Nâng trần nợ công phải song hành với kiểm soát nợ công và chất lượng dự án

10:59 27/05/2025
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, việc đề xuất nâng trần nợ công phải song hành với việc phải kiểm soát 02 vấn đề rất lớn: (1) Nợ công và bội chi, (2) Chất lượng vay và chất lượng các dự án.

Sáng 26/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng báo cáo giải trình một số ý kiến của các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi).

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, dự kiến Chính phủ sẽ trình dự án Luật sửa đổi Luật Ngân sách vào Kỳ thứ 10 vào cuối năm 2025. Tuy nhiên, do yêu cầu cấp bách của việc phải thực hiện triển khai các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương: Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị, về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị, về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới; Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 04/5/2025 của Ban Chấp hành Trung ương, về phát triển kinh tế tư nhân… đặc biệt là liên quan đến đáp ứng cho mô hình địa phương 2 cấp dự kiến sẽ hoạt động chính thức từ ngày 1/7, nên Chính phủ phải điều chỉnh kế hoạch trình Quốc hội thông qua Luật Ngân sách (sửa đổi) vào Kỳ họp thứ 9 lần này.

Chưa quy định tỷ lệ phân chia các khoản thu

Liên quan đến phân cấp nguồn thu giữa NSTW và NSĐP trong dự thảo Luật, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu và báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội chưa quy định tỷ lệ phân chia các khoản thu giữa NSTW và NSĐP trong Luật, trừ khoản thu tiền đất, tiền thuê đất được phân chia từ dự toán ngân sách năm 2026.

Trong năm 2026, khi Luật có hiệu lực, sẽ giao Chính phủ xây dựng trình Quốc hội quy định tỷ lệ phân chia các khoản thu giữa NSTW và NSĐP cho phù hợp và đảm bảo ổn định lâu dài, theo phương án 2 đang trình Quốc hội.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng.

Về vai trò chủ đạo của NSTW, Trung ương chỉ đạo tại Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao và Kết luận số 93-KL/TW ngày 20/11/2020 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 16/4/2010 của Bộ Chính trị khóa X về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong đó có 2 nội dung cốt lõi: Một, NSTW phải giữ vai trò chủ đạo, đến năm 2030, NSTW phải chiếm từ 58 - 60% trong tổng chi ngân sách, như vậy từ 2026 phải triển khai thực hiện ngay.

Hai, phân chia tiền đất giữa trung ương và địa phương là thực hiện theo Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) phải quy định nội dung này vì nếu không quy định sẽ không thực hiện được chỉ đạo của Bộ Chính trị, Trung ương.

Về quy định thực hiện phân chia tiền sử dụng đất, tiền thuê đất giữa NSTW và NSĐP thống nhất trong cả nước theo Nghị quyết số 18-NQ/TW, trên cơ sở các ý kiến góp ý vào thực tế Luật Thủ đô số 39/2024/QH15 được Quốc hội thông qua ngày 28/6/2024 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025), hiện nay TP Hà Nội đang tập trung vào rất nhiều dự án, công trình trọng điểm nên Bộ Tài chính sẽ rà soát, nghiên cứu và báo cáo Chính phủ trình Quốc hội tiếp thu nội dung TP Hà Nội được giữ lại 100% tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định của Luật Thủ đô.

Không thể không nâng mức dự phòng NSTW thêm 1%

Về việc nâng tỷ lệ dự phòng NSTW từ 4% lên 5%, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, điều này không có nghĩa là phải trích đầy đủ 4%, hay 5%. Việc dự phòng thêm 1% là để khi có nhu cầu đột xuất có thể bố trí nguồn này phân bổ. Nếu không tăng thêm dự phòng thì sẽ có những lúc bị vướng.

Trong những năm gần đây, 100% nguồn phân bổ vào dự phòng đều được chi hết, không có lãng phí, không để lại, trong khi đó thời gian vừa qua đã phát sinh trường hợp triển khai bị vướng.

Ví dụ, Bộ Chính trị vừa chỉ đạo tăng thêm 1% chi cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, tức là thêm 25.000 tỷ đồng. Bộ Tài chính tham mưu cho Chính phủ tìm nguồn để bố trí đủ 25.000 tỷ đồng, trong lúc chờ các địa phương, các Bộ, ngành đề xuất phân bổ dự toán, phải đưa vào dự phòng.

Tuy nhiên, mặc dù tính là đưa vào dự phòng nhưng nếu đưa vào dự phòng thì hết dư địa, nên chỉ đưa được tối đa là không quá 9.000 tỷ đồng, còn 16.000 tỷ đồng nữa, theo yêu cầu của Trung ương là dứt khoát phải bố trí, bởi nếu không bố trí khi phát sinh nhu cầu thì không chi được, đó là lý do phải tăng mức trần tỷ lệ dự phòng NSTW.

Bên cạnh đó, trong thời gian vừa qua, chúng ta sử dụng nguồn dự phòng rất hiệu quả. Vừa rồi, có rất nhiều trường hợp đột xuất và sắp tới cũng sẽ tiếp tục có những trường hợp đột xuất, nên không thể không nâng mức dự phòng thêm 1%.

Nâng trần nợ công phải song hành với việc phải kiểm soát chất lượng các dự án. Ảnh minh họa, nguồn: ITN.

Dự kiến đề xuất tăng trần nợ vay cho các địa phương

Đáng chú ý, về tăng trần nợ vay cho các địa phương, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, hiện nay Quốc hội đang cho phép trần nợ công 60% GDP, nhưng thực tế đến hết năm 2024, mới sử dụng 34,7% GDP, cho nên việc điều chỉnh mức dư nợ của NSĐP đã được đánh giá kỹ lưỡng, và trên cơ sở tương quan với chỉ tiêu an toàn nợ công được Quốc hội quyết định trong giai đoạn 2021-2025, trong giai đoạn 2026-2030, Quốc hội dự kiến trình Đại hội XIV của Đảng mức bội chi NSNN 5% và NSĐP 0,7% GDP.

Việc đề xuất nâng trần nợ công phải song hành với việc phải kiểm soát được 02 vấn đề rất lớn: Một là kiểm soát trong giới hạn cho phép của Quốc hội nợ công và bội chi; Hai là kiểm soát chất lượng vay, chất lượng các dự án, tránh trường hợp đã có những thời điểm, có những giai đoạn có một số địa phương sử dụng không hiệu quả nợ công, dẫn đến gánh nặng cho ngân sách.

Chính vì vậy, tư duy cũng giống như khoản vay của ngân hàng, đối với khoản vay của ODA từ trung ương vay nước ngoài, trung ương phát hành trái phiếu, hay những khoản vay của địa phương, phải tính toán hiệu quả về kinh tế - xã hội và bảo đảm hiệu quả về tài chính.

Ngoài ra, liên quan đến chi ngân sách cũng như dự toán, Bộ Tài chính đang phối hợp với Ủy ban Kinh tế - Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu để đảm bảo phân cấp, phân quyền tối đa cho các cấp, các ngành trong bối cảnh thực hiện được mục tiêu tăng trưởng kinh tế đột phá 8% trong năm 2025 cũng như tăng trưởng kinh tế 2 con số vào giai đoạn 2026-2030.

Dự thảo Luật lần này, Bộ Tài chính đang đề xuất Quốc hội quyết định tổng thể và cơ cấu lớn dự toán NSNN, phân bổ NSTW cho từng Bộ, từng địa phương và không chi tiết đối với lĩnh vực giáo dục, đào tạo, dạy nghề, khoa học & công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số…

Bình luận