Mô hình nhà thân thiện môi trường sử dụng kiện rơm ép là kết quả thực hiện của Dự án ReBuMat về "Tài nguyên - Xây dựng hiệu quả sử dụng VLXD bền vững", hợp tác giữa Trường ĐH Xây dựng Hà Nội và Trường ĐH Kỹ thuật Lubeck, CHLB Đức.
Theo các chuyên gia của dự án, Việt Nam có lợi thế là một quốc gia đứng đầu thế giới về xuất khẩu lúa gạo, vì thế khối lượng các phế phẩm nông nghiệp hằng năm là rất lớn. Việt Nam có thể tận dụng nguồn phế phẩm dồi dào này làm vật liệu xây dựng (VLXD) bền vững, thân thiện với môi trường,...
Cụ thể, rơm sau khi thu hoạch lúa sẽ được xử lý và sử dụng thành vật liệu làm tường, mái cho công trình, trên cơ sở kết cấu gỗ. Các vật liệu sau khi được xử lý có khả năng chống cháy lên 90 phút, chống ẩm, cách âm, cách nhiệt. Những ngôi nhà xây bằng rơm còn có khả năng chống động đất, hấp thụ các loại bức xạ điện tử; và tạo sự thoải mái cho người sử dụng. Đặc biệt, vật liệu rơm có tính chất tái tạo và khả năng phân hủy dưới góc độ bảo vệ môi trường rất quan trọng.
Khi rơm đóng vai trò là VLXD, qua quá trình máy ép sẽ cho ra các cấu kiện sử dụng vào mục đích khác nhau như: tường, mái, sàn... Kiện rơm sau khi hoàn thiện sẽ được vận chuyển đến công trình và bổ sung thêm các phụ gia khác làm vữa trát trực tiếp giúp tăng cường khả năng cách nhiệt, tăng cường hiệu năng của tòa nhà.
Thực tế trên thế giới, có rất nhiều quốc gia đã sử dụng kiện rơm ép cho các công trình xây dựng khác nhau. Các công trình này đều tồn tại bền vững với thời gian, thậm chí có công trình vẫn còn tồn tại tốt sau 100 năm, như một số ngôi nhà được xây dựng vào năm 1890 ở Mỹ (Nebraska) đã tồn tại cho đến ngày nay.
Từ những kết quả nghiên cứu của Dự án, mô hình nhà thân thiện môi trường sử dụng kiện rơm ép là sản phẩm đầu tiên tại Việt Nam do các chuyên gia CHLB Đức hỗ trợ xây dựng.
Công trình sẽ sử dụng lâu dài phục vụ việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ như một sản phẩm khoa học có ý nghĩa của việc hợp tác giữa Trường ĐH Xây dựng Hà Nội và Trường ĐH Kỹ thuật Lubeck.
Các chuyên gia của dự án hy vọng, sau sản phẩm đầu tiên sẽ có nhiều công trình khác được xây dựng, góp phần sử dụng hiệu quả các phế phẩm từ nông nghiệp tại Việt Nam.
Dự án ReBuMat về "Tài nguyên - Xây dựng hiệu quả sử dụng VLXD bền vững" do các chuyên gia của Trường ĐH Kỹ thuật Lubeck, Viện Vật lý công trình Fraunhofer, CHLB Đức đã tham gia và hỗ trợ sự phát triển các đối tác ở Việt Nam về mảng VLXD bền vững, hiệu quả nguồn tài nguyên.