Làm rõ sự cần thiết ban hành chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia

14:54 20/08/2024
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị làm rõ sự cần thiết ban hành chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia, lý giải việc không ban hành chiến lược quy chuẩn…
Làm rõ sự cần thiết ban hành chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia
Ảnh minh hoạ. Nguồn: ITN.

Sáng 20/8, UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật.  

Thừa nhận đơn phương kết quả đánh giá sự phù hợp

Thay mặt cơ quan thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT Lê Quang Huy đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là Chỉ thị số 38-CT/TW để thể hiện trong dự thảo Luật; đề nghị sửa đổi các quy định trong các luật khác có liên quan; đối chiếu với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên để bảo đảm tính tương thích.

Nêu rõ 12 vấn đề trong Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT Lê Quang Huy cho biết, về minh bạch hóa và hoạt động thông báo, hỏi đáp về hàng rào kỹ thuật trong thương mại, đề nghị cụ thể hoá trong các văn bản hướng dẫn Luật về trách nhiệm của các chủ thể có liên quan trong minh bạch hóa, hoạt động phải thực hiện và điều kiện để bảo đảm minh bạch hóa.

Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT Lê Quang Huy. Ảnh: quochoi.vn.

Đáng chú ý, về đánh giá sự phù hợp, công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy, dự thảo Luật đã sửa đổi các quy định về hoạt động đánh giá sự phù hợp để đáp ứng yêu cầu minh bạch hóa trong thực thi các Hiệp định FTA. Tuy nhiên, dự thảo Luật cần nghiên cứu, bổ sung quy định về điều kiện hoạt động của tổ chức đánh giá sự phù hợp để bảo đảm tính cạnh tranh, khách quan và hiệu quả của hoạt động này, đặc biệt là hoạt động chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy.

Dự thảo Luật quy định thừa nhận đơn phương kết quả đánh giá sự phù hợp của các tổ chức quốc tế, nước ngoài là giải pháp tối ưu, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu của doanh nghiệp trong tình hình hiện nay đối với một số lĩnh vực công nghệ mới nổi mà nguồn lực trong nước chưa thể đáp ứng nhu cầu thị thường, thúc đẩy xã hội hoá hoạt động thử nghiệm, chứng nhận, giám định, phù hợp thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, đây là quy định mới, cần được quy định cụ thể để hướng dẫn Bộ, ngành thực hiện việc thừa nhận đơn phương kết quả đánh giá sự phù hợp phục vụ hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước.

Về việc công bố hợp chuẩn, hợp quy, dự thảo Luật đã bổ sung quy định thử nghiệm phục vụ chứng nhận của tổ chức chứng nhận; tự đánh giá sự phù hợp của tổ chức, cá nhân được thực hiện tại tổ chức thử nghiệm được chỉ định hoặc kết quả thử nghiệm được thừa nhận; bổ sung thêm 01 biện pháp công bố hợp quy dựa trên kết quả chứng nhận được thừa nhận (Điều 57)… Việc điều chỉnh, bổ sung này phù hợp với cam kết minh bạch hóa tại các FTA mà Việt Nam là thành viên, đáp ứng yêu cầu thực tiễn quản lý.

Về xây dựng, thẩm định, công bố và áp dụng tiêu chuẩn quốc gia, dự thảo Luật đã sửa đổi quy định nhằm khắc phục một số bất cập trong xây dựng, thẩm định, công bố, thông báo, áp dụng tiêu chuẩn.

Tuy nhiên, đề nghị nghiên cứu, rà soát, bổ sung quy định về quy trình xây dựng TCVN; quy định rõ ràng hơn về sự tham gia của tổ chức, cá nhân trong xây dựng TCVN; bổ sung quy định tiêu chí, điều kiện, trách nhiệm để các tổ chức, cá nhân liên quan được tham gia vào xây dựng TCVN; cân nhắc việc quy định về áp dụng TCVN tại khoản 4 nhằm đảm bảo rõ ràng, minh bạch và đúng quy định pháp luật…

Từng bước hoàn thiện chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên UBTVQH đã tập trung thảo luận về 6 nhóm chính sách và 4 vấn đề chung do Chính phủ trình; 12 vấn đề cụ thể do Ủy ban KHCN&MT nêu trong Báo cáo thẩm tra…

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh. Ảnh: quochoi.vn.

Đề cập về chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia (Điều 8a), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho rằng, chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia là một nội dung mới, quan trọng. Theo Tờ trình của Chính phủ, báo cáo tổng kết thi hành Luật về tiêu chuẩn hóa quốc tế có giá trị chiến lược trong chính sách kinh tế của mỗi quốc gia. Còn tại Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) năm 2018, Tiểu ban tiêu chuẩn đánh giá sự phù hợp khuyến khích các quốc gia thành viên xây dựng chiến lược tiêu chuẩn hóa.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hoạt động xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam thời gian qua chưa được hoạch định và thực hiện một cách tổng thể, đủ tầm chiến lược. Các Bộ, ngành xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam theo cách thiếu đâu bù đó, dẫn đến tình trạng một số Bộ, ngành đưa ra kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn Việt Nam bổ sung nhiều hơn kế hoạch tiêu chuẩn Việt Nam hằng năm; đôi khi giữa các Bộ, ngành còn chồng chéo, trùng đối tượng tiêu chuẩn, quy chuẩn…

Từ đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị làm rõ sự cần thiết ban hành chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia và lý giải việc không ban hành chiến lược quy chuẩn, bởi trong dự án Luật có xây dựng chiến lược về tiêu chuẩn hóa nhưng chiến lược về quy chuẩn thì không đặt ra.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. Ảnh: quochoi.vn.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh khẳng định, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có ý nghĩa rất quan trọng trong việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế phục vụ cho nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật phải góp phần nâng cao sức cạnh tranh, tham gia vào hội nhập kinh tế, tham gia vào các Hiệp định FTA.

Tuy nhiên, hiện nay, nhiều doanh nghiệp có phản ánh, một số tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam vẫn còn những quy định thiếu thống nhất dẫn đến việc triển khai có vướng mắc nhất định. Đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật cần tiếp tục nghiên cứu, xem xét bất cập này để có những sửa đổi kịp thời.

Ngoài ra, việc xây dựng các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam cũng phải phù hợp và dựa theo tiêu chuẩn quốc tế, tránh việc xây dựng tốn kém về kinh phí và không thể áp dụng hiệu quả.

Bình luận