Chủ động và tự chịu trách nhiệm
Theo đánh giá của TS Trần Du Lịch - Chủ tịch Hội đồng tư vấn triển khai Nghị quyết số 98/2023/QH15 (Nghị quyết 98) , trước đây TP.HCM có thí điểm một số vấn đề nhưng chỉ làm từng mảng hoặc giải quyết từng điểm. Thành phố đã làm thí điểm một số công tác, và lớn nhất là Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM với 18 nội dung. Tuy nhiên, điều mà TP.HCM muốn là một hệ thống ổn định để có thể phát triển được.
Theo đó, Nghị quyết 98 được hình thành trên cơ sở triển khai liên tục chỉ đạo của Bộ Chính trị từ Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 18/11/2002 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2010 và Kết luận số 207.
Cụ thể, Nghị quyết 98 hình thành hai nhóm vấn đề cốt lõi. Trong đó, về cơ chế, thực hiện mở rộng phân cấp, phân quyền cho chính quyền Thành phố trong 5 lĩnh vực để Thành phố chủ động và tự chịu trách nhiệm trong triển khai thực hiện. Cơ quan Trung ương chỉ kiểm tra giám sát về mặt công vụ, không duy trì cơ chế “xin - cho”.
Về chính sách, tạo ra một số chính sách nhằm tạo động lực vượt trội phù hợp với TP.HCM. Chẳng hạn, trước đây cơ chế đối với TP.HCM chỉ cho phép thực hiện đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) trong 5 lĩnh vực, trong đó không có lĩnh vực thể thao, văn hóa nên TP.HCM mặc dù muốn kêu gọi đầu tư một tổ hợp thể thao tại Rạch Chiếc, hay tại TP Thủ Đức không thể thực hiện được.
Tương tự, một số công trình văn hóa cũng vậy, muốn tư nhân bỏ vốn tham gia để mở rộng, nâng cấp vận hành cũng không được. Những công trình nhà nước đang có về giao thông như dự án mở rộng QL 13, công trình giao thông nút giao Bình Triệu… muốn kêu gọi tư nhân vào tham gia dự án (xây dựng - khai thác - chuyển giao BOT) cũng không được, dẫn đến dự án kéo dài nhiều năm.
TS Trần Du Lịch cho biết, ở TP.HCM, đã có thời điểm Thành phố bỏ ra một đồng ngân sách nhưng huy động được đến 10 đồng, thậm chí 12 - 13 đồng vốn xã hội. Nhưng thực tế cũng có giai đoạn Nhà nước sẵn sàng bỏ vốn mồi để thu hút vốn tư nhân nhưng bỏ vốn mồi lại không câu được vốn tư nhân dẫn đến mất mồi, như việc Quy hoạch 8 tuyến đường sắt đô thị với 220 km tại TP.HCM, sau hàng chục năm vẫn chưa xong. Nếu không có cơ chế thì để làm hết 220 km đó thì phải mất hàng trăm năm.
Giải quyết ba vấn đề trong một
Với Nghị quyết 98, chính sách và cơ chế phân cấp, phân quyền được thể hiện rõ trong 44 vấn đề và 7 nhóm nội dung đã đi vào cuộc sống khá nhanh.
Chẳng hạn, để tạo được mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng, tạo điều kiện cho việc gia tăng mật độ dân cư (TOD), phù hợp với TP.HCM thì phải có dự án làm TOD, lấy quỹ đất đô thị hóa để có thể làm. Nhưng muốn làm như vậy thì phải có từng dự án cụ thể cho Thành phố được quyền mà lâu nay chưa có, đó là được quyền đưa ngân sách ra để đền bù, giải tỏa trước để làm.
Nghị quyết 98 gỡ cho Thành phố cái gỡ lớn nhất là cơ chế chung. Có được cơ chế chung, TP.HCM sẽ nỗ lực để giải quyết được các bài toán hạ tầng như: Dự án đường Vành đai 2, dự án nối đường Vành đai 3, dự án Rạch Xuyên Tâm và dự án Tham Lương - Kênh Nước Lên.
Đặc biệt, dự án Rạch Xuyên Tâm và Tham Lương - Kênh Nước Lên sẽ giải quyết được ba vấn đề trong một. Một là giải quyết về môi trường, hai là chỉnh trang đô thị và ba là phát triển nhà ở. Giải quyết được những vướng mắc của các dự án đó sẽ tạo nền tảng cho hàng loạt các dự án của TP.HCM hiện tại cũng như sau này.
Yêu cầu lớn nhất khi triển khai Nghị quyết 98 là làm sao để TP.HCM vận hành một nền hành chính không trục trặc, vận hành một cách bình thường bởi Nghị quyết 98 không phải “đũa thần”, đây là công cụ pháp lý. Kết quả của Nghị quyết 98 tùy thuộc vào khả năng triển khai trên thực tiễn và vận dụng Nghị quyết 98 để giải quyết những vấn đề trong bài toán phát triển TP.HCM hiện nay.
Việc triển khai thực hiện Nghị quyết 98 phải thể hiện rõ vai trò của chính quyền TP.HCM, của nhân dân, của doanh nghiệp trong việc tạo ra môi trường kinh doanh, đầu tư minh bạch.