Nâng cao vị thế ngành Xây dựng trong tiến trình hội nhập quốc tế
Ngày 05/10/1984, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ký quyết định số 1278/BXD-TCCB về việc tách Phòng Kinh tế Đối ngoại của Vụ Kế hoạch để thành lập Vụ Hợp tác Quốc tế nhằm thực hiện công tác tham mưu, giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước và thực thi pháp luật đối với lĩnh vực đối ngoại của Bộ Xây dựng.
Từ lúc ban đầu chỉ tập trung làm nhiệm vụ lễ tân đối ngoại và tiếp khách quốc tế, sau 40 năm hình thành và phát triển, Vụ Hợp tác Quốc tế đã ngày càng lớn mạnh và đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Ngành, từng bước nâng cao vai trò và vị thế của ngành Xây dựng trong tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước.
Vụ Hợp tác Quốc tế đã tham gia tích cực vào các chủ trương, kế hoạch và đàm phán hội nhập kinh tế quốc tế của quốc gia theo sự phân công của Chính phủ. Trong suốt thời gian trưởng thành và phát triển của ngành Xây dựng, đồng hành cùng cả nước, Vụ Hợp tác Quốc tế đã nỗ lực tham mưu Bộ Xây dựng trong hội nhập và tiếp cận với các xu thế chung của thế giới.
Bộ Xây dựng đã tích cực tham gia trong công tác hoàn thiện thể chế, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho các hoạt động hợp tác kinh tế quốc tế của ngành Xây dựng. Trong đó, Vụ Hợp tác Quốc tế đã chủ động mở rộng phạm vi hợp tác song phương và đa phương theo hướng nâng cao hiệu quả hợp tác, tập trung vào các lĩnh vực quan trọng trong công tác quản lý nhà nước của ngành Xây dựng. Đồng thời, đánh giá và triển khai thực hiện các điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ và thỏa thuận quốc tế; nhân danh Bộ ký kết với các đối tác quốc tế; tăng cường chuyên nghiệp hóa trong công tác quản lý, điều phối các chương trình, dự án vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.
Chia sẻ về quá trình xây dựng và phát triển cũng như các thành tựu hợp tác quốc tế nổi bật đã đạt được, góp phần quan trọng trong triển khai thực hiện nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch công tác của ngành Xây dựng trong thời gian qua, ông Nguyễn Trung Thành - Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế nhấn mạnh, Vụ đã tập trung thúc đẩy hợp tác song phương và đa phương, hỗ trợ tích cực cho công tác xây dựng và hoàn thiện chính sách pháp luật của Ngành. Tham gia tích cực vào quá trình xây dựng các chủ trương, kế hoạch và đàm phán hội nhập kinh tế quốc tế của quốc gia, từng bước nâng cao vai trò và vị thế ngành Xây dựng trong tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước.
Vụ Hợp tác Quốc tế đã hoàn thành tốt việc tham mưu tổ chức và triển khai thực hiện các hoạt động của các Ủy ban liên Chính phủ với các nước Cuba và Algeria do Bộ trưởng làm Chủ tịch Phân ban; chủ động thúc đẩy hợp tác thương mại đầu tư góp phần nâng cao quan hệ hợp tác toàn diện giữa Việt Nam với Cuba và Algeria.
Vụ Hợp tác Quốc tế đã chủ động xây dựng kế hoạch, tiếp cận các đối tác, các nhà tài trợ, đàm phán vận động thu hút nhiều dự án tài trợ ODA và vốn vay ưu đãi phục vụ các mục tiêu phát triển của Ngành trong các lĩnh vực: quy hoạch, phát triển nhà ở và đô thị, hạ tầng kỹ thuật,...
Đáng chú ý, Bộ Xây dựng đã ký kết gần 90 Thỏa thuận quốc tế với các quốc gia, vùng lãnh thổ và tổ chức quốc tế nhằm tăng cường hợp tác song phương trong lĩnh vực xây dựng, huy động công nghệ, kinh nghiệm và nguồn lực quốc tế trong các lĩnh vực quản lý nhà nước, đáp ứng các yêu cầu mới của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng.
Có thể nói, Vụ Hợp tác Quốc tế với số lượng cán bộ, công chức và viên chức khiêm tốn, chỉ có 08 người, nhưng luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ do Lãnh đạo Bộ Xây dựng giao.
Trong bối cảnh thế giới đang hướng đến cục diện “đa cực” với xu thế dân chủ hóa phát triển mạnh mẽ trong quan hệ quốc tế, các quốc gia trên thế giới đều coi trọng các phương hợp tác đa phương nhằm phục hồi kinh tế, mở rộng không gian phát triển, tạo thêm động lực và cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào phát triển nền kinh tế, Vụ Hợp tác Quốc tế đã và đang thực hiện tốt vai trò là cơ quan đầu mối xây dựng các chủ trương, định hướng mở rộng quan hệ hợp tác với nước ngoài và các tổ chức quốc tế, kế hoạch đàm phán, ký kết, phê duyệt hoặc gia nhập thực hiện các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế.
Cùng đó, tổ chức đàm phán, ký kết điều ước quốc tế thuộc pham vi quản lý của Bộ Xây dựng. Chủ động mở rộng hợp tác với các tổ chức quốc tế hàng đầu như Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), Ngân hàng Thế giới (World Bank), Tổ chức Phát triển Đức (GIZ), Liên minh Châu Âu (EU)…
Thông qua các hoạt động hợp tác quốc tế, nhiều dự án, chương trình hỗ trợ kỹ thuật được triển khai, góp phần thúc đẩy phát triển ngành Xây dựng Việt Nam nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung.
Bộ Xây dựng luôn chủ động tham gia vào tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế theo lộ trình cam kết của Chính phủ và của ngành Xây dựng. Từ khi mở cửa nền kinh tế năm 1986 đến nay, Việt Nam đã lần lượt tham gia vào các cộng đồng, tổ chức đa phương quốc tế quan trọng như ASEAN (1995), APEC (1998), WTO (2007). Cho đến nay Việt Nam đã đàm phán và ký kết tham gia khoảng 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương.
Một số hiệp định giữ vai trò quan trọng, tác động nhiều đến nền kinh tế đất nước, trong đó có ngành Xây dựng là Hiệp định AFTA (ASEAN), gia nhập WTO, Hiệp định FTA Việt Nam – EU, Hiệp định CPTPP, Hiệp định RCEP.
Bộ Xây dựng luôn là thành viên chủ động và tích cực trong quá trình tham gia đàm phán các Hiệp định, đặc biệt là Hiệp định AFTA (ASEAN). Từ năm 2003, Bộ Xây dựng đã tham gia cùng các nước thành viên ASEAN xúc tiến đàm phán xây dựng các Thoả thuận Thừa nhận lẫn nhau trong ASEAN (MRA) về các dịch vụ nghề nghiệp gồm: MRA về Dịch vụ Tư vấn Kỹ thuật và MRA về Dịch vụ Kiến trúc. Đến nay, ngành Xây dựng Việt Nam có 328 kỹ sư và 41 kiến trúc sư đã được đăng ký đạt tiêu chuẩn ASEAN.
Việt Nam đang bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập sâu rộng với quốc tế. Vận hội lớn nhưng thách thức cũng nhiều. Trong khi, nhu cầu đầu tư phát triển đất nước là rất lớn, nguồn lực còn hạn chế.
Do đó, mở rộng hội nhập với thế giới là một yêu cầu bắt buộc, đòi hỏi Vụ Hợp tác Quốc tế phải chủ động và tích cực, nhằm vừa học tập kinh nghiệm của các nước đi trước, vừa huy động các nguồn lực đầu tư và sự hỗ trợ của quốc tế để đưa đất nước ta phát triển một cách bền vững.
Theo Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế Nguyễn Trung Thành, với chủ trương nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, trong thời gian tới Bộ Xây dựng nói chung và Vụ Hợp tác Quốc tế nói riêng tiếp tục phát huy hơn nữa tính chủ động trong công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Cụ thể, Vụ Hợp tác Quốc tế sẽ tiếp tục xây dựng các chủ trương, định hướng mở rộng quan hệ hợp tác với nước ngoài và các tổ chức quốc tế, kế hoạch đàm phán, ký kết, phê duyệt hoặc gia nhập thực hiện các điều ước quốc tế và thỏa thuận quốc tế.
Bên cạnh đó, tổ chức triển khai thực hiện, đôn đốc, rà soát, kiểm tra, đánh giá tình hình triển khai thực hiện các thỏa thuận quốc tế đã ký với các đối tác.
Tăng cường tham khảo, học tập kinh nghiệm quốc tế để phục vụ cho việc sửa đổi, hoàn thiện chính sách pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Thúc đẩy mở rộng phạm vi hợp tác song phương và đa phương theo hướng nâng cao hiệu quả hợp tác, tập trung vào các lĩnh vực quan trọng của công tác quản lý nhà nước ngành Xây dựng.
Mặt khác, hoàn thiện cơ cấu tổ chức, cán bộ, công chức hoạt động trong lĩnh vực đối ngoại, tăng cường chuyên nghiệp hóa trong công tác quản lý, điều phối các chương trình, dự án hợp tác với nước ngoài.
Ngoài ra, Vụ tiếp tục chủ động mở rộng hợp tác với các nước phát triển, các tổ chức tài chính quốc tế để vận động các dự án, chương trình hỗ trợ kỹ thuật và các nguồn lực đầu tư trong lĩnh vực xây dựng, góp phần thúc đẩy phát triển ngành Xây dựng Việt Nam nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung.