Nghiên cứu, thiết kế mẫu nhà ở điển hình phù hợp với điều kiện từng địa phương

06:10 07/10/2024
Thủ tướng giao Bộ Xây dựng khẩn trương hướng dẫn các tỉnh, thành phố nghiên cứu, thiết kế những mẫu nhà ở điển hình, phù hợp với văn hóa từng địa phương và hoàn cảnh kinh tế của mỗi gia đình.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 102/CĐ-TTg ngày 06/10/2024 về việc đẩy mạnh triển khai xoá nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Chương trình phát động hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước với chủ đề "Mái ấm cho đồng bào tôi" - Ảnh: VGP

Tại Công điện, Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, lãnh đạo cơ quan ngang Bộ, UBND các tỉnh, thành phố và Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai mạnh mẽ, đồng bộ và hiệu quả Phong trào thi đua "Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025", để đạt được những kết quả thực chất.

Một trong những nội dung chính được nhấn mạnh trong Công điện là việc huy động nguồn lực xã hội hóa, kết hợp với nguồn lực của Nhà nước, bao gồm việc đa dạng hóa các nguồn tài trợ từ Trung ương, địa phương, các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước.

Các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội tốt hơn cũng được khuyến khích hỗ trợ cho những địa phương còn nhiều khó khăn. Người dân cũng cần tự chủ động góp phần vào việc cải thiện tình trạng nhà ở của mình.

Thủ tướng nhấn mạnh, việc xóa nhà tạm, nhà dột nát không chỉ là nhiệm vụ của Nhà nước mà còn là trách nhiệm chung của toàn xã hội, với phương châm "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, MTTQ và các đoàn thể hỗ trợ, nhân dân làm chủ".

Thủ tướng yêu cầu mọi nguồn lực từ cộng đồng cần được huy động một cách minh bạch, đúng quy định, tránh lãng phí và tham nhũng.  

Thủ tướng giao Bộ Xây dựng khẩn trương hướng dẫn các tỉnh, thành phố nghiên cứu, thiết kế những mẫu nhà ở điển hình, đảm bảo kỹ thuật, chất lượng và phù hợp với văn hóa từng địa phương, phù hợp với hoàn cảnh kinh tế của mỗi gia đình.

Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ LĐ-TB&XH khẩn trương phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan báo cáo, đề xuất thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương để thực hiện chương trình này, thời hạn trước ngày 10/10.  

Bộ LĐ-TB&XH chủ động tham mưu, đề xuất với Thủ tướng và Ban Chỉ đạo các biện pháp, giải pháp, cách làm cụ thể, hiệu quả để triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước, bảo đảm đúng tiến độ và yêu cầu đề ra.

Bên cạnh đó, người đứng đầu Chính phủ lưu ý Bí thư các tỉnh, thành chỉ đạo thành lập các Ban Chỉ đạo tại địa phương để đảm bảo việc triển khai sát với tình hình thực tế của từng khu vực.  

Một mẫu nhà ở điển hình được đề xuất cho khu vực miền Trung. Ảnh: Tạp chí Kiến trúc

Trước đó, ngày 16/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định số 656/QĐ-TTg thành lập Quỹ cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Quỹ cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo  được thành lập để tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện bằng tiền (bao gồm tiền mặt và chuyển khoản) của các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác cho hoạt động xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định pháp luật.

Mới đây nhất, ngày 05/10, tại Hà Nội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức chương trình phát động hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước với chủ đề “Mái ấm cho đồng bào tôi”. Chương trình đã nhận được 5.932 tỷ đồng, trong đó hơn 3.200 tỷ được gửi trong tối đầu tiên phát động.

Bình luận