Áp dụng thiết kế FEED cho dự án đường sắt tốc độ cao và dự án đường sắt đô thị:

Một số điểm chung và khác biệt

07:00 27/05/2025
Thiết kế kỹ thuật tổng thể (FEED) là bắt buộc áp dụng cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, nhưng đối với dự án đường sắt đô thị, chủ đầu tư được phép lựa chọn áp dụng hoặc không áp dụng.

Bộ Xây dựng đang dự thảo Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành các Nghị quyết của Quốc hội về thiết kế FEED và một số cơ chế đặc thù, đặc biệt thực hiện các dự án đường sắt như: Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP.HCM.

Trong bài viết này, tác giả chỉ đề cập đến một số điểm chung và khác biệt trong việc áp dụng thiết kế FEED giữa dự án đường sắt tốc độ cao và dự án đường sắt đô thị trên cơ sở ý kiến của ông Bùi Văn Dưỡng - Phó cục trưởng Cục Kinh tế và quản lý đầu tư (Bộ Xây dựng), tại Tọa đàm “Các vấn đề tiêu chuẩn kỹ thuật cho đường sắt hiện đại - Nhu cầu thực tiễn tại Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế”, do Trường ĐH Giao thông vận tải tổ chức sáng 06/5, tại Hà Nội.

Một số khái niệm mới xuất hiện, được quy định cụ thể

Dự thảo Nghị định có một số nội dung mới xuất hiện: Thứ nhất, khái niệm về thuật ngữ thiết kế FEED, có nội hàm cơ bản thống nhất với thông lệ quốc tế, cũng như ở Việt Nam. Bởi ở cả 2 dự án với 2 cơ chế đặc thù là dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và các tuyến đường sắt đô thị ở Hà Nội và TP.HCM, thiết kế FEED là thiết kế thay thiết kế cơ sở trong bước lập Báo cáo nghiên cứu khả thi.

Thứ hai, lần đầu tiên xuất hiện cụm từ Báo cáo giữa kỳ mà thông lệ các dự án quốc tế hay sử dụng, là báo cáo được thực hiện trong quá trình lập Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng để phân tích, đánh giá các yếu tố đầu vào của dự án, đưa ra các phương án nhằm lựa chọn phương án tối ưu về công nghệ, hướng tuyến và vị trí các điểm khống chế, vị trí công trình chính trên tuyến, tiêu chuẩn chủ yếu áp dụng cho dự án.

Thứ ba, riêng đối với dự án cao tốc Bắc - Nam, do đây dự án có yếu tố lần đầu tiên triển khai và cũng là dự án có quy mô lớn nhất thế giới hiện nay, với chiều dài 1.541 km, tốc độ cao. Nên, khác với các dự án thông thường, ngay bước lập Báo cáo nghiên cứu khả thi, dự thảo Nghị định quy định phải có tư vấn hỗ trợ chuẩn bị dự án để hỗ trợ cho chủ đầu tư, được giao quản lý dự án, thực hiện một số việc như: Lập nhiệm vụ khảo sát, lập nhiệm vụ thiết kế, lựa chọn tư vấn lập Báo cáo nghiên cứu khả thi… và đánh giá, góp ý để chủ đầu tư có cơ sở phê duyệt các nhiệm vụ khảo sát, phương án, quyết định khảo sát, nhiệm vụ thiết kế, để triển khai thực hiện.

Thứ tư, có một khái niệm mới so với các quy hoạch trước đây là quy hoạch vùng phụ cận ngang đường sắt, xuất hiện ở cả 2 dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam và dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Đối với 2 dự án này, trong cơ chế đặc thù của Quốc hội cho phép hình thành lên các vùng phụ cận của ga để tận dụng ưu thế, ưu điểm và khả năng kết nối của ga để phát triển kinh tế khu vực xung quanh nhà ga. Trong khi hệ thống pháp luật về quy hoạch đô thị và nông thôn chưa có quy định, do đó khi cơ quan soạn thảo đưa khái niệm này vào dự thảo Nghị định, đã dẫn chiếu quy trình thực hiện căn cứ theo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, được lập như một quy hoạch khu chức năng và lập quy hoạch phân khu khu chức năng.

Lựa chọn tư vấn hỗ trợ chuẩn bị dự án cho đường sắt tốc độ cao

Về quy trình thực hiện dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, dự án này có đặc thù riêng nên dự thảo Nghị định quy định chủ đầu tư là người tổ chức lựa chọn tư vấn hỗ trợ chuẩn bị dự án. Khi được lựa chọn, tổ chức tư vấn hỗ trợ chuẩn bị dự án sẽ phải lập nhiệm vụ khảo sát và nhiệm vụ thiết kế theo yêu cầu của chủ đầu tư, hỗ trợ chủ đầu tư lựa chọn tư vấn lập Báo cáo nghiên cứu khả thi, tư vấn khảo sát.

Sau khi lựa chọn được tư vấn khảo sát, đơn vị này sẽ thực hiện khảo sát, lập Báo cáo kết quả khảo sát với 2 nội dung: (1) Kết quả khảo sát phục vụ Báo cáo giữa kỳ; (2) Kết quả khảo sát phục vụ Báo cáo nghiên cứu khả thi.

Đối với dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, dự thảo Nghị định quy định nội dung khảo sát ở bước phục vụ Báo cáo giữa kỳ cho phép riêng đối với khảo sát địa hình, có thể được lập tương đương với thiết kế kỹ thuật; còn khảo sát địa chất và thủy văn ở bước phục vụ Báo cáo giữa kỳ, có thể lập tương ứng với thiết kế cơ sở so với tiêu chuẩn thông thường hiện nay.

Đến khi kết thúc Báo cáo giữa kỳ, để phục vụ Báo cáo nghiên cứu khả thi, cũng có Báo cáo kết quả khảo sát giữa kỳ phục vụ lập thiết kế FEED của Báo cáo nghiên cứu khả thi.

Sau khi đã có Báo cáo nghiên cứu khả thi, trên cơ sở hồ sơ thiết kế FEED, đối với Báo cáo giữa kỳ, ngoài việc lựa chọn 4 tiêu chí quan trọng (công nghệ, hướng tuyến và vị trí các điểm khống chế, vị trí công trình chính trên tuyến, tiêu chuẩn chủ yếu), sẽ có đề xuất một số loại dự án thành phần ưu tiên thực hiện trước. Toàn bộ đề xuất này phụ thuộc vào khả năng của tư vấn lập Báo cáo nghiên cứu khả thi; và đề xuất trên cơ sở này sẽ ra được dự án thành phần ưu tiên triển khai trước, khi đó sẽ triển khai dự án thành phần ưu tiên song song với dự án tổng thể.

Đến khi hoàn thành Báo cáo nghiên cứu khả thi, trình Hội đồng Thẩm định nhà nước thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, kết quả Báo cáo nghiên cứu khả thi sẽ có đầy đủ các thông tin theo quyết định phê duyệt, trong đó có việc phân chia dự án thành phần theo yêu cầu của người quyết định đầu tư, của Thủ tướng Chính phủ hoặc theo đề xuất của tư vấn lập dự án nếu thấy hợp lý.

Trên cơ sở Báo cáo nghiên cứu khả thi của thiết kế FEED, hình thành ra một số loại dự án, gói thầu, thực hiện theo các hình thức hợp đồng khác nhau: EPC, EC, EP.

Các nhà thầu sẽ tổ chức thực hiện, triển khai thiết kế sau thiết kế FEED đối với các gói thầu thực hiện theo hình thức EPC, EC, EP. Đối với các gói thầu thông thường, chủ đầu tư sẽ là người triển khai thực hiện theo pháp luật hiện nay. Các gói thầu hình thành theo các loại hợp đồng EPC, EC, EP, tổng thầu sẽ là người tổ chức thực hiện lập, thẩm định và phê duyệt.

Tuy nhiên, để bảo đảm kiểm soát về chất lượng, yêu cầu trong Báo cáo nghiên cứu khả thi của thiết kế FEED đã được triển khai, dự thảo Nghị định quy định giao nhiệm vụ cho 2 đơn vị: (1) Chủ đầu tư phải kiểm soát, đánh giá và chấp thuận nội dung của thiết kế sau thiết kế FEED bảo đảm phù hợp với thiết kế FEED; (2) Các nhà thầu EPC, EC, EP phải lựa chọn tư vấn thẩm tra, có trách nhiệm đánh giá bảo đảm các nội dung về an toàn, tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn… của toàn bộ thiết kế sau thiết kế FEED để làm cơ sở cho tổng thầu phê duyệt thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế FEED. Sau đó, triển khai thi công xây dựng theo quy trình quản lý chất lượng thông thường.

2 lựa chọn cho dự án đường sắt đô thị

Về quy trình thực hiện các dự án đường sắt đô thị, cơ bản giống quy trình thực hiện dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, nhưng cũng có một số đặc thù khác do cơ chế đặc thù giữa các dự án là khác nhau.

Ví dụ như về việc lựa chọn tư vấn hỗ trợ chuẩn bị dự án, dự thảo Nghị định quy định, người quyết định đầu tư quyết định lựa chọn phương án: Thứ nhất, có thể lựa chọn tư vấn hỗ trợ chuẩn bị dự án; Thứ hai, hoặc thực hiện các quy trình thông thường trong việc lập nhiệm vụ khảo sát, nhiệm vụ thiết kế, phương án kỹ thuật, phê duyệt kết quả khảo sát.

Nếu trường hợp lựa chọn tư vấn chuẩn bị dự án, thì tư vấn chuẩn bị dự án thực hiện các việc tương tự như quy trình của dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Trường hợp chủ đầu tư không lựa chọn tư vấn hỗ trợ chuẩn bị dự án, thì chủ đầu tư có thể tự lập nhiệm vụ thiết kế hoặc giao tổ chức/cá nhân có đủ năng lực; hoặc khi đã lựa chọn được nhà thầu khảo sát, nhà thầu lập thiết kế FEED thì sẽ giao 2 nhà thầu lập nhiệm vụ khảo sát, nhiệm vụ thiết kế hoặc thuê tổ chức/cá nhân đủ năng lực lập nhiệm vụ khảo sát, nhiệm vụ thiết kế cũng như lập kết quả khảo sát, làm cơ sở đánh giá, phê duyệt các kết quả này.

Một đặc thù nữa của nhóm dự án đường sắt đô thị là, theo cơ chế đặc thù, quy định hiện hành, hầu như các dự án này đều là dự án quan trọng quốc gia. Tuy nhiên, trong cơ chế đặc thù tại Nghị quyết số 188/2025/QH15 cho phép tất cả các dự án đường sắt đô thị được quản lý như dự án nhóm A. Vì vậy, trình tự, thủ tục thẩm định, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án sẽ khác so với dự án quan trọng quốc gia.

Và như vậy, thay vì Hội đồng thẩm định nhà nước thực hiện thẩm định, phê duyệt; thì UBND TP Hà Nội và UBND TP.HCM sẽ chuyển giao cho cơ quan Trung ương trực thuộc thẩm định phần nội dung của cơ quan chuyên môn trực thuộc người quyết định đầu tư; giao cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định nội dung của cơ quan chuyên môn về xây dựng theo quy định của pháp luật hiện hành.

Ngoài ra, do đặc thù của thiết kế FEED thay thiết kế cơ sở nên các nội dung thẩm định của các cơ quan sẽ được cập nhật, bổ sung trên cơ sở quy định của Luật Xây dựng, để ngay ở thiết kế FEED sẽ phải thẩm định thêm các nội dung về an toàn, gần tương ứng với sau thiết kế cơ sở, và các nội dung của Báo cáo nghiên cứu khả thi.

Các nội dung lựa chọn nhà thầu EPC, EC, EP, và thiết kế sau thiết kế FEED, có quy trình gần tương tự với dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Bình luận