Tóm tắt
Tái chế chất thải điện tử là giải pháp quan trọng để đối phó với những thách thức ngày càng gia tăng và tác động môi trường nghiêm trọng của rác thải điện tử. Sự gia tăng nhanh chóng của các thiết bị điện tử trên toàn cầu đã làm cho việc xử lý và tái chế rác thải điện tử trở nên cấp bách. Năm 2019, tổng lượng rác thải điện tử toàn cầu đã đạt 53,6 triệu tấn và dự kiến sẽ tăng lên 74,7 triệu tấn vào năm 2030, có thể đạt 110 triệu tấn vào năm 2050. Tuy nhiên, chỉ 17% lượng rác thải điện tử được thu gom và tái chế vào năm 2019, dẫn đến ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và mất mát nguồn tài nguyên quý giá ước tính trị giá khoảng 57 tỷ USD. Mục tiêu chính của việc tái chế rác thải điện tử là giảm thiểu tác động môi trường và bảo tồn các nguồn tài nguyên quý giá bằng cách chiết xuất và tái chế kim loại quý từ thiết bị điện tử bị loại bỏ. Rác thải điện tử chứa các kim loại quý như vàng (Au), bạc (Ag), và nhóm kim loại bạch kim, nổi bật với khả năng chống ăn mòn và dẫn điện tuyệt vời. Việc thu hồi các kim loại này không chỉ bảo tồn tài nguyên quý mà còn giảm nhu cầu khai thác quặng mới, từ đó giảm thiểu tác động môi trường của các phương pháp khai thác truyền thống. Các phương pháp thủy luyện truyền thống như hòa tách bằng nước cường toan, cyanua hay thiourea đã gây ra tác động tiêu cực đến môi trường và sức khỏe người lao động. Trong bài báo này, nhóm tác giả đề xuất ứng dụng các phương pháp mới thân thiện hơn với môi trường và có hiệu suất thu hồi kim loại quý tốt hơn từ chất thải điện tử.
Từ khóa: Tái chế chất thải điện tử; phương pháp thủy luyện; thu hồi kim loại quý.
Abstract
Recycling electronic waste is a crucial solution for addressing the growing challenges and severe environmental impacts of e-waste. The rapid increase in electronic devices worldwide has made proper disposal and recycling of e-waste urgent. In 2019, global e-waste reached 53.6 million tons, and it is projected to rise to 74.7 million tons by 2030 and potentially reach 110 million tons by 2050. However, only 17% of e-waste was collected and recycled in 2019, leading to severe environmental pollution and a loss of valuable resources estimated at around $57 billion. The primary goal of e-waste recycling is to minimize environmental impact and conserve valuable resources by extracting and recycling precious metals from discarded electronics. E-waste contains precious metals such as gold (Au), silver (Ag), and platinum group metals, known for their excellent corrosion resistance and electrical conductivity. Recovering these metals not only conserves valuable resources but also reduces the need for new ore extraction, thereby decreasing the environmental impact of traditional mining methods. Traditional hydrometallurgical methods such as aqua regia, cyanide, or thiourea leaching have had severe negative impacts on the environment and worker health. This paper proposes the application of newer, more environmentally friendly methods with better efficiency for recovering precious metals from e-waste.
Keywords: Electronic waste recycling; hydrometallurgical methods; precious metal recovery.
1. Đặt vấn đề
Tái chế thiết bị điện và điện tử thải là rất quan trọng trong việc giải quyết thách thức ngày càng tăng của rác thải điện tử và các tác động môi trường nghiêm trọng của nó. Với sự gia tăng nhanh chóng của các thiết bị điện tử trên toàn thế giới, việc xử lý và tái chế rác thải điện tử đúng cách đã trở thành điều bắt buộc.
Năm 2019, lượng rác thải điện tử toàn cầu đã đạt mức đáng kinh ngạc là 53,6 triệu tấn, dự kiến sẽ tăng lên 74,7 triệu tấn vào năm 2030 và có thể đạt 110 triệu tấn vào năm 2050. Bên cạnh những số liệu đáng báo động này, thì chỉ có 17% lượng rác thải điện tử được thu gom và tái chế vào năm 2019, hậu quả của việc này không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn làm mất đi một nguồn vật liệu quý ước tính giá trị giá khoảng 57 tỷ USD. [4,6,7,8]
Theo các báo cáo, ước tính có khoảng 44,3 triệu tấn rác thải điện tử không được thống kê, có khả năng bị vứt bỏ lẫn trong rác thải thông thường, không được thu gom và được tái chế không đúng cách. Mục tiêu chính của việc tái chế chất thải điện tử là giảm thiểu tác động môi trường và bảo tồn các nguồn tài nguyên quý giá bằng cách chiết xuất và tái chế các nguyên liệu mà đặc biệt là kim loại quý từ các thiết bị điện tử bị vứt bỏ.
Rác thải điện tử gây ra các rủi ro môi trường và sức khỏe đáng kể do các vật liệu nguy hiểm như kim loại nặng và các chất ô nhiễm hữu cơ.[11,14,18] Tuy nhiên, nó cũng chứa các kim loại quý ở nồng độ cao hơn nhiều so với các khoáng sản tự nhiên, thường được gọi là "mỏ đô thị."
Việc thu hồi các kim loại quý từ rác thải điện tử phức tạp hơn so với việc chiết xuất từ các khoáng sản tự nhiên do thành phần phức tạp của rác thải điện tử, bao gồm cả kim loại cơ bản như đồng (Cu), niken (Ni), sắt (Fe), kẽm (Zn) và thiếc (Sn), cùng với các chất nguy hiểm như chì (Pb), cadmium (Cd), crom VI (Cr VI) và thủy ngân (Hg) [12,15,16].
Chất thải điện tử chứa các kim loại quý như vàng (Au), bạc (Ag) và nhóm kim loại bạch kim, được biết đến là những kim loại với nhiệt độ nóng chảy cao, khả năng chống ăn mòn và độ dẫn điện tuyệt vời. Việc thu hồi các kim loại này không chỉ bảo tồn các nguồn tài nguyên quý giá mà còn giảm nhu cầu khai thác quặng mới, do đó làm giảm tác động môi trường của các phương pháp khai thác truyền thống[3,5,13]
Các quy trình tái chế thủy luyện đã được biết đến từ lâu và được đánh giá là rất hiệu quả trong việc thu hồi các kim loại có giá trị từ chất thải điện tử [10,21]. Các quy trình này sử dụng các phản ứng hóa học để chiết xuất và tách kim loại từ rác thải điện tử chuyển hóa chúng sang dạng dung dịch nước, đây là những phương pháp hiệu quả và đáng tin cậy để thu hồi kim loại Các kim loại quý như đồng (Cu), vàng (Au), bạc (Ag), palladium (Pd) và bạch kim (Pt) có thể được thu hồi thành công từ các dòng rác thải điện tử phức tạp bằng các kỹ thuật này.
Các kỹ thuật thủy luyện truyền thống chủ yếu sử dụng dung dịch nước với các axit hoặc bazo mạnh và chất oxy hóa để vượt qua sự bền vững hóa học của các kim loại quý [1,2,9].,. Các phương pháp này có một số nhược điểm lớn như điều kiện phản ứng khắc nghiệt, tác động xấu đến môi trường, độ chọn lọc kém và hiệu quả thu hồi thấp.
Ngoài ra, thành phần phức tạp của rác thải điện tử làm phức tạp việc thu hồi hiệu quả nhiều kim loại quý trong một hệ thống duy nhất. Mục tiêu của nghiên cứu này là đánh giá hiệu quả của các phương pháp thủy luyện mới so với các phương pháp thông dụng trong việc thu hồi các kim loại quý từ rác thải điện tử, nhằm tăng cường tính bền vững và giảm thiểu tác động môi trường.
2. Phương pháp nghiên cứu
Chất thải điện tử sau khi được tách lọc sẽ lấy lại phần bảng mạch, chip nhớ, chip xử lý đã được làm sạch. Những linh kiện này sẽ được nghiền thô sau đó đưa vào lò đốt ở nhiệt độ 900 - 1000°C để loại bỏ toàn bộ thành phần hữu cơ.
Phần còn lại là chất vô cơ trơ bao gồm các nguyên tố như silic, chì, kẽm, nickel, một số kim loại khác và đặc biệt có một lượng đáng kể các kim loại quý như đồng, bạc, vàng, palladium và platinum.
Các kim loại quý đa số tồn tại dưới dạng đơn chất, một phần đồng có thể bị chuyển hóa thành đồng oxit. Mẫu vật liệu sau đốt sẽ được nghiền nhỏ và sàng để đảm bảo kích thước hạt nhỏ hơn 0.1 mm nhằm tăng khả năng tiếp xúc, giảm thời gian phản ứng hòa tách.

2.1. Phương pháp thủy luyện bằng axit nitric
Axit nitric là một axit mạnh có khả năng hòa tan hầu hết các kim loại trừ các kim loại quý như vàng, palladium và platinum. Axit nitric được sử dụng để loại bỏ các kim loại khác nhằm giảm tạp chất cản trở quá trình chính thu hồi các kim loại quý.
Mẫu bột sau nghiền được khuấy trộn với axit nitric trong bình cầu có ống sinh hàn hồi lưu trong thời gian 2 giờ. Sau khi nguội, hỗn hợp được lọc trên phễu lọc với giấy lọc băng xanh. Phần rắn sau lọc được sấy ở nhiệt độ 105°C trước khi thực hiện thủy luyện bằng nước cường toan, xianua và thiosulfate.
2.2. Phương pháp thủy luyện bằng nước cường toan
Nước cường toan là hỗn hợp của axit nitric và axit hydrochloric theo tỷ lệ 1:3, được sử dụng để hòa tan các kim loại quý như vàng và palladium[17,20,23]. Phần rắn sau khi xử lý bằng axit nitric sẽ được tiếp tục xử lý với nước cường toan trong bình phản ứng có ống sinh hàn hồi lưu.
Hỗn hợp được khuấy trộn ở nhiệt độ phòng trong khoảng thời gian 16 giờ, tùy thuộc vào mức độ hòa tan của kim loại. Sau khi phản ứng hoàn tất, hỗn hợp sẽ được lọc và phần dịch lọc sẽ được lưu giữ để tiến hành phân tích tiếp theo.

2.3. Phương pháp thủy luyện bằng Thiosulfate
Thiosulfate (Na2S2O3) là một chất thay thế tiềm năng cho xyanua trong quá trình tách chiết vàng. Quá trình này được đánh giá là thân thiện với môi trường hơn so với phương pháp truyền thống sử dụng xyanua[19,22]. Phản ứng hóa học: Thiosulfate phản ứng với vàng để tạo thành phức chất hòa tan, giúp tách vàng ra hỗn hợp.
Điều kiện phản ứng: Quá trình này được thực hiện trong môi trường ammoniac với sự có mặt của các chất xúc tác như đồng (II) để tăng hiệu quả chiết tách. Ưu điểm: Thiosulfate ít độc hại hơn xyanua và có thể được sử dụng để chiết tách vàng từ các nguồn rác thải điện tử, giúp giảm thiểu tác động môi trường. Quá trình phản ứng được thực hiện ở nhiệt độ 40°C và kiểm soát pH trong khoảng 9-11.
Sau đó ion xúc tác Cu (I) được tái sinh bằng phản ứng sau đây
2.4. Phương pháp phân tích bằng ICP-OES
ICP-OES (Inductively Coupled Plasma Optical Emission Spectrometry) là kỹ thuật phân tích phổ biến sử dụng plasma cảm ứng cao tần (ICP) để nguyên tử hóa mẫu và đo cường độ phát xạ đặc trưng của các nguyên tố. Ưu điểm của ICP-OES bao gồm độ nhạy cao, độ chính xác tốt, khả năng phân tích đa nguyên tố và phạm vi nồng độ rộng. Các bước thực hiện như sau:
1. Pha chế mẫu: Mẫu kim loại quý được hòa tan trong dung dịch axit thích hợp để tạo thành dung dịch mẫu.
2. Phun sương: Dung dịch mẫu được phun sương thành các hạt mịn bằng nebulizer.
3. Tạo plasma: Plasma được tạo ra bằng cách sử dụng khí argon được ion hóa bởi trường cảm ứng cao tần.
4. Nguyên tử hóa: Các hạt dung dịch mẫu đi vào plasma, nơi nhiệt độ cao (khoảng 5000-10000°C) làm bốc hơi và nguyên tử hóa các nguyên tố trong mẫu.
5. Kích thích nguyên tử: Các nguyên tử bị kích thích bởi năng lượng cao trong plasma, khiến chúng phát ra bức xạ đặc trưng ở các bước sóng khác nhau.
6. Đo cường độ phát xạ: Máy quang phổ đo cường độ phát xạ của các nguyên tố ở các bước sóng đặc trưng.
7. Phân tích dữ liệu: Phần mềm máy tính phân tích dữ liệu cường độ phát xạ để xác định nồng độ của các nguyên tố trong mẫu.
Nhóm nghiên cứu đã thực hiện phân tích trên máy Perkin Elmer Optima 4200 DV.
2.5. Phương pháp phân tích SEM/EDS
Phương pháp phân tích SEM/EDS (Scanning Electron Microscopy/Energy Dispersive X-ray Spectroscopy) là một kỹ thuật hiện đại để phân tích các ion kim loại quý trong dung dịch.
Quá trình phân tích này được thực hiện như sau:
1. Chuẩn bị mẫu: Mẫu dung dịch chứa các ion kim loại quý được chuẩn bị bằng cách làm khô hoặc tạo màng mỏng trên bề mặt chất nền (substrate) phù hợp.
2. Quét điện tử: Mẫu được đưa vào kính hiển vi điện tử quét (SEM). Một chùm điện tử được quét qua bề mặt mẫu, tạo ra các tín hiệu khác nhau như điện tử thứ cấp và điện tử tán xạ ngược.
3. Phân tích EDS: Các tín hiệu này được thu thập và phân tích bằng hệ thống EDS. EDS sử dụng tia X phát ra từ mẫu khi bị kích thích bởi chùm điện tử để xác định thành phần hóa học của mẫu. Mỗi nguyên tố phát ra tia X với năng lượng đặc trưng, cho phép xác định các ion kim loại quý có mặt trong mẫu.
4. Xử lý dữ liệu: Dữ liệu thu được từ SEM/EDS được xử lý để tạo ra các bản đồ phân bố nguyên tố và phổ EDS, giúp xác định và định lượng các ion kim loại quý trong mẫu.
Phương pháp SEM/EDS có độ nhạy cao và khả năng phân tích định tính và định lượng các nguyên tố trong mẫu, làm cho nó trở thành một công cụ hữu ích trong nghiên cứu và phân tích các kim loại quý từ dung dịch. Việc thực hiện phân tích SEM/EDS được sự hỗ trợ từ phòng thí nghiệm hóa học, College of Engineering - Trường Đại học Dayeh - Đài Loan
3. Kết quả và bàn luận
3.1. Khả năng hòa tách của phương pháp thủy luyện bằng axit nitric
Phần dung dịch thu được sau khi thủy luyện bằng axit nitric có chứa nhiều loại kim loại nikel, sắt, kẽm, nhôm v.v. Bên cạnh đó, đa phần bạc và đồng đều được hòa tan vào dung dịch ở bước này vì thế nhóm đã thực hiện phân tích 2 kim loại trên bằng ICP-OES .
Bảng 1: Kết quả phân tích hàm lượng bạc và đồng hòa tách bằng axit nitric trên máy ICP-OES
Kết quả nghiên cứu cho thấy hàm lượng đồng (Cu) chiếm một tỷ trọng đáng kể, gần 50% khối lượng các chất vô cơ trong bột sau khi đốt. Trong khi đó, hàm lượng bạc (Ag) trung bình chỉ chiếm khoảng 0,1%.
Sự khác biệt này có thể được giải thích bằng vai trò chủ yếu của đồng trong các bản mạch điện tử. Đồng được sử dụng rộng rãi làm đường dẫn điện, đặc biệt là trong các bản mạch nhiều lớp, nơi đồng được in trên các lớp để đảm bảo khả năng liên kết phức tạp mà vẫn giữ được sự cách điện giữa các lớp.
Bạc, ngược lại, thường chỉ được sử dụng ở các tiếp điểm, do đó hàm lượng của nó trong chất thải điện tử thấp hơn. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thu hồi đồng trong quá trình tái chế chất thải điện tử, không chỉ vì tỷ lệ cao của nó mà còn vì vai trò thiết yếu của nó trong cấu trúc và chức năng của các thiết bị điện tử.
3.2. Khả năng hòa tách của phương pháp thủy luyện bằng nước cường toan
Đối với phần dung dịch thu được từ quá trình hòa tách bằng nước cường toan nhóm nghiên cứu đã tiến hành phân tích trên máy ICP-OES .
Bảng 2: Kết quả phân tích hàm lượng các kim loại quý hòa tách bằng nước cường toan trên máy ICP-OES
Kết quả phân tích cho thấy hàm lượng vàng chiếm khoảng 43.96 ppm, trong khi hàm lượng palladium chiếm khoảng 45.93 ppm. Ở chiều ngược lại lượng platinum phát hiện rất thấp chỉ khoảng 1.73 ppm cùng với Rh chỉ chiếm 0.12 ppm.
Mặc dù máy ICP-OES cung cấp kết quả phân tích với độ nhạy cao, nhưng độ chụm không ổn định. Do đó, nhóm nghiên cứu đã sử dụng phương pháp SEM/EDS (Scanning Electron Microscopy/Energy Dispersive X-ray Spectroscopy) để kiểm tra lại kết quả.

Phân tích bằng phương pháp SEM/EDS cho thấy kết quả tương tự với ICP-OES, với hàm lượng platinum rất thấp ở mức tương đương 1 ppm. Phương pháp này không phát hiện được rhodium trong hỗn hợp. Hàm lượng vàng là 40,5 ppm và hàm lượng palladium là 40 ppm.
Sự khác biệt về hàm lượng các kim loại quý có thể được giải thích bởi các ứng dụng khác nhau của chúng trong bản mạch điện tử. Vàng thường được sử dụng làm chất dẫn điện do điện trở thấp và khả năng cho phép in một lớp rất mỏng trên bảng mạch.
Palladium thường được dùng làm tiếp điểm và trong các điện trở chính xác nhờ khả năng duy trì ổn định điện trở trong môi trường nhiệt độ cao. Trong khi đó, platinum ít được sử dụng hơn do giá thành cao và thường được ứng dụng trong các chip vi xử lý cao cấp.
3.3. Khả năng hòa tách của phương pháp thủy luyện bằng thiosulfate
Dung dịch sau khi được hòa tách bằng phương pháp thiosulfate sẽ được lọc và phân tích bằng phương pháp ICP-OES .
Bảng 3: Kết quả phân tích hàm lượng các kim loại quý hòa tách bằng thiosulfate trên máy ICP-OES
Kết quả phân tích cho thấy hàm lượng vàng chiếm khoảng 54,39 ppm, trong khi hàm lượng palladium chiếm khoảng 45.84 ppm. Như vậy phương pháp thiosulfate cho hiệu quả hòa tan tốt hơn phương pháp cường toan đối với vàng và tương đương đối với Palladium. Điểm khác biệt lớn nhất ở platinum khi kết quả của quá trình hòa tách bằng thiosulfate cho hiệu suất cao gấp khoảng 10 lần so với nước cường toan.

Kết quả phân tích bằng phương pháp SEM/EDS có phần tốt hơn khi hàm lượng vàng, palladium và platinum lần lượt đạt 66 ppm, 25 ppm và 59,5 ppm. Kết quả này cao hơn khoảng từ 17 - 31% so với kết quả phân tích trên máy ICP-OES.
Phương pháp thủy luyện bằng thiosulfate không chỉ hiệu quả hơn trong hòa tan vàng và palladium, mà còn cho thấy khả năng hòa tách platinum cao hơn nhiều so với phương pháp nước cường toan. Điều này nhấn mạnh tiềm năng của thiosulfate trong thu hồi các kim loại quý từ chất thải điện tử, đồng thời giảm thiểu tác động môi trường so với các phương pháp truyền thống.
4. Kết luận và kiến nghị
Nghiên cứu đã đánh giá hiệu quả của các phương pháp thủy luyện khác nhau trong việc thu hồi kim loại quý từ rác thải điện tử. Các kết quả chính của nghiên cứu có thể được tóm tắt như sau:
• Phương pháp thủy luyện bằng axit nitric: Phương pháp này hiệu quả trong việc hòa tan các kim loại cơ bản như nickel, sắt, kẽm, nhôm, đồng và bạc. Hàm lượng đồng chiếm tỷ trọng đáng kể, gần 50% khối lượng các chất vô cơ trong bột sau khi đốt, trong khi hàm lượng bạc chỉ chiếm khoảng 0,1%. Điều này phản ánh vai trò chủ yếu của đồng trong các bản mạch điện tử, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thu hồi đồng trong quá trình tái chế chất thải điện tử.
• Phương pháp thủy luyện bằng nước cường toan: Kết quả phân tích bằng ICP-OES cho thấy hàm lượng vàng chiếm khoảng 43,96 ppm, palladium khoảng 45,93 ppm, trong khi platinum và rhodium rất thấp, lần lượt chỉ khoảng 1,73 ppm và 0,127 ppm. Phân tích bổ sung bằng phương pháp SEM/EDS cũng cho kết quả tương tự, xác nhận độ tin cậy của kết quả ICP-OES.
• Phương pháp thủy luyện bằng thiosulfate: Phương pháp này cho thấy hiệu quả hòa tan cao hơn đối với vàng (54,39 ppm) và tương đương đối với palladium (45,84 ppm) so với nước cường toan. Đặc biệt, khả năng hòa tách platinum bằng thiosulfate cao gấp khoảng 10 lần so với nước cường toan, với hàm lượng platinum đạt 17,08 ppm.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Akcil, C. Erust, C.S. Gahan, M. Ozgun, M. Sahin, A. Tuncuk, Precious metal recovery from waste printed circuit boards using cyanide and non-cyanide lixiviants - A review, Waste Management, 45 (2015) 258-271.
[2]. Avarmaa, K.; Johto, H.; Taskinen, P. Distribution of Precious Metals (Ag, Au, Pd, Pt, and Rh) Between Copper Matte and Iron Silicate Slag. Metall. Mater. Trans. B 2016, 47, 244–255.
[3]. Avarmaa, K.; O’Brien, H.; Klemettinen, L.; Taskinen, P. Precious metal recoveries in secondary copper smelting with high-alumina slags. J. Mater. Cycles Waste Manag. 2020, 22, 642-655.
[4]. Baldé, C.P.; D’Angelo, E.; Deubzer, V.L.O.; Kuehr, R. Global Transboundary E-waste Flows Monitor-2022; United Nations Institute for Training and Research (UNITAR): Geneva, Switzerland, 2022.
[5]. Bidini, G.; Fantozzi, F.; Bartocci, P.; D‘Alessandro, B.; D‘Amico, M.; Laranci, P.; Scozza, E.; Zagaroli, M. Recovery of precious metals from scrap printed circuit boards through pyrolysis. J. Anal. Appl. Pyrolysis 2015, 111, 140-147.
[6]. Ciacci, L.; Vassura, I.; Passarini, F. Urban Mines of Copper: Size and Potential for Recycling in the EU. Resources 2017, 6, 6.
[7]. Critical metals production from porphyry ores and E-wastes: A review of resource availability, processing/recycling challenges, socio-environmental aspects, and sustainability issues. Resour. Conserv. Recycl. 2021, 170, 105610.
[8]. Cui, J.; Zhang, L. Metallurgical recovery of metals from electronic waste: A review. J. Hazard. Mater. 2008, 158, 228–256.
[9]. Ebin, B.; Isik, M.I. Chapter 5-Pyrometallurgical Processes for the Recovery of Metals from WEEE. In WEEE Recycling; Chagnes,
[10]. H. Li, J. Eksteen, E. Oraby, Hydrometallurgical recovery of metals from waste printed circuit boards (WPCBs): Current status and perspectives – A review, Resources, Conservation and Recycling, 139 (2018) 122-139
[11]. J.B. Wang, Y. Lu, Z.M. Xu, Identifying Extraction Technology of Gold from Solid Waste in Terms of Environmental Friendliness, ACS Sustain. Chem. Eng., 7 (2019) 7260-7267
[12]. J.J. Hao, Y.S. Wang, Y.F. Wu, F. Guo, Metal recovery from waste printed circuit boards: A review for current status and perspectives, Resources Conservation and Recycling, 157 (2020) 15
[13]. Khaliq, A.; Rhamdhani, M.A.; Brooks, G.; Masood, S. Metal Extraction Processes for Electronic Waste and Existing Industrial Routes: A Review and Australian Perspective. Resources 2014, 3, 152–179.
[14]. Kumari, R.; Samadder, S.R. A critical review of the pre-processing and metals recovery methods from e-wastes. J. Environ. Manag. 2022, 320, 115887.
[15]. M. Kaya, Recovery of metals and nonmetals from electronic waste by physical and chemical recycling processes, Waste Management, 57 (2016) 64-90.
[16]. M.D. Rao, K.K. Singh, C.A. Morrison, J.B. Love, Challenges and opportunities in the recovery of gold from electronic waste, RSC Adv., 10 (2020) 4300-4309
[17]. Martinez-Ballesteros, G.; Valenzuela-García, J.L.; Gómez-Alvarez, A.; Encinas-Romero, M.A.; Mejía-Zamudio, F.A.; Rosas-Durazo, A.d.J.; Valenzuela-Frisby, R. Recovery of Ag, Au, and Pt from Printed Circuit Boards by Pressure Leaching. Recycling 2021,
[18]. Petter, P.M.H.; Veit, H.M.; Bernardes, A.M. Evaluation of gold and silver leaching from printed circuit board of cellphones. Waste Manag. 2014, 34, 475-482.
[19]. S. Gámez, K. Garcés, E. de la Torre, A. Guevara, Precious metals recovery from waste printed circuit boards using thiosulfate leaching and ion exchange resin, Hydrometallurgy, 186 (2019) 1-11
[20]. Stratiotou Efstratiadis, V.; Michailidis, N. Sustainable Recovery, Recycle of Critical Metals and Rare Earth Elements from Waste Electric and Electronic Equipment (Circuits, Solar, Wind) and Their Reusability in Additive Manufacturing Applications: A Review. Metals 2022, 12, 794.
[21]. Tabelin, C.B.; Park, I.; Phengsaart, T.; Jeon, S.; Villacorte-Tabelin, M.; Alonzo, D.; Yoo, K.; Ito, M.; Hiroyoshi, N. Copper and
22]. V.H. Ha, J.-c. Lee, J. Jeong, H.T. Hai, M.K. Jha, Thiosulfate leaching of gold from waste mobile phones, Journal of Hazardous Materials, 178 (2010) 1115-1119
23. Y. Lu, Q. Song, Z. Xu, Integrated technology for recovering Au from waste memory module by chlorination process: Selective leaching, extraction, and distillation, Journal of Cleaner Production, 161 (2017) 30-39.