Triển khai hiệu quả quy hoạch gắn với TOD
Sáng 17/01, tại Hà Nội, diễn ra Hội thảo khoa học Phát triển hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội và TP.HCM, do UBND TP Hà Nội phối hợp với UBND TP.HCM tổ chức.
Hội thảo đã thu hút sự tham gia của hàng trăm chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế, tập trung trao đổi 5 chủ đề chính liên quan đến quy hoạch, phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD).
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Trần Sỹ Thanh - Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, cùng với xu thế phát triển, giao thông công cộng ngày càng có vai trò quan trọng. Trong đó, hệ thống đường sắt đô thị (ĐSĐT) được coi là trục “xương sống” của mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông.
Việc đầu tư sớm, vận hành hiệu quả hệ thống ĐSĐT sẽ nâng cao tỷ trọng vận tải hành khách công cộng, giảm phương tiện giao thông cá nhân, từ đó đem lại hiệu quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ùn tắc và tai nạn giao thông...
Thời gian vừa qua, TP Hà Nội và TP.HCM đã và đang dành nguồn lực để đầu tư xây dựng các dự án ĐSĐT. Tuy nhiên, quá trình triển khai còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi phải tiếp tục nghiên cứu các giải pháp, hoàn thiện cơ chế, chính sách; tìm hiểu, học tập những kinh nghiệm, phương thức mới, “đột phá” nhằm triển khai đồng bộ và sớm hoàn chỉnh mạng lưới ĐSĐT theo Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/2/2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đáp ứng nhu cầu và mong mỏi của người dân hai thành phố.
Theo ông Bùi Xuân Cường - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, thực hiện Kết luận số 49-KL/TW, hai thành phố phải đạt mục tiêu hoàn chỉnh mạng lưới ĐSĐT trong 12 năm tới. Đây là một thách thức vô cùng to lớn đối với các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn thể nhân dân.
"Nếu tiếp tục triển khai với cách làm tương tự như trong thời gian 20 năm qua thì không thể thực hiện được mục tiêu này", ông Bùi Xuân Cường cho biết.
Để thực hiện đạt mục tiêu, 2 thành phố phải quyết tâm lãnh đạo thực hiện quyết liệt, toàn diện, mạnh mẽ và đột phá các lĩnh vực liên quan. Cần có sự phối hợp triển khai chặt chẽ và hiệu quả trong quy hoạch, chỉnh trang đô thị gắn với TOD, huy động nguồn lực, công tác thu hồi đất, bồi thường GPMB, tái định cư, kể cả khu phụ cận để triển khai TOD, lựa chọn công nghệ, mô hình tổ chức, quản lý và triển khai các dự án Metro.
Theo nhận định của ThS Đặng Huy Đông - Chủ tịch Viện Nghiên cứu Quy hoạch và phát triển (PDI), Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 30/12/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, là một Nghị quyết hết sức đúng đắn và không thể muộn hơn, nếu Việt Nam không muốn bị tụt hậu với khoảng cách ngày càng xa với các đô thị khách trong khu vực Đông Nam Á.
ThS Đặng Huy Đông cho rằng, các cơ quan quan Trung ương cần “may đo” cho riêng TP Hà Nội và TP.HCM khung khổ pháp lý mới, cho phép hai thành phố được thực hiện các cơ chế đặc thù, cơ chế vượt trội cho việc phát triển ĐSĐT nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung.
Nhà nước cần yểm trợ tối đa cho các thành phố
Trong buổi sáng 17/01, các chuyên gia trong nước và quốc tế đã chia sẻ nhiều nội dung hữu ích về: Quan điểm chung và toàn cầu về TOD trong quá trình phát triển metro, mô hình đường sắt và BĐS của Hongkong, kinh nghiệm phát triển TOD tại Quảng Châu, Thâm Quyến (Trung Quốc), Nhật Bản, Pháp, Anh...
Chia sẻ về lịch sử phát triển metro toàn cầu giai đoạn 1860-2020, GS Vũ Minh Khương - Học viện Hành chính công Lý Quang Diệu cho biết, tính đến ngày 31/12/2020, trên toàn cầu đã có 193 hệ thống metro, 731 tuyến đường sắt có tổng chiều dài hơn 17.000 km và gần 13.000 nhà ga đi vào khai thác, vận hành.
Trong đó, có khoảng 3.300 km cơ sở hạ tầng mới đã được đưa vào vận hành thương mại trong giai đoạn 2018-2020, trong đó có các tuyến được mở tại các thành phố đô thị mới ở Trung Quốc, Ấn Độ, Australia, Indonesia, Pakistan và Qatar.
Theo GS Vũ Minh Khương, nhà nước cần đóng vai trò chủ đạo trong yểm trợ tối đa cho các thành phố phát triển hệ thống ĐSĐT, coi đây là mặt trận quyết chiến chiến lược, quyết định sự thành bại của công cuộc hiện đại hóa và trở thành quốc gia phát triển. Mỗi thành phố có một doanh nghiệp nhà nước chịu trách nhiệm phát triển hệ thống ĐSĐT, bao gồm cấp vốn từ nguồn ngân sách không vượt quá 50% và phần nhiều thông qua quỹ đất, quản lý các dự án đầu tư BĐS, đặc biệt là coi trọng hợp tác công tư.
Bên cạnh đó, trong chọn tuyến hướng và đặt nhà ga cần coi trọng khả năng tạo giá trị tổng thể và phát triển nội sinh. Giai đoạn tiền dự án (pre-project) đặc biệt quan trọng, có thể mất 1,5 - 2 năm chuẩn bị. Nếu thành phố dốc sức đẩy nhanh thì mất khoảng 1 năm…
“Trung Quốc chú trọng các văn bản hướng dẫn thực thi để tăng tính linh hoạt hơn là gò ép đưa vào Luật khi thực hiện các dự án. Tính sáng tạo, khát vọng vươn lên, khả năng huy động vốn và nỗ lực học hỏi để đạt đẳng cấp cao nhất của quốc tế là đặc trưng nổi bật trong phát triển ĐSĐT ở Trung Quốc”, GS Vũ Minh Khương cho biết.
Chia sẻ về một vài đề xuất về ưu tiên hành động cho TP Hà Nội và TP.HCM, GS Vũ Minh Khương khuyến nghị, mỗi thành phố nên bắt tay vào làm 1 - 2 tuyến thử nghiệm với các tiêu chí: Tính khả thi cao, tác động lớn, tốn phí thu hồi đất thấp… Kinh nghiệm Trung Quốc cho thấy, giá thành 1 km là khoảng 100 - 120 triệu USD cho tuyến ngầm và 60 - 70 triệu USD cho tuyến nổi).
GS Vũ Minh Khương cho rằng, Việt Nam cần coi ĐSĐT là ngành đặc biệt chiến lược, không thua kém ngành bán dẫn, từ đó có sự đầu tư vào phát triển nguồn nhân lực, công nghiệp phụ trợ, năng lực hợp tác quốc tế và trình độ quản lý các dự án lớn cần được coi là ưu tiên hàng đầu.
Các cơ quan trung ương cần huy động đội ngũ tinh nhuệ nhất để tư vấn và hỗ trợ hai thành phố, để Việt Nam có những bước tiến vượt bậc trong phát triển ĐSĐT trong các năm tới.