Một số tính chất cơ lý của bê tông sử dụng cao su từ lốp xe thải thay thế một phần cốt liệu mịn

Để tái sử dụng các lốp xe thải và phát triển một loại vật liệu có khả năng sử dụng trong các kết cấu chịu lực và chịu được tải trọng động cũng như tải trọng nổ, nghiên cứu này sử dụng cao su tái chế từ lốp xe thải để thay thế một phần cát trong bê tông cốt liệu mịn.

1. Giới thiệu

Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, lượng rác thải sinh hoạt được thải ra ở các đô thị trên toàn cầu đã vượt 2 tỷ tấn/năm, dự kiến đến năm 2030 sẽ lên đến 3,4 tỷ tấn/năm [1].  Vì vậy, việc giảm thiểu chất thải và tái sử dụng chúng trở thành nguyên liệu có ích, nhằm quản lý chất thải, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường cũng như giảm diện tích đất sử dụng làm các bãi chôn lấp đang là bài toán cấp bách.

Trong tổng lượng rác thải kể trên, tình trạng phát thải các sản phẩm liên quan đến cao su đang là vấn đến nổi bật và thu hút nhiều sự quan tâm của Chính phủ cũng như các nhà nghiên cứu trên toàn cầu. Theo ước tính của Colom và các cộng sự [2], mỗi năm có khoảng 1 tỷ chiếc lốp xe được thải ra trên toàn thế giới.

Con số này cũng tương tự như con số được đưa ra theo cách tính của Martínez và các cộng sự [3], khi cho rằng mỗi cư dân ở các nước phát triển trung bình thải ra 1 lốp xe/năm, như vậy mỗi năm cũng có khoảng 1 tỷ lốp xe được thải ra. Dự báo đến năm 2030 có khoảng 1,2 tỷ lốp xe được loại biên hàng năm, và tổng số lốp xe thải tồn đọng tại các bãi rác khoảng 5 tỷ chiếc [4].

Tại châu Âu, hàng năm khoảng 355 triệu lốp xe được sản xuất ra ở 90 nhà máy, chiếm 24% tổng sản lượng toàn cầu, khoảng 290 triệu chiếc được loại biên, trong số đó 45 triệu chiếc được tái chế, và chi phí quản lý lốp xe thải hàng năm ước tính khoảng 600 triệu Euro [5]. 

Tại các quốc gia trong khu vực châu Á, việc tiêu thụ sản phẩm cao su tại Thái Lan đạt khoảng 250.000 tấn chỉ riêng trong năm 2000 [6]. Trong đó, lốp xe chiếm khoảng 38% (tương đương 94.000 tấn). Những con số này không ngừng gia tăng theo từng năm do sự gia tăng của số lượng phương tiện, dẫn đến những thách thức trong tương lai liên quan đến lốp xe thải.

Tại Singapore và Đài Loan mỗi năm tương ứng có khoảng hơn 25.100 và 100.000 tấn lốp xe thải [7,8]. Tại một số quốc gia khác, như ở Mỹ mỗi năm sản xuất ra khoảng 290 triệu lốp xe và khoảng 275 triệu chiệc được loại biên và vứt bỏ trong các bãi rác trên toàn quốc [9].

Tại Úc, sự gia tăng lốp xe thải tại các bãi chứa mỗi năm khoảng 2%, ước tính năm 2010 có hơn 20 triệu lốp xe được vứt bỏ tại các bãi chôn lấp [10]. Việt Nam hiện là quốc gia đông dân thứ 3 Đông Nam Á và thứ 15 thế giới, theo thống kê sản lượng tiêu thụ xe ô tô lần lượt năm 2022 và 2023 khoảng 334.000 và 370.000 chiếc, lượng lốp xe tương ứng cần đạt khoảng 2 triệu chiếc/năm, và khối lượng lốp xe thải ra mỗi năm khoảng 500.000 tấn. 

Hiện nay, ngoại trừ một số nước phát triển có tỷ lệ tái chế cao, còn lại đa phần đều sử dụng bãi chôn lấp để xử lý lốp xe đã qua sử dụng [11]. Trong đó nhiều chiếc được vứt bỏ trái phép hoặc lưu trữ tại những nơi không được phép.

Việc xử lý lốp xe thải không đúng cách có thể tạo ra những mối đe dọa tiềm ẩn đến môi trường và sức khỏe con người như nguy cơ hỏa hoạn, là nơi trú ngụ của các sinh vật gây hại như chuột, muỗi và gián. Chính vì vậy việc tái chế lốp xe thải đã và đang được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm, đặc biệt là sử dụng chúng như một phần cốt liệu thay thế cát hoặc đá trong sản xuất bê tông [11–13].

Các nghiên cứu trước đã chỉ ra rằng, bê tông sử dụng hạt cao su tái chế từ lốp xe thải có khả năng hấp thụ năng lượng tốt, do vậy có khả năng chịu tải trọng động và tải trọng nổ [14,15]. Tuy nhiên, đa phần các nghiên cứu đều sử dụng hạt cao su tái chế trong sản xuất bê tông thông thường có đầy đủ cốt liệu lớn và nhỏ. Mặt khác, nghiên cứu sử dụng hạt cao su tái chế trong thành phần bê tông ở Việt Nam còn hạn chế. 

Nhằm tạo ra một loại kết cấu bê tông vừa có khả năng chịu lực, vừa có khả năng chịu tải trọng động và tải trọng nổ, nghiên cứu này sử dụng hạt cao su tái chế từ lốp xe thải thay thế một phần cát trong bê tông cốt liệu mịn. Bê tông cốt liệu mịn này có thể được sử dụng như một lớp bê tông hoặc một vữa trát trên bề mặt kết cấu để hấp thụ năng lượng.

Bài báo trình bày kết quả thực nghiệm về một số tính chất cơ lý của bê tông cao su làm tiền đề cho các nghiên cứu tiếp theo để phát triển một loại vật liệu sử dụng trong các kết cấu có khả năng chịu tải trọng va đập và tải trọng nổ.

2. Vật liệu và phương pháp thí nghiệm

2.1. Vật liệu

Các vật liệu được sử dụng trong bê tông cốt liệu mịn bao gồm: chất kết dính, cốt liệu mịn, nước và phụ gia siêu dẻo. Trong đó, cốt liệu mịn bao gồm cát có kích thước hạt từ 0,15-1,25 mm và hạt cao su tái chế từ lốp xe thải có kích thước trong khoảng 0-1 mm. Các chất kết dính bao gồm xi măng Bỉm Sơn PCB40, xỉ lò cao nghiền mịn Hòa Phát S95 và silica fume PRO-MIC được cung cấp bởi Công ty cổ phần IPRO. Nước trộn bê tông là nước máy, trong khi phụ gia siêu dẻo là loại gốc Naphtalen formaldehyt sulfonat có khối lượng riêng 1150 kg/m3.

Hạt cao su được cung cấp bởi Công ty TNHH Tái chế cao su Long Long có khối lượng riêng 1100 kg/m3. Do hạt cao su có kích thước nhỏ hơn 1 mm nên cát sử dụng cũng được lựa chọn có kích thước tương đồng trong khoảng 0,15-1,25 mm, cát có khối lượng riêng là 2650 kg/m3. Khối lượng riêng của xi măng, xỉ lò cao nghiền mịn và silica fume lần lượt là 3120 kg/m3, 2820 kg/m3, và 2200 kg/m3.

2.2. Thiết kế cấp phối

Bảng 1 trình bày thành phần cấp phối của các mẫu bê tông trong nghiên cứu này. Tất cả các mẫu đều có tỷ lệ nước/chất kết dính bằng 0,35, do vậy được ký hiệu là M35. Mẫu đối chứng (M35-R00) không sử dụng cao su được thiết kế trước với hàm lượng nước chọn là 205 kg/m3.

Hàm lượng xi măng, xỉ lò cao nghiền mịn và silica fume được sử dụng tương ứng 55%, 30% và 15% so với tổng lượng chất kết dính. Mục đích sử dụng xỉ lò cao nghiền mịn là để tận dụng các nguồn phế thải công nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường trong khi việc sử dụng silica fume nhằm tăng cường độ của bê tông, đảm bảo bê tông đạt cường độ tối thiểu 25 MPa khi thay thế hàm lượng cát bởi sao su.

Lượng phụ gia siêu dẻo được sử dụng tương ứng 2% tổng hàm lượng chất kết dính. Sau khi mẫu đối chứng được thiết kế, lần lượt thay thế cát bởi 5%, 15%, 25% và 35% theo thể tích để được các mẫu M35-R05, M35-R15, M35-R25 và M35-R35. Ký hiệu các mẫu như sau: M35 có nghĩa là mẫu có tỷ lệ nước/chất kết dính bằng 0,35, các số đứng sau chữ R là hàm lượng cát bị thay thay thế bởi cao su tính theo phần trăm thể tích.

Bảng 1. Thành phần cấp phối (kg/m3)

 Ghi chú: XM= xi măng, SF= silica fume, XLC= xỉ lò cao nghiền mịn, SP= phụ gia hóa dẻo.

2.3. Chuẩn bị mẫu và phương pháp thí nghiệm

Quy trình trộn mẫu được thực hiện như sau, ban đầu cho tất cả các vật liệu khô như xi măng, xỉ lò cao nghiền mịn, silica fume, cát và cao su vào máy trộn với tốc độ chậm rồi tăng dần lên mức trung bình để cho chúng được trộn đều với nhau. Sau đó cho khoảng 2/3 hỗn hợp đã được trộn đều của nước và phụ gia siêu dẻo vào trộn tiếp trong khoảng 3 phút.

Tiếp theo cho 1/3 hỗn hợp còn lại của nước và phụ gia siêu dẻo vào trộn đến khi đạt được hỗn hợp đồng nhất. Sử dụng khuôn thép kích thước 50×50×50 mm và 40×40×160 mm để tạo mẫu. Sau khi đúc mẫu được 24h thì tháo mẫu và ngâm bảo dưỡng mẫu trong bể nước cho đến khi làm thí nghiệm. Hình 1 minh họa các vật liệu được chuẩn bị cho một mẽ trộn. Hình 2 minh họa các mẫu bê tông sau khi tháo khuôn và được ghi ký hiệu. 

Các mẫu bê tông sau khi đúc được kiểm tra các tính chất cơ lý bao gồm: khối lượng thể tích bê tông đóng rắn (khối lượng thể tích khô), cường độ chịu nén, cường độ chịu uốn, vận tốc truyền sóng siêu âm, độ hút nước và độ truyền nhiệt. Khối lượng thể tích khô, cường độ chịu nén, cường độ chịu uốn và độ hút nước được thực hiện dựa theo TCVN 3121-2003, vận tốc truyền xung siêu âm được thực hiện theo ASTM C597-16, và độ truyền nhiệt được đo trực tiếp bằng thiết bị ISOMET-2014.

Mẫu hình lập phương kích thước 50×50×50 mm được sử dụng để đo khối lượng thể tích bê tông đóng rắn, độ hút nước và độ truyền nhiệt, các thí nghiệm này được tiến hành ở 28 ngày tuổi.  Mẫu hình lăng trụ kích thước 40×40×160 mm được sử dụng để đo cường độ chịu uốn, cường độ chịu nén và vận tốc truyền xung siêu âm.

Sau khi xác định vận tốc truyền xung siêu âm, mẫu bê tông được kiểm tra cường độ chịu uốn theo phương pháp uốn 3 điểm. Hai nữa mẫu bê tông bị gãy trong thí nghiệm uốn được dùng để kiểm tra cường độ chịu nén với đế gá bằng thép có diện tích tiếp xúc mẫu là 40×40 mm.

Kết quả trình bày trong nghiên cứu này là giá trị trung bình của ít nhất 3 mẫu thử. Cường độ chịu nén và vận tốc truyền xung siêu âm được đo tại 3, 7, 14 và 28 ngày tuổi. Do cường độ chịu uốn tại các ngày tuổi ban đầu khá thấp nên chúng chỉ được xác định tại các ngày tuổi 7, 14 và 28.

Hình 1. Chuẩn bị nguyên vật liệu.
Hình 2. Các mẫu bê tông sau khi tháo khuôn.

3. Kết quả và thảo luận

3.1. Khối lượng thể tích khô

Khối lượng thể tích của các mẫu bê tông đã đóng rắn, hay còn gọi là khối lượng thể tích khô, được thể hiện trên Hình 3. Mẫu đối chứng có khối lượng thể tích khô là 2,19 T/m3, trong khi các mẫu bê tông có hàm lượng cao su 5%, 15%, 25% và 35% có khối lượng thể tích khô tương ứng là 2,12 T/m3, 1,97 T/m3, 1,87 T/m3 và 1,73 T/m3.

Có nghĩa là khi tăng hàm lượng cao su, khối lượng thể tích khô của các mẫu bê tông giảm. Điều này là do cao su có khối lượng riêng (1100 kg/m3) nhỏ hơn rất nhiều so với khối lượng riêng của cát (2650 kg/m3). Khi sử dụng hàm lượng cao su là 5%, 15%, 25% và 35%, khối lượng thể tích khô của bê tông giảm tương ứng là 3,1%, 10%, 14,9% và 21,2%.

Kết quả này tương đồng với kết quả nghiên cứu của Fadiet và các cộng sự [16], khi thay thế cát bởi 10-40% cao su, khối lượng thể tích khô giảm từ 3,25-30,1%. Khối lượng thể tích của bê tông nhẹ giúp giảm giá trị tĩnh tải từ đó giảm tải trọng tác dụng lên móng công trình.

Hình 3. Khối lượng thể tích bê tông đóng rắn

3.2. Cường độ chịu nén 

Cường độ chịu nén là một trong những tính chất cơ bản và quan trọng của bê tông, nó thể hiện khả năng chịu lực của bê tông. Kết quả cường độ chịu nén của các mẫu bê tông theo thời gian được thể hiện trên Hình 4. Cường độ của các mẫu bê tông phát triển theo thời gian và có xu hướng giảm khi tăng hàm lượng cao su thay thế cát.

Mẫu đối chứng có cường độ chịu nén tại 28 ngày tuổi là 67,3 MPa, trong khi các mẫu bê tông sử dụng 5%, 15%, 25% và 35% cao su có cường độ chịu nén tương ứng là 60,5 MPa, 47,9 MPa, 34,3 MPa và 26,6 MPa. Có thể thấy rằng khi càng tăng hàm lượng cao su thì cường độ chịu nén có xu hướng giảm càng mạnh. Cụ thể, cường độ chịu nén giảm tương ứng 10,1%, 26,1%, 49% và 60,5% khi hàm lượng cao su sử dụng là 5%, 15%, 25% và 35%. Kết quả này tương đồng với kết quả từ các nghiên cứu trước [11].  

Hình 4. Cường độ chịu nén theo thời gian.

Sự giảm cường độ chịu nén này là do khả năng liên kết giữa các chất kết dính với cao su nhỏ hơn nhiều so với cát, do vậy khi chịu lực bê tông cao su dễ xuất hiện các vết nứt tại các vị trí có cao su, làm giảm khả năng chịu lực của bê tông.

Tuy nhiên, như đã dự kiến ở trên, khi sử dụng các hạt cao su thay thế một phần cát, cường độ các mẫu bê tông sẽ giảm đáng kể, vì vậy việc sử dụng silica fume nhằm mục đích để khi thay thế đến 35% cát bởi cao su, cường độ chịu nén của mẫu vẫn đạt 26,6 MPa, tương đương với bê tông mác M250, có thể sử dụng được trong các kết cấu chịu lực.

3.3. Cường độ chịu uốn  

Sự phát triển cường độ chịu uốn của các mẫu bê tông với các hàm lượng cao su khác nhau theo thời gian được thể hiện trên Hình 5. Tương tự như cường độ chịu nén, cường độ chịu uốn của bê tông có xu hướng giảm khi tăng hàm lượng cao su.

Cường độ chịu uốn của mẫu đối chứng đạt 7,3 MPa tại 28 ngày tuổi, trong khi các mẫu sử dụng 5%, 15%, 25% và 35% cao su có cường độ chịu uốn tương ứng là 6,3 MPa, 4,7 MPa, 3,9 MPa và 3,3 MPa. Điều này có nghĩa là khi thay thế 5%, 15%, 25% và 35% cát tự nhiên bởi vụn cao su, cường độ chịu uốn của bê tông giảm lần lượt là 12,9%, 35,5%, 46,2% và 54,8%.

Kết quả này có cùng xu hướng với các kết quả từ các nghiên cứu trước [11]. Nguyên nhân chủ yếu của việc giảm cường độ này là do sự không đồng nhất của hỗn hợp bê tông khi có sự tham gia của cao su dẫn đến sự xuất hiện của các vết nứt giữa cao su và các chất kết dính.

Hình 5. Cường độ chịu uốn của bê tông với các hàm lượng cao su khác nhau.

3.4. Vận tốc truyền xung siêu âm 

Giá trị vận tốc truyền xung siêu âm có liên quan mật thiết đến độ đặc chắc cũng như cường độ chịu nén của bê tông. Vì vậy, thí nghiệm xác định giá trị vận tốc truyền xung siêu âm được biết đến như là một trong những phương pháp không phá hủy dùng để xác định chất lượng tương đối của bê tông.

Hình 6 trình bày kết quả xác định giá trị vận tốc truyền xung siêu âm của các mẫu bê tông theo thời gian với các hàm lượng cao su khác nhau. Tương tự như đối với cường độ chịu nén, giá trị vận tốc truyền xung siêu âm của các mẫu bê tông tăng dần theo thời gian và có xu hướng giảm rõ rệt khi tăng hàm lượng cao su.

Cụ thể, các mẫu sử dụng cao su thay thế một phần cát có giá trị vận tốc truyền xung siêu âm tại 28 ngày tuổi trong khoảng 3304-4120 m/s, trong khi mẫu đối chứng có giá trị tương ứng là 4356 m/s. Kết quả này có xu hướng tương đồng với kết quả từ nghiên cứu trước [17], và nguyên nhân được chỉ ra là do độ đặc chắc của cao su kém hơn nhiều so với cát (khối lượng riêng của cao su và cát lần lượt là 1100 kg/m3 và 2650 kg/m3).

Điều đó có nghĩa là độ rỗng bên trong cao su cao, làm tăng thời gian từ điểm truyền sóng đến điểm thu sóng, do vậy giá trị vận tốc truyền xung siêu âm trong bê tông giảm. Theo sự phân loại chất lượng bê tông thường dựa trên giá trị vận tốc truyền xung siêu âm, những mẫu bê tông được cho là có chất lượng tốt khi giá trị này lớn hơn 3600 m/s [18].

Các mẫu bê tông trong nghiên cứu này đều có giá trị lớn hơn 3600 m/s ngoại trừ mẫu M35-R35 có giá trị xấp xỉ (3304 m/s). Như đã nói trên, chất lượng của bê tông cao su trong nghiên cứu này được cải thiện nhờ sự có mặt của silica fume, vốn là chất kết dính bao gồm các hạt rất mịn, có thể khỏa lấp được các lỗ rỗng trong bê tông, vì vậy tăng cường độ và một số tính chất cơ lý khác của bê tông. Nói cách khác, các mẫu bê tông trong nghiên cứu này có thể sử dụng được trong các kết cấu chịu lực.

Hình 6. Vận tốc truyền xung siêu âm

3.5. Độ hút nước  

Độ hút nước của các mẫu bê tông tại 28 ngày tuổi được thể hiện trên Hình 7 tương ứng với hàm lượng cao su thay thế cát. Kết quả hiển thị trên Hình 7 cho thấy, độ hút nước của bê tông tăng khi tăng hàm lượng cao su. 

Hình 7. Độ hút nước.

Cụ thể, mẫu đối chứng có độ hút nước tương đối thấp là 3,57%, trong khi các mẫu bê tông cao su có độ hút nước trong khoảng 3,86-6,82% khi hàm lượng cao su sử dụng tương ứng là 5-35%. Các nghiên cứu trước đều cho rằng, độ hút nước của bê tông tăng khi tăng hàm lượng cao su [19], và nguyên nhân được chỉ ra tương tự như đối với giá trị vận tốc truyền xung siêu âm, tức là độ rỗng trong bê tông cao su lớn.

Có thể thấy rằng, giá trị vận tốc truyền xung và độ hút nước đều có liên quan đến độ rỗng của bê tông. Các hạt cao su vốn nhẹ, có nghĩa là tồn tại nhiều lỗ rỗng ở dạng bong bóng khí bên trong nó, làm giảm giá trị vận tốc truyền xung siêu âm.

Bên cạnh đó, sự liên kết không tốt giữa cao su và các chất kết dính cũng hình thành nên các lỗ rỗng và các vết nứt, là nguyên nhân dẫn đến sự tăng giá trị độ hút nước. Giá trị đột hút nước trong nghiên cứu này gần tương đồng với độ hút nước của bê tông trong nghiên cứu trước [20].

3.6. Độ truyền nhiệt

Độ truyền nhiệt tại 28 ngày tuổi của các mẫu bê tông tương ứng với hàm lượng cao su sử dụng được thể hiện trên Hình 8. Mẫu đối chứng có hệ số dẫn nhiệt 1,82 W/m.K gần tương đương với hệ số dẫn nhiệt của bê tông thông thường (khoảng 2,0 W/m.k) [21].

Lưu ý rằng, hệ số dẫn nhiệt phụ thuộc chủ yếu vào độ đặc chắc của bê tông [22], có nghĩa là vật liệu có khối lượng riêng càng cao thì hệ số dẫn nhiệt càng lớn. Đối với bê tông thường, khối lượng thể tích ở trạng thái đóng rắn khoảng 2,5 T/m3, tuy nhiên mẫu bê tông đối chứng trong nghiên cứu này chỉ sử dụng cốt liệu mịn (cát) và một số loại chất kết dính (xỉ lò cao nghiền mịn và silica fume) có khối lượng riêng thấp hơn so với xi măng nên khối lượng thể tích khô được xác định ở trên là 2,19 T/m3, dẫn đến hệ số truyền nhiệt thấp hơn bê tông thông thường.

Khi thay thế cát bởi cao su, khối lượng thể tích khô của các mẫu bê tông giảm, kéo theo độ truyền nhiệt giảm. Khi thay thế từ 5% đến 35% cát bởi cao su, hệ số dẫn nhiệt giảm tương ứng xuống từ 1,71 W/m.K đến 1,16 W/m.K. Càng tăng hàm lượng cao su thì độ rỗng trong bê tông càng lớn, khối lượng thể tích khô giảm, dẫn đến độ truyền nhiệt giảm. Xu hướng này phù hợp với các kết quả từ các nghiên cứu trước [11].  

Hình 8. Độ truyền nhiệt

Kết luận

Nghiên cứu này được thực hiện nhằm đánh giá một số tính chất cơ lý của bê tông sử dụng cao su tái chế từ lốp xe thải để thay thế một phần cát trong thành phần bê tông cốt liệu mịn. Một số kết quả chính được rút ra từ thực nghiệm như sau:

1) Khi tăng hàm lượng cao su khối lượng thể tích khô, cường độ chịu nén, cường độ chịu uốn và vận tốc truyền xung siêu âm của bê tông giảm, trong khi độ hút nước tăng.

2) Sử dụng cao su tái chế thay thế một phần cát giúp tăng khả năng cách nhiệt của bê tông. Hàm lượng cao su càng tăng thì khả năng cách nhiệt của bê tông càng tốt. 

3) Mặc dù cường độ chịu nén và vận tốc truyền xung siêu âm của các mẫu bê tông cao su giảm, tuy nhiên các mẫu bê tông trong nghiên cứu này có cường độ lớn hơn 26 MPa và giá trị vận tốc truyền xung siêu âm lớn hơn 3300 m/s, đảm bảo chúng có khả năng sử dụng trong các kết cấu chịu lực. Có được kết quả này một phần nhờ vào việc thiết kế cấp phối hợp lý trong đó có sử dụng silica fume như một phần chất kết dính.

4) Với các tính chất cơ lý như đã trình bày trên, các mẫu bê tông cao su này có thể tiếp tục được thử nghiệm cho các khả năng chịu tải trọng va đập và tải trọng nổ trong các nghiên cứu tiếp theo.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. S. Kaza, L. Yao, P. Bhada-Tata, F.V. Woerden (2018), What a waste 2.0: A global snapshot of solid waste management to 2050, World Bank Publications.
[2]. X. Colom, F. Carrillo, J. Cañavate (2007), Composites reinforced with reused tyres: Surface oxidant treatment to improve the interfacial compatibility, Composites Part A: Applied Science and Manufacturing, 38, 44–50. https://doi.org/10.1016/j.compositesa.2006.01.022
[3]. J.D. Martínez, N. Puy, R. Murillo, T. García, M.V. Navarro, A.M. Mastral (2013), Waste tyre pyrolysis – A review, Renewable Sustainable Energy Review, 23, 179–213. https://doi.org/10.1016/j.rser.2013.02.038.
[4]. F. Pacheco-Torgal, Y. Ding, S. Jalali (2012), Properties and durability of concrete containing polymeric wastes (tyre rubber and polyethylene terephthalate bottles): An overview, Constrion and Building Materials, 30, 714–724. https://doi.org/10.1016/j.conbuildmat.2011.11.047.
[5]. D. Lo Presti (2013), Recycled tyre rubber modified bitumens for road asphalt mixtures: A literature review, Constrion and Building Materials, 49, 863–881. https://doi.org/10.1016/j.conbuildmat.2013.09.007.
[6]. P. Sukontasukkul, C. Chaikaew (2006), Properties of concrete pedestrian block mixed with crumb rubber, Constrion and Building Materials, 20, 450–457. https://doi.org/10.1016/j.conbuildmat.2005.01.040.
[7]. S.-F. Wong, S.-K. Ting (2009), Use of recycled rubber tires in normal and high-strength concretes, ACI Materials Journal, 106 (4), 325-332. https://doi.org/10.14359/56652
[8]. W.H. Yung, L.C. Yung, L.H. Hua (2013), A study of the durability properties of waste tire rubber applied to self-compacting concrete, Constrion and Building Materials, 41, 665–672. https://doi.org/10.1016/j.conbuildmat.2012.11.019.
[9]. M.K. Batayneh, I. Marie, I. Asi (2008), Promoting the use of crumb rubber concrete in developing countries, Waste Management, 28, 2171–2176. https://doi.org/10.1016/j.wasman.2007.09.035.
[10]. I. Mohammadi, H. Khabbaz, K. Vessalas (2014), In-depth assessment of crumb rubber concrete (CRC) prepared by water-soaking treatment method for rigid pavements, Constrion and Building Materials, 71, 456–471. https://doi.org/10.1016/j.conbuildmat.2014.08.085.
[11]. A.M. Rashad, A comprehensive overview about recycling rubber as fine aggregate replacement in traditional cementitious materials, Int. J. Sustain. Built Environ. 5 (2016) 46–82. https://doi.org/10.1016/j.ijsbe.2015.11.003.
[12]. A. Siddika, Md.A.A. Mamun, R. Alyousef, Y.H.M. Amran, F. Aslani, H. Alabduljabbar (2019), Properties and utilizations of waste tire rubber in concrete: A review, Constrion and Building Materials, 224, 711–731. https://doi.org/10.1016/j.conbuildmat.2019.07.108.
[13]. R. Roychand, R.J. Gravina, Y. Zhuge, X. Ma, O. Youssf, J.E. Mills (2020), A comprehensive review on the mechanical properties of waste tire rubber concrete, Constrion and Building Materials, 237, 117651. https://doi.org/10.1016/j.conbuildmat.2019.117651.
[14]. T. Gupta, R.K. Sharma, S. Chaudhary (2015), Impact resistance of concrete containing waste rubber fiber and silica fume, International Journal of Impact Engineering, 83, 76–87. https://doi.org/10.1016/j.ijimpeng.2015.05.002.
[15]. F. Yang, W. Feng, F. Liu, L. Jing, B. Yuan, D. Chen (2019), Experimental and numerical study of rubber concrete slabs with steel reinforcement under close-in blast loading, Constrion and Building Materials, 198, 423–436. https://doi.org/10.1016/j.conbuildmat.2018.11.248.
[16]. A. Fadiel, F.A. Rifaie, T. Abu-Lebdeh, E. Fini (2014), Use of crumb rubber to improve thermal efficiency of cement-based materials, American Journal of Engineering and Applied Sciences, 7, 1–11. https://doi.org/10.3844/ajeassp.2014.1.11.
[17]. K.B. Najim, M.R. Hall (2012), Mechanical and dynamic properties of self-compacting crumb rubber modified concrete, Constrion and Building Materials, 27, 521–530. https://doi.org/10.1016/j.conbuildmat.2011.07.013.
[18]. R. Solís-Carcaño, E.I. Moreno (2008), Evaluation of concrete made with crushed limestone aggregate based on ultrasonic pulse velocity, Constrion and Building Materials, 22, 1225–1231. https://doi.org/10.1016/j.conbuildmat.2007.01.014.
[19]. R.A. Assaggaf, M.R. Ali, S.U. Al-Dulaijan, M. Maslehuddin (2021), Properties of concrete with untreated and treated crumb rubber – A review, Journal of Materials Research and Technology, 11, 1753–1798. https://doi.org/10.1016/j.jmrt.2021.02.019.
[20]. M. Gesoğlu, E. Güneyisi (2011), Permeability properties of self-compacting rubberized concretes, Constrion and Building Materials, 25, 3319–3326. https://doi.org/10.1016/j.conbuildmat.2011.03.021.
[21]. K.-H. Kim, S.-E. Jeon, J.-K. Kim, S. Yang (2003), An experimental study on thermal conductivity of concrete, Cement and Concrete Research, 33, 363–371. https://doi.org/10.1016/S0008-8846(02)00965-1.
[22]. H. Uysal, R. Demirboğa, R. Şahin, R. Gül (2004), The effects of different cement dosages, slumps, and pumice aggregate ratios on the thermal conductivity and density of concrete, Cement and Concrete Research, 34, 845–848. https://doi.org/10.1016/j.cemconres.2003.09.018.

Bình luận