Giá thép tiếp tục “dò đáy”
Trong quý đầu năm nay, ngành thép đã có những tín hiệu phục hồi khi giá thép liên tục điều chỉnh tăng tới 6 lần, kéo mức giá trung bình lên hơn 17 triệu đồng/tấn.
Tuy nhiên, bước vào quý II, giá thép xây dựng bắt đầu đảo chiều giảm. Từ đó đến nay, thị trường thép đã ghi nhận tình trạng các doanh nghiệp thép điều chỉnh giảm giá tới 14 lần liên tiếp. Hiện tại, giá thép trung bình đã giảm khoảng 4,5 triệu đồng/tấn so với hồi đầu năm, về mức dưới 14 triệu đồng/tấn và con số giảm được dự báo còn tiếp tục trong thời gian tới.
Sở dĩ giá thép nội địa liên tục phải điều chỉnh giảm là bởi nguồn nguyên liệu sản xuất đầu vào của các nhà máy sản xuất thép trong nước đa phần phải nhập khẩu, như quặng sắt, thép phế liệu, than mỡ luyện cốc… nên khi nguồn nguyên liệu đầu vào có xu hướng hạ nhiệt, buộc các doanh nghiệp phải điều chỉnh giảm giá bán. Đồng thời, nhu cầu thép trong nước thấp nên các nhà máy cũng phải giảm giá để tăng tính cạnh tranh.
Khó khăn lớn nhất mà ngành thép đang phải đối mặt đó là sức tiêu thụ trong nước giảm mạnh do thị trường bất động sản vẫn ảm đạm, xuất khẩu gặp khó trong khi sản phẩm nhập khẩu nhiều.
Theo số liệu báo cáo mới nhất vừa được Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) công bố, trong tháng 6/2023, sản xuất thép thành phẩm đạt 2,012 triệu tấn, giảm 9,52% so với tháng 5/2023 và giảm 16,2% so với cùng kỳ 2022. Tiêu thụ thép các loại đạt 2,161 triệu tấn, giảm 6,41% so với tháng trước và giảm 4% so với cùng kỳ 2022.
Lũy kế 6 tháng năm 2023, sản xuất thép thành phẩm đạt 13,103 triệu tấn, giảm 20,9% so với cùng kỳ năm 2022. Tiêu thụ thép thành phẩm đạt 12,481 triệu tấn, giảm 17,5% so với cùng kỳ năm 2022.
VSA cho biết, nhu cầu thép trong nước thấp nên các nhà máy đã liên tục điều chỉnh giảm giá để tăng tính cạnh tranh. Tuy nhiên, động thái hạ giá bán các mặt hàng thép xây dựng cũng không giúp cải thiện tình hình sản xuất và tiêu thụ trên thị trường.

Nhìn chung, nửa đầu năm nay, ngành thép đã thực sự khó khăn khi sức cầu thị trường yếu, giá giảm sâu. Tốc độ sản xuất thép thô của các nhà máy tại Việt Nam đang chững lại trong vài tháng gần đây.
Theo ông Đinh Quốc Thái, Tổng thư ký VSA, ở thời điểm đầu năm, Hiệp hội dự báo nửa cuối năm thị trường thép trong nước sẽ phục hồi. Tuy nhiên, đến thời điểm này dự báo trên có thể hơi lạc quan, vì quý III thường trùng vào mùa mưa bão và có tháng "cô hồn" - tháng 7 âm lịch - thông thường ít công trình dân dụng khởi công. Do đó, phải đến cuối quý III hoặc đầu quý IV/2023 thì thị trường thép mới có thể phục hồi.
Giá đất đắp, cát, đá… không ngừng “leo thang”
Trái với xu hướng giảm của giá thép thì các loại vật liệu khai thác như: đất, đá, cát… lại có xu hướng ngày một gia tăng do tình trạng khan hiếm nguồn cung và nhiều bất cập trong cấp phép mỏ vật liệu.
Theo số liệu của Cục Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng), giá cát tăng bình quân 1,5%/tháng do nhu cầu xây dựng tăng. Đáng chú ý, các tỉnh phía Nam có xu hướng tăng mạnh hơn (bình quân 3,4%/tháng). Tính chung quý II/2023, giá cát xây dựng tăng 2,5% so với quý đầu năm.
Tương tự, giá đá xây dựng cũng có xu hướng tăng nhẹ và giữ ổn định qua từng quý. Theo đó, giá mặt hàng này trong quý I/2023 tăng 2,7% so với cuối năm 2022 và giá bán quý II/2023 tăng 2,7% so với quý đầu năm.
Việc tăng giá này có thể lý giải do nhu cầu sử dụng các loại vật liệu nói trên cho các công trình giao thông đang thi công trên cả nước, đặc biệt là các dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2 khu vực miền Trung và miền Nam.
Bên cạnh đó, việc khan hiếm nguồn cát tự nhiên dùng trong thi công, nhu cầu chuyển đổi sang dùng vật liệu cát công nghiệp sản xuất từ đá cũng tăng mạnh.

Trong quý III, dự báo giá cát, đá xây dựng vẫn tiếp tục tăng do từ đầu năm 2023 đến nay, các dự án giao thông trọng điểm đã được khởi công đồng loạt trên cả nước. Các dự án này sẽ khiến nhu cầu về đất đắp, đá, cát xây dựng tăng đột biến, gây khó khăn cho cả chủ đầu tư, đơn vị thi công và chính quyền các địa phương. Trong đó, những điểm nóng về vật liệu sẽ tập trung tại 3 điểm là Hà Nội, TP.HCM và ĐBSCL.
Ông Đàm Đức Biên, Cục trưởng Cục Kinh tế xây dựng cho biết, trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp cùng các Bộ, ngành có liên quan tổ chức thực hiện các biện pháp nhằm kiểm soát thị trường VLXD.
Đồng thời sẽ tổng hợp, cập nhật các vướng mắc của địa phương trong quá trình thu thập, công bố giá VLXD để hướng dẫn, đôn đốc các địa phương trong việc công bố giá VLXD, nhân công, giá thi công, chỉ số giá xây dựng bảo đảm đúng tần suất, thời gian và thống nhất trong cả nước.
Bộ Xây dựng cũng đã có kế hoạch kiểm tra, làm việc với các địa phương nơi có công trình trọng điểm như cao tốc Bắc - Nam, sân bay... đang triển khai để có những hướng xử lý về vấn đề nguồn vật liệu cho các dự án.
Xi măng tiếp tục neo ở mức cao và ít biến động
Dù nguồn cung xi măng hiện nay đã vượt xa so với nhu cầu thực tế, trong khi sức tiêu thụ tiếp tục sụt giảm và những rào cản từ thị trường xuất khẩu, nhưng giá xi măng vẫn chưa có dấu hiệu giảm.
Theo ghi nhận 3 đợt tăng giá trong năm 2022 với tổng mức tăng từ 220.000-270.000 đồng/tấn, đến nay các doanh nghiệp xi măng vẫn giữ nguyên giá bán so với lần tăng giá gần nhất hồi tháng 6/2022.
Giá xi măng tại các tỉnh khu vực phía Nam có xu hướng cao hơn các tỉnh khu vực miền Bắc, miền Trung bởi ít nhà máy sản xuất và do chi phí vận chuyển. Theo đó, giá xi măng ở miền Nam khoảng 1,7 triệu đồng/tấn, trong khi giá bán xi măng tại khu vực miền Bắc dao động khoảng 1,3-1,6 triệu đồng/tấn, tùy thương hiệu và loại xi măng.
Tính chung quý II/2023, giá xi măng tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2022 và tương đối ổn định so với cuối năm 2022. Cụ thể, giá trung bình của một số chủng loại xi măng thời điểm tháng 6/2023 như sau: xi măng Hoàng Thạch (1.690 đồng/kg), xi măng Bút Sơn (1.706 đồng/kg), xi măng Hà Tiên (1.884 đồng/kg)…

Có thể thấy, việc dư nguồn cung xi măng đang là một trong những khó khăn và thách thức lớn nhất của ngành xi măng ở thời điểm hiện tại. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản cũng chưa mấy khởi sắc, các dự án khó khăn về pháp lý, giá nguyên nhiên liệu đầu vào tuy đã hạ nhiệt nhưng vẫn neo ở mức cao, nguồn vốn và giải ngân vốn đầu tư công chưa thuận lợi sẽ tiếp tục là những trở ngại lớn đối với các đơn vị kinh doanh xi măng tại thị trường nội địa.
Trong khi sức tiêu thụ xi măng vốn đã khó khăn thì thị trường trong nước tiếp tục cạnh tranh khốc liệt do mất cân đối cung - cầu cục bộ giữa các vùng, miền (thừa tại khu vực miền Trung, thiếu tại khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên) khiến chi phí vận chuyển, logistics tăng cao, giảm hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Ngoài ra, ngành xi măng đang phải đối mặt với khó khăn về giá năng lượng, chi phí vận tải tăng, thuế xuất khẩu clinker tăng từ 5% lên 10% kể từ 01/01/2023. Từ tháng 5/2023 trở đi, ngành này còn phải đối diện với chi phí sản xuất tăng cao, do giá điện tăng thêm 3%.
Như vậy, xu hướng tăng hay giảm giá của mỗi loại VLXD bị chị phối bởi rất nhiều yếu tố khác nhau của thị trường. Theo các nhà chuyên môn, các doanh nghiệp trong lĩnh vực VLXD muốn tồn tại và phát triển trước những khó khăn, thách thức hiện nay cần đổi mới, sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh; nắm bắt nhu cầu và xu hướng thị trường; thiết lập hướng đi riêng cùng những giải pháp phát triển ổn định, bền vững; sử dụng vật liệu thay thế, tiết kiệm tài nguyên, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường.