Ngày 24/01, Bộ Xây dựng đã có công văn 392/BXD-QHKT gửi UBND tỉnh Thanh Hóa cho ý kiến về đồ án Quy hoạch chung đô thị Cẩm Tân, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2045.
Bộ Xây dựng cho biết, đô thị Cẩm Tân được xác định là đô thị loại V tại Quyết định số 153/QĐ-TTg ngày 27/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Do đó việc lập Quy hoạch chung đô thị Cẩm Tân là có cơ sở.
Tuy nhiên tỉnh Thanh Hóa cần bổ sung các cơ sở pháp lý việc sáp nhập các xã Cẩm Tân và Cẩm Vân để hình thành đô thị Cẩm Tân theo quy định pháp luật và quy định khác liên quan.
Bộ Xây dựng lưu ý việc chuyển mục đích sử dụng đất rừng trong Đồ án quy hoạch phải đảm bảo tuân thủ pháp luật về lâm nghiệp và pháp luật có liên quan; lưu ý một số khu vực chuyển mục đích từ đất lâm nghiệp sang đất công nghiệp (mục đích sử dụng sản xuất gắn với khoáng sản) là chưa có cơ sở.
Cùng với đó, cơ quan tổ chức lập Đồ án quy hoạch chịu trách nhiệm về cơ sở pháp lý và tính xác thực của số liệu, tài liệu sử dụng, không hợp thức hóa các sai phạm (nếu có) trong quá trình lập Đồ án quy hoạch.
Đồng thời đề nghị làm rõ cơ sở pháp lý của việc bổ sung mỏ khai thác cát trên sông Mã (khoảng 21,40ha), cũng như sự phù hợp với các quy hoạch liên quan; chịu trách nhiệm về tính chính xác của các tọa độ, quy mô khu vực khai thác khoáng sản.
Một vấn đề khác, Bộ Xây dựng lưu ý tỉnh Thanh Hóa là các chỉ tiêu sử dụng đất trong Đồ án quy hoạch chưa phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Quy hoạch xây dựng QCVN 01:2021/BXD, do đó cần bổ sung, làm rõ đảm bảo phù hợp với quy định.
Đồ án cũng cần bổ sung, làm rõ một số nội dung như đánh giá việc thực hiện quy hoạch có liên quan tới khu vực lập quy hoạch; sự phù hợp quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành trên địa bàn; các chương trình, nội dung đánh giá đối với các dự án đầu tư phát triển đang được triển khai, thực hiện.
Làm rõ tiềm năng, khả năng thu hút dân cư của đô thị Cẩm Tân trong tương lai để xác định tỷ lệ tăng dân số cơ học là 0,96% theo thuyết minh (tỷ lệ này tại Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa là 0,5-0,75%).
Việc quy hoạch đất có chức năng công nghiệp có ký hiệu từ CN-01 đến CN-03 (công nghiệp tập trung) và Ck 01 đến Ck 04 (sản xuất gắn với khoáng sản) là chưa có cơ sở.
Bộ Xây dựng cũng đề nghị địa phương lồng ghép, tích hợp nội dung giải pháp PCCC, phòng chống thiên tai theo quy định; bổ sung nội dung thiết kế đô thị trong đồ án quy hoạch tuân thủ Thông tư số 06/2013/TT-BXD ngày 13/5/2013 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn về nội dung thiết kế đô thị.
Đồng thời bổ sung giải pháp để đảm bảo tần suất lũ sông Mã, đảm bảo tưới tiêu và phòng chống lũ theo quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cùng với đó, rà soát quy cách thể hiện bản vẽ và nội dung thuyết minh đồ án Quy hoạch chung đô thị Cẩm Tân đảm bảo tuân thủ Thông tư số 04/2022/TT-BXD ngày 24/10/2022 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định về hồ sơ của nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch đô thị và quy hoạch xây dựng khu chức năng đặc thù.
Theo Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 153/QĐ-TTg ngày 27/02/2023, phương án tổ chức hệ thống đô thị, tổ chức lãnh thổ nông thôn như sau:
Phương án phát triển đô thị
Đến năm 2025, toàn tỉnh Thanh Hoá có 47 đô thị các loại; trong đó, 01 thành phố là đô thị loại I (đô thị Thanh Hóa: sáp nhập huyện Đông Sơn vào Thanh Hóa); 02 đô thị loại III (TP Sầm Sơn; thị xã Bỉm Sơn); 01 đô thị loại IV (thị xã Nghi Sơn); 43 đô thị loại V.
Đến năm 2030, toàn tỉnh Thanh Hoá có 47 đô thị; trong đó, 01 thành phố là đô thị loại I (đô thị Thanh Hóa); 02 đô thị loại III (TP Sầm Sơn; TP Nghi Sơn); 04 đô thị loại IV (huyện Hà Trung sáp nhập vào thị xã Bỉm Sơn; thành lập mới 03 thị xã gồm: Thọ Xuân, Hoằng Hóa, Quảng Xương); 40 đô thị loại V.
Phương án tổ chức lãnh thổ nông thôn
Tổ chức lãnh thổ khu vực nông thôn gắn với quá trình đô thị hóa của tỉnh và đặc điểm kinh tế - xã hội của từng địa phương.
Việc sắp xếp, bố trí không gian phát triển nông thôn bảo đảm tiết kiệm quỹ đất, chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng, cải thiện điều kiện vật chất cho người dân, gắn với các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, nâng cấp mô hình làng, xã, bản, tạo thuận lợi trong sản xuất và có tính lâu dài, tránh các vùng có nguy cơ sạt lở cao, vùng thường xảy ra lũ ống, lũ quét.