hùng nhấn mạnh vị thế của TP Hòa Bình nằm trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc, được định hướng là đô thị trung tâm của tiểu vùng phía Bắc, cửa ngõ chuyển tiếp giữa vùng Thủ đô Hà Nội với vùng Trung du và miền núi phía Bắc, và đô thị thuộc vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ của vùng Trung du và miền núi phía Bắc, đô thị trung tâm của tiểu vùng Tây Bắc; được xác định có vai trò quan trọng trong vùng đô thị về cấp điện, cấp nước, điều tiết lũ bảo vệ khu vực đầu nguồn sông Đà và bảo tồn di sản thiên nhiên, trung tâm y tế, văn hóa, dịch vụ chất lượng cao phía Tây Nam của Thủ đô Hà Nội; có nhiều điều kiện để phát triển.
Để hoàn thiện hồ sơ Đề án, Thứ trưởng đề nghị UBND tỉnh Hòa Bình chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp thu đầy đủ ý kiến của các thành viên đoàn khảo sát liên ngành; rà soát, bổ sung các căn cứ chính trị, pháp lý quan trọng có liên quan; bổ sung làm rõ kết quả quá trình đầu tư phát triển đô thị theo các quy hoạch liên quan; bổ sung nội dung kết quả đầu tư phát triển đô thị và việc khắc phục các chỉ tiêu còn thiếu, còn yếu từ khi TP Hòa Bình được công nhận là đô thị loại III.
Bên cạnh đó, rà soát làm rõ, chịu trách nhiệm pháp lý về tính chính xác của các số liệu, hồ sơ Đề án, đảm bảo tính thống nhất, tương thích; chịu trách nhiệm về tính chính xác, phù hợp với quy định pháp luật về quy hoạch đô thị của các quy hoạch được duyệt làm căn cứ để lập Đề án.
Thứ trưởng cũng lưu ý địa phương cần xác thực các số liệu, bảng biểu từ các cơ quan chuyên môn có trách nhiệm; bổ sung thuyết minh về phương pháp tính, thống nhất giữa các số liệu trong các bảng biểu và số liệu trong phần thuyết minh; hoàn thiện hệ thống sơ đồ, bản vẽ theo quy định; hoàn thiện nội dung phim tư liệu đảm bảo đúng thực tế phát triển đô thị tại địa phương…
Đồng thời bổ sung các giải pháp khắc phục các chỉ tiêu còn thiếu, còn yếu hiện nay được nêu trong hồ sơ Đề án.