Máy nghiền trục đứng HAMECO 2100 - Lời giải nguồn cung cát nhân tạo Máy nghiền trục đứng HAMECO 2100 - Lời giải nguồn cung cát nhân tạo

Máy nghiền trục đứng HAMECO 2100 - Lời giải nguồn cung cát nhân tạo

Máy nghiền trục đứng HAMECO 2100.

Theo tính toán của Bộ Xây dựng, nhu cầu sử dụng cát xây dựng cả nước hàng năm khoảng 130 triệu m3, trong khi công suất cấp phép khai thác cát xây dựng khoảng 62 triệu m3/năm. Như vậy, nguồn cung hợp pháp chỉ đáp ứng được từ 40 - 50% nhu cầu cát xây dựng, sự thiếu hụt nghiêm trọng này kéo theo nhiều hệ lụy.

Trong khi đó, tổng tài nguyên cát của Việt Nam ước khoảng 2,3 tỷ m3 song chủ yếu là cát cho xây trát và san nền. Cát cho sản xuất bê tông không nhiều, chỉ chiếm khoảng 30%, tập trung chủ yếu ở một số địa phương như: Phú Thọ, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Thuận, Kon Tum, Đồng Nai và Đồng Tháp.

Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển kinh tế ở mức cao với việc đầu tư xây dựng hàng chục vạn công trình hạ tầng lớn nhỏ như: Cao tốc Bắc - Nam; sân bay quốc tế Long Thành…; cầu cống, bến cảng; các khu đô thị;… Vì vậy, nhu cầu về cát là cực kỳ lớn. Tuy nhiên, nguồn cung cấp cát ngày càng cạn kiệt, do biến đổi khí hậu lượng mưa ngày càng ít đi, tình trạng chặt phá rừng hoặc chuyển đổi rừng sang trồng các cây khác; các nước thi nhau xây dựng đập thủy điện trên các con sông lớn như Mê Kông, sông Hồng đang chặn dòng chảy của lũ và cũng chính là nguồn cung cấp cát tự nhiên.

Thêm vào đó là việc khai thác, sử dụng bừa bãi nguồn tài nguyên cát đang khiến nước ta rơi vào tình trạng khan hiếm cát xây dựng. Nếu tiếp tục giữ thói quen khai thác và dùng cát như hiện nay thì không lâu nữa chúng ta sẽ thiếu cát trầm trọng và nếu điều đó đang là áp lực rất lớn trong công cuộc tạo lập hệ thống hạ tầng đồng bộ mà Đảng và Chính phủ đang dốc lòng triển khai thực hiện.  

Khuyến khích sản xuất cát nhân tạo để thay thế cho cát tự nhiên

Do nhu cầu đầu tư hạ tầng (giao thông, cảng biển, năng lượng,...) ngày càng tăng, Chính phủ và Bộ Xây dựng đã quan tâm chỉ đạo các ngành, các địa phương tăng cường quản lý, chống khai thác cát tự nhiên trái phép, đồng thời khuyến khích sản xuất cát nhân tạo để thay thế cho cát tự nhiên.  

Công tác tìm kiếm và đưa vào sử dụng các loại cát thay thế cho cát sông là việc cần thiết. Vấn đề này đã được Chính phủ quan tâm và đưa định hướng phát triển mở rộng các nguồn cát thay thế vào chiến lược phát triển VLXD trong dài hạn. 

Các chuyên gia nhận định, để khắc phục tình trạng thiếu hụt cát sỏi dùng trong xây dựng, việc thay thế cát tự nhiên bằng cát nhân tạo đang dần được thực hiện, đem lại nhiều lợi ích, sẽ là một “cứu cánh” cho ngành Xây dựng.

Theo đó, giải pháp tăng cường sản xuất và sử dụng cát nghiền thay thế cát tự nhiên trong sản xuất bê tông và vữa xây dựng được đánh giá cao. 

Cát nhân tạo có nhiều đặc điểm nổi trội hơn cát tự nhiên như: Hạt cát đồng đều hơn, có thể điều chỉnh module và tỷ lệ thành phần hạt theo từng yêu cầu cấp phối cho các loại bê tông khác nhau (như bê tông asphalt, bê tông macrosell, bê tông xi măng, bê tông đầm lăn, bê tông mác cao đặc biệt …). Cát nhân tạo cũng cho phép tiết kiệm xi măng, nhựa đường, rút ngắn thời gian thi công và tăng tuổi thọ công trình, tiết kiệm chi phí, giảm giá thành và thân thiện, bảo vệ môi trường.

Cát nghiền là loại cát được nghiền nhỏ từ đá tự nhiên, cuội sỏi, và đang được dùng phổ biến trên thế giới thay thế cho nguồn cát tự nhiên ngày càng cạn kiệt. Ở Việt Nam, tiềm năng sản xuất cát nghiền rất lớn với nguồn tài nguyên khoáng sản đá xây dựng, cuội sỏi được phân bố ở nhiều nơi. 

Ông Nguyễn Ngọc Hùng - Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Cơ khí Hà Nội (HAMECO) chia sẻ: “Là doanh nghiệp cơ khí hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, chúng tôi hiểu rằng, tài nguyên cát cho hoạt động xây dựng của đất nước thì có hạn, trong khi đó, nhu cầu nguyên liệu cho các công trình hạ tầng ngày một lớn. Hướng tìm các nguyên liệu tương đồng có thể nghiền thành cát nhân tạo thay thế cát tự nhiên là sự lựa chọn tất yếu. Vì vậy, việc nghiên cứu sản xuất cát nghiền nhân tạo bước đầu thay thế cát tự nhiên được chúng tôi xem là yêu cầu cấp bách và hoàn toàn khả thi”.

Hiện nay, Công ty TNHH MTV Cơ khí Hà Nội với hơn 65 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất máy công cụ, máy xây dựng đã hợp tác với Công ty SIROCCO - SLOVENIA (Châu Âu), trên cơ sở thiết kế của SIROCCO, đã cho ra đời loại máy nghiền cát nhân tạo HAMECO 2100 từ nguyên liệu là Đá sỏi; Đá vôi; Thạch anh; Đá xanh; Đá ong.

Máy nghiền trục đứng HAMECO 2100 là thiết bị chính trong dây chuyền sản xuất cát nhân tạo, áp dụng đối với các loại vật liệu là quặng kim loại, quặng phi kim, đá xây dựng và sỏi sông suối,… 

HAMECO 2100 có công suất lớn, nghiền được nhiều loại đá khác nhau thành cát, vốn đầu tư thấp, thời gian bảo dưỡng sửa chữa ngắn, tính linh hoạt cao.

Máy nghiền trục đứng HAMECO 2100 được thiết kế và chế tạo trên dây chuyền máy móc hiện đại, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của Châu Âu. Dễ dàng lắp đặt cũng như thay thế phụ tùng. Có thể nghiền được nhiều loại đá khác nhau mà các dòng máy khác không thể với các tính năng vượt trội như: Nghiền nhỏ với nhiều loại cỡ hạt, định hình hạt cát, loại bỏ các hạt đá mềm, nghiền được các loại đá có độ cứng cao (Đá, sỏi, đá thạch anh,…)

Theo đánh giá của Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI), sản phẩm này của HAMECO - Thành viên VAMI, đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa rộng lớn. Đây là hướng tìm chọn sản phẩm mới khả thi./ 

Mai Ngọc
Thế Công