Lo hiệu ứng tiêu cực từ chỉnh trang hè phố Thủ đô

07:00 25/08/2022
Đang có một mối lo đối với việc bê tông hóa vỉa hè của Hà Nội khi mà hạ tầng đô thị của Thủ đô còn chưa hoàn thiện. Đặc biệt, mối lo về hiệu ứng tăng nhiệt từ những hè phố trải bê tông - lát đá, trong điều kiện khí hậu nắng nóng; giảm chức năng thẩm thấu nước mưa để bổ sung nước ngầm nuôi cây xanh, gia tăng tần suất ngập úng trong đô thị.

Chỉnh trang vỉa hè - Vẫn mối lo chắp vá 

Từ 2016, nhiều tuyến phố tại 12 quận nội thành Hà Nội đã được chỉnh trang, trong đó, vỉa hè nhiều tuyến phố được lát đá tự nhiên có kết cấu bền vững với tuổi thọ 70 năm. Thế nhưng, sau hơn 2 năm triển khai, nhiều vỉa hè được lát đá tự nhiên đã có dấu hiệu xuống cấp, vỡ, nứt, hư hỏng... 

Ngày 13/02/2018, Thanh tra TP Hà Nội đã có Thông báo số 675/TBKL-TTTP về kết luận thanh tra các dự án đầu tư xây dựng lát đá vỉa hè các tuyến phố trên địa bàn một số quận Hà Nội. Kết luận đã chỉ ra hàng loạt tồn tại, sai phạm trong các dự án lát đá vỉa hè. 

Trước thực trạng đó, ngày 21/3/2019, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1303/QĐ-UBND hướng dẫn “Thiết kế mẫu hè đường đô thị trên địa bàn thành phố”, trong đó bao gồm hướng dẫn sử dụng, phần bản vẽ mẫu để các tổ chức, cá nhân nghiên cứu, tham khảo khi xây dựng, cải tạo, sửa chữa hè đường đô thị trên địa bàn thành phố.

Theo bảng tổng hợp các khu vực cải tạo, chỉnh trang hè phố trên địa bàn thành phố theo đề xuất của các quận, huyện, thị xã, trong số hơn 300 tuyến phố, có hơn 100 tuyến phố dự kiến được lát hè bằng đá tự nhiên. Các tuyến phố khác sẽ được lát hè bằng các loại vật liệu khác như gạch bê tông vân đá, gạch tezarro (hoặc gạch bê tông vân đá) và gạch block.

Thành phố cũng quy định chỉ thực hiện thực hiện lát đá vỉa hè với điều kiện đã hạ ngầm hệ thống dây nổi, đồng bộ hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm, nổi, các công trình kiến trúc hai bên đường đã được xây dựng ổn định; đồng bộ với việc cải tạo chỉnh trang mặt tiền các tuyến phố. Ngoài ra, các tuyến phố khác sẽ được lát hè bằng các loại vật liệu khác như gạch bê tông vân đá, gạch tezarro hoặc gạch block.

Vật liệu xanh cho chỉnh trang hè phố Thủ đô

Với những tuyến phố vỉa hè được lát đá, bên cạnh những hoài nghi về độ bền vững về tuổi thọ, việc cải tạo bê tông hóa này còn khiến các chuyên gia đưa ra nhiều ý kiến lo ngại, đặc biệt là các yếu tố tự nhiên bị tác động như: hạn chế mức độ thẩm thấu nước, hiệu ứng tăng nhiệt từ các vỉa hè bị bê tông hóa. 

Về mặt mỹ quan và an toàn, nhiều ý kiến cho rằng, việc chỉnh trang đô thị là cần phải làm, tuy nhiên, nếu lát bằng đá tự nhiên thì chưa hợp lý và rất tốn kém trong khi đó vỉa hè bị hư hỏng là do nhiều đơn vị đào bới như lắp ống nước, điện, cáp viễn thông… Nhiều tuyến đường vỉa hè được chỉnh trang dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội vẫn ổn định, nhưng đã bị tháo dỡ để lát lại bằng đá, rất lãng phí. Không chỉ gây tốn kém trong việc đầu tư làm mới mà còn tác động đến môi trường khu vực thi công.  

Có ý kiến cũng cho rằng, việc thay thế gạch bock tự chèn bằng việc trải bê tông lát đá hè phố là việc làm lãng phí trong điều kiện nguồn kinh phí dành cho hạ tầng đô thị của Việt Nam còn eo hẹp. Gạch block tự chèn đã được sử dụng ở nhiều đô thị lớn trên thế giới và Việt Nam, được ứng dụng chủ yếu cho những công trình công cộng, mà điển hình trong đó chính là đường phố, vỉa hè, sân bãi, quảng trường… bởi những ưu điểm như chắc chắn, vững chãi, tính mỹ quan cao, giảm sự trơn trượt, thân thiện với môi trường và tiết kiệm chi phí lắp đặt cũng như sửa chữa. 

Ở khía cạnh môi trường, thực tế cho thấy, các nguồn tài nguyên thiên nhiên, trong đó có các nguồn VLXD tự nhiên đang dần bị cạn kiệt. Trong khi đó thì việc khai thác quá mức cộng với nhu cầu xây dựng của con người ngày càng tăng cao dẫn đến một sự phát triển tất yếu cho nguồn vật liệu xanh thân thiện với môi trường thay thế. Thế nên, việc sử dụng đá tự nhiên để lát vỉa hè ở Hà Nội có lẽ, sẽ góp phần gia tăng sử dụng vật liệu khai thác từ tài nguyên thiên nhiên, đi ngược với những cam kết sử dụng vật liệu xanh mà chúng ta đã đề ra. 

Chưa kể, đặc tính của đá tự nhiên là đi lại càng nhiều càng nhẵn, càng trơn nên trời mưa đi rất dễ trượt ngã. Đặc biệt, còn hiện tượng chưa tuân thủ Quyết định số 1303/QĐ-UBND trong triển khai chỉnh trang hè phố như: hạ tầng chưa hoàn thiện, chưa đúng danh mục…

Trong điều kiện khí hậu của Hà Nội, khi mưa nhiều, độ thẩm thấu nước mưa do bê tông hóa vỉa hè mất đi sẽ khiến giảm khả năng cung cấp nước trở lại khiến mạch nước ngầm ngày càng suy giảm, tác động đến sinh trưởng của thảm cây xanh. 

Bên cạnh đó, khi độ thấm bề mặt mất đi, sẽ tăng áp lực lên hệ thống thoát nước đô thị khi có mưa cường độ lớn, dễ dẫn đến nguy cơ úng lụt gia tăng trên đường phố Hà Nội. Đặc biệt, khi bê tông hóa vỉa hè làm mất đi “mối liên hệ” giữa mặt đất với môi trường trường tự nhiên, làm giảm lượng bốc hơi nước trong những ngày nắng nóng, gây hiệu ứng tăng nhiệt từ những hè phố trải bê tông - lát đá. 

Sau những chấn chỉnh, cho đến nay, vỉa hè của nhiều tuyến phố của Hà Nội đã được làm mới, sạch sẽ hơn. Tuy nhiên, dường như chất lượng, mức độ thuận tiện, an toàn, việc tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật vẫn chưa được như mong muốn. Đặc biệt, phát sinh những vấn đề ảnh hưởng đến môi trường đất, nước và khí hậu của Thủ đô cần có thời gian kiểm chứng cũng như được lắng nghe ý kiến từ các nhà khoa học.
 

Bình luận