Quy định chưa rõ ràng dẫn đến cách hiểu khác nhau
Sáng 30/5, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành.
Luật Quy hoạch được ban hành từ năm 2017 nhưng sau gần 2 năm kể từ ngày có hiệu lực, Luật vẫn chưa thể triển khai được do một số quy định của Luật chưa phù hợp với việc triển khai lần đầu lập quy hoạch, còn quy định chưa rõ ràng dẫn đến cách hiểu khác nhau.
Để giải quyết vướng mắc này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14 cho phép lập đồng thời các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia, làm rõ việc được điều chỉnh các quy hoạch theo quy định pháp luật có liên quan. Tuy nhiên, đến nay, việc triển khai lập quy hoạch theo phương pháp tích hợp cùng với việc tiếp cận tổng hợp và phối hợp đồng bộ giữa các ngành, lĩnh vực còn có cách hiểu khác nhau, dẫn đến tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 vẫn chậm so với yêu cầu của thực tiễn.

Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 7/5/2019 của Chính phủ ban hành chậm 14 tháng so với quy định dẫn đến việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành có liên quan khác cũng chậm, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các hoạt động quy hoạch như: Thông tư số 08/2019/TT-BKHĐT ngày 17/5/2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về định mức cho hoạt động quy hoạch.
Nghị định số 99/2021/NĐ-CP ngày 11/11/2021 của Chính phủ quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công (Nghị định số 99/2021/NĐ-CP) ban hành chậm 23 tháng so với quy định. Chưa có hướng dẫn cụ thể cho việc quản lý, thanh toán và quyết toán kinh phí cho thẩm định quy hoạch tỉnh và thẩm định hợp phần quy hoạch tổng thể quốc gia.
Chưa có quy định cụ thể hướng dẫn xây dựng dự toán chi phí tổ chức phiên họp của Hội đồng thẩm định. Chưa có quy định cụ thể hướng dẫn xây dựng dự toán chi phí thuê tư vấn phản biện độc lập. Chưa ban hành cơ chế, chính sách hướng dẫn huy động nguồn lực tài chính để lập quy hoạch (Khoản 3 Điều 10 Luật Quy hoạch).
Khoản 7 Điều 1 của Nghị định số 148/2020/NĐ-CP ngày 18/12/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai quy định việc lấy ý kiến góp ý vào phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai cấp tỉnh trước khi tích hợp vào quy hoạch tỉnh làm phát sinh thêm thủ tục lấy ý kiến của Bộ TN&MT đối với quy trình lập quy hoạch tỉnh đã được quy định tại điểm e khoản 4 Điều 16 của Luật Quy hoạch; quy định này cũng chưa thống nhất với quy định áp dụng pháp luật về quy hoạch được quy định tại khoản 2 Điều 39 của Luật Đất đai (được sửa đổi, bổ sung tại Điều 6 của Luật số 35/2018/QH14).
Công văn hướng dẫn của Bộ TN&MT, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ đã quy định thêm nội dung, trình tự, thủ tục so với Luật Quy hoạch.
Chưa có quy định cụ thể hướng dẫn xây dựng dự toán chi phí lập Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) cho quy hoạch theo quy định của pháp luật về quy hoạch nên việc vận dụng Thông tư liên tịch số 50/2012/TTLT-BTC-BTNMT ngày 30/3/2012 của Bộ Tài chính và Bộ TN&MT hướng dẫn cơ chế tài chính và mức kinh phí lập báo cáo đánh giá môi trường chiến lược (được ban hành trước thời điểm Luật Quy hoạch được ban hành) dẫn đến chưa đáp ứng đầy đủ các nội dung đánh giá tác động của quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch.
Việc sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật để phù hợp với các quy định của Luật Quy hoạch về tích hợp quy hoạch còn chậm, như quy định về Quy hoạch tổng thể phát triển khu công nghệ thông tin tập trung tại Nghị định số 154/2013/NĐ-CP ngày 08/11/2013 quy định về khu công nghệ thông tin tập trung.
Mặc dù theo quy định tại khoản 8 Điều 21 Luật Quy hoạch, nội dung quy hoạch phải bảo đảm đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy chuẩn chuyên ngành; tuy nhiên, đến nay, các Bộ vẫn chưa ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn nội dung này nên nhiều địa phương gặp nhiều khó khăn, lúng túng khi xác định mức độ chi tiết và các yêu cầu kỹ thuật chuyên ngành trong quá trình lập quy hoạch.
Các luật, văn bản quy phạm pháp luật trùng lặp, chồng chéo
Quy trình, thủ tục tổ chức lựa chọn nhà thầu tư vấn lập quy hoạch tương đối phức tạp, mất nhiều thời gian hoặc quy định không tạo thuận lợi cho việc lựa chọn các tư vấn có chuyên môn sâu, nhất là các viện nghiên cứu trực thuộc cơ quan chủ trì lập quy hoạch.
Một số quy định về đấu thầu lựa chọn tư vấn lập quy hoạch tại Luật Đấu thầu được ban hành trước khi Luật Quy hoạch và Luật Đầu tư công có hiệu lực, do vậy chưa có sự đồng bộ giữa quy định của pháp luật đấu thầu, pháp luật về đầu tư công và pháp luật về quy hoạch.
Chưa ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn điều kiện đầu tư, kinh doanh, quy chuẩn, tiêu chuẩn để thay thế các quy hoạch đã hết hiệu lực theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 59 Luật Quy hoạch, đặc biệt một số ngành như sản xuất xi măng, sắt, thép.
Việc xác định dự án quy hoạch thuộc loại công trình nào để vận dụng cho phù hợp rất khó khăn.
Chưa ban hành cơ chế, chính sách hướng dẫn huy động nguồn lực tài chính cho hoạt động quy hoạch theo quy định tại khoản 3 Điều 10 và khoản 2 Điều 12 Luật Quy hoạch đô thị.
Bên cạnh đó, quy định hướng dẫn chi tiết về nội dung quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị tại Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị chưa cụ thể dẫn đến sự trùng lặp, chồng chéo với nhau
Nội dung quy hoạch chung đô thị đối với thành phố trực thuộc trung ương được quy định tại Luật Quy hoạch đô thị có sự trùng lặp với nội dung quy hoạch tỉnh được quy định tại Luật Quy hoạch dẫn đến các thành phố trực thuộc Trung ương gặp khó khăn khi phải lập cả 2 loại quy hoạch nói trên, gây lãng phí.
Nội dung phương án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện và vùng huyện trong quy hoạch tỉnh được lập theo Luật Quy hoạch có sự trùng lặp với nội dung quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, quy hoạch xây dựng vùng huyện được lập theo Luật Xây dựng.
Chưa có sự thống nhất giữa các luật về thời kỳ quy hoạch. Luật Quy hoạch đô thị được ban hành từ năm 2009, tuy nhiên Luật Xây dựng và Luật Đất đai có nhiều quy định liên quan đến quy hoạch đô thị đã được sửa đổi nhiều lần, thậm chí ban hành mới, do vậy có nhiều quy định chưa đồng bộ, thống nhất giữa pháp luật về quy hoạch đô thị, pháp luật về xây dựng và pháp luật về đất đai.
Chưa thống nhất giữa pháp luật về bảo vệ môi trường, pháp luật về xây dựng và pháp luật về quy hoạch đô thị. Chưa thống nhất giữa quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng và pháp luật về giao thông đường bộ.
Chưa có hướng dẫn đầy đủ, cụ thể về nguồn kinh phí tài trợ lập quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn. Việc lựa chọn tổ chức tư vấn lập quy hoạch đô thị theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị và Luật Đấu thầu còn nhiều điểm chưa hợp lý
Việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư về quy hoạch đô thị theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị còn mang tính hình thức, hiệu quả còn thấp. Đối tượng, phạm vi lập quy hoạch xây dựng khu chức năng chưa được quy định rõ ràng, phù hợp với yêu cầu quản lý.
Thông tư số 01/2021/TT-BTNMT ngày 12/4/2021 của Bộ TN&MT quy định kỹ thuật việc lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chậm gần 24 tháng đã gây nhiều khó khăn cho các địa phương trong quá trình lập quy hoạch sử dụng đất.
Cách quy định các chỉ tiêu sử dụng đất hiện hành không còn phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội với tốc độ rất nhanh, đặc biệt là khi triển khai các dự án đầu tư.
Báo cáo của Đoàn Giám sát Quốc hội cũng chỉ ra một số nguyên nhân khách quan, chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan do Luật Quy hoạch còn những bất cập, cách hiểu chưa thống nhất về phương pháp lập quy hoạch tích hợp, trình tự lập quy hoạch và phê duyệt quy hoạch. Luật Quy hoạch có nhiều nội dung mới nên cơ quan trình, cơ quan thẩm tra, các cơ quan phối hợp chưa lường được hết tác động, những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai, do đó, một số quy định trong Luật còn chưa đủ rõ ràng, chưa phù hợp. Việc ban hành văn bản hướng dẫn Luật Quy hoạch rất chậm và còn bất cập. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, công tác hướng dẫn thực hiện Luật Quy hoạch giai đoạn đầu còn lúng túng, chưa quyết liệt. Chưa có sự phối hợp và chia sẻ thông tin đầy đủ, chặt chẽ và thường xuyên giữa các Bộ, ngành và địa phương trong việc soạn thảo và ban hành văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch…