Sáng 20/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Phát biểu tại nghị trường về khó khăn trong công tác xử lý ô nhiễm rác thải, đại biểu Trần Thị Thanh Lam - Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre phản ánh, những giải pháp đang triển khai hiện nay chưa đạt hiệu quả cao.

Đại biểu Trần Thị Thanh Lam cho biết, báo cáo của Bộ TN&MT gửi đến các Đoàn ĐBQH và qua trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ TN&MT tại Kỳ họp thứ 6 cho thấy một số khó khăn đa số các địa phương và cử tri đang đối mặt trong công tác xử lý ô nhiễm từ rác thải đó là, mặc dù Quốc hội đã ban hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ ban hành chiến lược và nhiều văn bản chỉ đạo khác nhưng một số văn bản pháp luật chưa đi vào cuộc sống.
Có tình trạng chậm, nợ ban hành một số văn bản hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Sau hơn 20 tháng Luật có hiệu lực thi hành nhưng vẫn chưa có quy định về định giá dịch vụ xử lý việc thu gom vận chuyển chất thải rắn.
Đặc biệt, trước vấn đề đã được Bộ trưởng Bộ TN&MT nêu tại nghị trường về chủ trương xã hội hóa, mời gọi các nhà đầu tư tham gia lĩnh vực xử lý rác thải đang gặp nhiều khó khăn; đại biểu Trần Thị Thanh Lam đề nghị nhận diện lại vấn đề theo hướng: Xã hội hóa ở mức độ nào, khâu nào là khả thi?
Theo đại biểu Trần Thị Thanh Lam, về công nghệ - kỹ thuật, về đất đai, về vốn đầu tư đều mong muốn xã hội hóa, trong khi các dự án xử lý rác hiệu quả kinh tế không cao thì khó có thể kêu gọi nhà đầu tư tham gia. Các dự án xử lý rác nặng trách nhiệm xã hội, hiệu quả về kinh tế thấp nên các ngân hàng thương mại cũng không "mặn mà" cho vay, vì thế có rất ít nhà đầu tư trong nước có đủ nguồn lực để đầu tư vào lĩnh vực này.
Ngoài ra, đại biểu Trần Thị Thanh Lam cũng phản ánh, nhiều doanh nghiệp cho biết khó khăn lớn nhất là nguồn rác đầu vào không bảo đảm nhu cầu vận hành nhà máy. Việc tìm kiếm hợp đồng xử lý rác công nghiệp để bù đắp lượng rác thiếu hụt cũng không khả thi. Vì vậy, Bộ TN&MT với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước và các Bộ có liên quan, cần xem xét quy định trách nhiệm trong quy hoạch vùng để đầu tư nhà máy xử lý rác để giải quyết lượng rác thu gom không đủ so với công suất của nhà máy.
Tình trạng phân loại rác tại nguồn còn nhiều khó khăn, một số nơi thực hiện theo hướng dẫn của địa phương, người dân có phân loại rác nhưng khi rác được tập trung thì chỉ còn 1 loại. Một số nơi gom rác một phần, phần còn lại để người dân tự xử lý. Nhận thức của người dân trong bảo vệ môi trường chưa đồng đều, chưa thật sự lan tỏa... dẫn đến lượng rác khó xử lý ngày một nhiều hơn, tình trạng quá tải, tỷ lệ xử lý rác bằng hình thức chôn lắp không giảm và chưa có giải pháp hữu hiệu để xử lý.
Từ những khó khăn trên, đại biểu Trần Thị Thanh Lam tiếp tục kiến nghị Chính phủ, Bộ TN&MT và các Bộ, ngành có liên quan cần quyết liệt hơn trong xử lý các ý kiến kiến nghị về vấn đề xử lý rác thải của cử tri, sớm có hành động cụ thể để xử lý ngay những vấn đề tồn tại trước mắt và lâu dài trong xử lý rác thải, nhất là rác thải rắn, để bảo vệ môi trường sống cho người dân ở tầm quốc gia bằng những giải pháp chiến lược mang tính đột phá.
Chú trọng thực hiện bài toán quy hoạch liên vùng, tập trung đầu tư và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, giúp giải quyết bài toán giữa lợi ích kinh tế và môi trường góp phần giảm thiểu tác động ô nhiễm môi trường, hướng tới một mô hình kinh tế bền vững, một nền kinh tế xanh và phúc lợi cho xã hội.
Trả lời chất vấn của ĐBQH trước nghị trường sáng 07/11, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh cho biết, mới có khoảng 16% rác thải được chế biến và thu hồi đốt phát điện. Việc xã hội hóa xử lý rác gặp nhiều khó khăn do chưa phân loại rác tại nguồn, không đủ rác để xây dựng nhà máy xử lý tập trung…