Bộ Xây dựng vừa công bố thông tin về nhà ở và thị trường BĐS quý I. Cụ thể, theo tổng hợp số liệu từ Sở Xây dựng các địa phương cho thấy, lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ là 20.325 giao dịch thành công. Các giao dịch này tập trung chủ yếu tại Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM, Phú Thọ, Bắc Giang, Lâm Đồng.
Trong đó, tổng lượng giao dịch chỉ bằng khoảng 45,5% so với quý IV/2021 và bằng khoảng 80% so với cùng kỳ năm 2021. Cụ thể, tại miền Bắc có 11.445 giao dịch; tại miền Trung có 6.783 giao dịch; tại miền Nam có 2.097 giao dịch. Riêng tại tại Hà Nội có 956 giao dịch thành công, còn tại TP.HCM có 1.172 giao dịch thành công.
Đáng chú ý, lượng giao dịch đất nền là 153.537 giao dịch thành công, tổng lượng giao dịch bằng khoảng 242% so với Quý IV/2021.
Cụ thể, tại miền Bắc có 20.726 giao dịch; tại miền Trung có 42.722 giao dịch; tại miền Nam có 90.089 giao dịch.
Số liệu của Bộ Xây dựng công bố cũng cho thấy, trong quý I, qua tổng hợp giá căn hộ chung cư tại các địa phương đều có xu hướng tăng, tỷ lệ tăng bình quân khoảng 3% so với thời điểm cuối năm 2021.

Đặc biệt, tại Hà Nội giá nhà chung cư tăng khoảng 4-5% cao hơn so với tại TP.HCM tăng khoảng 1-2% so với cuối năm 2021.
Trong khi đó, giá nhà ở riêng lẻ, đất nền có biên đô tăng cao hơn so với căn hộ chung cư (bình quân tăng khoảng 5-10% so với quý trước).
Sang cuối tháng 3/2022 tại một số địa phương, các vùng ven Hà Nội, TP.HCM, tại các tỉnh Thái Bình, Lâm Đồng, Khánh Hoà, Đà Nẵng, Đồng Nai… lại có hiện tượng giá và lượng giao dịch đất nền tăng nhanh, một số nơi mức giá tăng 15 – 20% so với cuối năm 2021 (tương tự thời điểm cuối quý I đầu quý II năm 2021, tuy nhiên mức độ lan rộng và biên độ tăng giá thấp hơn).
Theo Bộ Xây dựng, trong quý I, tổng lượng giao dịch là 20.325 giao dịch, trong khi nguồn cung BĐS có 10.357 căn nhà ở đủ điều kiện đưa vào giao dịch. Qua đánh giá cho thấy khả năng hấp thụ của thị trường quý I tốt hơn.
Cụ thể, đối với căn hộ chung cư bình dân hấp thụ 100%; căn hộ chung cư trung cấp hấp thụ 80-90%; căn hộ cao cấp tỷ lệ hấp thụ 30-50%.
Đối với nhà ở riêng lẻ, tỷ lệ hấp thụ đạt khoảng 90%; Đối với văn phòng cho thuê tỷ lệ thuê đạt khoảng 70-80%, tỷ lệ trống văn phòng đã giảm khoảng 3-5% so với quý trước. Chỉ có BĐS nghỉ dưỡng là có lượng giao dịch hạn chế.
Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, lượng tồn kho BĐS hầu như chỉ còn ở phân khúc căn hộ, nhà ở cao cấp, BĐS du lịch, nghỉ dưỡng và đặc biệt là đối với các dự án ở vị trí có điều kiện hạ tầng không thuận lợi.