Thực trạng ngành gốm sứ xây dựng Việt Nam
Phát biểu khai mạc hội thảo "Ngành gốm sứ Việt Nam đổi mới công nghệ hướng tới toàn cầu hóa" do Hiệp hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam (VIBCA) phối hợp với Tập đoàn LiTai (Trung Quốc) tổ chức chiều 24/3, ông Đinh Quang Huy, Chủ tịch VIBCA đã cho thấy cái nhìn tổng quan về tình hình sản xuất gốm sứ xây dựng Việt Nam còn nhiều khó khăn và hạn chế.
Trong đó, năm 2022 ngành gốm sứ xây dựng Việt Nam liên tiếp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, ảnh hưởng của chiến tranh Nga - Ukraina, cũng như sự bất ổn trước diễn biến tình hình kinh tế trong nước và thế giới.
Bước sang năm 2023, vẫn là một năm khó khăn cho ngành gốm sứ xây dựng Việt Nam, toàn ngành dự kiến khai thác khoảng 65 – 70% công suất, đạt khoảng 500 triệu m2 gạch ốp lát; từ 12-15 triệu m2 ngói ceramic; từ 10-12 triệu m2 gạch cotto ceramic, 30 triệu gạch cotto đất sét nung; từ 350.000-360.000 tấn sản phẩm Frit và từ 15-15,5 triệu sản phẩm sứ vệ sinh, 14-15 triệu viên gạch xây, ….
Nếu như năm 2018, sản lượng toàn ngành gạch đạt 602 triệu m2 thì đến năm 2021 đạt 500 triệu m2. Nhu cầu tiêu thụ trong nước đạt 300 triệu m2. Cả nước có 80 doanh nghiệp sản xuất gạch với 240 dây chuyền và đạt năng lực sản xuất 800 triệu m2 gạch/năm.
Năm 2022, sản lượng gạch ở Việt Nam đạt mốc từ 450-500 triệu m2. Gạch ốp lát Việt Nam dù đã xuất khẩu sang nhiều quốc gia nhưng vẫn chưa lọt vào Top 10 của thế giới. Ước tính xuất khẩu gạch của Việt Nam hiện nay khoảng 30 triệu m2. Có thể nói, từ năm 2018 đến nay, xuất khẩu gạch của Việt Nam không có bước tiến nào đáng kể.
Trên thực tế, sản phẩm gốm sứ xây dựng Việt Nam vẫn còn nhiều nhược điểm. Đối với gạch ốp lát, sự đa dạng về mẫu mã cũng như hiệu ứng bề mặt còn hạn chế; chất lượng sản phẩm chưa thật ổn định và chưa có sản phẩm đạt được chất lượng cao. Về sứ vệ sinh cũng còn nhiều hạn chế về mẫu mã, chất lượng bề mặt, tỷ lệ bệt liền khối trên tổng số vệ sinh còn thấp, ...
Vì vậy, theo ông Định Quang Huy, vấn đề đặt ra là cần tiếp tục học hỏi ngành sản xuất gốm sứ xây dựng của các nước tiên tiến về công nghệ, tiếp thu và vận hành thiết bị, cũng như kỹ thuật sản xuất... để nâng cao chất lượng sản phẩm, đem đến lợi ích cho người tiêu dùng trong nước cũng như đẩy mạnh xuất khẩu ra thế giới.
Cần đổi mới công nghệ, tăng cường năng lực cạnh tranh
Tại hội thảo, các chuyên gia đến từ Trung Quốc đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm thực tế về quá trình phát triển ngành gốm sứ tại quốc gia này, trong đó yếu tố không thể thiếu như việc áp dụng các công nghệ thông minh (công nghệ trí tuệ nhân tạo AI, tự động hóa, thông minh hóa,...) vào nhà máy sản xuất; thay thế nguyên liệu giảm phát thải, nhằm tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, thân thiện với môi trường, tiết kiệm nhân công, giảm chi phí sản xuất và đặc biệt là giảm phát thải carbon,…phù hợp với xu thế phát triển bền vững toàn cầu.
Đáng chú ý, ông Doãn Hồng, Tổng thư ký Hiệp hội gốm sứ thành phố Phật Sơn (Trung Quốc) đã có nội dung chia sẻ rất thiết thực trong vấn đề làm thế nào để gia tăng cơ hội phát triển cho lĩnh vực gạch ốp lát Việt Nam.
Theo ông Doãn Hồng, gạch ốp lát là một ngành công nghiệp truyền thống, dù đang trải qua những thay đổi lớn, thay thế toàn diện cho các loại vật liệu đá (đá cẩm thạch, đá granit, đá nhân tạo...), gạch tấm lớn, gạch kích thước lớn đang dần thay thế các loại tấm khác, mở rộng phát triển ứng dụng gia dụng trong nhà bếp và phòng tắm.
Cho dù ngành công nghiệp gạch ốp lát phát triển ở Việt Nam, Trung Quốc hay là Tây Ban Nha thì vẫn có đủ không gian phát triển tiêu thụ gạch ở nội địa Việt Nam. Quan trọng là phát triển kinh tế tổng thể, nâng cao mức sống của người dân, đặc biệt là phát triển về bất động sản.
Để các doanh nghiệp tập trung sản xuất và nắm bắt cơ hội xuất khẩu, tiếp tục thúc đẩy đầu tư vốn nước ngoài để tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp. Thêm vào đó, tập trung hợp tác với doanh nghiệp gốm sứ nước ngoài theo hình thức góp vốn hoặc xuất khẩu OEM (original equipment manufacturer - nhà sản xuất thiết bị gốc).
Ngoài ra, ông Doãn Hồng cho rằng, cần có các quy định để chống bán phá giá và ngăn chặn bán phá giá, bảo vệ ngành sản xuất gạch ốp lát Việt Nam. Điều này thực sự rất cần thiết để tránh cạnh tranh không lành mạnh trong ngành và chống bán phá giá của các quốc gia xuất khẩu trong tương lai. Cùng với đó, phát triển thương mại điện tử xuyên quốc gia, kết hợp với hình thức trực tuyến và ngoại tuyến.
Có thể thấy, khó khăn và thử thách đối với các doanh nghiệp sản xuất gốm sứ xây dựng Việt Nam vẫn đang ở phía trước. Để đưa được sản phẩm của Việt Nam vươn xa hơn thị trường quốc tế, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải lựa chọn hướng đi, đổi mới công nghệ, nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh, tạo ra những sản phẩm chất lượng, độc đáo, đáp ứng được nhu cầu và thị hiếu ngày càng cao của người tiêu dùng nội địa cũng như những yêu cầu, quy định khắt khe từ phía các quốc gia nhập khẩu. Có như vậy, ngành gốm sứ Việt Nam mới thực sự bắt nhịp được xu thế toàn cầu.