Những bất cập trong công tác quy hoạch, xây dựng và kiến trúc nông thôn
Theo thống kê sơ bộ, Hà Nội hiện có tới 70% diện tích là nông nghiệp, nông thôn gắn với các vùng xanh, chỉ có 30% phát triển đô thị.
Sở QHKT Hà Nội cho biết, kể từ năm 2011 đến nay, khu vực nông thôn của Hà Nội có khoảng 104 quy hoạch liên quan do Chính phủ và các Bộ, ngành phê duyệt; 25 quy hoạch liên quan do thành phố phê duyệt. Trong số 25 quy hoạch liên quan đến khu vực nông thôn đã được thành phố phê duyệt, có 14 quy hoạch chung huyện, thị xã và quy hoạch chung 11 thị trấn trên địa bàn.

Còn theo ông Lưu Quang Huy - Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội, từ năm 2008 - 2012, toàn bộ 401 xã trên địa bàn thành phố đã hoàn thành việc lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới.
Tuy nhiên, quy hoạch các xã được thực hiện trước khi quy hoạch chung xây dựng các huyện được lập và phê duyệt dẫn đến không ít bất cập như định hướng quy hoạch phát triển không gian xã nông thôn mới chưa dự báo được quy mô phát triển dân số; hạ tầng kỹ thuật khung của nhiều xã chưa khớp nối đồng bộ; quy hoạch các xã trong từng huyện thiếu tính liên kết vùng, kết nối đồng bộ hạ tầng.
Đáng chú ý, ông Lưu Quang Huy cho biết, đối với khu vực có tốc độ đô thị hóa cao, đã được phê duyệt đề án phát triển thành quận như các huyện Ðông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Ðức và Đan Phượng nhưng lại chưa có hướng dẫn thiết kế kiến trúc cảnh quan, kiểm soát xây dựng tại khu vực nông thôn.
Vì thế, xuất hiện tình trạng xây dựng tự phát, lộn xộn, xây dựng trên đất nông nghiệp diễn biến phức tạp. Nhiều công trình xây dựng không có khoảng lùi hoặc chia nhỏ diện tích đất vườn, ao liền kề để chuyển nhượng, xây dựng công trình làm gia tăng áp lực dân số, hạ tầng và môi trường. Cấu trúc làng xã và hình ảnh kiến trúc truyền thống nông thôn ngày càng bị phá vỡ, mai một dần.
Đề xuất định hướng phát triển khu vực nông thôn Hà Nội

Tại Hội thảo định hướng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 được tổ chức tại Hà Nội mới đây, PGS.TS Nguyễn Đình Thi - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cùng nhóm nghiên cứu đã có một số đề xuất về vấn đề phát triển khu vực nông thôn của Hà Nội.
Theo PGS.TS Nguyễn Đình Thi, khu vực nông thôn ven đô cần phải phát triển tương xứng với đô thị. Do đó, định hướng quy hoạch Thủ đô Hà Nội không chỉ tập trung cho các đô thị trung tâm, đô thị vệ tinh mà còn phải hình thành mạng lưới trung tâm cụm xã (thị trấn hay đô thị loại 5) tại các huyện ngoại thành, là các trung tâm dịch vụ tiêu dùng cấp cao, trung tâm thu gom và chế biến sản phẩm nông nghiệp, trung tâm du lịch, hỗ trợ các khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
Từ đây, xây dựng và phát triển nông nghiệp hàng hoá tập trung, nông nghiệp sinh thái, xây dựng nông thôn mới, xanh, hiện đại, gắn với phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch làng nghề giàu bản sắc văn hóa đặc trưng của Thủ đô. Hình thành được mạng lưới trung tâm cụm xã hay trung tâm tiểu vùng của cả Vùng Thủ đô.
Đối với định hướng tổ chức không gian phát triển ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản khu vực ven đô (khu vực ngoại thành có tốc độ đô thị hóa nhanh), PGS.TS Nguyễn Đình Thi đề xuất bổ sung thêm chức năng dịch vụ du lịch do lợi thế về khoảng cách của khu vực này.
Đối với khu vực ngoại thành, cần khai thác nông nghiệp đa mục tiêu, bên cạnh trồng trọt và chế biến, cần tích hợp với tiềm năng riêng có của từng vùng như phát triển du lịch nông nghiệp dựa trên khai thác bổ sung các giá trị văn hóa, di sản khu vực.
Đối với định hướng phát triển cụm công nghiệp làng nghề, PGS. TS Nguyễn Đình Thi lưu ý cần quan tâm phát triển cụm công nghiệp làng nghề để tăng cường phát triển kinh tế nông thôn. Tuy nhiên, cần tránh xu hướng mở rộng ồ ạt, bố trí quá phân tán theo vị trí các làng nghề, cần có định hướng theo cụm hoặc theo tuyến hạ tầng để dễ kiểm soát và xử lý môi trường.
Một số huyện có thể mở rộng khu công nghiệp như Thạch Thất, Phú Xuyên; trong đó, huyện Phú Xuyên cần ưu tiên mở rộng quy mô công nghiệp sạch để thúc đẩy cực phát triển kinh tế khu vực phía Nam.
Theo định hướng phát triển không gian đô thị, nông thôn tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô, giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, do Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (đơn vị danh tư vấn) thực hiện, mục tiêu của quy hoạch nhằm phát triển Thủ đô Hà Nội là Thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.
Về không gian xây dựng đô thị Hà Nội, sẽ phát triển mạng lưới đa trung tâm theo mô hình đa cực. Hình thành các trung tâm chức năng cấp vùng, quốc gia và quốc tế để tạo nên động lực cho các khu vực phát triển đô thị mở rộng.
Đối với phương án phát triển nông thôn, tổ chức không gian mạng lưới các khu dân cư nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, phân bố hệ thống điểm dân cư nông thôn, bố trí sáp nhập các xã. Xác định các vùng, khu vực dành cho mục tiêu phát triển các khu dân cư nông thôn trên địa bàn Thủ đô theo từng giai đoạn quy hoạch. Xây dựng mô hình phát triển, cấu trúc hệ thống khu dân cư nông thôn phù hợp với đặc điểm kinh tế, văn hóa, xã hội (mô hình dân cư vùng nông nghiệp, mô hình dân cư vùng ven các đô thị...)
Là Thủ đô song Hà Nội có nhiều lợi thế phát triển nông nghiệp, nông thôn, vì vậy theo các nhà chuyên môn, việc tìm ra phương án quy hoạch và giải pháp phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững là yêu cầu hết sức cần thiết. Khi được định hướng rõ nét trong các bản Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 và Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô sẽ là cơ hội để nông nghiệp, nông thôn ngày càng khẳng định vai trò, vị trí trong không gian đô thị.