Nam Định đầu tư phát triển 4 trung tâm đô thị động lực chủ đạo

14:58 07/03/2024
Quy hoạch nhằm tổ chức lại không gian phát triển của tỉnh Nam Định, với 4 trung tâm đô thị động lực chủ đạo gồm: Đô thị trung tâm TP Nam Định; trung tâm đô thị Cao Bồ, huyện Ý Yên; trung tâm đô thị Thịnh Long - Rạng Đông; trung tâm đô thị huyện Giao Thủy.

Ngày 06/3, UBND tỉnh Nam Định tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trao Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: Lương Hà

Theo Quy hoạch, mục tiêu đến năm 2030, Nam Định sẽ trở thành tỉnh phát triển nhanh, toàn diện, bền vững; là tỉnh phát triển khá của cả nước, một trung tâm phát triển quan trọng của vùng Nam Đồng bằng sông Hồng.

Kinh tế - xã hội của tỉnh được tổ chức phát triển theo mô hình "3 vùng động lực, 4 cực tăng trưởng, 5 hành lang kinh tế" với định hướng phát triển kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực, trọng tâm là phát triển công nghiệp, dịch vụ, kinh tế biển, ven biển.

3 vùng động lực được xác định là: vùng đô thị TP Nam Định mở rộng; vùng nông nghiệp - nông thôn và vùng kinh tế biển.

4 cực tăng trưởng là: đô thị trung tâm TP Nam Định; trung tâm đô thị Cao Bồ, huyện Ý Yên; trung tâm đô thị Thịnh Long - Rạng Đông; trung tâm đô thị huyện Giao Thủy.

5 hành lang kinh tế là: hành lang Quốc lộ 10; hành lang cao tốc Bắc - Nam; hành lang đường bộ ven biển; hành lang đường bộ mới TP Nam Định - Lạc Quần - Giao Thủy; hành lang cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Hải Phòng.

Tầm nhìn đến năm 2050, Nam Định trở thành trung tâm kinh tế hiện đại, động lực phát triển quan trọng của vùng Đồng bằng sông Hồng, có hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ, hiện đại, kết nối giao thương hàng hóa, dịch vụ và văn hóa của vùng.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Lương Hà

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhận định, Nam Định được xác định sẽ là một cực phát triển quan trọng của tiểu vùng Nam Đồng bằng sông Hồng, là trung tâm kinh tế hiện đại, động lực phát triển quan trọng và điểm kết nối giao thương hàng hóa, dịch vụ và văn hóa của vùng Đồng bằng sông Hồng.

Từ định hướng đó, Quy hoạch tỉnh Nam Định có vai trò đặc biệt quan trọng, tổ chức lại không gian phát triển của tỉnh trong mối liên kết chặt chẽ, hữu cơ với các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng với 4 trung tâm đô thị động lực chủ đạo và 5 hành lang kinh tế động lực. Phát triển đột phá khu vực kinh tế biển và ven biển, đưa khu vực ven biển trở thành một trọng tâm phát triển của tỉnh.

Theo Phó Thủ tướng, để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả quy hoạch, tỉnh cần rút ra các bài học phát triển của các địa phương trong vùng, tiếp tục đổi mới sáng tạo, phát huy nội lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, tận dụng tốt thời cơ, tìm ra lối đi riêng để Nam Định trở thành địa chỉ đáng đầu tư, đáng cống hiến, đáng trải nghiệm, đáng sống.

Đồng thời phát huy lợi thế về nhân lực và vị trí ven biển, thu hút đầu tư vào các khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển; lựa chọn các ngành, lĩnh vực kinh tế xanh, kinh tế tri thức có giá trị gia tăng cao.  

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị, tỉnh Nam Định cần có chính sách thu hút lao động trẻ được đào tạo trở lại làm việc tại tỉnh bằng điều kiện phát triển, cơ hội nghề nghiệp, nhà ở và môi trường sống chất lượng với các dịch vụ giáo dục, y tế và chăm sóc sức khỏe chất lượng cao tại các đô thị.

Bình luận