Con số thống kê cho hay, thị trường thép xuất khẩu của Việt Nam vào EU và ASEAN là 2 khu vực dẫn đầu thị phần. Từ đầu năm đến hết tháng 7/2023, riêng xuất khẩu thép các loại sang thị trường EU đạt 2,02 triệu tấn, tăng 84% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, thời gian tới, theo nhận định của các chuyên gia, thép xuất khẩu của Việt Nam vào EU có khả năng sẽ giảm khoảng 4% giá trị xuất khẩu cùng với nhiều tác động bất lợi khiến giảm khả năng cạnh tranh trên thị trường bởi… CBAM!
Thách thức từ CBAM
Bắt đầu từ ngày 01/10/2023, Liên minh châu Âu (EU) thí điểm áp dụng giai đoạn chuyển tiếp Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (The EU's Carbon Border Adjustment Mechanism - CBAM) và thực hiện đầy đủ từ năm 2026.
Theo các chuyên gia, về bản chất, Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (The EU's Carbon Border Adjustment Mechanism - CBAM) sẽ đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào thị trường các nước thuộc EU dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất tại nước sở tại.
Nhà nhập khẩu hàng vào EU theo Cơ chế CBAM đăng ký với cơ quan quản lý trong nước và mua chứng chỉ CBAM. Giá của chứng chỉ dựa vào giá tín chỉ phát thải hàng tuần của Hệ thống thương mại khí thải của Liên minh châu Âu (EU ETS). Nhà nhập khẩu trong EU kê khai hàm lượng phát thải trong hàng nhập khẩu và giao nộp số lượng tín chỉ tương ứng của mỗi năm. Nếu nhà nhập khẩu chứng minh được giá carbon đã được thanh toán khi sản xuất hàng nhập khẩu, lượng phát thải tương ứng có thể được khấu trừ.
Trong giai đoạn đầu, CBAM sẽ tập trung vào các nhóm hàng hóa có nguy cơ rò rỉ carbon cao nhất là xi măng, sắt và thép, nhôm, phân bón, hydrogen và điện. Đây là những lĩnh vực chiếm tới 94% lượng khí thải công nghiệp của EU.
![]() |
Vậy Cơ chế CBAM sẽ tác động thế nào đến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU? Các chuyên gia đã tiến hành nghiên cứu, khảo sát trên 4 lĩnh vực hiện có hàng hóa xuất khẩu đáng kể vào thị trường EU là: nhôm, thép, xi măng và phân bón. Xét về tổng thể toàn bộ nền kinh tế, tác động của CBAM không lớn, nhưng đối với từng ngàng hàng, từng doanh nghiệp, giá trị xuất khẩu giảm đi là con số không nhỏ, làm gia tăng áp lực với các doanh nghiệp.
Trong đó, lĩnh vực thép có khả năng sẽ giảm khoảng 4% giá trị xuất khẩu. Nhu cầu giảm kéo theo sản lượng giảm khoảng 0,8%, cùng với tác động bất lợi về giảm khả năng cạnh tranh trên thị trường. Giá trị xuất khẩu của ngành nhôm cũng giảm hơn 4% và sản lượng giảm khoảng 0,4%. Đối với ngành xi măng và phân bón, mức độ tác động không đáng kể.
“Thay đổi hay là chết?”
Đó là tên một cuốn sách “gối đầu giường” ghi lại những bài học giúp các thương hiệu huyền thoại luôn dẫn đầu trên thế giới. Khi cuộc cạnh tranh cấp toàn cầu ngày càng khốc liệt thì việc các doanh nghiệp cần phải luôn luôn tỉnh táo, nhận biết và thích ứng, thay đổi là điều bắt buộc.
Hôm mới đây thôi, ngày 02/11/2023, Khách sạn JW Marriott Hà Nội đã thu hút sự chú ý khi Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham Việt Nam) tổ chức Diễn đàn Kinh tế xanh (GEF) 2023. Tham dự diễn đàn có nhiều nhân vật cấp cao, như Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính, Phó Chủ tịch điều hành Ủy ban châu Âu Valdis Dombrovskis, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte…
Tại diễn đàn, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính cho biết, thế giới đang diễn biến khó lường, xung đột địa chính trị diễn ra gay gắt, khủng hoảng do biến đổi khí hậu và cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên đang đặt ra nhiều thách thức, nhưng đồng thời cũng mở ra các cơ hội mới đối với phát triển kinh tế - xã hội của từng quốc gia. Trong bối cảnh đó, phát triển kinh tế xanh và bền vững là chìa khóa và là hướng đi bắt buộc của các quốc gia trên toàn cầu.
![]() |
Thủ tướng Chính phủ Việt Nam khẳng định: “Chúng tôi đánh giá cao vai trò tiên phong của EU trong thúc đẩy xây dựng một nền kinh tế toàn cầu xanh và tuần hoàn, góp phần biến chuyển những thách thức hiện nay thành các cơ hội cho kinh tế thế giới, với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính ít nhất 55% vào năm 2030 và đạt trung hòa carbon vào năm 2050. Việt Nam hoan nghênh và ủng hộ các chiến lược và sáng kiến quan trọng của EU hướng tới mục tiêu này, như: Thỏa thuận xanh, Cửa ngõ toàn cầu, Chiến lược kinh tế biển, Kinh tế số... với nhiều bước đi cụ thể trong các lĩnh vực như phát triển cơ sở hạ tầng, năng lượng hydrogen xanh, kết nối số và huy động nguồn tài chính xanh cho phát triển...”.
Điều đó có nghĩa là thêm một lần khẳng định rằng, tiến trình “xanh hóa” tất cả các hoạt động của con người trên toàn cầu là tất yếu và không thể đảo ngược.
Bài học của Thép Hòa Phát
Việc thích nghi và thay đổi để phù hợp với thời cuộc là của cả nền kinh tế của mỗi quốc gia, của rất nhiều ngành hàng, nhiều hoạt động liên quan đến “xanh hóa”. Riêng với ngành thép, thiết nghĩ nên nêu ra bài học tiên phong từ Thép Hòa Phát.
Các nguồn thông tin chính thức cho hay, Hiện nay, Tập đoàn Hòa Phát đã sử dụng các công nghệ hiện đại với công nghệ tuần hoàn tiết kiệm tài nguyên, tự chủ 75 - 80% điện sản xuất thép, xỉ hạt lò cao được tái sử dụng làm S95 cung cấp cho ngành xây dựng.
Với đặc thù sản xuất gang thép sử dụng lượng lớn điện, nước, than…, việc sử dụng tiết kiệm các loại năng lượng, tài nguyên thiên nhiên là điều bắt buộc trong tư duy “thay đổi hay là chết?”!
Trong nhiều năm qua, việc áp dụng công nghệ thu hồi và sử dụng nhiệt dư, khí dư để phát điện giúp Hòa Phát tiết kiệm năng lượng, tự chủ điện cho sản xuất, giảm giá thành sản phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Ông Ngô Đức Tuyên - Trưởng phòng Công nghệ Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất, cho biết: Hòa Phát đã sử dụng giải pháp công nghệ thu hồi nhiệt luyện coke, khí than lò cao để phát điện, tái sử dụng tại nhà máy ở Hải Dương và Dung Quất. Theo đó, khả năng thu hồi nhiệt để phát điện chiếm khoảng 75 - 80%, Hòa Phát chỉ lấy khoảng 20 - 25% điện lưới cho sản xuất
![]() |
Bên cạnh đó, nhà máy còn tận dụng khí than dư thừa trong luyện gang thép làm nhiên liệu cho nồi hơi để phát điện. Công nghệ sản xuất điện năng này đã góp phần bảo vệ môi trường, giảm lượng phát thải CO2 so với loại hình phát điện nhiệt than có công suất tương đương.
Ngoài tận dụng tất cả nguồn nhiệt dư để phát điện, Hòa Phát đang triển khai chương trình điện mặt trời mái nhà nhằm tận dụng diện tích mái nhà xưởng của doanh nghiệp.
Là nhà sản xuất thép lớn trong khu vực Đông Nam Á, Hòa Phát luôn quan tâm tối ưu hóa cả các khâu sản xuất theo hướng tuần hoàn, khép kín, tiết giảm tiêu hao năng lượng và xây dựng lộ trình phát triển thép xanh.

Hiện nay, Hòa Phát đã và đang thực hiện hành động nhằm giảm phát thải khí nhà kính bao gồm: Đào tạo và thực hành cho cán bộ, công nhân viên công ty theo Nghị định 06/2022/NĐ-CP, kiểm toán năng lượng; Cơ chế CBAM; Sử dụng nhiệt dư khí nóng lò cốc sản xuất điện; Áp dụng công nghệ dập cốc khô CDQ để sản xuất điện; Sử dụng nhiệt dư sản xuất điện trong thiêu kết; Tận dụng cán nóng từ đúc sang cán sử dụng lò nung; Sử dụng công nghệ tuabin thu hồi năng lượng gió lò cao (BPRT).
Hòa Phát cũng thay đổi phương thức vận chuyển nguyên liệu bằng băng tải thay ôtô, trồng cây xanh giúp hấp thụ khí CO2…
Việc áp dụng công nghệ giúp không chỉ giúp Hòa Phát tiết kiệm năng lượng, tự chủ điện cho sản xuất mà còn góp phần giảm tải áp lực điều độ hệ thống điện lưới quốc gia, nhất là những tháng nắng nóng cao điểm.
Hòa Phát cũng áp dụng nhiều biện pháp để xử lý bụi phát sinh trong sản xuất như như lọc bụi tĩnh điện, lọc bụi túi vải, lọc bụi ướt, xây dựng hệ thống tường bao, trồng cây xanh để chống phát tán bụi, tiêu âm. Hàng năm, rất nhiều sáng kiến được các phòng ban chuyên môn áp dụng nhằm giải quyết triệt để vấn đề bụi. Lượng bụi chứa sắt thu hồi được trong quá trình luyện gang thép, vảy cán thép đều được tái sử dụng ở các công đoạn sản xuất, vừa tiết kiệm chi phí vừa cải thiện môi trường làm việc.
Với quy mô công suất 8,5 triệu tấn/năm, Hòa Phát hiện là nhà sản xuất thép lớn nhất Việt Nam, việc áp dụng các giải pháp trên góp phần tiết kiệm chi phí rất lớn hàng năm, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường tốt hơn. Đây cũng là cách Hòa Phát tạo ra sản phẩm xanh, bền vững.