Luôn luôn gieo mầm hy vọng

Những người gần gũi sự nghiệp của Trương Gia Bình nhiều năm thường có một nhận xét, sự nghiệp ấy dường như luôn sinh sôi, nảy nở những ý tưởng mới, sáng tạo mới và những niềm hy vọng mới. Bởi thế, nếu viết về sự nghiệp của ông hiện giờ, chắc chắn sẽ không thể tìm thấy điểm cuối và phải là một cuốn sách, thậm chí nhiều cuốn sách. 

Trong seri bài viết lần này chỉ với mong muốn chuyển tải đến bạn đọc về một trong những giá trị ấn tượng của sự nghiệp ấy, đó là một con người luôn luôn gieo mầm và thắp sáng những niềm hy vọng không chỉ cho riêng mình, cho các cộng sự của mình, mà còn cho cả cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, cho sự phát triển lâu dài của nền kinh tế nước nhà, mà dưới đây là 2 câu chuyện cụ thể.

Như đã từng nêu ở kỳ trước, trong hơn 30 năm sự nghiệp của mình, Trương Gia Bình đã tự đúc kết cho mình đã trải qua 4 bước ngoặt quan trọng.

Đầu tiên là xuất khẩu phần mềm. Đến nay, việc lợi nhuận của FPT vượt cả doanh thu của các công ty phần mềm trong nước gộp lại đã góp phần đưa Việt Nam có vị thế trên bản đồ số thế giới.

Bước ngoặt thứ hai là góp phần xóa bỏ độc quyền viễn thông. Sự kiện này với mong muốn tạo ra sinh khí mới cùng với sự cạnh tranh để thúc đẩy phát triển internet. Thực tiễn đến nay cho thấy, nó đã xảy ra đúng như vậy.

Bước ngoặt thứ ba là lập trường đại học đào tạo CNTT và tiếng Nhật phục vụ thị trường Nhật, mở ra hướng đào tạo với gần trăm ngàn học sinh, sinh viên hôm nay.

Bước ngoặt thứ tư là chuyển đổi số, chính thức bước chân vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 từ năm 2016 trong lĩnh vực điện toán đám mây, Big Data và trí tuệ nhân tạo. 

Có thể nhận xét rằng, thành công của FPT có được như ngày hôm nay ngoài vai trò đầu tầu xuất sắc của Trương Gia Bình còn có tài năng về quản trị doanh nghiệp của một tập thể lãnh đạo trẻ ở đây trong nhiều thập kỷ qua 

Chuyện được kể lại rằng, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, HĐQT của FPT dự kiến phát hành mới hơn 1,8 triệu cổ phiếu ESOP (cổ phiếu được phát hành theo kế hoạch lựa chọn cho nhân viên, cán bộ, người lao động trong công ty) với giá 10.000 đồng/cổ phiếu (thấp hơn 8 lần so với thị giá trên thị trường) cho 4 cán bộ quản lý cấp cao trẻ do HĐQT phê duyệt.

Lượng cổ phiếu trên bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 10 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán.

Một cổ đông đã đặt câu hỏi: “Nếu tính theo thị giá của FPT hiện nay, phần thưởng từ ESOP cho cán bộ cấp cao gấp hơn chục lần tiền lương của năm 2022. Vậy ESOP quá nhiều có gây loãng cổ phiếu không và ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông khác như thế nào?”.

Chủ tịch Trương Gia Bình lý giải, hiện FPT có 2 loại ESOP: Một là thưởng kết quả kinh doanh, những người đóng góp quan trọng trong năm (từ level 4 trở lên). Hai là dành cho quy hoạch cán bộ sau này thay thế Ban quản trị.

Ông phân tích: “Chúng tôi đã bàn tính cho sự trường tồn của FPT, cần một đội ngũ cam kết cả đời phải chiến đấu như chúng tôi đã từng làm. Chúng tôi có kế hoạch bồi dưỡng họ trong thời gian tới nên mới xin cổ đông chính sách đó”.

Những cổ phiếu ESOP này sẽ hạn chế  giao dịch trong vòng 10 năm, nhưng Trương Gia Bình muốn hạn chế lên tới 20 năm để giữ những cán bộ này gắn chặt với doanh nghiệp. Ông thuyết phục: “Chúng tôi không có khái niệm ông chủ mà là tập thể anh em, cam kết phấn đấu dẫn dắt công ty. Chúng tôi cần đội ngũ đó để bảo toàn cho sự trường tồn của FPT”.

Với chính sách ấy, hẳn nhiều người, không chỉ với những người đang làm việc cho FPT mà cả những cổ đông ngoài FPT, sẽ hy vọng và tin tường vào tương lai của chính mình.

Trở lại những kỳ trước, mọi người đã biết, Trương Gia Bình và Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) hiện giờ Phạm Tấn Công là “cặp bài trùng” đáng ghi nhận trong lịch sử phát triển cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Đầu tiên là ở Hội doanh nghiệp trẻ Việt Nam, Trương Gia Bình là Chủ tịch, Phạm Tấn Công là Tổng Thư ký. Rồi đến Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm Việt Nam (VINASA), Trương Gia Bình là Chủ tịch, Phạm Tấn Công là Phó chủ tịch. 

Rồi đến hôm mới đây, ngày 26/4/2023, tại Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống VCCI, Hội đồng doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam ra mắt trước sự chứng kiến của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng. Hội đồng gồm 21 thành viên, quy tụ doanh nhân đứng đầu các tập đoàn kinh tế lớn của Việt Nam ở nhiều lĩnh vực như công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp.

Theo đó, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, Chủ tịch Tập đoàn THACO Trần Bá Dương và Chủ tịch FPT Trương Gia Bình là 3 đồng Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam.

Danh sách doanh nghiệp thành viên đầu tiên gồm: BIDV, BRG, Geleximco, VNPT, Tập đoàn TH, Tập đoàn Phú Thái, Tập đoàn Công nghiệp Cao su VIệt Nam, PNJ, CMC, Tổng công ty Kinh Bắc, Tập đoàn Doji, Tập đoàn Lộc Trời, Công ty cổ phần Đồng Tâm, Viettravel, Hanel, Tập đoàn TBS...

Đại diện VCCI cho biết, Hội đồng có chức năng tập hợp, liên kết, thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp lớn, đầu ngành Việt Nam, mở rộng mối quan hệ hợp tác trong nước và quốc tế. Phát huy vai trò của doanh nghiệp đầu ngành trong phát triển các ngành, địa phương. Dẫn dắt doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp trong ngành phát triển. Qua đó tham gia phát triển cộng đồng doanh nghiệp và góp phần xây dựng nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự chủ, hội nhập quốc tế và phát triển bền vững…

Xin thông tin thêm, Chủ tịch Tập đoàn THACO Trần Bá Dương cũng nguyên là Phó Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam khi Trương Gia Bình làm chủ tịch. 

Nay, họ lại cùng chung chiến tuyến với với vai trò làm đồng Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam, gánh vác một sứ mạng lịch sử trong công cuộc xây dựng và phát triển cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam “sánh vai với cường quốc năm châu”.

Lại một niềm hy vọng mới bắt đầu cùng Trương Gia Bình và những người cùng chí hướng!

Bài viết cùng tác giả Nguyễn Hoàng Linh »

Tin liên quan