Làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các đơn vị trong nợ đọng xây dựng

11:26 10/08/2022
Làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các đơn vị liên quan trong việc để xảy ra nợ đọng xây dựng kéo dài, là một trong những chia sẻ, khuyến nghị của cơ quan chức năng Bộ Xây dựng tại buổi làm việc với Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam diễn ra chiều 9/8 tại Hà Nội.

Ghi nhận nỗ lực của các nhà thầu

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị chủ trì buổi làm việc với Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam, lắng nghe nguyện vọng, đề xuất của các doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường xây dựng đang gặp nhiều khó khăn.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định và ghi nhận những nỗ lực vượt bậc của các doanh nghiệp trong Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam - nơi tập trung đông nhất và cũng là nơi hội tụ nhiều nhất các nhà thầu xây dựng lớn nhất thị trường Việt Nam; các nhà thầu xây dựng đã góp phần đưa vị thế của ngành Xây dựng Việt Nam lên tầm cao mới, sánh ngang, thậm chí vượt hơn so với năng lực của các nhà thầu các quốc gia khu vực Đông Nam Á (ASEAN) với nhiều công trình lớn mang tầm cỡ thế giới.

Những năm gần đây, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tình hình địa chính trị toàn cầu, hầu hết hoạt động và kết quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, nhà thầu trên thế giới và trong nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng: giá vật liệu tăng cao, tiến độ công trình bị ảnh hưởng, nợ đọng trong xây dựng tiếp tục kéo dài, thiếu nhân lực ngành Xây dựng đặc biệt là nhân lực có tay nghề cao, các nhà thầu gặp rất nhiều khó khăn trong đàm phán, ký kết và thực hiện hợp đồng xây dựng…

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu tại Hội nghị.

Mặc dù Chính phủ, Bộ Xây dựng và các bộ ngành, UBND các địa phương đã có những động thái nhất định hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ các dự án, góp phần bình ổn giá vật liệu đầu vào, đặc biệt hỗ trợ cho các nhà thầu thực hiện hợp đồng đơn giá cố định, hợp đồng trọn gói... Tuy nhiên, dường như những động thái này chưa thực sự giải quyết được tận gốc vấn đề, những kỳ vọng tháo gỡ nút thắt của các nhà thầu.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị bày tỏ cảm thông sâu sắc với các nhà thầu, đồng thời đề nghị các cơ quan chuyên môn của Bộ Xây dựng tiếp tục tìm hiểu, rà soát để tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc của các nhà thầu trong phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng; phối hợp với các bộ, ngành liên quan, UBND các địa phương đang tập trung các dự án xây dựng lớn tìm cách tháo gỡ vướng mắc cho các nhà thầu.

Cũng tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị yêu cầu lãnh đạo chủ chốt các cơ quan chuyên môn của Bộ Xây dựng giải đáp ngay 4 nhóm vấn đề vướng mắc, bất cập cho các nhà thầu về Hợp đồng, đơn giá, định mức, thanh toán; PCCC; kiểm tra công tác nghiệm thu…

Làm rõ tình hình nợ đọng xây dựng

Hiện nay, pháp luật về xây dựng đã phân cấp rõ trách nhiệm của Bộ Xây dựng, các bộ quản lý chuyên ngành xây dựng, các địa phương, các chủ đầu tư và nhà thầu trong các khâu quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Nguyên nhân dẫn đến nợ đọng xây dựng có liên quan đến tất cả các bên, trong đó có thể xuất phát từ chính năng lực nội tại của nhà thầu.

Ông Đàm Đức Biên - Cục trưởng Cục Kinh tế xây dựng nhất trí với kiến nghị của Hiệp hội, cần làm rõ tình hình nợ đọng xây dựng trong thời gian vừa qua. Bộ Xây dựng không được giao theo dõi tình hình nợ đọng xây dựng, vấn đề này thuộc trách nhiệm của Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính. Đề nghị Hiệp hội kiến nghị Thủ tướng giao các cơ quan liên quan làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm, của các đơn vị liên quan trong vấn đề để xảy ra tình trạng nợ đọng xây dựng trong thời gian vừa qua.

Tuy nhiên, ông Đàm Đức Biên khuyến nghị Hiệp hội, nợ đọng có thể có nhiều nguyên nhân. Do đó, trước khi xem xét, đánh giá cụ thể vấn đề, bản thân nhà thầu phải tự đánh giá lại chính mình bởi một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng nợ đọng xây dựng có thể ở phía các nhà thầu, do nhà thầu chưa hoàn thiện hồ sơ, thủ tục theo quy định dẫn đến chưa đủ điều kiện thanh toán. Thậm chí, lúc thanh toán nhà thầu mới tập trung đi làm hồ sơ thanh toán, hồ sơ thiếu rất nhiều.

Ngoài ra, ông Đàm Đức Biên cũng lưu ý các nhà thầu, trong quá trình triển khai các dự án tiếp theo nên quan tâm xử lý ngay những vấn đề phát sinh về mặt thủ tục, trình tự trong quá trình triển khai, không dồn vào cuối kỳ khi thanh quyết toán mới làm dễ dẫn đến dây dưa, kéo dài.

Theo phân tích của ông Đàm Đức Biên, nợ đọng xây dựng có nhiều nguyên nhân. Ví dụ, có tình trạng nợ đọng do chủ đầu tư yêu cầu tiền bảo hành giữ lại là 5%. Pháp luật hiện nay có quy định ưu tiên bảo lãnh bằng hình thức bảo lãnh qua ngân hàng, do đó mặc dù có một số hợp đồng yêu cầu tiền giữ lại chưa thanh toán 5% nhưng cũng có nhà thầu có hình thức bảo lãnh khác để tránh bị giữ lại.

Còn đối với trường hợp nhà thầu bị tạm giữ 2% chờ quyết toán, trong các quy định về hợp đồng xây dựng không có quy định nào quy định giữ lại 2% chờ quyết toán.

Định lượng tiêu chí bất khả kháng, hoàn cảnh thay đổi cơ bản

Đối với các hợp đồng bị ảnh hưởng bởi Covid-19, biến động giá vật liệu xây dựng, nhiều nhà thầu kỳ vọng sẽ được Chính phủ xem xét thuộc trường hợp bất khả kháng theo quy định của Bộ luật Dân sự hiện hành, từ đó được điều chỉnh hợp đồng trọn gói, hợp đồng theo đơn giá cố định. Tuy nhiên, qua hoạt động rà soát, xem xét, dẫn chiếu các tiêu chí cũng như tham khảo thực tiễn trường hợp bất khả kháng trên thế giới của các cơ quan Bộ Xây dựng, thì các hợp đồng bị ảnh hưởn bởi Covid-19 và tình hình biến động giá vật liệu xây dựng tại Việt Nam ký trước cuối quý IV năm 2021 không đáp ứng.

Theo ông Đàm Đức Biên, các hợp đồng trọn gói, hợp đồng theo đơn giá cố định, sẽ bị ảnh hưởng chủ yếu là các hợp đồng ký từ cuối quý IV năm 2021 trở về trước, và một số hợp đồng quy mô nhỏ dưới 20 tỷ theo pháp luật về đấu thầu phải ký hợp đồng trọn gói. Ngoài ra, còn một số hợp đồng ký hợp đồng trọn gói, theo đơn giá cố định do các nguyên nhân khách quan phải kéo dài thời gian thực hiện dẫn đến tình trạng nhà thầu rơi vào giai đoạn giá vật liệu xây dựng tăng cao ảnh hưởng tới quá trình triển khai thực hiện hợp đồng.

Ông Đàm Đức Biên phân tích, pháp luật về hợp đồng, về đấu thầu quy định các hợp đồng trọn gói, hợp đồng theo đơn giá cố định không được phép điều chỉnh trong suốt quá trình triển khai thực hiện hợp đồng, chỉ được điều chỉnh trong 2 trường hợp: thứ nhất, trong trường hợp bất khả kháng, Bộ luật Dân sự cũng như pháp luật về đấu thầu, hợp đồng xây dựng đều quy định; thứ hai, khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản, gần tương tự như trường hợp bất khả kháng nhưng ở mức độ nhẹ hơn.

Trường hợp bất khả kháng quy định 3 tiêu chí: xảy ra một cách khách quan, không lường trước và các bên đã cố gắng khắc phục nhưng vẫn không khắc phục được.

Còn đối với trường hợp hoàn cảnh thay đổi cơ bản, mức độ thấp hơn: các bên chưa lường trước được các hoàn cảnh thay đổi khi ký hợp đồng, nếu lường trước được thì đã không xảy ra việc ký kết và các bên đã cố gắng làm bằng mọi cách để khắc phục nhưng không có cách nào giảm thiểu các thiệt hại.

Theo ông Đàm Đức Biên, qua rà soát, đánh giá, theo dõi cho thấy việc áp dụng biến động giá vật liệu xây dựng cũng như ảnh hưởng của dịch Covid-19 vào trường hợp bất khả kháng là chưa đủ cơ sở pháp lý. Tham khảo các trường hợp bất khả kháng trên thế giới cũng không đủ tiêu chí. Vì vậy, chỉ có thể áp dụng vào trường hợp hoàn cảnh thay đổi cơ bản.

Theo đó, trong thời gian vừa qua, Cục Kinh tế Xây dựng và các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng đã có tham mưu Bộ trưởng đưa vào là trường hợp được điều chỉnh trong quá trình nghiên cứu sửa đổi Nghị định sửa đổi các nghị định để trình Chính phủ. Tuy nhiên, trong quá trình thẩm định, Bộ Tư pháp có ý kiến, nội dung này không cần thiết đưa vào nghị định vì đã có quy định trong Bộ luật Dân sự.

"Chúng tôi đang đề xuất Bộ trưởng báo cáo Chính phủ giao Bộ Tư pháp chủ trì nghiên cứu làm sao để định lượng tiêu chí bất khả kháng, tiêu chí hoàn cảnh thay đổi cơ bản"- ông Đàm Đức Biên cho biết.

Bình luận