Quy hoạch đô thị là việc tổ chức không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội và nhà ở để tạo lập môi trường sống thích hợp cho người dân sống trong đô thị. Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 đã quy định tại Điều 18, đô thị mới là một trong các đối tượng không gian được lập quy hoạch chung đô thị. Xác định phạm vi quy mô đô thị hợp lý là một trong các giải pháp cho vấn đề đô thị hóa ở Việt Nam.
Định hướng phạm vi quy mô đô thị là nội dung quan trọng và rất cần thiết, không chỉ đối với công tác quy hoạch chung đô thị mới, mà với cả những đô thị hiện có với xu hướng mở rộng quy mô trong quá trình phát triển. Việc thiết lập một phạm vi, quy mô đô thị phù hợp với sẽ góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội của đô thị, hạn chế các tiêu cực do đô thị hóa dàn trải gây ra như lãng phí đất đai và nguồn lực xã hội trong đầu tư xây dựng, ô nhiễm môi trường, thiếu kiểm soát trong quản lý... và đảm bảo sự phát triển bền vững cho từng đô thị cũng như hệ thống đô thị.
Do đó, việc xác định phạm vi, ranh giới dự kiến của đô thị mới là yêu cầu đầu tiên trước khi triển khai trình tự quy hoạch đô thị. Bài viết này sẽ đặt ra một cách tiếp cận làm căn cứ, cơ sở xác định phạm vi, ranh giới khi tổ chức lập quy hoạch chung đô thị mới.
1. Đô thị, đô thị mới và ý nghĩa của việc xác định phạm vi, ranh giới đô thị mới
a. Đô thị:
Khái niệm về đô thị có sự khác nhau tại các quốc gia. Thông thường mật độ dân số tối thiểu cần thiết để được gọi là một đô thị phải là 400 người trên một ki-lô-mét vuông hay 1.000 người trên một dặm vuông Anh (1.000 người/khoảng 259 ha); số liệu này tại Việt Nam được quy định là 4.000 người hoặc 2.000 người đối với các đô thị ở miền núi nhưng không quy định về diện tích không gian. Một số quốc gia châu Âu định nghĩa đô thị dựa trên cơ bản việc sử dụng đất thuộc đô thị, không cho phép có một khoảng trống tiêu biểu nào lớn hơn 200 mét.
Tại các quốc gia kém phát triển, ngoài việc sử dụng đất và mật độ dân số nhất định nào đó, một điều kiện nữa là phần đông dân số, thường là 75% trở lên, không có hành nghề nông nghiệp hay đánh cá. Đối với Việt Nam, theo quy định hiện hành, tiêu chuẩn tối thiểu 55% tỷ lệ dân số đô thị không hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp; quy định đô thị gồm thành phố, thị xã, thị trấn.
Theo Luật Quy hoạch đô thị năm 2009: “Đô thị là khu vực tập trung dân cư sinh sống có mật độ cao và chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực kinh tế phi nông nghiệp, là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa hoặc chuyên ngành, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia hoặc một vùng lãnh thổ, một địa phương, bao gồm nội thành, ngoại thành của thành phố; nội thị, ngoại thị của thị xã; thị trấn”. Cách tiếp cận này về thuật ngữ “đô thị” đã thể hiện rõ đối tượng của công tác (hay hoạt động) quy hoạch đô thị.
b. Đô thị mới:
Trong quá trình đô thị hóa và phát triển một khu vực, việc hình thành các đô thị mới là một phần quan trọng để đáp ứng nhu cầu dân số và phát triển kinh tế - xã hội ngày càng tăng. Đô thị mới là những khu vực có cấu trúc của một thành phố, thị xã, thị trấn đồng bộ, được xây dựng từ đầu, thường ở những vị trí trống hoặc chưa được phát triển trước đây. Việc hình thành này có thể là kết quả của việc mở rộng các thành phố hiện có hoặc sự phát triển của khu vực nông thôn trở thành đô thị. Đô thị mới thường được quy hoạch, thiết kế để tối ưu hóa về sử dụng đất đai, tài nguyên và tổ chức không gian để giảm tác động tiêu cực đến môi trường.
Theo Luật Quy hoạch đô thị năm 2009, đô thị mới là đô thị dự kiến hình thành trong tương lai theo quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn, được đầu tư xây dựng từng bước đạt các tiêu chí của đô thị theo quy định của pháp luật. Như vậy, tiếp cận khái niệm hiện nay tại Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 về đô thị gồm thành phố, thị xã, thị trấn thì đô thị mới được hiểu là một phạm vi không gian được nghiên cứu, lựa chọn và xác định mục tiêu để đầu tư, phát triển trở thành đô thị (thành phố, thị xã, thị trấn) trong tương lai.
c. Ý nghĩa của việc xác định phạm vi, ranh giới đô thị mới:
Việc xác định phạm vi và ranh giới của một đô thị mới đóng vai trò quyết định trong việc định hương phát triển trong tương lai của đô thị mới. Quyết định về phạm vi sẽ ảnh hưởng đến quy mô diện tích, dân số, cấu trúc hạ tầng và tiện ích công cộng trong đô thị mới. Điều quan trọng của việc xác định này là đảm bảo rằng đô thị mới có thể đáp ứng nhu cầu của nhân dân một cách hiệu quả, bảo vệ môi trường và tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.
Qua khảo sát, tổng hợp từ kết quả nghiên cứu, chia sẻ của các nhà chuyên môn trong lĩnh vực quy hoạch đô thị và các nhà quản lý, có thể thấy phạm vi và quy mô của một đô thị mới có thể xác định dựa trên nhiều yếu tố khác nhau, gồm:
(1) Mục tiêu phát triển đô thị: Quyết định xây dựng đô thị mới thường dựa vào mục tiêu cụ thể, như tạo ra một khu vực dân cư mới, phát triển khu công nghiệp, hoặc tăng cường cơ sở hạ tầng đô thị.
(2) Diện tích đất: Phạm vi của đô thị mới thường được xác định bằng diện tích đất sẵn có hoặc bằng cách kết hợp nhiều khu vực đất khác nhau.
(3) Dự kiến về dân số: Quy mô của đô thị mới có thể dựa trên dân số dự kiến mà nó dự định phục vụ. Số lượng dân cư đô thị là một trong những yêu cầu xác định kích thước và các loại hạ tầng cần thiết.
(4) Cơ sở hạ tầng: Phạm vi đô thị mới cũng phụ thuộc vào sự hiện diện của cơ sở hạ tầng cần thiết như hệ thống giao thông, điện, cấp nước, trường học, bệnh viện, và các dịch vụ công cộng khác.
(5) Kế hoạch phát triển: Việc hình thành, phát triển đô thị mới thường phải tuân theo quy hoạch đô thị và quy định pháp luật liên quan, chính sách phát triển từng thời kỳ.
(6) Tài chính và nguồn lực: Khả năng tài chính và nguồn lực có sẵn sẽ ảnh hưởng đến quy mô của đô thị mới.
Mỗi đô thị mới có thể có phạm vi và quy mô riêng biệt, tùy thuộc vào những yếu tố nêu trên và mục tiêu cụ thể của khu vực dự kiến hình thành đô thị mới. Theo tác giả bài viết này, các yếu tố về mục tiêu, kế hoạch phát triển và khả năng đáp ứng quỹ đất đóng vai trò quan trọng hơn cho việc xác định phạm vi, quy mô và ranh giới của một đô thị mới.
2. Các yếu tố liên quan đến quy hoạch, phát triển đô thị và đô thị mới tại Việt Nam
a. Quy định tại nội dung các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia:
Nội dung các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia đều được quy định xác định quan điểm, nguyên tắc phát triển đô thị và định hướng phát triển hệ thống đô thị theo từng phạm vi quốc gia, vùng và tỉnh. Đặc biệt, Luật Quy hoạch năm 2017 có quy định riêng về quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia, trong đó nội dung gồm xác định hệ thống các đô thị cả nước với định hướng các đô thị phát triển, cải tạo và đô thị mới theo kỳ quy hoạch; tuy nhiên, định hướng các đô thị mới tại quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia chưa được quy định về quy mô, phạm vi cụ thể của từng đô thị mới.
b. Quy định về quản lý đô thị theo đơn vị hành chính:
Quản lý nhà nước về đô thị, theo PGS.TS Hoàng Xuân Lâm, được thể hiện ở hai góc độ: (i) xác định lĩnh vực, nội dung quản lý và (ii) tổ chức bộ máy chính quyền để thực hiện quản lý nhà nước ở đô thị. Cụ thể, các lĩnh vực quản lý nhà nước ở đô thị được xác định gồm: Quản lý nhà nước đối với dân cư; Quản lý nhà nước về hoạt động kinh tế đô thị; Quản lý trật tự trị an đô thị; Quản lý cơ sở hạ tầng kỹ thuật của đô thị; Quản lý cơ sở hạ tầng xã hội của đô thị. Đây là những nội dung, các lĩnh vực quản lý khác biệt so với quản lý nhà nước ở nông thôn. Pháp luật hiện hành cũng quy định các cấp quản lý hành chính tại đô thị rất rõ ràng, tương ứng với phạm vi không gian xác định, phù hợp với từng loại đô thị theo quy định pháp luật về phân loại đô thị.
Tại Việt Nam, việc quản lý đô thị theo các đơn vị hành chính được quy định rõ tại pháp luật, đây cũng là một hình thức tất yếu của các Nhà nước trên toàn thế giới. Sự ổn định của các đơn vị hành chính, gồm đơn vị hành chính đô thị sẽ tác động duy trì và phát triển mối quan hệ cộng đồng, nâng cao tinh thần đoàn kết hợp tác, tác động trực tiếp đến sự ổn định bộ máy hành chính nhà nước. Các cấp đơn vị hành chính đô thị tại Việt Nam gồm cấp tỉnh đối với thành phố trực thuộc Trung ương, cấp huyện đối với thành phố thuộc tỉnh, thị xã và cấp xã đối với phường và thị trấn.
Công tác quy hoạch, phát triển đô thị và quản lý có mối quan hệ chặt chẽ với quy định về phân cấp quản lý hành chính do việc triển khai thực hiện theo quy hoạch cần phải do một cơ quan, tổ chức chịu trách nhiệm, đặc biệt là công tác quản lý theo quy hoạch.
c. Quy định về phân loại đô thị:
Hệ thống đô thị ở Việt Nam được phân theo 6 loại với các tiêu chí phân loại được quy định rất rõ ràng, bao gồm đối với đô thị mới. Định kỳ, Chương trình phát triển đô thị được Thủ tướng
Chính phủ và UBND cấp tỉnh ban hành với giai đoạn phát triển từ 10 đến 20 năm. Nội dung Chương trình phát triển đô thị ngoài việc đặt ra các mục tiêu phát triển cho cả hệ thống và từng đô thị, đối với phạm vi từng tỉnh và cả nước, còn đặt ra kế hoạch phân loại đô thị và hình thành các đô thị mới trên cơ sở kết quả đạt được về chất lượng đô thị.
3. Thực tế việc lập quy hoạch chung đô thị khi phạm vi, ranh giới không theo địa giới hành chính
a. Địa giới hành chính:
Địa giới hành chính là khái niệm thường được nhắc đến khi xác định địa danh, mốc giới hay tọa độ. Địa giới hành chính là ranh giới các đơn vị hành chính kèm theo địa danh và một số yếu tố chính về tự nhiên, kinh tế, xã hội. Địa giới hành chính được xác định bằng các mốc giới cụ thể, thể hiện tọa độ vị trí đó. Pháp luật về đất đai đã quy định rõ thẩm quyền của các cấp Trung ương và các cấp địa phương trong xác định địa giới hành chính.
Đối với đô thị, địa giới hành chính được quy định trong nội dung văn bản của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi thành lập, sát nhập, chia tách đơn vị hành chính.
Hiện nay, triển khai Nghị quyết số 35/2023/QH15 ngày 12/7/2023 của Quốc hội, các địa phương đang tiến hành xây dựng phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030. Kết quả của việc triển khai này sẽ tạo thêm căn cứ, cơ sở xác định phạm vi, ranh giới lập quy hoạch chung đô thị mới được hình thành sau khi thực hiện sắp xếp.
b. Các trường hợp đô thị được lập quy hoạch chung với phạm vi, ranh giới cần xác định trước:
Trong quá trình phát triển đô thị đến nay, đã có nhiều đô thị được thực hiện lập, phê duyệt quy hoạch chung với phạm vi, ranh giới được lựa chọn không theo địa giới hành chính. Một số đô thị như TP Sơn La (tỉnh Sơn La), TP Vinh (tỉnh Nghệ An), TP Vĩnh Long (tỉnh Vĩnh Long) và các huyện được lập theo định hướng phát triển đô thị như các huyện Chơn Thành (tỉnh Bình Phước); Cần Giuộc, Đức Hòa, Bến Lức (tỉnh Long An); Long Thành, Trảng Bom (tỉnh Đồng Nai)… Với các đô thị này, đặc biệt là các huyện, khi thực hiện lập quy hoạch chung để hướng tới mục tiêu phát triển thành đô thị, việc xác định phạm vi, ranh giới lập quy hoạch gặp rất nhiều lúng túng do không có quy trình chung, phù hợp để xem xét, xác định phạm vi, ranh giới lập quy hoạch chung.
Việc các đô thị (thành phố, thị xã, thị trấn) thực hiện lập quy hoạch chung với phạm vi lập quy hoạch không theo địa giới hành chính là trên cơ sở định hướng phát triển đô thị của địa phương và căn cứ, bảo đảm theo tiêu chuẩn diện tích đối với từng đô thị tại quy định của pháp luật. Mặc dù có những căn cứ như vậy, nhưng việc xác định phạm vi, ranh giới lập quy hoạch chung không được xem xét theo một phương pháp, quy trình mang tính khoa học, đánh giá đủ các yếu tố liên quan sẽ không chặt chẽ, không mang tính chính xác, khả thi và không thuyết phục.
4. Một số đề xuất về việc xác định phạm vi, ranh giới lập quy hoạch chung đô thị mới
a. Một số yếu tố chính tác động đến phạm vi, quy mô lập quy hoạch chung đô thị mới gồm:
(1) Tiêu chuẩn, tiêu chí quy mô diện tích, đơn vị hành chính, chất lượng đô thị, đơn vị hành chính đô thị đối với thành phố, thị xã, thị trấn. Theo quy định tại Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13 về phân loại đô thị và Nghị quyết số 1211/2013/UBTVQH13 về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính, đơn vị hành chính đô thị được quy định cụ thể về tiêu chuẩn diện tích, số lượng đơn vị hành chính trực thuộc, quy mô dân số và diện tích đất xây dựng hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật và các khu vực chức năng của đô thị. Mỗi đô thị mới khi dự kiến hình thành đều có mục tiêu xác lập vai trò và viễn cảnh về một đơn vị hành chính đô thị nhằm xác lập bộ máy chính quyền quản lý, vận hành đô thị. Do đó, khi xem xét phạm vi đô thị mới, công tác lập quy hoạch cần nghiên cứu về mục tiêu của tiêu chuẩn đơn vị hành chính và chất lượng đô thị sẽ đạt được trong tương lai.
(2) Quy mô của các cơ sở kinh tế kỹ thuật tạo thị dự kiến được hình thành và đầu tư xây dựng. Việc hình thành, phát triển các khu chức năng như khu công nghiệp, khu kinh tế, khu du lịch, khu thể dục thể thao, khu đào tạo, trung tâm đầu mối dịch vụ thương mại… là cơ sở, tiền đề phát triển các đô thị mới do đây là các nhân tố quan trọng để thu hút dân cư, lao động. Các khu chức năng ngoài thu hút lao động trực tiếp đến làm việc còn thu hút lao động dịch vụ gián tiếp, tạo nên tăng trưởng dân số cơ học tại khu vực.
(3) Khả năng thu hút đầu tư và lao động đến tập trung sinh sống, làm việc. Mức độ, tốc độ đầu tư xây dựng tại các khu chức năng có ảnh hưởng tới tốc độ di dân, tăng trưởng dân số cơ học của một đô thị dẫn tới nhu cầu mở rộng đất xây dựng, phát triển đô thị, tác động tới quy mô của đô thị mới theo chiều rộng (diện tích) và chiều cao (không gian).
(4) Các yếu tố về không gian, lãnh thổ và điều kiện tự nhiên và môi trường. Không gian lãnh thổ và điều kiện tự nhiên là một trong các yếu tố quyết định phạm vi phát triển của đô thị do việc lựa chọn đất phát triển đô thị gắn với việc đánh giá đất xây dựng theo địa hình, địa chất, khí hậu, thủy văn. Các yếu tố tự nhiên thường gắn liền với việc phân chia, giới hạn về địa giới hành chính lãnh thổ và không gian lãnh thổ, chúng được thể hiện ở vị trí địa lý, phạm vi lãnh thổ (diện tích) để tổ chức chính quyền địa phương phù hợp.
b. Đề xuất quy trình xác định phạm vi, ranh giới đô thị mới, làm cơ sở lập quy hoạch chung:
Quy định pháp luật hiện hành về quy hoạch đô thị không yêu cầu quy trình xác định phạm vi, ranh giới đô thị mới. Tuy nhiên, việc lập quy hoạch cho một không gian như thế nào lại là một yêu cầu cần xem xét, cần có câu trả lời trước và công việc này thường được xem như như một cơ sở, căn cứ để bảo đảm các đề xuất về giải pháp, phương án quy hoạch không gian, sử dụng đất hợp lý. Mặt khác, pháp luật về quản lý hành chính có quy định về tiêu chuẩn đơn vị hành chính, trong đó quy định cụ thể đối với thành phố, thị xã, thị trấn về tiêu chuẩn diện tích, dân số, trình độ phát triển kinh tế - xã hội và kết cấu hạ tầng tương ứng với từng đơn vị hành chính.
Chính vì vậy, trong kết quả thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu phục vụ công tác quản lý về quy hoạch, chúng tôi đề xuất một quy trình xác định phạm vi, ranh giới đô thị mới, làm cơ sở lập quy hoạch chung như sau:
(1) Thu thập cơ sở thông tin:
Thu thập đầy đủ các thông tin về hiện trạng dân số, đất đai, các khu vực hạn chế, cấm đầu tư xây dựng; các nội dung liên quan đến tiềm năng, động lực, khả năng huy động nguồn lực cho phát triển của khu vực dự kiến hình thành đô thị mới; các định hướng theo quy hoạch có liên quan.
Thông tin về thực trạng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; khả năng đáp ứng yêu cầu phát triển theo các xu hướng hình thành, tập trung dân cư trên cơ sở các mô hình phát triển đô thị tại Việt Nam.
Các quy định hiện hành và yêu cầu đối với công tác quản lý, phát triển đô thị theo đơn vị hành chính; các chương trình, chính sách phát triển đối với khu vực dự kiến hình thành đô thị mới hoặc vùng, khu vực liên quan.
(2) Xem xét nhu cầu và mục tiêu:
Xác định nhu cầu và mục tiêu phát triển của đô thị mới; đánh giá tính khả thi của việc đạt được các mục tiêu phát triển. Tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính. Đơn vị hành chính đô thị được pháp luật quy định cụ thể về tiêu chuẩn diện tích, số lượng đơn vị hành chính trực thuộc, quy mô dân số và diện tích đất xây dựng hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật và các khu vực chức năng của đô thị.
Mỗi đô thị mới khi dự kiến hình thành đều có mục tiêu phát triển, thể hiện vai trò và viễn cảnh về một đơn vị hành chính đô thị nhằm xác lập bộ máy chính quyền quản lý, vận hành đô thị. Do đó, khi xem xét phạm vi đô thị mới, công tác lập quy hoạch cần nghiên cứu về mục tiêu của tiêu chuẩn đơn vị hành chính và chất lượng đô thị sẽ đạt được trong tương lai.
(3) Xem xét các yếu tố tác động:
Tổng hợp, nhận định các yếu tố tác động về môi trường, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và quy định pháp lý đối với việc hình thành đô thị mới theo phạm vi, ranh giới dự kiến hình thành. Căn cứ vào các quy hoạch cấp trên, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành để xem xét quy mô của các cơ sở kinh tế kỹ thuật tạo thị dự kiến được hình thành và đầu tư xây dựng như: Khu công nghiệp, khu kinh tế, khu du lịch, khu thể dục thể thao, khu đào tạo, trung tâm đầu mối dịch vụ thương mại… là cơ sở, tiền đề phát triển các đô thị mới do đây là các nhân tố quan trọng để thu hút dân cư, lao động. Các khu chức năng ngoài thu hút lao động trực tiếp đến làm việc còn thu hút lao động dịch vụ gián tiếp, tạo nên tăng trưởng dân số cơ học tại khu vực.
(4) Yêu cầu của công tác quy hoạch đối với đô thị mới:
Căn cứ quy định pháp luật về quy hoạch đô thị và điều kiện thực tiễn đối với khu vực dự kiến hình thành đô thị mới, xác định các yêu cầu đặt ra khi tổ chức triển khai lập quy hoach chung, bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững của đô thị, sử dụng tài nguyên đất đai tiết kiệm, hiệu quả.
Trong công tác quy hoạch đô thị cần xem xét dự báo quy mô của đô thị về dân số, cơ cấu kinh tế và phạm vi không gian. Tính hợp lý của phạm vi ranh giới quy mô đô thị có thể xem xét biểu hiện ở 4 tiêu chí: (i) Quỵ mô dân số hợp lý; (ii) Quỵ mô diện tích hành chính hợp lý; (iii) quy mô và cơ cấu kinh tế hợp lý; (iv) Đảm bảo hiệu quả kinh tế xã hội.
(5) Xác đinh phạm vi, ranh giới đô thị mới:
Xác định, lựa chọn quy mô dự kiến của đô thị mới, bao gồm diện tích và dân số hiện trạng, làm cơ sở xây dựng các phương án dự báo. Khẳng định phạm vi, ranh giới đô thị mới sẽ được chính thức công nhận sau khi đã trải qua một quá trình đầu tư, phát triển theo quy hoạch.
Việc xác định phạm vi quy mô đô thị hợp lý hay quy mô đô thị tối ưu là nhằm mục đích định hướng phát triển cho đô thị đón bắt những cơ hội và hạn chế vấn đề bất cập sẽ nảy sinh của đô thị. Quy mô dân số, quy mô kinh tế, quy mô hành chính của một đô thị là ba nội dung có quan hệ biện chứng với nhau, cùng nhau vận động và phát triển, góp phần quyết định nên phạm vi ranh giới cần lập quy hoạch chung đô thị. Để xem xét quyết định phạm vi, ranh giới đô thị cần kết hợp hài hoà cả ba nội dung nên trên; đồng thời cần xem xét một cách tổng thể trên quan điểm hiệu quả kinh tế - xã hội.
Do sự vận động và phát triển không ngừng, sự hợp lý của phạm vi ranh giới lập quy hoạch chung đô thị cần được xem xét trong từng giai đoạn do những vấn đề bất hợp lý sẽ nảy sinh trọng quá trình đô thị hóa được xem như là tất yếu. Chức năng của quản lý đô thị là thường xuyên chủ động giải quyết những vấn đề bất hợp lý nảy sinh trong quá trình vận động của đô thị, để điều chỉnh quy mô, phạm vi đô thị về mức độ hợp lý mới.
5. Kết luận
Việc xác định phạm vi, ranh giới lập quy hoạch chung đô thị mới là cần thiết, bảo đảm đối tượng không gian lập quy hoạch được khẳng định rõ. Từ đó, việc xây dựng các phương án dự báo phát triển, đề xuất các giải pháp, phương án trong nội dung quy hoạch chung một đô thị mới có tính khả thi, đúng với phạm vi dự kiến đầu tư, phát triển và sử dụng hiệu quả nguồn lực, tài nguyên đất đai.
Đặt ra các yếu tố cần xem xét trong xác định phạm vi, ranh giới và đề xuất trình tự xác định phạm vi, ranh giới lập quy hoạch chung đô thị mới sẽ góp phần hình thành luận cứ để dự thảo nội dung quy định về vấn đề này trong Dự án Luật Quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn đang được Bộ Xây dựng chủ trì xây dựng theo nhiệm vụ mà Quốc hội và Chính phủ phân công.