Mỹ ban hành quy định mới về phòng vệ thương mại năm 2025

09:39 26/02/2025
Mỹ vừa chính thức thông báo ban hành quy định mới về phòng vệ thương mại, có hiệu lực kể từ ngày 15/01/2025. Bộ Công Thương khuyến nghị, doanh nghiệp Việt Nam cần nghiên cứu kỹ những quy định mới này, trong quá trình xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ.
Mỹ ban hành quy định mới về phòng vệ thương mại năm 2025
Ảnh minh hoạ

Quy định sửa đổi lần này của Mỹ được ban hành chỉ trong vòng chưa đầy 01 năm kể từ lần sửa đổi gần nhất (có hiệu lực ngày 24/4/2024).

Mỹ đã sửa đổi một số quy định cụ thể liên quan đến: (1) Thu tiền đặt cọc; (2) Lựa chọn quốc gia thay thế; (3) Thời hạn nộp thông tin thực tế mới; (4) Xác định thuế suất riêng rẽ cho các doanh nghiệp thuộc các nước có nền kinh tế phi thị trường; (5) Lựa chọn bị đơn bắt buộc và bị đơn tự nguyện; (6) Áp dụng dữ liệu bất lợi sẵn có; (7) Các khoản trợ cấp; (8) Một số nội dung khác.

Áp dụng mức tiền đặt cọc theo đơn vị

Bộ Công thương cho biết, quy định mới của Mỹ xác định rõ khi nào áp dụng mức tiền đặt cọc theo đơn vị (per-unit basis) thay vì theo tỷ lệ phần trăm trên giá trị nhập khẩu (ad valorem). Trong một số trường hợp, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) có thể yêu cầu tính theo đơn vị nếu không có đủ thông tin để tính theo phương pháp ad valorem hoặc việc áp dụng mức tiền đặt cọc theo đơn vị phản ánh chính xác hơn thực tế giao dịch.

Chuyển sang sử dụng GDP (thay cho GNI như quy định cũ hay sử dụng cả GDP và GNI như dự thảo tháng 7/2024, để xác định các quốc gia có mức độ phát triển kinh tế tương đương với từng quốc gia có nền kinh tế phi thị trường. Danh sách các quốc gia thay thế cho Việt Nam cập nhật hàng năm, sẽ được DOC công bố sau khi ban hành quy định mới này.

Xem xét các quốc gia là nhà sản xuất đáng kể hàng hóa có thể so sánh với hàng hóa đang được đề cập. Sau khi ban hành danh sách quốc gia thay thế, DOC sẽ tiếp tục chọn quốc gia là nhà sản xuất đáng kể hàng hóa có thể so sánh trong số các quốc gia tương đồng về kinh tế.

Nếu có hơn một quốc gia có sự phát triển kinh tế tương đương và sản xuất hàng hóa tương tự có thể được xem là quốc gia thay thế tiềm năng, DOC sẽ xem xét tổng thể thông tin khi lựa chọn quốc gia thay thế, với các tiêu chí về: Tính sẵn có, khả năng tiếp cận dữ liệu và chất lượng dữ liệu từ các quốc gia đó và sự tương đồng của các sản phẩm được sản xuất tại các quốc gia thay thế tiềm năng so với hàng hóa bị điều tra.

Sửa đổi quy định về thời gian nộp các thông tin thực tế theo hướng chặt hơn: muộn nhất 60 ngày trước khi DOC ban hành kết luận sơ bộ hoặc kết quả rà soát sơ bộ trong vụ việc chống bán phá giá; 45 ngày trong vụ việc chống trợ cấp (trong khi thời hạn cũ là muộn nhất 30 ngày), để DOC có thêm thời gian xem xét các đề xuất về nước/giá trị thay thế, để tính toán biên độ chống bán phá giá và ngưỡng chuẩn (benchmark) của nước thay thế, để tính toán biên độ trợ cấp cho các nước có nền kinh tế phi thị trường...

Siết chặt tiêu chí đánh giá quyền sở hữu nhà nước

Đáng chú ý, các thay đổi chính sách xác định thuế suất riêng rẽ cho các doanh nghiệp thuộc các nước có nền kinh tế phi thị trường tập trung vào một số nội dung: Thứ nhất, siết chặt tiêu chí đánh giá quyền sở hữu nhà nước. DOC bổ sung quy định trường hợp nếu nhà nước sở hữu đa số trên 50% hoặc bằng/dưới 50% nhưng có quyền kiểm soát/chi phối các quyết định sản xuất/kinh doanh của doanh nghiệp cũng sẽ không được hưởng thuế suất riêng rẽ.

04 trường hợp nhà nước sở hữu bằng/dưới 50% nhưng có quyền kiểm soát/chi phối các quyết định sản xuất/thương mại của doanh nghiệp gồm:

(1) Cổ phần sở hữu của nhà nước cho phép kiểm soát hoặc ảnh hưởng lớn hơn đối với các quyết định sản xuất, thương mại và xuất khẩu của thực thể so với thông thường và mức độ kiểm soát hoặc ảnh hưởng là đáng kể;

(2) Nếu Chính phủ có thẩm quyền phủ quyết hoặc kiểm soát các quyết định sản xuất, thương mại và xuất khẩu;

(3) Quan chức, nhân viên, thành viên công đoàn do Chính phủ bổ nhiệm hoặc do Chính phủ kiểm soát, đại diện của Chính phủ hoặc thành viên gia đình của họ đã được bổ nhiệm làm quan chức hoặc người quản lý đơn vị, thành viên hội đồng quản trị hoặc các cơ quan quản lý khác trong doanh nghiệp, có khả năng đưa ra hoặc ảnh hưởng đến các quyết định sản xuất, thương mại và xuất khẩu;

(4) Có luật hoặc văn bản (như điều lệ thành lập, yêu cầu thực tế) quy định một hoặc nhiều quan chức, nhân viên, thành viên công đoàn do Chính phủ bổ nhiệm hoặc do Chính phủ kiểm soát hoặc đại diện của Chính phủ với tư cách là cán bộ hoặc người quản lý, thành viên ban giám đốc hoặc cơ quan quản lý khác trong trong doanh nghiệp có khả năng đưa ra hoặc ảnh hưởng đến các quyết định sản xuất, thương mại và xuất khẩu.

Thứ hai, DOC cũng bổ sung quy định các yếu tố để xem xét doanh nghiệp có chịu sự kiểm soát của Chính phủ về mặt pháp luật và trên thực tế.

Thứ ba, mở rộng phạm vi áp dụng đối với doanh nghiệp xuất khẩu từ nước thứ ba. Nếu DOC xác định rằng doanh nghiệp có trụ sở tại nước thứ ba nhưng thực chất vẫn bị kiểm soát bởi Chính phủ nền kinh tế phi thị trường, doanh nghiệp đó có thể bị áp mức thuế suất toàn quốc.

Thứ tư, rút ngắn thời gian nộp hồ sơ xin thuế suất riêng rẽ. Trước đây, doanh nghiệp có 30 ngày sau khi công bố quyết định điều tra để nộp đơn xin hưởng thuế suất riêng rẽ. Quy định mới rút ngắn thời hạn xuống 21 ngày nhằm giúp DOC nhanh chóng lựa chọn các doanh nghiệp tham gia điều tra chính thức.

Để bảo vệ lợi ích chính đáng cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương khuyến nghị hiệp hội và các doanh nghiệp xuất khẩu nghiên cứu kỹ quy định Phòng vệ thương mại của Mỹ trong quá trình xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ.

Bình luận