Xây dựng 4.0

Lộ trình áp dụng BIM và ứng dụng BIM trong các công trình hạ tầng kỹ thuật

Lộ trình áp dụng BIM và ứng dụng BIM trong các công trình hạ tầng kỹ thuật

Thu Thảo Thu Thảo - 06:00, 09/11/2023

Tạp chí Xây dựng - Bộ xây dựngViệc áp dụng BIM là vô cùng cần thiết, đòi hỏi tất cả các đơn vị tham gia hoạt động đầu tư xây dựng phải điều chỉnh hoạt động cho phù hợp với lộ trình thực hiện.

Tầm quan trọng của BIM trong phát triển hạ tầng

Ngày 08/11, Trung tâm Nghiên cứu phát triển hạ tầng kỹ thuật (CIRD) thuộc Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng đã tổ chức Hội thảo “Ứng dụng mô hình thông tin công trình (BIM) trong công trình hạ tầng kỹ thuật”.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển hạ tầng kỹ thuật Vũ Đình Đang cho biết, lộ trình đến 2024, đối với tất cả các dự án có công trình cấp I, cấp đặc biệt không phân biệt nguồn vốn đều bắt buộc áp dụng BIM cho đầu tư xây dựng. Do đó, việc áp dụng BIM là vô cùng cần thiết, cần tất cả các đơn vị tham gia hoạt động đầu tư xây dựng phải điều chỉnh hoạt động cho phù hợp.

Trong đó, Trung tâm Nghiên cứu phát triển hạ tầng kỹ thuật được Cục Hạ tầng kỹ thuật giao là đơn vị đầu mối nghiên cứu, phát triển và ứng dụng mô hình thông tin (BIM) cho công trình hạ tầng kỹ thuật, hỗ trợ các nhiệm vụ của Cục trong công tác quản lý nhà nước.

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển hạ tầng kỹ thuật Vũ Đình Đang phát biểu tại Hội thảo.

Hội thảo được tổ chức với mục đích đưa ra cái nhìn tổng quan hơn về lộ trình áp dụng BIM cho ngành Xây dựng nói chung, cũng như thực tế áp dụng BIM cho các dự án hạ tầng kỹ thuật nói riêng.

Tại Hội thảo, các chuyên gia, chủ đầu tư, tư vấn, thiết kế, nhà thầu… cùng chia sẻ, thảo luận các nội dung về tầm quan trọng của BIM, lộ trình và thực tế áp dụng BIM, cũng như những khó khăn, trở ngại nhất định trong điều kiện thực tế tại Việt Nam.

Từ đó, các đại biểu cùng đưa ra nhiều giải pháp và định hướng nghiên cứu nhằm tháo gỡ khó khăn trước mắt như: Đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phổ biến sâu rộng thông tin về áp dụng BIM, nhất là đối với các địa phương…

Tại Hội thảo, TS Tạ Ngọc Bình - Trưởng phòng Đầu tư và xây dựng số, Viện Kinh tế xây dựng giới thiệu khái quát về lộ trình BIM tại Việt Nam, đồng thời cung cấp các thông tin sâu rộng và hữu ích về BIM. 

BIM có thể được hiểu là việc sử dụng các tiến bộ của công nghệ thông tin để số hóa các thông tin của công trình thông qua mô hình không gian ba chiều (3D) nhằm hỗ trợ quá trình thiết kế, thi công, quản lý vận hành công trình;

BIM là việc sử dụng kỹ thuật số chia sẻ về công trình để tạo điều kiện thuận lợi cho các quy trình thiết kế, thi công và quản lý vận hành, tạo nên một nền tảng tin cậy cho việc ra quyết định.

TS Tạ Ngọc Bình - Trưởng phòng Đầu tư và xây dựng số, Viện Kinh tế xây dựng chia sẻ tại Hội thảo.

TS Tạ Ngọc Bình cũng cho biết, việc triển khai BIM nằm trong chủ trương chung của Chính phủ và các Bộ, ngành. Đã có nhiều đề án, chiến lược được đưa ra để thực hiện ứng dụng BIM. Cụ thể, tháng 12/2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án áp dụng BIM trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình tại Quyết định số 2500/QĐ-TTg. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 258/QĐ-TTg ngày 17/03/2023 về lộ trình áp dụng BIM trong hoạt động xây dựng, chia thành 3 giai đoạn.

Giai đoạn 1, từ năm 2023, áp dụng BIM bắt buộc đối với các công trình cấp I, cấp đặc biệt của các dự án đầu tư xây dựng mới sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công tư bắt đầu thực hiện các công việc chuẩn bị dự án.

Giai đoạn 2, từ năm 2025, áp dụng BIM bắt buộc đối với các công trình cấp II trở lên của các dự án đầu tư xây dựng mới sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công tư bắt đầu thực hiện các công việc chuẩn.

Sau khi theo dõi, đánh giá giai đoạn 1 và giai đoạn 2, Chính phủ sẽ đưa ra lộ trình áp dụng cụ thể cho giai đoạn 3.

Bên cạnh đó, việc áp dụng BIM cũng được quy định tại nhiều VBQPPL như: Luật Xây dựng, Nghị định số 15/2021/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng, Nghị định số 10/2021/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng hay Thông tư số 12/2021/TT-BXD về ban hành định mức xây dựng.

Ngày 02/4/2021, Bộ Xây dựng đã ban Quyết định số 348/QĐ-BXD hướng dẫn chung áp dụng Mô hình thông tin công trình (BIM) và Quyết định số 347/QĐ-BXD về việc công bố hướng dẫn chi tiết áp dụng Mô hình thông tin công trình (BIM) đối với công trình dân dụng và công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị.

TS Tạ Ngọc Bình đã khái quát mục tiêu của Lộ trình áp dụng BIM đối với chủ đầu tư, tư vấn, nhà thầu thi công xây dựng như việc tăng cường quá trình trao đổi thông tin giữa cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng; trong giai đoạn thiết kế nâng cao chất lượng sản phẩm thiết kế; trong quá trình thi công xây dựng hỗ trợ xây dựng phương án tổ chức thi công, tổ chức và quản lý các nguồn lực trong quá tình xây dựng, kiểm soát chất lượng xây dựng; trong quá trình nghiệm thu, bàn giao đưa công trình vào sử dụng, hỗ trợ quá trình nghiệm thu, phục vụ cho giai đoạn quản lý, vận hành công trình xây dựng.

TS Tạ Ngọc Bình khẳng định, đối với cơ quan quản lý nhà nước, BIM chính là công cụ để hỗ trợ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước (thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, cấp phép xây dựng, quản lý xây dựng, kiểm tra công tác nghiệm thu…).

10 ứng dụng BIM trong thiết kế, thi công...

Cũng tại Hội thảo, ThS Nguyễn Danh Thắng - Tổng giám đốc Công ty CP Xây dựng DBIM, thành viên tổ chuyên gia Ban chỉ đạo BIM đã giới thiệu 10 ứng dụng BIM trong thiết kế, thi công. Thứ nhất, xây dựng mô hình hiện trạng giúp mô tả hiện trạng thực tế công trình, khu vực xây dựng công trình; cung cấp tài liệu cho các giai đoạn tiếp theo; nâng cao tính chính xác của tài liệu tình trạng hiện có; cung cấp thông tin vị trí; trợ giúp trong việc lập mô hình và phối hợp thiết kế 3D, thi công trong tương lại; trực quan hóa.

ThS Nguyễn Danh Thắng - Tổng giám đốc Công ty CP Xây dựng DBIM giới thiệu ứng dụng BIM tại Hội thảo.

Thứ hai, phân tích, tính toán, mô phỏng thiết kế để đạt được các giải pháp thiết kế tiết kiệm năng lượng; tối ưu hóa phương án; nâng cao chất lượng thiết kế; giảm thời gian chu kỳ phân tích thiết kế.

Thứ ba, phát triển thiết kế - mô hình thiết kế để duy trì tính minh bạch của thiết kế cho tất cả các bên có liên quan; kiểm soát chất lượng thiết kế, hồ sơ bản vẽ, cũng như chi phí và tiến độ; tạo sự hợp tác hiệu quả giữa các bên liên quan của dự án; trực quan hóa thiết kế.

Thứ tư, kiểm tra thẩm tra - Review Design nhằm đánh giá mức độ hiệu quả của giải pháp thiết kế so với nhiệm vụ thiết kế của chủ đầu tư, về mặt không gian, diện tích, thẩm mỹ và chi phí; kiểm tra mức độ đáp ứng của các giải pháp so với các tiêu chuẩn, quy định của nhà nước về quy hoạch kiến trúc, kết cấu, an toàn PCCC, sử dụng năng lượng…; so sánh, đánh giá tính ưu việt của các phương án thiết kế khác nhau; kiểm tra, phát hiện những vấn đề bất hợp lý của mô hình thiết kế.

Thứ năm, điều phối thiết kế - 3D Coordination nhằm phát hiện các xung đột (va chạm cứng, va chạm mềm và va chạm về tiến trình triển khai). Từ đó đưa ra phương án thiết kế tối ưu, phát hiện và giảm xung đột tại hiện trường, giúp giảm RFI và thay đổi đơn hàng; hình dung trình tự xây dựng; giảm thiểu rủi ro và tiết kiệm chi phí, giảm thời gian thi công; tăng năng suất thi công; tạo bản vẽ hoàn công chính xác.

Thứ sáu, quản lý khối lượng; Thứ bảy, quản lý chi phí; Thứ tám, quản lý và theo dõi tiến độ công trình; Thứ chín, giám sát thi công (đưa ra các yêu cầu đến các đơn vị tham gia vào dự án, theo dõi tiến độ quản lý chất lượng thi công, quản lý biên bản nghiệm thu); Thứ mười, mô hình hoàn công.

Ngoài ra, ThS Nguyễn Danh Thắng còn giới thiệu ứng dụng BIM trong quản lý vận hành công trình và các ví dụ cụ thể có liên quan.

Đại diện Công ty CP Kỹ thuật công nghệ Thái An trình bày thực tế việc áp dụng mô hình BIM của tổng thầu EPC tại dự án Vinhomes Ocean Park 2. Đồng thời, nêu lên một số hiệu quả và thực tế đạt được như: Tiết kiệm chi phí và thời gian thiết kế và thi công; quản lý dữ liệu tập trung, thay đổi chỉnh sửa thiết kế dễ dàng; nâng cao độ chính xác trong thiết kế vật tư - thiết bị; đưa ra cái nhìn trực quan cho dự án và dễ dàng phát hiện xung đột, thuận tiện cho công tác thi công lắp đặt; tăng tính tương tác giữa các bộ môn, từ đó đưa ra giải pháp xử lý tối ưu.

TS Trần Hoài Anh - Phó Cục trưởng Cục Hạ tầng Kỹ thuật kết luận Hội thảo.

Kết luận Hội thảo, TS Trần Hoài Anh - Phó Cục trưởng Cục Hạ tầng Kỹ thuật, Bộ Xây dựng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ứng dụng BIM trong các công trình hạ tầng kỹ thuật, bởi BIM giúp các bên tham gia dự án có cái nhìn tổng thể và khái quát bằng mô hình trực quan, từ một bản vẽ thiết kế có thể cụ thể hóa toàn bộ những hạng mục bên trong của dự án.

Ngoài ra, mô hình BIM hỗ trợ rất nhiều cho công tác giám sát, quản lý, lưu trữ hồ sơ, cũng như công tác vận hành, bảo trì của toàn bộ công trình về sau.

TS Trần Hoài Anh hy vọng thời gian tới những nội dung trong lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là không gian ngầm sớm được luật hóa để có thể thuận lợi hơn cho lộ trình áp dụng BIM.

Ý kiến của bạn