Làm rõ nợ đọng xây dựng
Trong bối cảnh thị trường xây dựng đang gặp nhiều khó khăn, hàng loạt đề xuất của các nhà thầu xây dựng đã được cơ quan chuyên môn Bộ Xây dựng giải đáp tại buổi làm việc của Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị với Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), diễn ra ngày 09/8 tại Hà Nội.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định và ghi nhận những nỗ lực vượt bậc của các doanh nghiệp trong VACC - nơi tập trung đông nhất và cũng là nơi hội tụ nhiều nhất các nhà thầu xây dựng lớn nhất thị trường Việt Nam; các nhà thầu xây dựng đã góp phần đưa vị thế của ngành Xây dựng Việt Nam lên tầm cao mới, sánh ngang, thậm chí vượt hơn so với năng lực của nhiều nhà thầu các quốc gia khu vực Đông Nam Á (ASEAN) với nhiều công trình lớn mang tầm cỡ thế giới.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị yêu cầu lãnh đạo chủ chốt các cơ quan chuyên môn của Bộ Xây dựng giải đáp ngay 4 nhóm vấn đề vướng mắc, bất cập cho các nhà thầu về Hợp đồng, đơn giá, định mức, thanh toán; PCCC; kiểm tra công tác nghiệm thu…
Tại Hội nghị, ông Đàm Đức Biên - Cục trưởng Cục Kinh tế xây dựng nhất trí với kiến nghị của VACC, cần làm rõ tình hình nợ đọng xây dựng trong thời gian vừa qua. Bộ Xây dựng không được giao theo dõi tình hình nợ đọng xây dựng, vấn đề này thuộc trách nhiệm của Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính. Đề nghị VACC kiến nghị Thủ tướng giao các cơ quan liên quan làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm, của các đơn vị liên quan trong vấn đề để xảy ra tình trạng nợ đọng xây dựng trong thời gian vừa qua.
Tuy nhiên, ông Đàm Đức Biên khuyến nghị VACC, nợ đọng có thể có nhiều nguyên nhân. Do đó, trước khi xem xét, đánh giá cụ thể vấn đề, bản thân nhà thầu phải tự đánh giá lại chính mình bởi một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng nợ đọng xây dựng có thể ở phía các nhà thầu, do nhà thầu chưa hoàn thiện hồ sơ, thủ tục theo quy định dẫn đến chưa đủ điều kiện thanh toán. Thậm chí, lúc thanh toán nhà thầu mới tập trung đi làm hồ sơ thanh toán, hồ sơ thiếu rất nhiều.
Ngoài ra, ông Đàm Đức Biên cũng lưu ý các nhà thầu, trong quá trình triển khai các dự án tiếp theo nên quan tâm xử lý ngay những vấn đề phát sinh về mặt thủ tục, trình tự trong quá trình triển khai, không dồn vào cuối kỳ khi thanh quyết toán mới làm dễ dẫn đến dây dưa, kéo dài.
Theo phân tích của ông Đàm Đức Biên, nợ đọng xây dựng có nhiều nguyên nhân. Ví dụ, có tình trạng nợ đọng do chủ đầu tư yêu cầu tiền bảo hành giữ lại là 5%. Pháp luật hiện nay có quy định ưu tiên bảo lãnh bằng hình thức bảo lãnh qua ngân hàng, do đó mặc dù có một số hợp đồng yêu cầu tiền giữ lại chưa thanh toán 5% nhưng cũng có nhà thầu có hình thức bảo lãnh khác để tránh bị giữ lại.
Còn đối với trường hợp nhà thầu bị tạm giữ 2% chờ quyết toán, trong các quy định về hợp đồng xây dựng không có quy định nào quy định giữ lại 2% chờ quyết toán.
Đối với các hợp đồng bị ảnh hưởng bởi Covid-19, biến động giá VLXD, nhiều nhà thầu kỳ vọng sẽ được Chính phủ xem xét thuộc trường hợp bất khả kháng theo quy định của Bộ luật Dân sự hiện hành, từ đó được điều chỉnh hợp đồng trọn gói, hợp đồng theo đơn giá cố định. Tuy nhiên, qua hoạt động rà soát, xem xét, dẫn chiếu các tiêu chí cũng như tham khảo thực tiễn trường hợp bất khả kháng trên thế giới của các cơ quan Bộ Xây dựng, thì các hợp đồng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 và tình hình biến động giá VLXD tại Việt Nam ký trước cuối quý IV/2021 không đáp ứng.
Theo ông Đàm Đức Biên, các hợp đồng trọn gói, hợp đồng theo đơn giá cố định, sẽ bị ảnh hưởng chủ yếu là các hợp đồng ký từ cuối quý IV/2021 trở về trước, và một số hợp đồng quy mô nhỏ dưới 20 tỷ đồng theo pháp luật về đấu thầu phải ký hợp đồng trọn gói. Ngoài ra, còn một số hợp đồng ký hợp đồng trọn gói, theo đơn giá cố định do các nguyên nhân khách quan phải kéo dài thời gian thực hiện dẫn đến tình trạng nhà thầu rơi vào giai đoạn giá VLXD tăng cao ảnh hưởng tới quá trình triển khai thực hiện hợp đồng.
Ông Đàm Đức Biên phân tích: Pháp luật về hợp đồng, về đấu thầu quy định các hợp đồng trọn gói, hợp đồng theo đơn giá cố định không được phép điều chỉnh trong suốt quá trình triển khai thực hiện hợp đồng, chỉ được điều chỉnh trong 2 trường hợp: Thứ nhất, trong trường hợp bất khả kháng, Bộ luật Dân sự cũng như pháp luật về đấu thầu, hợp đồng xây dựng đều quy định; Thứ hai, khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản, gần tương tự như trường hợp bất khả kháng nhưng ở mức độ nhẹ hơn.
Trường hợp bất khả kháng quy định 3 tiêu chí: xảy ra một cách khách quan, không lường trước và các bên đã cố gắng khắc phục nhưng vẫn không khắc phục được.
Còn đối với trường hợp hoàn cảnh thay đổi cơ bản, mức độ thấp hơn: các bên chưa lường trước được các hoàn cảnh thay đổi khi ký hợp đồng, nếu lường trước được thì đã không xảy ra việc ký kết và các bên đã cố gắng làm bằng mọi cách để khắc phục nhưng không có cách nào giảm thiểu các thiệt hại.
Theo đó, trong thời gian vừa qua, Cục Kinh tế Xây dựng và các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng đã có tham mưu Bộ trưởng đưa vào là trường hợp được điều chỉnh trong quá trình nghiên cứu sửa đổi Nghị định sửa đổi các nghị định để trình Chính phủ. Tuy nhiên, trong quá trình thẩm định, Bộ Tư pháp có ý kiến, nội dung này không cần thiết đưa vào nghị định vì đã có quy định trong Bộ luật Dân sự.
"Chúng tôi đang đề xuất Bộ trưởng báo cáo Chính phủ giao Bộ Tư pháp chủ trì nghiên cứu làm sao để định lượng tiêu chí bất khả kháng, tiêu chí hoàn cảnh thay đổi cơ bản"- ông Biên cho biết.

Có nên sử dụng biện pháp khắc phục hậu quả?
Đối với việc VACC kiến nghị giải pháp sử dụng công tác kiểm tra công tác nghiệm thu của Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng để khống chế trách nhiệm thanh toán của chủ đầu tư đối với nhà thầu; ông Phạm Minh Hà - Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng cho biết, bản chất việc kiểm tra công tác nghiệm thu của cơ quan nhà nước, cơ quan chuyên môn về xây dựng là không nhằm mục tiêu kiểm tra xem quan hệ hợp đồng giữa các bên, việc thực hiện các nghĩa vụ hợp đồng giữa các bên với nhau; mục tiêu, đối tượng của công tác này là các công trình quy mô lớn, phức tạp, có ảnh hưởng lớn đến cộng đồng… Nội hàm kiểm tra là công tác quản lý chất lượng, chất lượng công trình, các điều kiện đưa công trình vào vận hành...
Còn theo ý kiến của ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Chánh Thanh tra, bà Tống Thị Hạnh - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, nhà thầu có thể cân nhắc có khuyến cáo chủ đầu tư, nhà thầu chấp nhận cho chủ đầu tư đưa công trình vào kiểm tra công tác kiểm tra nghiệm thu nhưng chủ đầu tư phải bảo đảm sau khi thực hiện việc nghiệm thu xong phải tuân thủ quy định của pháp luật đối với các yêu cầu còn lại, trong đó bao gồm cả các nội dung liên quan đến công tác thanh toán cho nhà thầu…
Nội dung không thanh toán cho nhà thầu được quy định là một điều cấm trong Nghị định 37/2015/NĐ-CP quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng, khoản 11 Điều 19 của Nghị định này quy định: “Nghiêm cấm bên giao thầu không thanh toán đầy đủ hoặc không đúng thời hạn theo các thỏa thuận trong hợp đồng cho bên nhận thầu”.
Bên cạnh đó, điểm d khoản 2 Điều 19 Nghị định số 16/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong xây dựng, quy định xử phạt đối với chủ đầu tư chậm thanh toán, thanh toán không đúng tiến độ theo hợp đồng đã ký đối với nhà thầu: "Thanh toán hợp đồng xây dựng không đúng số lần thanh toán, giai đoạn thanh toán, thời điểm thanh toán hoặc thời hạn thanh toán quy định trong hợp đồng trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác".
Bà Tống Thị Hạnh phân tích: Rõ ràng, nếu chủ đầu tư vi phạm quy định về nghĩa vụ thanh toán với nhà thầu, sẽ không chỉ là vi phạm trách nhiệm dân sự giữa các bên nữa mà là vi phạm này có liên quan đến trật tự xã hội mà nhà nước cần quản lý.
Ngoài ra, bà Tống Thị Hạnh cũng cho biết, với quy định của Nghị định 16/2022/NĐ-CP như hiện nay là rất rõ, VACC có thể lên danh sách các chủ đầu tư chậm thanh toán gửi cho thanh tra xây dựng để có cơ sở để xử phạt. Và quan trọng là sử dụng biện pháp khắc phục hậu quả vì xử phạt bằng tiền không có ý nghĩa nhiều đối với nhà thầu. Sử dụng biện pháp khắc phục hậu quả là công cụ rất quan trọng để nhà thầu yêu cầu chủ đầu tư thanh toán đúng tiến độ và yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước vào cuộc…
Cần có cách ứng xử khác với các nhà thầu, dự án đầu tư xây dựng cơ bản
Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch VACC cho biết, tại Công ty CP Tập đoàn xây dựng Hòa Bình, mặc dù doanh số mỗi quý đạt khoảng 3.000 tỷ đồng nhưng do chi phí lãi vay và các khoản chi phí khác nên chỉ lãi được tầm 10 tỷ đồng.
Còn theo lãnh đạo của một DN khác đang thực hiện nhiều dự án trọng điểm quốc gia về đường cao tốc, thủy điện, công trình sân bay, bến cảng… DN đang bị công nợ tới 1.539 tỷ đồng, trong đó nợ đầu tư công hơn 1.000 tỷ đồng, nợ ngoài 538 tỷ đồng; nợ từ 1 - 3 năm là 506 tỷ đồng, nợ từ 3 - 5 năm là 539 tỷ đồng và nợ trên 5 năm là 149 tỷ đồng. Trong khi DN có 1.280 lao động với vốn chủ sở hữu 800 tỷ đồng và phải trả lãi suất ngân hàng 9 - 10%. DN luôn ở trong tình trạng rất khó khăn, luôn luôn thiếu vốn.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp cho biết, đối với đầu tư công, có những khoản nợ đọng cũ từ 3 -5 năm không được giải quyết vì kế hoạch ngân sách chỉ lo cấp mới, còn cấp bù, bổ sung để giải quyết nợ đọng thì không ai đứng ra giải quyết.
Đối với những dự án đang triển khai, trong quá trình làm có những phát sinh làm đội vốn, chính những phát sinh này đang “giết” nhà thầu vì đối với đầu tư công, thủ tục để làm được quyết toán phát sinh có khi 3 - 5 năm không giải quyết được.
Về nợ đọng công trình vốn xã hội, vốn tư nhân, các DN nhà thầu còn khá lúng túng, chưa có cách ứng xử phù hợp khi mà có tới 30 - 40% chủ đầu tư trên thị trường hiện nay không có tiền làm, phải đi vay ngân hàng, không bán được hàng nên không thanh toán cho nhà thầu trong khi chưa có cơ chế nào có thể giải quyết được tranh chấp giữa nhà thầu và chủ đầu tư.
Trong khi đó, việc ký hợp đồng giữa nhà thầu với chủ đầu tư luôn không bình đẳng, nhà thầu không có cách nào đàm phán với chủ đầu tư. Một nhà thầu khi tham gia dự thầu phải có bảo lãnh dự thầu, khi trúng thầu thì phải thực hiện bảo lãnh thực hiện hợp đồng, khi được tạm ứng thì phải có bảo lãnh tạm ứng, và cuối cùng là phải có bảo lãnh bảo hành. Như vậy, trong vòng đời một dự án, nhà thầu phải thực hiện bảo lãnh tới 4 lần. Nhưng chủ đầu tư tư nhân có khi đi vay tiền thực hiện dự án, có khi đi vay mà vẫn không đủ tiền thực hiện dự án nhưng không có quy định để bảo đảm khả năng tài chính của chủ đầu tư.
Ông Nguyễn Bá Dương - Chủ tịch sáng lập Công ty Xây dựng SOL E&C cho biết, nhà thầu xây dựng trình độ tương đối thấp, nhiều đơn vị không có việc cho nên bằng mọi giá phải nhận thầu. Trong ký kết hợp đồng, bên nào ở thế thượng phong thì điều kiện hợp đồng thuộc bên đó, do đó khi nhà thầu ở vị thế yếu, không có việc làm thì phải chấp nhận những điều kiện hết sức “vớ vẩn”, thậm chí chủ đầu tư thanh toán có 75% và không thanh toán nữa mà vẫn phải ký hợp đồng.
Bên cạnh đó, đối với hợp đồng sử dụng vốn ngân sách nhà nước, trong khi đại đa số các hợp đồng thi công đều là hợp đồng trọn gói nhưng trong thời điểm đến năm 2022, "bão" giá vật liệu lên tới 30 - 35%, có loại vật liệu lên tới 80%, nhưng không có cơ chế bù giá phù hợp.
Ví dụ như Tổng công ty CP xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam (VINACONEX) đang thực hiện rất nhiều hợp đồng dự án đầu tư công nhưng khi làm hồ sơ thầu là giá khác, đến lúc công bố trúng đấu thầu là giá khác, đến lúc triển khai dự án thì tính ra chưa làm đã lỗ 46%.
Hay Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hà làm dự án PPP Nha Trang - Cam Lâm, được tính dự phòng 3% là khoảng 100 tỷ đồng, nhưng đến lúc triển khai thi công chênh lệch đến 800 tỷ đồng như vậy khi làm là lỗ 700 tỷ đồng…
Ông Nguyễn Quốc Hiệp cho biết, nghịch lý càng làm càng lỗ, làm nhiều càng lỗ nhiều chưa bao giờ xảy ra như hiện nay. Vì vậy, chưa bao giờ có nhiều DN mặc dù đói công việc, rất muốn có việc để làm nhưng nói đến đầu tư công đều rất sợ vì cơ chế thanh toán.
Xuất phát từ hiện trạng triển khai các dự án trọng điểm quốc gia mang tính huyết mạch của đất nước, nhiều nhà thầu lo ngại về cách ứng xử của tất cả các bên tham gia đối với dự án cũng như đối với các nhà thầu trực tiếp thi công xây dựng.
Ông Lê Văn Tuấn - Tổng giám đốc Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA) cho rằng, cần có ứng xử khác đối với các dự án đầu tư xây dựng cơ bản là huyết mạch của đất nước.
Theo ông Lê Văn Tuấn, một dự án đầu tư xây dựng cơ bản, ngoài câu chuyện về vốn, tăng tổng mức đầu tư… dự án có nhiều ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương, đất nước. Nếu nhìn nhận, ứng xử với các dự án lớn như hiện nay thì suốt đời chúng ta vướng vào những dự án không hoàn thành, bởi những dự án lớn bao giờ cũng có những vướng mắc cần được giải quyết ngay nhưng không dược giải quyết, để lâu năm mới được giải quyết dẫn đến tổng mức đầu tư tăng quá lớn không thể lường trước: đền bù GPMB tăng, tổng thầu đòi phạt vì dự án chậm tiến độ, nhà thầu tư vấn đòi tăng tiền vì dự án chậm tiến độ, các nhà thầu phụ khác đều đòi tăng tiền vì mọi chi phí đều tăng… Nếu không có sự thay đổi cách ứng xử thì sẽ còn rất nhiều dự án trong tương lai giống như các dự án: Gang thép Thái Nguyên, Nhiệt điện Long Phú 1, Nhiệt điện Thái Bình 2, đường sắt ga Hà Nội - Nhổn… Nếu trong quá trình triển khai dự án cứ bị “tắc” chúng ta dừng lại thì không bao giờ giải quyết được vấn đề và suốt đời phải đi giải quyết các dự án chậm tiến độ vì cách ứng xử đối với các dự án không đúng.
Ông Nguyễn Bá Dương lo ngại, mặc dù ngành Xây dựng trong mấy chục năm qua đã tạo được tiếng vang, so với trình độ xây dựng của các nước, vùng lãnh thổ như: Malaysia, Indonesia, Đài Loan… chắc chắn chúng ta cao hơn họ về chất lượng thi công, trình độ thi công... Nhưng nếu chúng ta không biết tạo điều kiện cho một số doanh nghiệp xây dựng lớn tồn tại, thì chúng ta sẽ phải trả giá đắt về sau này khi cần xây dựng các công trình lớn cho đất nước rất khó thực hiện hoặc phải thực hiện với giá rất cao khi sử dụng nhà thầu ngoại, vì các nhà thầu trong nước đã “tàn” rồi. “Không còn tồn tại lực lượng thi công xây dựng trong nước nữa là cái rất đáng lo, đáng sợ” - ông Nguyễn Bá Dương bày tỏ.