Ngày 10/01, Hội đồng thẩm định liên ngành đã tổ chức Hội nghị thẩm định Nhiệm vụ Quy hoạch chung đô thị Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang đến năm 2045, tỷ lệ 1/10.000. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn - Chủ tịch Hội đồng thẩm định, chủ trì Hội nghị.
Dự Hội nghị có ông Phan Thế Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang; đại diện các cục, vụ chức năng của Bộ Xây dựng và đại diện các Bộ, ngành, hiệp hội là thành viên Hội đồng thẩm định.
Xây dựng đô thị công nghiệp năng động cửa ngõ phía Bắc của tỉnh
Theo báo cáo, phạm vi ranh giới lập quy hoạch bao gồm toàn bộ địa giới hành chính huyện Lạng Giang, diện tích khoảng 244 km2.
Ranh giới cụ thể: Phía Bắc giáp huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn; phía Nam giáp TP Bắc Giang; phía Đông giáp huyện Lục Nam; phía Tây giáp huyện Tân Yên và huyện Yên Thế.
Thời hạn lập quy hoạch: Giai đoạn ngắn hạn đến năm 2030; giai đoạn dài hạn đến năm 2045.
Mục tiêu của quy hoạch nhằm cụ thể hóa các định hướng của Quy hoạch quốc gia, Quy hoạch ngành quốc gia, Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được thủ tướng chính phủ phê duyệt và Điều chỉnh Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt.
Đồng thời xây dựng đô thị Lạng Giang theo hướng đồng bộ, hiện đại, bền vững, là động lực quan trọng cho kinh tế - xã hội và trở thành một trong các đô thị phát triển công nghiệp năng động khu vực cửa ngõ phía Bắc của tỉnh Bắc Giang.
Từng bước đưa Lạng Giang đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV và trở thành thị xã trong tương lai. Làm cơ sở pháp lý để triển khai các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các khu chức năng và các dự án đầu tư xây dựng.
Về tính chất, đô thị Lạng Giang được xác định là trung tâm kinh tế phía Bắc của tỉnh Bắc Giang, đầu mối giao thông đường bộ đường sắt của vùng, quốc gia trên hành lang kinh tế Hà Nội - Lạng Sơn; trung tâm phát triển công nghiệp, dịch vụ logistics, sản xuất nông nghiệp sạch, chất lượng cao, phát triển dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng kết hợp văn hóa phía Bắc của tỉnh Bắc Giang.
Đồng thời là đô thị xanh, thông minh phát triển bền vững với hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, hướng tới đô thị loại IV và thị xã trong tương lai. Có vị trí quan trọng về an ninh, quốc phòng.
Dự báo quy mô dân số: Đến năm 2030 có khoảng 271.500-276.500 người, dân số nội thị khoảng 163.000 người. Đến năm 2045 có khoảng 420.000-425.000 người, dân số nội thị khoảng 280.000 người.
Dự báo quy mô đất đai: Đến năm 2030, đất xây dựng đô thị khoảng 10.200-10.500ha. Đến năm 2045, đất xây dựng đô thị khoảng 12.500-13.000 ha.
Các yêu cầu, nội dung cần nghiên cứu
Nhiệm vụ Quy hoạch đặt ra các yêu cầu, nội dung cần nghiên cứu, như: Phân tích, đánh giá điều kiện tự nhiên và hiện trạng; xác định tính chất, mục tiêu và động lực phát triển; dự báo về dân số, lao động, quy mô đất xây dựng, các chỉ tiêu về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật theo từng giai đoạn…
Quy hoạch cũng đề xuất mô hình và hướng phát triển đô thị phù hợp với quan điểm và mục tiêu phát triển; đề xuất cấu trúc không gian đô thị gắn kết chặt chẽ với tổ chức không gian phát triển công nghiệp, không gian phát triển du lịch gắn với bảo vệ sinh thái nông, lâm nghiệp, cảnh quan...
Dự kiến phạm vi khu vực nội thị, ngoại thị; xác định phạm vi, quy mô, định hướng và nguyên tắc phát triển đối với từng khu vực chức năng của đô thị.
Đồng thời nghiên cứu cải tạo cấu trúc không gian đô thị cho các khu vực hiện hữu, trong đó đặc biệt quan tâm đến các khu vực sản xuất công nghiệp; các trục hành lang giao thông liên kết vùng, liên kết tỉnh…
Bên cạnh đó, xác định vị trí, quy mô, định hướng và nguyên tắc phát triển đối với hệ thống trung tâm hành chính, trung tâm thương mại, dịch vụ, trung tâm công cộng, văn hóa, thể dục thể thao, giáo dục đào tạo, công viên, cây xanh và không gian mở; trung tâm chuyên ngành cấp đô thị.
Xây dựng hình ảnh đặc trưng của đô thị vùng trung du miền núi phía Bắc trên cơ sở cảnh quan tự nhiên lâm nghiệp, nông nghiệp, mặt nước, tạo bản sắc riêng cho đô thị.
Đối với các khu vực dân cư nông thôn, xác định các điểm dân cư nông thôn và đề xuất nguyên tắc quản lý phát triển.
Nhiệm vụ Quy hoạch cũng đề xuất các nội dung liên quan đến định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị; định hướng quy hoạch không gian ngầm đô thị; các giải pháp bảo vệ môi trường.
Đối với các chương trình, dự án ưu tiên và nguồn lực thực hiện: Xác định các giai đoạn phát triển, kế hoạch thực hiện, các dự án có tính chất tạo động lực; xác định các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư cho từng giai đoạn; cụ thể hóa các mục tiêu, danh mục công trình trọng điểm cần đầu tư và mời gọi đầu tư.
Đồng thời đề xuất giải pháp tổ chức thực hiện quy hoạch, như: mô hình quản lý phát triển đô thị; xác định nguồn lực, đề xuất cơ chế chính sách huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội để thực hiện quy hoạch.
Cụ thể các nhiệm vụ tạo cơ sở thuận lợi cho triển khai các công việc tiếp theo
Vụ Quy hoạch Kiến trúc (cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định), lưu ý một số nội dung: Bổ sung đầy đủ các căn cứ pháp lý, chính trị liên quan; bổ sung thuyết minh, làm rõ quy mô, phạm vi, cơ sở pháp lý, thực tiễn, đánh giá sự phù hợp với việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn; tiêu chuẩn các đơn vị hành chính của đô thị…
Đồng thời nêu các phương hướng phát triển và kế hoạch phát triển đô thị theo các chương trình phát triển đô thị, và các dự án đang triển khai có tác động đến phạm vị lập quy hoạch chung đô thị; bổ sung yêu cầu phân tích, đánh giá, xác định rõ các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật tạo động lực chính phát triển đô thị; phân tích đánh giá đặt trong mối quan hệ với không gian vùng Thủ đô Hà Nội, vùng trung du, miền núi Bắc Bộ, vùng tỉnh Bắc Giang, đảm bảo phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh.
Dự báo quy mô dân số, đất đai, phát triển đô thị trên cơ sở khoa học, phù hợp thực tiễn và phù hợp với các chiến lược, kế hoạch phát triển của địa phương; bổ sung luận chứng về tỉ lệ tăng dân số, đặc biệt là tăng dân số cơ học; làm rõ cơ sở đề xuất tỉ lệ đô thị hoá đến năm 2030 đạt 58-60%, đến năm 2045 đạt 64-65%; bổ sung nội dung nghiên cứu đáp ứng tiêu chí đô thị loại IV vào năm 2030.
Bổ sung yêu cầu đánh giá hiện trạng, bổ sung yêu cầu rà soát đánh giá kết quả lập, phê duyệt và tổ chức thực hiện các quy hoạch đô thị, các dự án đầu tư liên quan, đảm bảo phù hợp với quy hoạch và các yêu cầu pháp lý; lưu ý vấn đề bảo vệ cảnh quan môi trường sinh thái, quản lý bảo vệ rừng, di sản văn hoá, công trình kiến trúc…
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cho rằng, hồ sơ Nhiệm vụ Quy hoạch cơ bản đáp ứng yêu cần và tuân thủ quy trình theo quy định.
Thứ trưởng lưu ý, địa phương cần chỉ đạo đơn vị tư vấn rà soát cơ sở lập quy hoạch; phạm vi, quy mô lập quy hoạch; phân tích đảm bảo yêu cầu, tiêu chuẩn, quy chuẩn…
Về tính chất đô thị, Thứ trưởng yêu cầu rà soát, đánh giá đảm bảo các tính chất đô thị phù hợp, và cụ thể hoá các nội dung được nêu trong Quy hoạch tỉnh; cũng như sắp xếp các nhiệm vụ đảm bảo logic; rà soát đánh giá hiện trạng, xác định tính kế thừa các quy hoạch vùng huyện, những khó khăn, vướng mắc…; cụ thể các nhiệm vụ tạo cơ sở thuận lợi cho triển khai các giai đoạn tiếp theo.
Các nội dung về dự báo dân số, đất đai, theo Thứ trưởng, cần luận chứng phù hợp với thực tiễn, đảm bảo tính khoa học; đồng thời rà soát các nhiệm vụ, đảm bảo đáp ứng được các yêu cầu.
Kết quả, các thành viên Hội đồng thẩm định thống nhất thông qua Nhiệm vụ Quy hoạch chung đô thị Lạng Giang, trình cấp thẩm quyền phê duyệt sau khi chỉnh sửa theo ý kiến góp ý của các thành viên Hội đồng.