
Cục Phòng vệ thương mại - Bộ Công Thương đang lấy ý kiến các bên về vấn đề phạm vi sản phẩm trong vụ việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cán nóng (HRC) có xuất xứ từ Ấn Độ và Trung Quốc (Mã số vụ việc: AD20).
Trước đó, ngày 21/02/2025, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 460/QĐ-BCT về việc áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời đối với một số sản phẩm thép HRC có xuất xứ từ Ấn Độ và Trung Quốc.
Đến ngày 03/4/2025, Cục Phòng vệ thương mại (sau đây gọi là Cơ quan điều tra - CQĐT) đã tổ chức buổi tham vấn công khai với các bên liên quan để có thể đánh giá và xác định phạm vi sản phẩm phù hợp trong vụ việc AD20. Tại buổi tham vấn này, CQĐT đã nhận được ý kiến của các bên liên quan về vấn đề phạm vi sản phẩm.
Ngày 18/4/2025, CQĐT đã có Thông báo số 45/TB-PVTM về việc cho ý kiến về vấn đề phạm vi sản phẩm trong vụ việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cán nóng có xuất xứ từ Ấn Độ và Trung Quốc.
Theo đó, một số bên liên quan tiếp tục gửi ý kiến bằng văn bản cho CQĐT cũng như qua hệ thống tiếp nhận hồ sơ Phòng vệ thương mại trực tuyến trình bày về đề nghị loại trừ, miễn trừ một số mác thép HRC đặc biệt.
Đối với đề nghị loại trừ, miễn trừ một số mác thép HRC đặc biệt, để có cơ sở phân biệt giữa các hàng hóa đề nghị loại trừ so với hàng hóa bị áp dụng thuế CBPG tạm thời (đặc tính cơ bản và mã HS được nêu tại mục 1 Thông báo ban hành kèm theo Quyết định số 460/QĐ-BCT), CQĐT đề nghị các bên liên quan trong vụ việc nghiên cứu và cung cấp bổ sung các cơ sở, bằng chứng (mác thép, mã HS, độ dày, mục đích sử dụng, giới hạn chảy tối thiểu, độ bền kéo tối thiểu, thành phần hóa học, yêu cầu kĩ thuật đặc biệt, tiêu chuẩn kỹ thuật, quy chuẩn, năng lực sản xuất trong nước,…) và giải thích chi tiết để chứng minh sự khác biệt giữa hàng hóa đề nghị loại trừ và hàng hóa được sản xuất trong nước (theo danh mục các sản phẩm thép HRC đề xuất loại trừ).
Năm 2024, Bộ Công Thương đã tiến hành điều tra chống bán phá giá với một số sản phẩm thép cán nóng (HRC) có xuất xứ từ Ấn Độ, Trung Quốc trong giai đoạn từ 01/7/2023 đến 30/6/2024. Cuộc điều tra được khởi xướng sau khi cơ quan này nhận được yêu cầu từ hai doanh nghiệp đại diện ngành sản xuất trong nước là Công ty Thép Hòa Phát Dung Quất và công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa.
Ngày 21/02, Bộ Công Thương có Quyết định 460 về việc áp thuế CBPG tạm thời với một số sản phẩm thép cán nóng (HRC) có xuất xứ từ Ấn Độ và Trung Quốc. Theo đó, mức thuế chống bán phá giá tạm thời với hàng hóa bị điều tra có xuất xứ Trung Quốc từ 19,38 - 27,83%, áp dụng từ ngày 08/3.
Trong quá trình điều tra vụ việc, thực hiện theo quy định của Luật Quản lý ngoại thương, Bộ Công Thương đã phối hợp với các đơn vị liên quan xem xét và đánh giá kỹ lưỡng tác động của hành vi bán phá giá của hàng hóa nhập khẩu đối với hoạt động của ngành sản xuất trong nước, mức độ bán phá giá của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Ấn Độ và Trung Quốc.