Cùng tháo gỡ vướng mắc về đất ở
Bộ Xây dựng cho biết, cơ bản các khó khăn, vướng mắc về mặt thể chế, pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng, kinh doanh BĐS thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đã được tháo gỡ thông qua ban hành các Nghị định của Chính phủ, Thông tư của các Bộ.
Bên cạnh đó, những vướng mắc về mặt thể chế, pháp luật thuộc quy định của một số luật đã được Chính phủ đề xuất tháo gỡ, thể hiện trong dự thảo các luật sẽ trình Quốc hội xem xét thông qua thời gian tới.
Trong đó, dự thảo Luật Đất đai tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về vấn đề đất đai liên quan đến phương pháp xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, bảng giá đất, khu giá đất, GPMB.
Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) tháo gỡ khó khăn về phát triển NƠXH các nội dung về quy hoạch, bố trí quỹ đất làm NƠXH, lựa chọn chủ đầu tư dự án NƠXH, ưu đãi và trách nhiệm của chủ đầu tư, đối tượng và điều kiện được thụ hưởng chính sách, xác định giá bán/cho thuê/cho thuê mua, thủ tục hành chính trong quá trình đầu tư - mua bán, quản lý NƠXH…
Cả dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Nhà ở (sửa đổi) cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đất ở - đất khác khi chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhà ở thương mại theo pháp luật về đầu tư.
Ngoài ra, Luật Nhà ở (sửa đổi) còn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, các nội dung về tỷ lệ 100% chủ sở hữu phải thống nhất khi thực hiện xây dựng lại nhà chung cư cấp C - chưa hư hỏng nặng, nguy hiểm, chấp thuận chủ tưởng đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, hệ số K bồi thường, quy đổi diện tích căn hộ và giá quy đổi trong phương án bồi thường…
Hà Nội đã tháo gỡ cho 419/712 dự án
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước ở từng địa phương cũng đã tích cực triển khai rà soát tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án BĐS, đặc biệt 2 thành phố có nhiều dự án vướng mắc nhất là Hà Nội và TP.HCM với những kết quả cụ thể.
Trong đó, TP Hà Nội đã tháo gỡ được 419 dự án, bằng 58,8% so với số lượng 712 dự án cần được tháo gỡ. TP.HCM giải quyết được 67 dự án, bằng 37,2% so với số lượng 180 dự án cần được tháo gỡ.
Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng, nhiều lần hạ lãi suất điều hành, chỉ đạo các ngân hàng tiết kiệm chi phí, qua đó từ đầu năm đến nay lãi suất cho vay đã hạ từ 0,5 - 2% và cơ bản mặt bằng lãi suất đã ổn định.
Tuy nhiên, một số DN BĐS phản ánh lãi suất cho vay vẫn còn cao và gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận, vay vốn từ các tổ chức tín dụng.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính có nhiều văn bản chỉ đạo DN đã phát hành trái phiếu tập trung nguồn lực thanh toán nợ trái phiếu, bảo đảm quyền lợi cho nhà đầu tư.
Mặc dù vậy, theo ý kiến nhiều chuyên gia, nút thắt rất lớn của thị trường BĐS hiện nay là một số DN BĐS đã phát hành một lượng trái phiếu quá lớn lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng và có hạn trả nợ vào năm 2023, 2024, trong khi DN đang gặp rất nhiều khó khăn về dòng tiền để trả nợ, đang là khó khăn, áp lực rất lớn cho các DN trong hiện tại và thời gian tới.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng giá trị trái phiếu DN riêng lẻ đáo hạn trong 2 tháng cuối năm 2022 là 55,989 nghìn tỷ đồng, đáo hạn năm 2023 là 282,16 nghìn tỷ đồng, năm 2024 là 362,9 nghìn tỷ đồng.
Đối với trái phiếu đáo hạn trong 2 tháng cuối năm 2022, các DN BĐS là 21,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 38,3% tổng giá trị trái phiếu đến hạn, trong đó 99,6% có tài sản bảo đảm…