Nên “chia sẻ rủi ro” với 13 tỷ USD điện mặt trời! Nên “chia sẻ rủi ro” với 13 tỷ USD điện mặt trời!

Nên “chia sẻ rủi ro” với 13 tỷ USD điện mặt trời!

Sự việc bắt đầu từ khi Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển dự án điện mặt trời. Đó là chủ trương tất yếu khi Việt Nam đang cùng cả loài người chống biến đổi khí hậu, khi nguồn thủy điện của đất nước gần hết dư lượng, điện than đang xu thế thu hẹp, khi điện hạt nhân tạm dừng và nguồn tài nguyên năng lượng mặt trời dồi dào…

Cơ chế khuyến khích của Chính phủ khi đó cực kỳ hấp dẫn. Thí dụ, theo Điều 9, Trách nhiệm mua điện từ các dự án điện mặt trời:

1. Bên mua điện có trách nhiệm mua toàn bộ điện năng được sản xuất từ các dự án điện mặt trời; ưu tiên khai thác toàn bộ công suất, điện năng phát của các dự án điện mặt trời đưa vào vận hành thương mại…

4. Thời hạn của hợp đồng mua bán điện đối với các dự án điện mặt trời là 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại. Sau 20 năm, hai bên có thể gia hạn thời gian hợp đồng hoặc ký hợp đồng mới theo quy định của pháp luật hiện hành.

Bên cạnh những ưu đãi về vốn đầu tư và thuế, về đất đai, điểm hấp dẫn nằm ở cơ chế giá. Điều 12, giá điện của các dự án điện mặt trời được quy định với mức giá ưu đãi (FIT) có thời hạn:

1. Đối với dự án nối lưới

a) Bên mua điện có trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng điện từ các dự án nối lưới với giá mua điện tại điểm giao nhận điện là 2.086 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, tương đương với 9,35 Uscent/kWh, theo tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố ngày 10/4/2017 là 22.316 đồng/USD). Giá bán điện được điều chỉnh theo biến động của tỷ giá đồng/USD. Giá điện này chỉ áp dụng cho các dự án nối lưới có hiệu suất của tế bào quang điện (solar cell) lớn hơn 16% hoặc module lớn hơn 15%.

b) Việc điều chỉnh giá mua bán điện theo biến động của tỷ giá đồng/USD cho các dự án nối lưới được thực hiện theo Hợp đồng mua bán điện mẫu do Bộ Công Thương ban hành.

Điều 16. Hiệu lực thi hành

1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/6/2017 đến ngày 30/6/2019.

Trước đó ít lâu, một thông tin “khủng” được phát đi đã làm chấn động giới đầu tư năng lượng toàn cầu: Vương quốc Dubai (thuộc Các tiểu vương quốc Arab thống nhất - UAE) vừa thiết lập kỷ lục thế giới mới về giá điện mặt trời. Công ty Dubai Electricity and Water Authority (DEWA) đã nhận được mức bỏ thầu cho dự án Nhà máy điện Mặt trời Sheikh Maktoum Solar Park Phase III với mức giá thấp kỷ lục, chỉ 3,00 Uscents/kWh (tương đương 666 VNĐ) cho mỗi kWh điện.

Tại thời điểm mở thầu, DEWA chỉ dự định cho một cơ sở sản xuất 200 MW điện xoay chiều, nhưng với kết quả này, trong những giai đoạn tiếp theo, dự án đang có tiềm năng trở thành nhà máy điện mặt trời lớn nhất thế giới với công suất 800 MW.

Kỷ lục này đã mở toang cánh cửa không chỉ trong nhận thức mà dự báo cả trong làn sóng đầu tư trong tương lai của loài người về lĩnh vực năng lượng mặt trời. Nó chắc chắn sẽ làm chấn động không chỉ ở những nước giàu có mà ngay với Việt Nam, một quốc gia đang có nguồn tài nguyên vô hạn trong lĩnh vực này.

Nay với cam kết của Chính phủ Việt Nam về giá FIT ưu đãi giao cho Tập đoàn Điện lực EVN: “Bên mua điện có trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng điện từ các dự án nối lưới với giá mua điện tại điểm giao nhận điện là 2.086 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, tương đương với 9,35 Uscent/kWh, theo tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố ngày 10/4/2017 là 22.316 đồng/USD). Giá bán điện được điều chỉnh theo biến động của tỷ giá đồng/USD” thật quá hấp dẫn.

Đã có nhận xét, đây là một chính sách có thể gây thiệt hại cho nền kinh tế đất nước trong tương lai! Là một bài học đắt giá về thiếu thông tin, thiếu kiến thức, thiếu tầm nhìn vĩ mô… khi định vị một bài toán kinh tế cố định của một quốc gia trong một thị trường đầy biến động. Nhưng hy vọng đây là một chính sách có thời hạn nên cái được sẽ lớn hơn cái mất!

Chính vì chính sách quá hấp dẫn ấy, kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg, cuộc đua đầu tư điện mặt trời tại Việt Nam diễn ra mãnh liệt như cơn sóng thần chưa từng có để đạt được trước mốc thời gian 30/6/2019. Theo nhận định của các chuyên gia năm 2020, vốn trái phiếu huy động cho các dự án điện mặt trời lên đến 29.900 tỷ đồng, tăng 254% so với năm 2019. Về tín dụng, tính đến cuối năm 2020, các ngân hàng đã rót 84.000 tỷ đồng cho vay năng lượng tái tạo, phần lớn là cho vay các dự án điện mặt trời.

Vì lợi nhuận kỳ vọng có tỷ lệ cao như vậy nên cuộc chạy đua vào danh mục đầu tư trong tiêu chuẩn ưu đãi cả công khai và thế giới ngầm. Như mọi người đã biết, một vụ án được xét xử công khai thời gian gần đây đối với một số cán bộ có trách nhiệm tại Bộ Công Thương. Tại vụ án này, các cơ quan tố tụng đã xác định một vị Thứ trưởng Bộ Công Thương cùng cộng sự "vì động cơ vụ lợi", tạo cơ chế cho một tập đoàn tư nhân đầu tư điện mặt trời vào danh sách ưu đãi giá. Ông bị cáo buộc "cố ý điều chỉnh câu chữ, thay đổi diện đối tượng được hưởng chính sách giá điện ưu đãi", không đúng quy định của pháp luật. Theo cáo trạng, hành vi của vị Thứ trưởng nọ bị cáo buộc dẫn đến hậu quả gây thiệt hại cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hơn 1.000 tỷ đồng…

Việc thanh tra đồng loạt các dự án năng lượng tái tạo (điện mặt trời, gió) vận hành thương mại (COD), nhưng chưa có văn bản chấp thuận kết quả kiểm tra nghiệm thu của cơ quan chức năng tại thời điểm COD hoặc trong thời gian được hưởng các mức giá mua điện ưu đãi (giá FIT1, FIT2) đã được đem ra soi xét.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, có 173 nhà máy hoặc phần nhà máy điện mặt trời, điện gió nối lưới gặp tình huống này. Trong đó, có gần 150 dự án điện mặt trời tập trung đang hoạt động trên hệ thống điện quốc gia. Kể từ tháng 9/2023, nhiều dự án bị trì hoãn thanh toán vô thời hạn hoặc thanh toán một phần.

Việc các nhà máy điện mặt trời đã COD phải đối mặt với thực tế sẽ không còn được hưởng các mức giá bán điện như đang hưởng là 9,35 Uscent/kWh của FIT1 hay 7,09 Uscent/kWh của FIT2 để xuống hưởng các mức thấp hơn, thậm chí là không quá giá trần 1.184,9 đồng/kWh theo Quyết định 21/QĐ-BCT ban hành đầu năm 2023 cho các dự án chuyển tiếp đã khiến các doanh nghiệp cực kỳ khó khăn, đối diện với nguy cơ phá sản!

Trong lá đơn kiến nghị tập thể của 13 nhà đầu tư nước ngoài cùng 14 doanh nghiệp trong nước về bờ vực phá sản của 13 tỷ USD đầu tư vào điện mặt trời ngày 05/3/2025 có một cụm từ đáng quan tâm là “văn bản chấp thuận kết quả kiểm tra nghiệm thu của cơ quan chức năng”. Theo các nhà đầu tư, quy định tại thời điểm các dự án này đạt COD không yêu cầu chấp nhận nghiệm thu. Thực tế, phải đến Thông tư 10/2023/TT-BCT ngày 09/6/2023 của Bộ Công Thương mới đưa yêu cầu phải có văn bản này trước khi xin cấp giấy phép hoạt động điện lực. Trong khi đó, các dự án này đều vận hành COD trước hoặc trong năm 2021(?!).

Các doanh nghiệp này cho rằng "việc này đi ngược với nguyên tắc không được áp dụng hồi tố của Luật Đầu tư" và đề nghị Chính phủ, Bộ Công Thương xác nhận và thi hành ngày COD đã chấp thuận ban đầu, không áp dụng hồi tố. Họ cũng yêu cầu phía EVN đảm bảo thanh toán đầy đủ, đúng hạn cho các dự án bị ảnh hưởng.

Một yếu tố nữa cũng cần ghi nhận trong sự việc này, đó là lỗi điều hành từ Bộ Công Thương. Lãnh đạo Bộ đã từng nhận rằng, chủ trương phát triển năng lượng tái tạo mới, chưa có tiền lệ, thiếu kinh nghiệm, hệ thống pháp luật chưa hoàn chỉnh. Do đó, quá trình thực hiện phát sinh một số sai phạm đã được Thanh tra Chính phủ kết luận.

Như vậy, rủi ro pháp lý lần này cũng rất cần được chia sẻ với các nhà đầu tư.

Thực ra, tại hội nghị chiều 12/12/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ đã đưa ra quan điểm, nguyên tắc chung để giải quyết, gỡ vướng khó khăn cho 154 dự án điện tái tạo trên, nhất là với các bên không cố ý vi phạm. Thủ tướng khẳng định: “Không hợp thức hóa sai phạm nhưng có giải pháp, cơ chế để giải quyết dứt điểm".

Đây là chủ trương nhằm để không lãng phí nguồn lực xã hội, giữ niềm tin của nhà đầu tư trong, ngoài nước. Thủ tướng lưu ý các sai phạm cần được bóc tách, xử lý trách nhiệm cụ thể với các cá nhân liên quan: "Chính phủ chủ trương, các địa phương phải cùng doanh nghiệp tháo gỡ. Đặc biệt, nghiêm cấm chạy chọt, tiêu cực, tham nhũng rồi lại phải xử lý".

“Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”. Tuy nhiên đây là một bài toán khó với những ai thiếu công tâm, thiếu hiểu biết, thiếu quyết đoán, thiếu tinh thần dám chịu trách nhiệm và đặc biệt là bàn tay phải sạch sẽ, bởi 154 dự án là cần đến 154 chữ ký, mà chỉ một chữ ký là liên quan đến cả nghìn tỷ đồng…

Nguyễn Hoàng Linh
Thế Công