Đó là những điểm nhấn của TS Phan Hữu Thắng - Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Viện nghiên cứu Đầu tư quốc tế, trong cuộc trao đổi với ĐTTC.
- PV: Phải chăng ông nhìn từ con số thu hút FDI đạt cao, trong khi kinh tế thế giới thế giới vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường?
- TS Phan Hữu Thắng: Tính đến tháng 9, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt gần 20,21 tỷ USD, tăng 7,7% so cùng kỳ năm trước; vốn FDI thực hiện đạt khoảng 15,9 tỷ USD, tăng 2,2% so với cùng kỳ; tốc độ tăng bình quân tháng sau cao hơn tháng trước. Ngân hàng thế giới (WB) cũng đã nhận định hoạt động FDI ở Việt Nam vẫn ổn định trong bối cảnh bất ổn toàn cầu. Cam kết và giải ngân FDI ổn định phản ánh sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài đối với các cơ hội kinh doanh tại Việt Nam.
Chúng ta đang thấy tăng trưởng của các nước phát triển cùng nhiều nền kinh tế lớn khác có các nguồn vốn đầu tư ra bên ngoài đều chậm lại. Các tập đoàn và DN nước ngoài cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn về nguồn vốn, về lựa chọn thị trường và điểm đến đầu tư. Nhiều nước trong khu vực lại đưa ra các chính sách ưu đãi mời gọi FDI, nên thu hút FDI ngày càng có tính cạnh tranh cao. Trong bối cảnh này, thu hút FDI được như 9 tháng qua là kết quả rất đáng khích lệ.
DN Việt đang có cơ hội lớn. Nhưng cơ hội luôn phụ thuộc vào chính DN và sức cạnh tranh của họ trong thu hút FDI. Vấn đề là chính sách hỗ trợ DN thế nào. |
Thu hút FDI giai đoạn tới có thể cao hơn, nhưng kết quả thế nào phụ thuộc vào sức cạnh tranh của môi trường đầu tư Việt Nam, vào việc nâng cao chất lượng quản lý nhà nước về FDI từ Trung ương đến địa phương. Kết quả thu hút FDI còn phụ thuộc rất nhiều sức tăng trưởng và phát triển của cộng đồng DN trong nước, cũng như việc hoàn thiện hệ thống luật pháp chính sách...
- PV: Vậy theo ông Việt Nam đang có cơ hội gì trong xu hướng dịch chuyển dòng vốn FDI toàn cầu, nhìn từ động thái của Apple chuyển các nhà máy trong chuỗi cung ứng sang Việt Nam, hay Samsung và LG vẫn mở rộng đầu tư ở Việt Nam?
- TS Phan Hữu Thắng: Để nói về cơ hội, chúng ta nhìn lại hơn 35 năm, kể từ tháng 12/1987 Luật Đầu tư trực tiếp nước ngoài được Quốc hội thông qua cho đến nay. Trong hơn 35 năm này, ở mỗi giai đoạn phát triển chúng ta lại đứng trước các khó khăn, thách thức lớn khác nhau. Chính trong những thách thức lớn đó, chúng ta đã tận dụng các cơ hội của mỗi giai đoạn để vượt qua khó khăn và tạo thêm các cơ hội mới.
Đó là, ngoài một số các nhà đầu tư lớn trên thế giới như Samsung, LG đang tăng cường mở rộng đầu tư tại Việt Nam, các nhà đầu tư lớn khác như Foxconn, Apple, Goertek, Luxshare... đã và đang chuyển một số hoạt động sản xuất trong chuỗi cung ứng của họ sang Việt Nam. Các động thái này cho thấy Việt Nam đang có cơ hội để tiếp nhận xu hướng chuyển dịch của dòng vốn FDI toàn cầu.
Nhưng thực tế đầu tư kinh doanh quốc tế đối với mọi quốc gia trên thế giới cho thấy cơ hội đến rồi đi. Bởi cơ hội phụ thuộc vào môi trường KT-XH và sức cạnh tranh trong thu hút đầu tư của mỗi quốc gia, tình hình địa chính trị, mức độ phát triển của kinh tế thế giới và còn phụ thuộc vào ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và dịch bệnh toàn cầu… ở mỗi giai đoạn phát triển. Cần lưu ý, trong thời kỳ này, khi CMCN 4.0 đã làm thay đổi cơ bản nhận thức quan hệ quốc tế, thời gian của mỗi giai đoạn phát triển đều ngắn lại.
Do vậy, theo tôi không nên tự đề cao quá những gì đã đạt được, mà cần nhìn vào thực tế và thực trạng DN Việt Nam. Bên cạnh những yếu tố hấp dẫn của Việt Nam như đất nước giàu tiềm năng, chính trị ổn định, có mức tăng trưởng kinh tế cao, nguồn nhân lực tốt, vị thế trên trường quốc tế được nâng cao và một thị trường 100 triệu dân… chúng ta cần phải có được đội ngũ DN lớn mạnh.
Bởi, DN lớn mạnh sẽ thu hút được FDI nhiều hơn, sẽ giúp giải quyết được các tồn tại hiện có như tiếp nhận chuyển giao công nghệ, xây dựng nền kinh tế tự cường. Đây chính là đòi hỏi xuyên suốt của quá trình hợp tác đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong nhiều năm tới. Vì thế, ngoài định hướng, chiến lược thu hút FDI trong giai đoạn mới, cần phải hỗ trợ DN Việt tốt hơn nữa.
- PV: Bộ KH&ĐT đang lấy ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thí điểm chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao. Nghị quyết này có ý nghĩa thế nào đối với thu hút FDI, đặc biệt trong bối cảnh nhà đầu tư lớn đang có xu hướng cẩn trọng xem xét kỹ việc tiếp tục đầu tư lớn vào Việt Nam?
- TS Phan Hữu Thắng: Nếu Nghị quyết của Quốc hội về chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao được áp dụng cho các DN Việt Nam, sẽ có ý nghĩa hết sức đặc biệt, khi DN được hỗ trợ vốn đầu tư, vì nếu vay ngân hàng hiện nay lãi suất cao, doanh thu và lợi nhuận của DN bị ảnh hưởng sẽ không còn sức để đầu tư vào công nghệ cao. Bởi đầu tư vào công nghệ cao thực sự cần rất nhiều vốn: Vốn để nắm được bản quyền công nghệ, vốn để có được các thiết bị liên quan, và chi phí đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao…
Khi có nhiều DN nắm được công nghệ, Việt Nam mới khắc phục các tồn tại hiện nay trong thực hiện mục tiêu tiếp thu công nghệ nguồn từ các nước công nghiệp phát triển hàng đầu. Chỉ khi DN Việt nắm được công nghệ mới dần xóa bỏ được thực trạng DN FDI thiếu liên kết với DN trong nước, cũng như thực trạng nội địa hóa thấp, DN Việt Nam chủ yếu chỉ làm gia công, lắp ráp như hiện nay.
Tóm lại, có nắm được công nghệ cao trong thời đại chuyển đổi sang nền kinh tế số dưới tác động của cuộc CMCN 4.0, mới có thể xây dựng được nền kinh tế tự cường và Việt Nam bằng mọi giá phải có được trong giai đoạn tới.
- PV: Xin cảm ơn ông!
Nguồn: dttc.sggp.org.vn