Nâng tầm các khu công nghiệp, thích ứng xu thế mới

16:32 19/02/2022
Xây dựng và phát triển hệ thống các khu công nghiệp (KCN) luôn được Bình Dương dành nhiều nguồn lực để thực hiện.

Nhờ đó, vị thế của tỉnh ngày càng được nâng cao, trở thành một trong những địa phương phát triển công nghiệp mạnh của cả nước. Để tiếp tục phát triển, Bình Dương đang tăng cường hơn nữa quỹ đất cho phát triển KCN, kịp thời đón đầu “làn sóng” đầu tư mới.

Tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn được đầu tư kết nối với trung tâm huyện Bàu Bàng vừa hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ là nền tảng để Bình Dương xây dựng, phát triển khu công nghiệp khoa học công nghệ tại Bàu Bàng trong thời gian tới

Nâng cao sức cạnh tranh

Đến nay, Bình Dương là một trong những địa phương có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất của cả nước (82%) với 3 thành phố và 2 thị xã, sở hữu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại. Các KCN của tỉnh chiếm 1/4 diện tích KCN toàn miền Nam, Bình Dương là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về sản xuất công nghiệp, thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Theo Ban Quản lý các KCN tỉnh, trên địa bàn tỉnh có 34 KCN đã được phê duyệt, với tổng diện tích quy hoạch 14.790ha. Tính đến thời điểm hiện nay, tỉnh đã thành lập 29 KCN, với tổng diện tích quy hoạch trên 12.662ha. Trong đó, có 27 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích 10.962ha, tỷ lệ cho thuê đất đạt 87,4%. Ngoài một số KCN đã được lấp đầy 100% diện tích, chủ đầu tư các KCN còn lại trên địa bàn tỉnh đang tích cực phối hợp với chính quyền các địa phương đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, nhanh chóng xúc tiến, thu hút đầu tư các dự án thứ cấp. Giải pháp này được đánh giá là đặc biệt quan trọng trong giai đoạn hiện nay, khi Bình Dương luôn nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, hoàn thiện và nâng cấp cơ sở hạ tầng nhằm phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu thu hút đầu tư.

Đến nay, Bình Dương đã phát triển được 29 KCN, trong đó nhiều KCN đã trở thành “thương hiệu”, thu hút nhiều DN lớn, tập đoàn đa quốc gia đến đầu tư. Trong ảnh: Một góc Khu Liên hợp công nghiệp - đô thị - dịch vụ Bình Dương

Ông Bùi Minh Trí, Trưởng Ban quản lý các KCN tỉnh, cho biết hiện tại, hầu hết các dự án KCN trong cả nước đều đã được lấp đầy hoặc có diện tích cho thuê hạn chế. Cùng với đó xu thế mở rộng sản xuất của các nhà đầu tư trong KCN đang gia tăng, để cạnh tranh, các địa phương cần có quy hoạch mới để hấp dẫn nhà đầu tư nên việc phát triển, xây dựng các KCN chất lượng cao là cần thiết. Để tăng sức cạnh tranh, tỉnh đang tập trung thu hút vào các KCN được quy hoạch; đẩy nhanh tiến độ triển khai, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các KCN ngày càng hiện đại; sớm hình thành KCN khoa học công nghệ; tiếp tục chuyển đổi công năng, di dời các DN vào các KCN. Trong giai đoạn tới công tác thu hút đầu tư vào các KCN của tỉnh sẽ có sự chuyển biến tích cực, thực chất hơn, chọn lọc hơn theo hướng chuyên biệt, sinh thái, thông minh và sẽ tạo sức hút mới. Do đó, các KCN hiện hữu và các KCN mới cần có các giải pháp nâng cao sức cạnh tranh, sức thu hút để tận dụng nhu cầu ngày càng tăng.

Phát triển KCN chất lượng cao

Bình Dương tiếp tục xác định lấy công nghiệp làm nền tảng, là khâu đột phá, mà hạt nhân chính là xây dựng kết cấu hạ tầng các KCN gắn với đô thị hóa. Quan điểm nhất quán của tỉnh là xây dựng KCN nhằm tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội để phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước. Chính nhờ thế mà Bình Dương đã tạo được quỹ “đất sạch” rộng lớn để phát triển hạ tầng, tạo nên những KCN tốt, hiệu quả trong mắt nhà đầu tư khi đến với tỉnh. Với 27 KCN đang hoạt động, trong đó nhiều KCN đã trở thành “thương hiệu”, các KCN trên địa bàn tỉnh đã và đang góp phần tạo lực đẩy thu hút được một lượng lớn vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ có quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư của dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng KCN VSIP III. Cùng với các KCN khác của tỉnh, KCN VSIP III được kỳ vọng khi hoàn thành sẽ sớm trở thành một KCN xanh, công nghệ cao tại trung tâm phát triển công nghiệp sôi động nhất Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Ông Phạm Ngọc Thuận, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Becamex IDC, cho rằng ngoài những yếu tố về hạ tầng, chính sách hỗ trợ nhà đầu tư thứ cấp, các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là nhà đầu tư đến từ Mỹ, EU rất quan tâm tới những KCN bền vững, cũng như hệ sinh thái xung quanh như giáo dục, y tế, nhà ở dành cho lao động, tiện ích phục vụ cuộc sống... Muốn đón nhà đầu tư lớn, Bình Dương cần phải nâng cấp lên chuẩn mới. Quỹ đất hiện tại của các KCN Bình Dương đã đạt tỷ lệ lấp đầy khá cao. Trong giai đoạn tới, các KCN hiện hữu và các KCN mới của Becamex IDC đang có nhiều giải pháp nâng cao sức cạnh tranh, sức thu hút để tận dụng nhu cầu ngày càng tăng.

Ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho biết lợi thế vượt trội của Bình Dương so với các địa phương khác chính là hạ tầng giao thông, hạ tầng các KCN có tính kết nối liên vùng, đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh của các DN trong và ngoài nước. Hiện Bình Dương đang tập trung chuẩn bị tốt các điều kiện, thỏa mãn nhu cầu của nhà đầu tư nhằm tăng cường hiệu quả hợp tác, khai thác thời cơ từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để chủ động đón dòng vốn đầu tư mới.

Bình Dương đang khẩn trương nghiên cứu và thành lập KCN khoa học công nghệ do Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - CTCP (Becamex IDC Corp) làm chủ đầu tư. Bên cạnh đó, việc hoàn thiện và triển khai hoạt động KCN VSIP III và KCN Cây Trường sẽ cung cấp thêm 1.700ha đất. Các KCN khác cũng đang trình hồ sơ mở rộng diện tích. Mục tiêu của năm 2022, tỉnh Bình Dương sẽ cho thuê và cho thuê lại đất từ 100 - 150ha; thu hút 1,2 - 1,3 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài; thu hút từ 1.100 - 1.200 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước. Trong giai đoạn 2020- 2025, tỉnh đặt mục tiêu phát triển các KCN bền vững theo mô hình “3 trong 1” (KCN - khu đô thị - khu dịch vụ) với hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại. Hiện các KCN trong tỉnh đang hướng đến thu hút đầu tư theo chiều sâu, phát triển bền vững.

Nguồn: Báo Bình Dương

Bình luận