Trong một nghiên cứu mới, các nhà nghiên cứu tại Đại học RMIT của Úc đã tìm ra một cách thân thiện với môi trường để tăng độ bền cho các con đường trước tác động của mặt trời. Với việc thêm cao su vụn, một dạng vật liệu nền được làm từ các sản phẩm cao su phế thải như lốp xe cũ. Nó đã cho thấy nhiều hứa hẹn trong việc làm cho bê tông cứng hơn và chịu nhiệt tốt hơn, các nhà nghiên cứu tự hỏi liệu nó có thể bảo vệ nhựa đường khỏi sự ảnh hưởng từ ánh sáng tia cực tím hay không.
Để chứng thực, nhóm nghiên cứu đã thêm cao su vụn vào lớp trên cùng của nhựa đường, ở ba số lượng khác nhau - 7,5%, 15% và 22,5%. Sau đó, những mẫu này được đặt trong một chiếc máy để chúng tiếp xúc với mức độ cao của tia cực tím trong một tháng rưỡi, một quá trình lão hóa được đẩy nhanh tương đương với những gì các con đường địa phương sẽ phải chịu đựng trong suốt một năm. Cuối cùng, những thay đổi về tính chất hóa học và cơ học của nhựa đường đã được đo lường.
Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng các mẫu có số lượng cao su vụn cao nhất cho thấy tác hại của tia UV bằng một nửa so với nhựa đường thông thường. Tuy nhiên, thêm vào quá nhiều có thể làm giảm khả năng chống lại các hư hỏng cơ học của đường nhựa.
Filippo Giustozzi, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: “Chúng tôi nhận thấy rằng việc bổ sung từ 18% đến 22% cao su vụn tạo ra sự cân bằng lý tưởng về việc cải thiện khả năng chống thấm và độ bền của đường đối với tải trọng giao thông, đồng thời chống lại sự lão hóa của tia cực tím. Cao su vụn hoạt động hiệu quả như một chất chống nắng cho các con đường đến nỗi nó thực sự làm cho bề mặt có tuổi thọ cao gấp đôi so với đường nhựa thông thường".
Ưu điểm khác của kỹ thuật này là có thể tái chế lại lốp xe cũ. Những sản phẩm chất thải này là mối nguy hại lớn đối với môi trường, vì vậy những cách hữu ích để tái chế chúng luôn là những giải pháp được ưu tiên hàng đầu.