Nghĩa trang và an táng xanh tại Việt Nam - hướng đến đô thị xanh, bền vững

17:49 29/11/2024
Trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh, quỹ đất ngày càng hạn hẹp, các nghĩa trang quá tải, chi phí đắt đỏ cùng nhiều vấn đề môi trường đặt ra nhiều thách thức cho nghi lễ an táng truyền thống tại Việt Nam.

Sáng 29/11, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Đô thị và Phát triển hạ tầng (Tổng hội Xây dựng Việt Nam) phối hợp cùng Ban Phục vụ lễ tang Hà Nội đã tổ chức buổi tọa đàm “Nghĩa trang và an táng xanh - hướng đến đô thị xanh, bền vững”.

Dự tọa đàm có PGS.TS Lưu Đức Hải - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đô thị và Phát triển hạ tầng; ông Lê Hồng Lân - Trưởng ban Phục vụ lễ tang Hà Nội; cùng các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học đến từ Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng), Tổng hội Xây dựng Việt Nam, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, và nhiều chuyên gia trong lĩnh vực kiến trúc, xây dựng.

Nghĩa trang, an táng và những vấn đề đặt ra

Sự quá tải và ô nhiễm ở các đô thị lớn của Việt Nam hiện nay đặt ra nhu cầu tất yếu của việc hình thành và phát triển đô thị xanh, bền vững; trong đó việc tìm hiểu và ứng dụng các nghiên cứu về hệ thống hạ tầng xanh cần được quan tâm một cách đúng mức.  

PGS.TS Lưu Đức Hải - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đô thị và Phát triển hạ tầng.

Theo PGS.TS Lưu Đức Hải - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đô thị và Phát triển hạ tầng, hạ tầng xanh được một số nhà khoa học đề cập đến từ cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI. 

“Tuy nhiên, đến nay các thành phần của hạ tầng xanh chưa được đề cập đến một cách hệ thống, hệ thống lý luận về vấn đề này cũng chỉ mới ở bước khởi đầu”, PGS.TS Lưu Đức Hải nhận định.  

Ông Lê Hồng Lân - Trưởng Ban phục vụ lễ tang Hà Nội.

Ở một khía cạnh khác, theo ông Lê Hồng Lân - Trưởng Ban phục vụ lễ tang Hà Nội, tại Việt Nam hiện nay cũng chưa có định nghĩa và khái niệm đầy đủ, thống nhất cho các thuật ngữ “nghĩa trang xanh” hay “an táng xanh”.

Trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh, quỹ đất ngày càng hạn hẹp, các nghĩa trang quá tải, chi phí đắt đỏ cùng nhiều vấn đề môi trường đặt ra nhiều thách thức cho nghi lễ an táng truyền thống tại Việt Nam.

“Mô hình nghĩa trang xanh và các hình thức an táng xanh xuất hiện như một giải pháp tất yếu nhằm giải quyết các vấn đề nêu trên, góp phần tạo nên các đô thị phát triển bền vững và thân thiện với môi trường”, ông Lê Hồng Lân nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông Lê Hồng Lân cũng cho rằng, đây là một vấn đề khá mới mẻ, vì vậy tính pháp lý, tính khoa học và thực tiễn cần phải được cả hai phía từ các cơ quan quản lý nhà nước và các đơn vị nghiên cứu phân tích, đánh giá, lựa chọn các thuộc tính "xanh" để có thể áp dụng vào thực tiễn phù hợp trong giai đoạn mới.

ThS Nguyễn Khánh Long - Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) cho biết trong bài viết chuyên đề “Định hướng chính sách quản lý an táng hướng tới phát triển bền vững”, tại Việt Nam, công tác quản lý nghĩa trang, cơ sở hỏa táng đã được hình thành thông qua hệ thống văn bản quy phạm pháp luật ngày càng hoàn thiện.

Trên cơ sở đó, công tác quản lý nghĩa trang tại các địa phương đã dần đi vào nề nếp. Việc sử dụng các hình thức mai táng đã có sự thay đôi đa dạng tại các khu vực đô thị, các vùng miền trên cả nước. Tỷ lệ sử dụng hình thức hỏa táng tại các địa phương ngày một tăng, đặc biệt là tại các đô thị lớn như Hà Nội (khoảng 65%), TP.HCM (67%), Hải Phòng (32%)... góp phần làm thay đổi thói quen, nhận thức của người dân đối với các hình thức an táng truyền thống.

Tuy nhiên, nhiều nơi vẫn còn tồn tại những phong tục, tập quán, thói quen an táng truyền thống và sử dụng đất, xây dựng mộ, lăng mộ lớn, gây lãng phí tài nguyên đất đai, của cải xã hội.

“Do vậy, cần có những nghiên cứu, tổng kết và đánh giá về tình hình thực hiện an táng hiện nay, xu thế phát triển kinh tế - xã hội, các công nghệ táng mới, kinh nghiệm quản lý của các nước... để có những đề xuất định hướng chính sách quản lý an táng thân thiện với môi trường, tiết kiệm đất đai”, ThS Nguyễn Khánh Long nhấn mạnh.

Quy hoạch nghĩa trang hướng tới mục tiêu phát triển bền vững

Toàn cảnh Tọa đàm.

Cũng theo ThS Nguyễn Khánh Long - Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng), hiện nay, đối với lĩnh vực quản lý nghĩa trang, hỏa táng, đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật quy định, điều chỉnh.

Trong thực tiễn, đã có 24 địa phương tổ chức lập và phê duyệt quy hoạch nghĩa trang vùng tỉnh, trong đó có 03 địa phương là thành phố trực thuộc Trung ương gồm Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ lập theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị năm 2009. Đây là cơ sở để các địa phương căn cứ tổ chức triển khai thu hút đầu tư, thực hiện quản lý nghĩa trang trên địa bàn.

Các địa phương còn lại, theo ThS Nguyễn Khánh Long, nội dung quy hoạch nghĩa trang được phê duyệt trong quy hoạch chung xây dựng tỉnh.  

“Từ các phân tích, đánh giá ở trên, tình hình thực tế, bối cảnh và nguồn lực thực hiện, việc ban hành các quy định ở cấp độ luật về quản lý nghĩa trang là rất cần thiết nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tiết kiệm nguồn lực, bảo vệ môi trường, góp phần phát triển đất nước bền vững”, ThS Nguyễn Khánh Long nhấn mạnh.

Tuy nhiên, việc quản lý nghĩa trang, cơ sở hỏa táng, ngoài các yếu tố về đất đai, quy hoạch, xây dựng, đầu tư... còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố về văn hóa, phong tục, tập quán, tín ngưỡng vùng miền và tâm linh. Do vậy, cần nghiên cứu, bổ sung các chính sách, quy định quản lý nghĩa trang, cơ sở hỏa táng, cơ sở lưu giữ tro cốt trong dự án Luật Quản lý phát triển đô thị đang được xây dựng với mục tiêu, nguyên tắc bảo đảm tiết kiệm đất đai, bảo vệ môi trường.

Đồng thời nghiên cứu, rà soát các nội dung có liên quan, đặc biệt là những vấn đề khó khăn, bất cập trong thực tiễn cũng như các vấn đề, nội dung mới, chưa được quy định để đề xuất sửa đổi, bổ sung các nội dung của Nghị định số 23/2016/NĐ-CP ngày 05/4/2016 và các quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan. Trong đó, định hướng những xu hướng, công nghệ táng mới thân thiện hơn với môi trường, tiết kiệm tài nguyên đất đai và hiệu quả kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng lối sống văn minh.

Cùng với đó, kiến nghị Bộ Xây dựng tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác quản lý, xây dựng nghĩa trang, cơ sở hỏa táng để các địa phương, các cấp chính quyền cũng như các tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm túc các quy định trong hoạt động táng, góp phần sử dụng đất đai một cách hiệu quả, bền vững và bảo vệ môi trường, thay đổi nếp sống văn minh, văn hóa trong việc tang lễ.

ThS. NCS Trần Quý Dương - Đại học Xây dựng Hà Nội.

Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, ThS. NCS Trần Quý Dương, cùng ThS. NCS Nguyễn Thanh Tú, TS Nguyễn Thành Trung đến từ Đại học Xây dựng Hà Nội cho biết, trên thế giới, công viên nghĩa trang đã được nhìn nhận và thiết lập như một dạng thức không gian công cộng đặc biệt với hình thức chủ yếu là công viên, vườn tưởng niệm xanh. Ở nhiều quốc gia tiên tiến còn phát triển các công viên nghĩa trang với chức năng, hình thức mới nhằm giúp đô thị chống chọi với thiên tai, BĐKH và các thách thức tự nhiên, môi trường khác.

Từ đó các nhà nghiên cứu nói trên đề xuất một số nguyên tắc và giải pháp quy hoạch, tố chức không gian cảnh quan và hoạt động như: Phát triển nghĩa trang trở thành không gian công cộng đa chức năng và không gian xanh sinh thái; tạo cảnh quan xanh sinh thái - bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học; phát triển hệ thống giao thông xanh đối ngoại và nội bộ…

KTS Lê Thanh Lan - Công ty Công nghệ Xây dựng ACUD Việt Nam.

Đồng quan điểm, ThS.KS Bạch Ngọc Tùng và KTS Lê Thanh Lan - Công ty Công nghệ Xây dựng ACUD Việt Nam - đề xuất mô hình quy hoạch nghĩa trang cho các đô thị Việt Nam hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, cụ thể:

Mô hình nghĩa trang công viên sinh thái: Là mô hình nghĩa trang kết hợp giữa nghĩa trang và không gian xanh công cộng. Tích hợp các khu vực trồng cây, hồ nước, lối đi bộ và không gian tưởng niệm. Mô hình này sẽ góp phần giảm diện tích đất cần sử dụng, tạo thêm không gian xanh đô thị, thân thiện với môi trường, giảm nguy cơ ô nhiễm nguồn nước và đất.

Mô hình tháp lưu tro cốt: Xây dựng các tháp cao tầng lưu trữ tro, kết hợp sử dụng công nghệ để tối ưu hóa không gian và quản lý chặt chẽ. Mô hình này sẽ góp phần tiết kiệm diện tích đất đáng kể, dễ dàng quản lý và bảo trì, rất phù hợp với các đô thị lớn, nơi quỹ đất hạn chế.

Mô hình nghĩa trang hỏa táng kết hợp lưu trữ tro cốt: Là mô hình thay thế cho các nghĩa trang truyền thống, tập trung vào việc tối ưu hóa diện tích, giảm thiểu tác động môi trường, và tạo ra không gian yên bình.  

ThS.KS Bạch Ngọc Tùng và KTS Lê Thanh Lan cũng đề xuất các giải pháp thúc đẩy quy hoạch phát triển mô hình nghĩa trang bền vững tại Việt Nam.

Thứ nhất, giải pháp về quy hoạch. Quy hoạch nghĩa trang cần được tích hợp chặt chẽ trong quy hoạch phát triển đồ thị và nông thôn để đảm bảo sử dụng quỹ đất hợp lý và lâu dài.  

Thứ hai, giải pháp khuyến khích thay đổi hình thức táng. Theo đó cần nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của các hình thức táng hiện đại như hỏa táng, cát táng, táng sinh thái.  

Thứ ba, giải pháp ứng dụng công nghệ trong quản lý nghĩa trang. Cụ thể, xây dựng hệ thống quản lý số hóa đề lưu trữ thông tin về mộ phần, tro cốt và dịch vụ.  

Thứ tư, giải pháp thúc đẩy hợp tác công tư. Theo đó, thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân. Đặc biệt, phát triển mô hình hợp tác công tư (PPP) xây dựng các dự án nghĩa trang xanh.

Đề cao vai trò của chuyển đổi số, chuyển đổi xanh

PGS.TS Nghiêm Vân Khanh - Đại học Kiến trúc Hà Nội.

Cũng liên quan đến khía cạnh quy hoạch, PGS.TS Nghiêm Vân Khanh - Đại học Kiến trúc Hà Nội gợi mở thêm, theo đó, thực tiễn tại nhiều địa phương ở Việt Nam đang nở rộ mô hình nghĩa trang kết hợp với công viên sinh thái.

Tuy nhiên PGS.TS Nghiêm Vân Khanh bày tỏ lo ngại, nếu tất cả các đô thị, tỉnh thành đều phát triển mô hình này thì quỹ đất khó có thể đủ để đáp ứng, ngoài ra yếu tố bền vững cũng khó có thể đảm bảo.

Do đó PGS.TS Nghiêm Vân Khanh cho rằng, trước tiên cần tính đến bài toán chuyển đổi xanh cho những nghĩa trang đã đóng cửa, các nghĩa trang nhân dân. Tiếp đến là câu chuyện về hạ tầng, cũng như các vấn đề về khí, về đất, cây xanh, mặt nước… theo hướng tận dụng tối đa hiện trạng về địa hình, mặt nước, rừng núi…

Ngoài ra về hình thức an táng, hiện phổ biến là hung táng và hoả táng, cần có những nghiên cứu đầy đủ về tác động môi trường và các yếu tố liên quan.

Ông Nguyễn Trường Sơn - Chuyên gia tài chính đến từ Australia (bên phải).

Ông Nguyễn Trường Sơn - Chuyên gia tài chính đến từ Australia cũng đề cao vai trò của chuyển đổi xanh, chuyển đổi số trong xây dựng mô hình nghĩa trang xanh, an táng xanh.

Đặc biệt, ông Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh việc xây dựng văn hoá xanh, với 4 thành tố gồm: Văn hoá nhân bản, văn hóa kiến tạo, văn hóa phụng sự và văn hóa bản địa (liên quan đến hình thức an táng).

“Cần bám vào 4 yếu tố nói trên để lí giải được cái gốc của vấn đề; từ đó có chuyển biến về nhận thức, nhận thức lại theo xu hướng trở về với thiên nhiên, thuận theo thiên nhiên, nếu không chúng ta chỉ thấy cái hiện tượng mà không giải quyết được phần gốc”, ông Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh.

Ngoài ra, cũng cần chú ý đúng mức đến yếu tố bản địa trong việc tang ma, không thể mang một mô hình ở nơi khác áp vào theo một khuôn mẫu, trừ các yếu tố được đánh giá là tiến bộ; đồng thời chú ý yếu tố bền vững, cũng như những yếu tố nội tại phù hợp với xu thế phát triển.

Cùng với đó, yếu tố pháp lý cũng cần được chú trọng, với việc hoàn thiện khung pháp lý quản lý, điều chỉnh hoạt động nghĩa trang, an táng, từ đó tạo thuận lợi cho nhà đầu tư và công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này. 

Ông Hán Anh Vũ - Tập đoàn Sgroup.

Các tác giả Hán Minh Cường và Hán Anh Vũ đến từ Tập đoàn Sgroup đề xuất mô hình ứng dụng công nghệ GIS trong chuyển đổi số, quản lý nghĩa trang xanh tại Việt Nam.

Theo đó, các ứng dụng cụ thể của GIS trong quản lý nghĩa trang tại Việt Nam gồm: Số hóa nghĩa trang hiện có, đặc biệt là nghĩa trang tại các thành phố lớn; cung cấp bản đồ chi tiết vị trí từng phần mộ kèm theo thông tin về người đã khuất; thống kê diện tích sử dụng, tỷ lệ còn trống và thời gian sử dụng đất tối ưu.  

Quy hoạch và xây dựng nghĩa trang mới, việc ứng dụng GIS sẽ giúp các nhà quy hoạch có thể phân tích và lựa chọn vị trí phù hợp dựa trên đặc điểm địa chất, khoảng cách với khu dân cư và cơ sở hạ tầng, hạn chế xung đột với các khu vực bảo tồn thiên nhiên hoặc đất nông nghiệp.

GIS cũng giúp phân tích và mô hình hóa các tác động môi trường do nghĩa trang gây ra.

Cùng với đó, phát triển dịch vụ công trực tuyến, cho phép người dân tra cứu thông tin phần mộ qua bản đồ GIS. Việc đăng ký trực tuyến các dịch vụ như hỏa táng, cải táng, hoặc bảo trì phần mộ cũng được dễ dàng.

Ngoài ra, GIS cũng giúp quản lý tài nguyên đất tại nghĩa trang một cách bền vững, tránh tình trạng lãng phí hoặc sử dụng không đúng mục đích. Dữ liệu từ GIS có thể hỗ trợ việc dự báo nhu cầu sử dụng đất trong tương lai, từ đó tối ưu hóa chi phí và tài nguyên.

Bình luận