Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, năng suất lao động là yếu tố có ảnh hưởng quyết định đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và cả nền kinh tế. Nâng cao năng suất lao động là yếu tố quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Các chuyên gia kinh tế đánh giá, thực tế sản xuất, kinh doanh ở tất cả các doanh nghiệp trên thế giới đã chứng minh, rèn luyện tác phong công nghiệp, nâng cao ý thức, kỷ luật lao động cho người lao động là một trong những yếu tố quan trọng góp phần nâng cao năng suất lao động, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra yêu cầu cao về chuyên môn hóa và tuân thủ quy trình đối với người lao động trong quá trình sản xuất.
Doanh nghiệp muốn nâng cao chất lượng sản phẩm và thương hiệu đòi hỏi người lao động phải có trình độ học vấn, tay nghề, kỹ năng mềm và ý thức lao động tốt. Người lao động muốn nâng cao thu nhập cho bản thân phải có kỹ năng nghề nghiệp, thái độ, ý thức và tác phong tốt.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay vẫn còn nhiều người lao động, đặc biệt là anh chị em công nhân chưa thực sự quan tâm và đặt việc rèn luyện, nâng cao ý thức, tổ chức kỷ luật và tác phong công nghiệp lên hàng đầu.
Một số vấn đề chung thường thấy là: Không tuân thủ các quy định về an toàn, vệ sinh lao động gây ra các chấn thương thậm chí tử vong; không tuân thủ nội quy, giờ giấc, tác phong làm việc như đi trễ, về sớm, nghỉ giải lao không đúng thời gian quy định, có mặt ở cơ quan đúng giờ để điểm danh rồi ăn sáng, uống trà gây đình trệ công việc; xin nghỉ phép không có lý do chính đáng; phối hợp trong công việc kém; làm việc nhóm không hiệu quả.
Bên cạnh đó, không tuân thủ quy định kiểm soát: không tuân thủ quy trình sản xuất dẫn đến sản phẩm lỗi ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm, ảnh hưởng đến thương hiệu doanh nghiệp và lòng tin của đối tác.
Bởi vậy, để Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045, nâng cao năng suất lao động là động lực chính. Trong đó, cần triển khai nhiều giải pháp rèn luyện tác phong công nghiệp, nâng cao ý thức, kỷ luật lao động của người lao động, vì suy cho cùng, con người là trung tâm, muốn nâng cao năng suất lao động phải nâng cao ý thức của người lao động và biến tư duy thành hành động.
Ngoài ra, TS Nguyễn Tú Anh - Vụ trưởng, Ban Kinh tế Trung ương cũng cho rằng, muốn nâng cao năng suất lao động cần thúc đẩy chuyển dịch lao động từ khu vực có năng suất lao động thấp sang khu vực có năng suất lao động cao, từ khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức bằng các giải pháp: Chăm lo tốt hơn cho cuộc sống người lao động bằng các chính sách nhà ở xã hội, hỗ trợ không phân biệt hộ khẩu cho con em công nhân lao động trong học tập, tiếp cận, dịch vụ y tế; Nâng cao vai trò của Công đoàn để thực sự là chỗ dựa của người lao động trong việc ổn định cuộc sống nơi di cư đến;
Xử lý hài hòa vấn đề quan hệ lao động, đảm bảo lợi ích chính đáng cho người lao động nhưng cũng đảm bảo lợi ích lâu dài cho nhà đầu tư; Nâng cao nhận thức cho người lao động về sự cần thiết phải học nghề, học kỹ năng lao động để có đủ điều kiện dịch chuyển lao động. Hiện nay số người học nghề khi bị thất nghiệp rất thấp (ví dụ trong năm 2023 trong 85.000 người nhận trợ cấp thất nghiệp chỉ có 778 người có ý định học nghề và 487 người thực sự học nghề).
Nguồn: VietQ.vn