Quảng Ninh: Nên đặt tên cầu Cửa Lục 1 là cầu Lê Lợi

06:31 02/01/2022
Đây là ý kiến của ông Trần Quyền - nguyên Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh và một số cán bộ hưu trí ở địa phương có tâm thư bày tỏ nguyện vọng nên đặt tên cầu Cửa Lục 1 là cầu Lê Lợi.

Cầu Cửa Lục 1 là tên gọi của dự án công trình xây dựng một cây cầu bắc qua eo biển Cửa Lục ở TP Hạ Long. Cầu dài 290 m, rộng 33,1 m, tĩnh không thông thuyền 40x7 m; phần cầu dẫn dài 565 m, đường dẫn dài 3.380 m cùng 6 làn xe, vận tốc thiết kế 60 km/h. Đây là công trình trọng điểm của Quảng Ninh, khởi công năm 2018, nay chuẩn bị khánh thành, tổng kinh phí đầu tư 2.109 tỷ đồng.

Một công trình trọng điểm có giá trị kinh tế-xã hội lớn. UBND tỉnh Quảng Ninh có chủ trương tham khảo ý kiến của nhân dân khu vực TP Hạ Long; và có văn bản số 5758/UBND-VX1 giao cho Sở Văn hóa & Thể thao thẩm định, đối chiếu với các quy định của pháp luật để chính thức đặt tên cây cầu này cho phù hợp. TP Hạ Long đã 2 lần trưng cầu ý kiến nhân dân và đã thu thập lại các ý kiến.

Ông Trần Quyền - nguyên Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh, hưu trí ở phường Hồng Hải, TP Hạ Long.

Ngày 22/11/2021, Sở Văn hóa & Thể thao có Báo cáo số 2274a, việc trưng cầu ý kiến tên gọi công trình cầu Cửa Lục 1, theo tờ trình của UBND TP Hạ Long. Kết quả lần 1, thời gian lấy ý kiến của nhân dân trong 7 ngày, từ 09/9/2021 - 15/9/2021, thì phương án tên gọi là cầu Tình Yêu đạt 12%, phương án tên gọi là cầu Của Lục đạt 68,4%, phương án tên gọi là cầu Lê Lợi đạt 16%. Đợt bình chọn lần 2 trong 10 ngày, từ 05/11/2021 - 14/11/2021, phương án tên gọi là cầu Tình Yêu đạt 39%, phương án tên gọi là cầu Của Lục đạt 27%, phương án tên gọi là cầu Lê Lợi đạt 34%. Ngoài 3 phương án trên, người dân còn đề xuất các tên gọi khác như cầu: Giếng Đáy, Hạ Long, Long Sơn, Quảng Long 1, nhưng tỷ lệ chỉ là 2%.

Sở Văn hóa & Thể thao báo cáo gồm cả kết quả bình chọn đặt tên cho cả cầu Cửu Lục 1 và cầu Cửu Lục 3, kết quả 2 lần thăm dò ý kiến nhân dân có những bất cập, tỷ lệ thấp, dư luận xã hội có nhiều ý kiến khác nhau. Sở Văn hóa & Thể thao đề nghị UBND tỉnh lùi thời gian trình Nghị quyết đặt tên cầu Cửu Lục 1 và cầu Cửa Lục 3 vào kỳ họp HĐND tỉnh lần sau (trước đây dự kiến Nghị quyết đặt tên cầu thông qua vào kỳ họp thường lệ cuối năm của HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026).

Ông Trần Quyền - nguyên Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh đã chạm tuổi 90, người nặng lòng với việc đặt tên đường-tên phố. Khi tỷ lệ số người hưởng ứng đặt tên cầu là cầu Lê Lợi, cầu Cửa Lục 1 hay cầu Tình Yêu... việc thăm dò lần 1 tên gọi này cao hơn, lần 2 tên kia lại cao hơn, khiến ông Trần Quyền và một số cán bộ hưu trí ở địa phương có tâm thư:

“Theo thông lệ tên của các công trình vĩnh cửu lớn - nhỏ đều được đặt theo tên địa danh hoặc theo tích lịch sử. Tên cầu Cửa Lục 1 là thuần theo tên địa danh Vịnh Cửa Lục. Còn tên gọi cầu Lê Lợi thì lại đáp ứng được cả hai tiêu chí: Vừa theo tên địa danh, nơi có một đầu cầu bắc qua là xã Lê Lợi hiện nay; vừa theo một tích lịch sử thiêng liêng gợi cho người dân Hạ Long và Quảng Ninh niềm tự hào dân tộc. Trên gò đất Xóm Mũ, thôn Đống Chợ, có ngôi đền thờ Lê Lợi, vị anh hùng dân tộc, người đang được đề nghị là Tổ Trung Hưng thứ hai của Việt Nam.

Ngôi đền duy nhất ở Quảng Ninh thờ Lê Lợi, khi còn khởi nghĩa Lam Sơn, đánh đuổi quân xâm lược nhà Minh, công trình Di tích lịch sử ở ngay mố cầu phía Bắc Cửa Lục.

Ngôi đền có kiến trúc chữ nhị, gồm 3 gian bái đường và 3 gian hậu cung, có sân đền, cổng, khuôn viên, tường bao quanh, tạo thành một không giam biệt lập đầy vẻ thiêng liêng cố kính, đang là điểm du lịch tâm linh ở vùng Bắc Cửa Lục. Năm 2003, UBND tỉnh Quảng Ninh đã cấp bằng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Gò đất hiểm yếu này từng là nơi nhà Trần ém quân, phục binh làm nên trận hải chiến Lục Thủy kinh điển năm 1288.

Về thần tích ngôi đền, khi còn chinh chiến với quân Minh, một lần lui binh tránh cường địch, Lê Lợi đã ẩn thân trên gò đất bờ Bắc Cửa Lục này. Thế đất phong thủy hiểm yếu của gò đất đã giúp cứu Ngài một phần thoát tay giặc. Tại đây Lê Lợi đã cắm lưỡi kiếm xuống đất và truyền rằng: “Ta sống làm vua, chết sẽ làm thần bảo vệ dân làng này”. Thời nhà Mạc, quan tri huyện Hoành Bồ cho xây đền Lê Lợi chính trên thổ đất này, đến nay ngôi đền đã 5 lần trùng tu. Đền chính thần thờ Lê Lợi, có phối thờ Lê Lai, Nguyễn Trãi và Thành hoàng làng. Đền 5 lần đươc các triều đại phong kiến sắc phong. Năm 1821, Triều Nguyễn ban sắc truy phong “Gia tặng Thượng đẳng thần” và chiếu chỉ cho tổng Trí Xuyên, huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Yên (trước kia là Lộ An Bang) hương hỏa giữ lễ phụng thờ, hương ước chính lễ rước thần vào rằm tháng 11 thường niên.

Một số người dân xã Lê Lợi cho biết, Tổng Bí thư Lê Duẩn có lần về thăm và làm việc ở Quảng Ninh đã vào thăm đền Lê Lợi, còn có tư cách là hậu duệ của dòng họ Lê, đã dâng hương kính bái và đã có ý kiến cho trùng tu ngôi đền này.

Với trầm tích lịch sử như vậy, tên cầu Lê Lợi gợi cho người dân Hạ Long và Quảng Ninh một sử tích đáng tự hào. Tỉnh Quảng Ninh có Hạ Long, nơi rồng xuống, có cầu Lê Lợi nơi Lê Lợi cắm lưỡi kiếm xuống đất nguyện thề vệ quốc với non sông khi còn khởi binh đánh giặc. Thủ đô Hà Nội, đất Thăng Long nơi rồng thăng thiên, khi dẹp xong giặc, Lê Lợi trả gươm xuống hồ nước, nay là Hồ Hoàn Kiếm... Quả là một cặp điển tích ngẫu nhiên thú vị.

Thiết tưởng đặt tên cầu Cửa Lục 1 là cầu Lê Lợi âu cũng là hợp ý Đảng, hợp lòng dân và thiện ý trời”.

Cầu Cửa Lục 1 thực tế là hạ lưu sông Trới và sông Bút Xê, trong vùng Vịnh Cửa Lục, trên cao nhìn rất rõ hình dáng con sông.

Tâm thư của ông Trần Quyền - nguyên Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh và một số cán bộ hưu trí ở địa phương bày tỏ nguyện vọng nên đặt tên cầu Cửa Lục 1 là cầu Lê Lợi, rất thấm thía những giá trị địa lý, lịch sử, văn hóa... Quảng Ninh trưng cầu rộng rãi ý kiến mọi người về việc đặt tên cầu đường là việc làm công khai dân chủ là rất tốt. Giá kể địa phương sớm cho biết vắn tắt sử tích nơi cây cầu quá giang như ông Trần Quyền đưa ra, để nhân dân lựa chọn thì sự hiến kế sát thực, ý kiến bình chọn sẽ tập trung hơn.

Sở Văn hóa & Thể thao đề nghị UBND tỉnh báo cáo HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết đặt tên cho công trình xây dựng này trong kỳ họp tới là việc làm thận trọng. Với những cơ sở, trầm tích văn hóa lịch sử nêu trên, đại biểu HĐND tỉnh là người sáng suốt đại diện cho ý chí nguyện vọng của nhân dân đặt tên đường - tên phố sao cho có ý nghĩa văn hóa; không nên hoàn toàn áp đặt ý chí chính trị vào việc đặt tên đường - tên phố.

Bình luận