Trường Đại học Xây dựng Hà Nội (HUCE) và Cơ quan Năng lượng Đức (DENA) vừa tổ chức Hội thảo với chủ đề “Nâng cao năng lực về hiệu quả năng lượng trong các tòa nhà tại Việt Nam: Hướng tới phát triển đô thị bền vững” nhằm mục đích chia sẻ kết quả của khóa tập huấn thí điểm do HUCE và DENA tổ chức về thiết kế tòa nhà tiết kiệm năng lượng và cung cấp nền tảng chuyển giao chương trình giảng dạy.
Hội thảo cũng là một phần của “Chương trình hợp tác giữa các trường đại học về hiệu quả năng lượng trong các tòa nhà tại Việt Nam” do Bộ Ngoại giao Liên bang Đức (FFO) thông qua Sáng kiến Khí hậu Quốc tế (IKI) tài trợ, nhằm hỗ trợ các trường đại học tại Việt Nam tích hợp những giải pháp xây dựng bền vững và tiết kiệm năng lượng vào chương trình đào tạo dài hạn, từ đó góp phần giảm tác động môi trường của ngành Xây dựng đối với khí hậu và thúc đẩy chuyển đổi sang năng lượng xanh.
Phát triển công trình xanh gắn với việc sử dụng năng lượng hiệu quả

Trong khuôn khổ của Hội thảo đã diễn ra 2 phiên thảo luận song song với các chủ đề “Tích hợp hiệu quả năng lượng trong xây dựng công trình vào chương trình đào tạo Đại học” và “Xanh hóa các công trình tại Việt Nam: Giải pháp cải tạo hướng tới một tương lai bền vững” các chuyên gia của Việt Nam và Đức đã chia sẻ nhiều kiến thức chuyên môn thực tiễn liên quan đến nghiên cứu, kỹ thuật và hiệu quả sử dụng năng lượng trong các công trình xây dựng tại Việt Nam. Đây cũng chính nền tảng quan trọng để xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với yêu cầu chuyển đổi xanh trong ngành Xây dựng.
Nhấn mạnh vai trò của phát triển bền vững, ông Tạ Quốc Thắng - Vụ Quy hoạch Kiến trúc (Bộ Xây dựng) cho rằng, thế giới đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng do biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và ô nhiễm môi trường, các quốc gia trên thế giới ngày càng nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của việc phát triển bền vững.
Việt Nam không nằm ngoài xu thế đó, một trong những hướng đi mang tính chiến lược và lâu dài là việc phát triển công trình xanh gắn với sử dụng năng lượng hiệu quả - không chỉ nhằm bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên mà còn đảm bảo chất lượng sống và hiệu quả kinh tế cho hiện tại và tương lai.

Cũng theo ông Tạ Quốc Thắng, đô thị hóa tại Việt Nam đang diễn ra mạnh mẽ với tốc độ xây dựng cao, đặc biệt tại các đô thị lớn. Tuy nhiên, đi kèm với đó là hệ lụy từ việc khai thác, sử dụng năng lượng thiếu hiệu quả, làm tăng lượng khí thải nhà kính, gây ô nhiễm và suy giảm chất lượng môi trường sống.
"Việt Nam đang từng bước khẳng định cam kết mạnh mẽ trong việc phát triển công trình xanh và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng thông qua việc triển khai đồng bộ nhiều chính sách chiến lược. Tuy nhiên, để hiện thực hóa các mục tiêu đề ra, chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, tăng cường cơ chế khuyến khích tài chính, và nâng cao nhận thức cộng đồng", ông Tạ Quốc Thắng nhấn mạnh.
Đánh giá cao tầm quan trọng của việc đưa nội dung hiệu quả năng lượng vào chương trình đào tạo trong xu hướng phát triển bền vững, PGS.TS Trần Ngọc Quang - Khoa Kỹ thuật Dịch vụ công trình & Môi trường - HUCE cho rằng, mục tiêu lớn nhất của tích hợp hiệu quả năng lượng vào chương trình đào tạo nhằm giải quyết vấn đề về biến đổi khí hậu và sự khan hiếm tài nguyên, đặc biệt là để đạt được cam kết phát thải ròng bằng “0” của Chính phủ Việt Nam vào năm 2050. Bên cạnh đó, chuẩn bị hành trang chắc chắn cho sinh viên bước vào các lĩnh vực kỹ thuật phát triển bền vững nên cần phải đưa hiệu quả năng lượng vào chương trình đào tạo.
Đặc biệt, sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, sinh viên có thể áp dụng các tiêu chuẩn và quy chuẩn về phát triển bền vững; biết phân tích hiệu suất năng lượng bằng các công cụ mô phỏng; thiết kế hệ thống công trình tiết kiệm năng lượng… sẽ biến các công trình "vô tri" thành những công trình sống động và thông minh thông qua các hệ thống HVAC (Điều hòa không khí và thông gió); Cấp thoát nước; Chiếu sáng và cấp điện; An ninh và báo cháy; Thang máy; Hệ thống quản lý tòa nhà (BMS).
Nêu bật những kết quả quan trọng của Chương trình hợp tác các trường đại học Việt Nam về hiệu quả năng lượng trong các công trình xây dựng, PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền - Khoa Đào tạo Quốc tế - HUCE cho biết, chương trình đã cung cấp kiến thức thực tiễn về hiệu quả năng lượng trong công trình xây dựng cho sinh viên các ngành: Kiến trúc, Kỹ thuật xây dựng, Kỹ thuật môi trường và Vật liệu xây dựng.
Đáng chú ý, thông qua hoạt động nhóm, các nhóm sinh viên đã đề xuất được nhiều phương án cải tạo khu ký túc xá nhằm nâng cao hiệu quả năng lượng, ứng dụng đèn LED, vật liệu bê tông khí chưng áp, hệ thống nước nóng năng lượng mặt trời, công tắc thông minh...

"Sau sau khóa tập huấn, phần lớn phản hồi của sinh viên đều mang tính tích cực, với 80% sinh viên cho rằng kiến thức về vật liệu và thiết kế công trình tiết kiệm năng lượng là mới và bổ ích. Sinh viên hứng thú nhất với các kỹ năng làm việc nhóm, phân tích hiện trạng công trình và đề xuất giải pháp. Nhiều sinh viên bày tỏ mong muốn theo đuổi sự nghiệp liên quan đến công trình xanh sau khi tốt nghiệp", PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền chia sẻ.
Đặc biệt, PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền nhấn mạnh, tài liệu giảng dạy từ khóa học sẽ được chia sẻ tới các trường đại học khác, góp phần mở rộng tác động của dự án và thúc đẩy tích hợp chủ đề hiệu quả năng lượng trong chương trình giảng dạy của các trường đại học tại Việt Nam.
Lồng ghép nội dung tiết kiệm năng lượng vào chương trình đào tạo KTS
Theo PGS.TS.KTS Hoàng Mạnh Nguyên - Chủ tịch sáng lập Viện KHCN Đô thị xanh, cần phải lồng ghép các nội dung thiết kế tiết kiệm năng lượng kiến trúc xanh vào chương trình đào tạo kiến trúc sư. Bởi đa số sinh viên đã biết về tiết kiệm năng lượng và kiến trúc xanh nhưng kiến thức còn manh mún, không có tính hệ thống.
Bên cạnh đó, nội dung tiết kiệm năng lượng và kiến trúc xanh trong chương trình hiện tại còn sơ sài, thiếu thực tiễn, trong khi nhu cầu học về tiết kiệm năng lượng và kiến trúc xanh ngày càng cao, và đòi hỏi cũng ngày càng lớn, nhất là các chuyên ngành về năng lượng, nước, quy hoạch, vật liệu, thiết kế.
Từ đó, PGS.TS.KTS Hoàng Mạnh Nguyên đã nêu những nội dung khái quát về kiến trúc xanh để đưa vào chương trình đào tạo, đồng thời đề xuất những học phần cần điều chỉnh nội dung cũng như những học phần cần được bổ sung, thay đổi vị trí, thời lượng chương trình.
"Để có được hiệu quả trong chương trình đào tạo, cần có sự quyết tâm lớn đặc biệt là sự quan tâm và sát sao của cấp quản lý. Bên cạnh đó, chương trình đào tạo KTS nên được chia theo các phân môn, thuận tiện cho việc lồng ghép kiến thức về tiết kiệm năng lượng và kiến trúc xanh", PGS.TS.KTS Hoàng Mạnh Nguyên nêu quan điểm.
Ngoài ra, các trường nên có bộ môn chuyên sâu, các môn riêng về tiết kiệm năng lượng và kiến trúc xanh, được tổ chức thành một hệ thống kiến thức trong chương trình đào tạo, không phải là lồng ghép kiến thức tiết kiệm năng lượng và kiến trúc xanh vào từng môn.
Đặc biệt, PGS.TS.KTS Hoàng Mạnh Nguyên nhấn mạnh, cần kết hợp học lý thuyết với việc áp dụng các kiến thức bền vững theo mức độ tăng dần qua các đồ án thiết kế kiến trúc. Bên cạnh đó, do chương trình đào tạo kiến trúc các trường có mục tiêu và khối lượng khác nhau, nên việc áp dụng cần linh hoạt, phù hợp điều kiện thực tế.
Có thể thấy, việc phát triển công trình xanh và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng không chỉ là xu thế tất yếu mà còn là yêu cầu cấp bách trong tiến trình hiện đại hóa đất nước, thích ứng với biến đổi khí hậu và thực hiện các cam kết quốc tế về giảm phát thải carbon.