Một số giải pháp bảo tồn và phát triển mảng xanh bền vững trong hạ tầng xanh ở TP.HCM

08:00 02/12/2023
TP.HCM trong tiến trình đô thị hóa phát triển nhanh, việc xây dựng các công trình hạ tầng như điện nước, điện thoại, cấp thoát nước và gần đây là các công trình cải tạo vỉa hè… đã làm ảnh hưởng đến hệ thống cây xanh đô thị nói chung và nhất là đến hệ thống cây xanh đường phố. Vấn đề bảo tồn và phát triển mảng xanh cần phải được tiến hành đồng thời

1. Các khái niệm

Khái niệm “hạ tầng xanh” còn khá mới trong quản lý đô thị, cả ở Việt Nam và nhiều nước đang phát triển trên thế giới. Khái niệm Hạ tầng xanh (HTX) lần đầu tiên được đề xuất bởi hai nhà nghiên cứu Mark A. Benedict và Edward T. McMahon từ năm 2002, theo đó, HTX là “… một mạng lưới liên kết những không gian xanh nhằm bảo tồn các giá trị và chức năng của hệ sinh thái, đồng thời mang đến các lợi ích cho con người”.

Khái niệm này đã nâng tầm các không gian xanh trong đô thị thành một hệ thống hạ tầng có vai trò quan trọng, bao gồm cả các hạ tầng thiết yếu khác của đô thị như giao thông, thoát nước, cấp nước, chiếu sáng và năng lượng, thông tin liên lạc. Chúng được quy hoạch, đầu tư xây dựng, kết nối, bảo tồn, tăng cường hoặc thiết lập nhằm góp phần giải quyết các vấn đề của đô thị hóa.

Phát triển HTX là việc đầu tư, xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật bao gồm giao thông, cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải, chiếu sáng, năng lượng… và các công trình hạ tầng xã hội bao gồm công viên, cây xanh, không gian công cộng… theo hướng xanh, an toàn, thân thiện với tự nhiên và bền vững [1].

Công viên xanh: Trong điều kiện biến đổi khí hậu và đất đai là tài nguyên có giá trị ở đô thị, Công viên xanh không còn là nơi chỉ để trồng cây bóng mát (phủ xanh) theo nghĩa đen. Công viên xanh bây giờ phải có vai trò là một thành phần chủ lực của HTX đô thị, có đầy đủ vai trò của một thực thể HTX. Như vậy khái niệm công viên xanh được nhận thức rộng hơn là một nơi chỉ để nghĩ ngơi giải trí, chỉ tạo ra bóng mát mà phải là nơi thực hiện hết các chức năng của hạ tầng xanh [2].

Mảng xanh đô thị gồm khối rừng và cây xanh đô thị, trong đó có:

- Rừng ngập mặn, phòng hộ, Lâm viên

- Công viên

- Cây xanh đường phố

- Cây xanh trong khuôn viên

- Cây ven kênh rạch

- Thảm xanh hoa màu, thời vụ

- Cây trồng trong chậu

Mối quan hệ tương tác giữa khối rừng và cây xanh đô thị trong môi trường đô thị như sau:

2. Một số nguyên tắc về quản lý và phát triển mảng xanh đô thị:

Quan điểm về mảng xanh đô thị:  đó là nơi gặp gỡ giữa thiên nhiên và con người. Tạo môi trường sống tốt nhất, không gian xanh nhưng do cộng đồng cùng làm (Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân).

Quan điểm về kỷ luật:  Nghiêm túc mọi lúc mọi nơi.

Quan điểm về sự tự giác và sự quản lý thống nhất.

- Việc bố trí mảng xanh kết hợp với hệ thống thoát nước đô thị (kênh hở) sẽ tiện lợi, cộng với việc giữ gìn thật sạch sẽ làm cho mảng xanh đô thị trở nên nổi bật tạo cảm giác thành phố giống như một khu vườn.

- Sự phối kết các chủng loại hoa, lá, cao thấp, hình dáng khác nhau sẽ tạo sự phong phú và đa dạng cho mảng xanh đô thị.

- Có hành lang xanh để kết nối các công viên, khuyến khích người dân cũng như các công trình xây dựng trồng cây xanh trên mái sân thượng để làm giảm nhiệt độ cho mái nhà.

- Các hoạt động trong công viên ngoài nội dung phong phú và hấp dẫn việc tổ chức và dẫn dắt du khách đến tham quan, vui chơi giải trí chặt chẽ sẽ tạo cho du khách nhiều bất ngờ, thú vị.

- Kinh doanh ăn uống trong công viên sẽ rất hạn chế, mua bán hàng rong chung quanh công viên sẽ tuyệt đối nghiêm cấm. Việc kinh doanh ăn uống trong công viên phải đạt 3 mục đích:

  + Phục vụ cần thiết.

  + Tập trung.

  + Sạch sẽ, mỹ quan.

3. Các giải pháp về bảo tồn và phát triển mảng xanh ở TP.HCM

TP.HCM trong tiến trình đô thị hóa phát triển nhanh, việc xây dựng các công trình hạ tầng như điện nước, điện thoại, cấp thoát nước và gần đây là các công trình cải tạo vỉa hè… đã làm ảnh hưởng đến hệ thống cây xanh đô thị nói chung và nhất là đến hệ thống cây xanh đường phố. Vấn đề bảo tồn và phát triển mảng xanh sẽ được làm đồng thời.

Vai trò của cây xanh trong đô thị:

Nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân thành phố.

- Cây xanh tạo nên không gian thích hợp cho việc thư giãn, nghỉ ngơi, vui chơi giải trí.

- Cây xanh làm tăng vẻ đẹp công trình kiến trúc, làm dịu những đường nét cứng nhắc trong xây dựng. Tạo nên sự hài hòa giữa công trình kiến trúc với thiên nhiên.

- Cây xanh là chất liệu sống luôn thay đổi theo thời gian, tao ra cảnh muôn màu muôn vẻ cho các công viên, vườn hoa, vườn dạo.

Cải thiện môi trường đô thị.

- Làm giảm và điều hòa nhiệt độ không khí, điều hòa chế độ gió, tăng ẩm độ không khí, làm giảm khí độc, bụi, tiếng ồn. Trong khu vực đô thị nhà ở xây dựng mật độ cao, mật độ giao thông lớn, khu công nghiệp thải ra nhiều chất độc hại, khói bụi, tiếng ồn … làm ô nhiễm không khí, thì việc trồng cây xanh là điều kiện hữu hiệu trong việc làm giảm nguồn ô nhiễm này.

- Cây xanh làm tăng ẩm độ không khí do diện tích thoát hơi nước của cây trung bình gấp 20 lần diện tích che phủ của nó.

Đảm bảo an toàn cho hệ thống cây xanh đô thị.

3.1 Bảo tồn mảng xanh đô thị gồm các nội dung [3]:

- Một số mảng xanh đã được quy hoạch hoàn chỉnh và là một quần thể sinh vật đa dạng, phong phú về chủng loại.

- Các tuyến cây xanh đẹp và có ý nghĩa lịch sử.

- Cây quý hiếm cần bảo tồn nguồn gen.

- Cây tiêu biểu đại diện cho các loài thực vật đã tồn tại trên địa bàn TP HCM và các vùng lân cận (Miền Đông Nam Bộ).

- Cây có độ tuổi cao hoặc kích thước lớn.

- Cây nhập nội nhưng đã sống lâu và thích hợp với khí hậu Việt Nam.

- Cây tiêu biểu di thực từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung hiện đã sống lâu và thích hợp với điều kiện tự nhiên ở TP.HCM.

- Cây có giá trị văn hóa lịch sử, gắn liền với những địa danh do quá trình phát triển "làng xóm” từ lúc di dân lập ấp của ông cha ta.

- Cây do các vị lãnh tụ trồng kỷ niệm.

Bảo tồn các bộ sưu tập thực vật trong các công viên trọng điểm

Chủ yếu là các công viên như: công viên Tao Đàn, Dinh Thống Nhất, công viên 30/4 và Thảo Cầm Viên. Cây xanh trong các công viên này tạo thành một quần thể nhiều tầng gồm: đại mộc, trung mộc và tiểu mọc kéo dài từ công viên Tao Đàn đến Thảo Cầm Viên; rất phong phú về giống loài, các sắc mộc quý hiếm vừa tạo cảnh, thu hút du lịch nghỉ ngơi, vừa là nơi học tập, nghiên cứu, sưu tầm và thu hái giống.

Bảo tồn các hàng cây xanh đường phố tiêu biểu: Đường Pasteur, đường Sương Nguyệt Anh, đường Nguyễn Du,…

Bảo tồn các cây lâu năm có giá trị lịch sử gắn với bệnh viện trường học như Trường Lê Hồng Phong, trường Lê Quý Đôn, Trường Marie Curie, Bệnh viện Nhi Đồng II, Bệnh viện Nhiệt đới,…

3.2 Phát triển thảm cỏ, bồn kiểng trên vỉa hè và dãy phân cách:

3.3. Liên kết các bồn cỏ gốc cây: nhằm hình thành những dãy dài trên các vỉa hè, trước cơ quan, công sở, bệnh viện, trường học, công viên… nơi vỉa hè không có dân cư tập trung mua bán.

3.4. Phát triển mảng xanh theo không gian đứng.

Thực hiện trồng dây leo hoa kiểng dưới chân cầu, trụ cầu, thành cầu như kinh nghiệm các nước đã thực hiện. TP.HCM trong tiến trình phát triển đô thị hiện nay đã xây dựng:  cầu vượt Trạm 2 Thủ Đức, cầu vượt Linh Xuân, cầu vượt Sóng Thần, cầu vượt Ngã tư ga, cầu vượt Tân Thới Hiệp, cầu vượt Quang Trung, cầu vượt An Sương, cầu vượt Củ Chi…Vì vậy, việc phát triển mảng xanh theo không gian đứng góp phần làm nhẹ mức độ bê tông hoá đồng thời tăng thêm diện tích mảng xanh đô thị.

3.5. Phát triển hệ thống kết nối hành lang cây xanh ven kênh rạch.

Xây dựng hệ thống kết nối công viên, hành lang xanh, có thể đi xe đạp, đi bộ dọc theo ven sông, rạch, kênh, kênh thoát nước. Như vậy có thể thực hiện hành lang kết nối (lối đi bộ và đi xe đạp).

Tạo cảnh quan cây xanh dọc sông, kênh, rạch.

4. Kế hoạch dự trữ đất trồng cây trên đường:

Quy chuẩn thiết kế đường giao thông: Phải dành chỉ giới trồng cây xanh, bề rộng mặt đường, dãy phân cách, hệ thống hạ tầng (cáp, điện ngầm..), thoát nước…,Tiêu chuẩn này nhằm đảm bảo hành lang an toàn giao thông; giữa nhà và đường giao thông phải có khoảng lùi tạo ra không gian thông thoáng và có kế hoạch dự trữ đất trồng cây xanh trên đường.

Bảo tồn và phát triển mảng xanh đô thị là vấn đề cấp thiết trong hạ tầng xanh đối với TP.HCM, vì ngoài việc cải thiện điều kiện môi trường sinh thái còn làm tăng thêm vẻ mỹ quan đô thị, góp phần đưa TP.HCM trở thành đô thị thân thiện với môi trường theo xu thế phát triển bền vững.

 

Tài liệu tham khảo:

1.  TS. Nguyễn Hồng Hạnh - “Một số quan điểm về cơ sở hạ tầng xanh” - Tạp chí Môi trường và Đô thị, 08/12/2022.

2.  PGS.TS Chế Đình Lý - “Vai trò của hạ tầng xanh đô thị và thiết lập các công viên xanh cho các đô thị ở Việt Nam”, 10/2023.

3.  Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh TP HCM - “Đề án Đánh giá cá thể hệ thống Cây xanh đô thị TP HCM”, 11/2014.

Bình luận