Sáng 29/9, Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội và Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội chủ trì, phối hợp với Trường Đại học Kinh tế quốc dân tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Định hướng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Hội thảo có sự góp mặt của 350 đại biểu, cùng sự tham gia của đội ngũ trí thức, nhà khoa học đến từ hơn 80 đại học, trường đại học, cao đẳng và học viện trên địa bàn TP Hà Nội.
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Bí thư Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội Nguyễn Thanh Sơn cho biết, Hội thảo khoa học “Định hướng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” có ý nghĩa quan trọng nhằm góp phần đưa ra những luận cứ khoa học, những ý kiến đóng góp để xây dựng Quy hoạch Thủ đô.
Thời gian qua, các trường đại học, các chuyên gia, nhà nghiên khoa học đã tập trung nghiên cứu với hơn 60 tham luận được gửi về Ban tổ chức. Đây là những ý kiến đóng góp tâm huyết để cùng nhau xây dựng Thủ đô phát triển mạnh mẽ hơn, sánh vai cùng thủ đô các nước trong khu vực và trên thế giới.
Phát biểu khai mạc, ông Hà Minh Hải - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, trong những năm gần đây, TP Hà Nội đã triển khai rất nhiều công việc nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 05/552022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có công tác lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Thành phố đã giao Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội triển khai công tác lập Quy hoạch Thủ đô, đến nay đã hoàn thành dự thảo lần 1 quy hoạch, chuẩn bị thực hiện các bước xin ý kiến theo quy định.
Cũng theo ông Hà Minh Hải, Thủ đô Hà Nội là nơi đặt trụ sở của gần 100 trường đại học, cao đẳng, trong đó có nhiều trường đại học lớn, có bề dày truyền thống. Vì thế, việc tổ chức buổi hội thảo hôm nay cũng chính là phát huy, huy động nguồn lực trí tuệ, chất xám to lớn trên địa bàn Thủ đô cho công tác Quy hoạch Thủ đô nói riêng và xây dựng phát triển Thủ đô nói chung.
Theo thống kê, Ban tổ chức đã nhận được hơn 60 bài viết với nội dung đa dạng, phong phú, các bài viết có chất lượng rất cao với hai tuyến bài chính. Đó là tập trung làm rõ hơn, phát triển thêm những nội dung được đề cập trong Đề cương định hướng Quy hoạch Thủ đô. Trong đó, nhiều bài đi sâu vào góp ý, cụ thể hóa hơn về triết lý phát triển, về nội hàm của “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, những tư tưởng chỉ đạo chủ yếu, định hướng lớn trong Đề cương định hướng Quy hoạch Thủ đô...
Cùng với đó là phân tích, đánh giá thực trạng và đề xuất các định hướng quy hoạch đối với các ngành, lĩnh vực của Thủ đô. Tuyến bài này có nhiều bài viết chuyên sâu về quy hoạch kiến trúc, về không gian ngầm, về phát triển giao thông, xây dựng phát triển đô thị, phát triển rừng trong thành phố... khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, giáo dục, y tế, mô hình tăng trưởng kinh tế, và đặc biệt những vấn đề về chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn...
Bên cạnh đó, tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học cũng đã thảo luận, đóng góp thêm nhiều ý kiến để làm rõ yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù của Thủ đô Hà Nội; đặc biệt là các đặc thù về văn hóa, lịch sử, về địa lý, tự nhiên, môi trường, khí hậu, nguồn nhân lực… để xác định được những tiềm năng, lợi thế riêng có của Hà Nội, đồng thời làm rõ những điểm không thuận lợi trong phát triển Thủ đô; đánh giá được bức tranh hiện trạng, thực trạng Thủ đô Hà Nội, đặc biệt là so sánh với các Thủ đô, thành phố trên thế giới. Trong đó, xác định được những điểm nghẽn làm hạn chế sự phát triển của Thủ đô...
Theo các nhà chuyên môn, việc xác định được chính xác những điểm nghẽn của Hà Nội và nguyên nhân sẽ góp phần đưa ra được những ý tưởng đột phá, những giải pháp cụ thể để Hà Nội có thể bứt phá, phát triển theo tinh thần Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị, đồng thời, tiếp tục gợi ý định hướng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, xây dựng Thủ đô Hà Nội thực sự là thành phố đáng sống.
Phát biểu kết luận Hội thảo, ông Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội đánh gia cao các tham luận, ý kiến thảo luận tại Hội thảo. Đây là những ý kiến tâm huyết, thể hiện tình yêu và mong muốn rất lớn để Thủ đô Hà Nội ngày càng phát triển, đáp ứng yêu cầu của Trung ương, là không đặt Hà Nội trong tương quan cạnh tranh trong nước mà phải là cạnh tranh với khu vực, tiến tới là quốc tế. Mục tiêu đến 2045 Hà Nội sẽ là một thành phố kết nối toàn cầu, đại diện cho Quốc gia.
Quy hoạch lần này có quan điểm rất mới, đó là lấy sông Hồng làm trục cảnh quan trung tâm cho quy hoạch phát triển Hà Nội. Từ kinh đô Cổ Loa trong lịch sử, sông Hồng chính là cái nôi của văn minh Đại Việt, văn minh nông nghiệp, lúa nước rất đậm đặc, từ đó phải có định hướng phát triển hài hòa, văn minh, hiện đại nhưng phải phát huy các giá trị truyền thống.
Ngày 7/3/2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký Quyết định số 313/QĐ-TTg phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo Quyết định, phạm vi quy hoạch gồm phần lãnh thổ Thủ đô Hà Nội với tổng diện tích tự nhiên là 3.358,6 km2.
Nhiệm vụ đặt ra yêu cầu Quy hoạch Thủ đô Hà Nội phải thể hiện được quan điểm đổi mới mạnh mẽ tư duy phát triển, nhất là đảm bảo tính tổng thể, đồng bộ giữa các ngành trên địa bàn; tận dụng tối đa lợi thế phát triển từ các dự án kết cấu hạ tầng động lực về giao thông, du lịch, dịch vụ đã có và đang nghiên cứu đầu tư. Tạo sự đột phát về năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế dựa chủ yếu vào nguồn nhân lực chất lượng cao, yếu tố đổi mới sáng tạo, ứng dụng các thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư.