Hành động vì các mục tiêu phát triển bền vững (SDG)
Các mục tiêu phát triển bền vững (Sustainable Development Goals - SDG), do LHQ đưa ra đã trở thành kim chỉ nam cho nhiều quốc gia trong việc định hình chiến lược phát triển. Việt Nam, với tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh đang phải đối mặt với những thách thức về môi trường và xã hội, đã cam kết triển khai các mục tiêu này nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững và toàn diện.
Chương trình SDG được LHQ đưa ra vào năm 2015, bao gồm 17 mục tiêu và 169 chỉ tiêu cụ thể, hướng tới việc xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, và đảm bảo sự thịnh vượng chung cho mọi người. Các mục tiêu này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh toàn cầu đang phải đối mặt với các vấn đề như BĐKH, cạn kiệt tài nguyên và bất bình đẳng xã hội.
Theo ông Phạm Thái Sơn - chuyên gia phát triển đô thị của UN-Habitat, với các mục tiêu rõ ràng, Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ trong việc triển khai các mục tiêu này. Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chính sách, chiến lược nhằm tích hợp các mục tiêu SDGs vào Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030. Trong đó, đặc biệt chú trọng vào các mục tiêu liên quan đến đô thị bền vững (SDG 11), bảo vệ môi trường (SDG 13), và tiêu thụ bền vững (SDG 12).
Việt Nam đã đạt được những tiến bộ nhất định trong việc thực hiện SDG, như giảm tỷ lệ nghèo đói và cải thiện tiếp cận giáo dục. Tuy nhiên, việc triển khai các mục tiêu về đô thị hóa và bảo vệ môi trường vẫn đối mặt với nhiều thách thức, đòi hỏi sự hợp tác từ các cấp chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng.
Đặc biệt, sự phát triển nhanh chóng của các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng… đã đặt ra những yêu cầu mới về quy hoạch đô thị, bảo vệ môi trường, và cải thiện chất lượng sống cho người dân. Do đó, định hướng quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị - nông thôn Việt Nam đã được lồng ghép trong những chủ trương chính sách lớn của Đảng và Chính phủ Việt Nam, Chương trình hành động, Quy hoạch cấp quốc gia.
Theo bà Phạm Thị Nhâm - Phó viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (VIUP), năm 2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 06/NQ-TW này 24/01/2022 về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời, BCH Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Năm 2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 891/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đây là những căn cứ chính trị quan trọng nhằm thúc đẩy các địa phương tăng cường năng lực lập quy hoạch, phát triển đô thị bao trùm và bền vững có sự tham gia của cộng đồng.
Xây dựng những “Thành phố thông minh”
Trong bối cảnh đô thị hóa tăng nhanh, Chính phủ Việt Nam đã khởi xướng các chương trình đô thị mới nhằm phát triển các thành phố trở nên hiện đại, bền vững và thân thiện với môi trường. Các chương trình này tập trung vào việc: Quy hoạch các đô thị thông minh, phát triển đô thị xanh và cải tạo khu vực đô thị cũ.
Quy hoạch các đô thị thông minh bằng việc sử dụng công nghệ số và Internet vạn vật (IoT) trong quản lý giao thông, năng lượng, và cơ sở hạ tầng nhằm tối ưu hóa hiệu quả hoạt động. Đồng thời, tăng cường phát triển đô thị xanh; trong đó, chú trọng vào việc xây dựng các công trình xanh, tăng cường không gian xanh và các dự án năng lượng tái tạo nhằm giảm thiểu tác động môi trường. Ngoài ra, tích cực cải tạo khu vực đô thị cũ, các khu nhà ở xuống cấp và hạ tầng cũ kỹ để nâng cao chất lượng sống cho người dân.
Ví dụ tiêu biểu cho chương trình này là dự án "Thành phố thông minh" tại khu Đông TP.HCM (bao gồm các quận 2, quận 9, TP Thủ Đức), nơi áp dụng công nghệ 4.0 và các giải pháp xanh nhằm xây dựng một thành phố bền vững và hiện đại. Dự án hướng tới xây dựng một đô thị hiện đại, bền vững và hiệu quả với mục tiêu là tạo ra một trung tâm nghiên cứu công nghệ cao, thu hút đầu tư trong và ngoài nước; đồng thời phát triển các lĩnh vực y tế, giáo dục, giao thông, và an ninh thông minh.
Công nghệ sẽ giúp người dân dễ dàng kiểm soát cuộc sống qua các hệ thống như giao thông thông minh, y tế điện tử, và an ninh số. Hệ thống giao thông công cộng hiện đại, thu phí tự động, và bệnh án điện tử sẽ nâng cao chất lượng sống và giảm thủ tục hành chính.
Khu vực này, với cơ sở hạ tầng hoàn thiện và kết nối mạnh mẽ (đặc biệt là hệ thống metro), cùng nguồn nhân lực chất lượng cao từ các trường đại học, sẽ thúc đẩy sự phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và thu hút các nhà đầu tư quốc tế.
Bên cạnh đó, khu Đông cũng là điểm sáng trong thị trường bất động sản, với các dự án như Him Lam Phú An, mang đến môi trường sống lý tưởng và kết nối giao thông thuận lợi. Thị trường bất động sản khu Đông hưởng lợi từ hạ tầng mạnh mẽ và các tiện ích cao cấp trong khu vực “Thành phố thông minh”.
Nền tảng xây dựng các đô thị an toàn
Mối quan hệ giữa SDG và Chương trình đô thị mới là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển của Việt Nam. Đô thị bền vững không chỉ đảm bảo sự thịnh vượng về kinh tế mà còn giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và xã hội. Việc kết hợp SDG vào chương trình đô thị mới có thể mang lại nhiều lợi ích lâu dài.
Phát triển bền vững và quy hoạch đô thị là hai yếu tố không thể tách rời trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Mục tiêu phát triển bền vững số 11 (SDG 11) - "Các thành phố và cộng đồng bền vững" - đã đặt ra một nền tảng quan trọng cho việc xây dựng các đô thị an toàn, hòa nhập và kiên cường. Việc triển khai các chương trình đô thị mới không chỉ đơn thuần là xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại mà còn đòi hỏi phải kết hợp các mục tiêu về môi trường, xã hội và kinh tế để tạo nên các khu đô thị thông minh và bền vững.
Các thành phố lớn ở Việt Nam như Hà Nội và TP.HCM, đang triển khai các dự án giao thông bền vững như hệ thống metro để giảm tắc nghẽn và phát thải khí nhà kính, đồng thời hỗ trợ mục tiêu SDG 13 (Hành động vì khí hậu).
Bên cạnh đó, việc mở rộng không gian xanh và công viên đô thị giúp cải thiện chất lượng không khí và tạo môi trường sống lành mạnh, phù hợp với SDG 11 (Các thành phố và cộng đồng bền vững). Các thành phố cũng đang thí điểm các giải pháp xử lý chất thải và nước thải thông minh, góp phần đạt mục tiêu SDG 6 (Nước sạch và vệ sinh) và SDG 12 (Tiêu dùng và sản xuất có trách nhiệm). Đặc biệt, TP.HCM đã đầu tư mạnh vào công nghệ số và IoT để giám sát chất lượng không khí, điều tiết giao thông và đảm bảo an ninh, tối ưu hóa quản lý đô thị.
Khu đô thị Ecopark (Hưng Yên) cũng là một ví dụ, đây là một trong những khu đô thị xanh tiên phong của Việt Nam với mật độ cây xanh lớn, sử dụng năng lượng tái tạo và áp dụng các giải pháp xử lý nước thải tiên tiến. Ecopark đã nhận được nhiều giải thưởng quốc tế về phát triển bền vững và được coi là mô hình mẫu cho các dự án đô thị mới.
Mật độ cây xanh tại Ecopark hiện khoảng 120 cây/người. 1 triệu cây xanh tại Ecopark được phát triển thành 5 tầng, lớp: Cây cổ thụ - cây cao - cây tầm trung - cây bụi - thảm cỏ. Nhờ những tầng cây phân lớp, đan xen, nhiệt độ tại Ecopark vào mùa Hè thường thấp hơn nội đô 3 - 4 độ.
Dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè tại TP.HCM cũng được đánh giá cao trong nỗ lực giảm thiểu các vấn đề môi trường và cải thiện chất lượng sống cho người dân. Trước đây, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè là một khu vực ô nhiễm nặng nề, nhưng thông qua các dự án cải tạo, chính quyền TP.HCM đã khôi phục lại môi trường sinh thái, đồng thời phát triển hệ thống công viên và tuyến đường bộ ven kênh, mang lại không gian xanh cho người dân.
Thách thức và cơ hội
Mặc dù đã đạt được những bước tiến nhất định trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và chương trình đô thị mới, Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức đòi hỏi sự nỗ lực toàn diện.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Nga - Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường (Bộ KH&ĐT) tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng tại các đô thị lớn, đặc biệt là ở Hà Nội và TP.HCM, cùng với những tác động tiêu cực từ BĐKH như bão lũ, ngập lụt và nhiệt độ gia tăng, đang đe dọa nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân và cơ sở hạ tầng.
Bà Nguyễn Thị Thanh Nga cũng cho biết, trình độ phát triển khoa học và công nghệ còn thấp khiến cho việc áp dụng các giải pháp đô thị thông minh gặp khó khăn, ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý và vận hành các dự án bền vững. Việc thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực kỹ thuật và quản lý cũng đang kìm hãm sự phát triển của các đô thị thông minh, khi mà hệ thống giáo dục và đào tạo chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu về chuyên gia.
Hơn nữa, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đồng bộ như giao thông công cộng, cấp thoát nước và điện lực còn chưa đáp ứng được nhu cầu, không theo kịp tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, dẫn đến tình trạng tắc nghẽn giao thông, thiếu hụt nhà ở và dịch vụ công chưa hiệu quả.
Cuối cùng, nguồn lực tài chính còn hạn chế đang trở thành một rào cản lớn, khi Việt Nam gặp khó khăn trong việc huy động vốn đầu tư cho các dự án lớn nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, đặc biệt là từ khu vực tư nhân và các nguồn vốn quốc tế. Những thách thức này đòi hỏi các chính sách đồng bộ và chiến lược dài hạn nhằm đảm bảo sự phát triển đô thị bền vững và thích ứng với tương lai.
Tiềm năng và cơ hội
Bên cạnh những thách thức, Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội lớn để thúc đẩy phát triển bền vững và chương trình đô thị mới trong thời gian tới. Sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đã tạo ra nền tảng vững chắc cho các chiến lược dài hạn. Các chính sách hỗ trợ như Nghị quyết 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045, cùng với việc tham gia vào các cam kết quốc tế như Thỏa thuận Paris về BĐKH, đang khuyến khích sự tham gia tích cực từ các cấp chính quyền địa phương và khu vực tư nhân.
Bà Nguyễn Thị Thanh Nga nhận định, Việt Nam có cơ hội "đi tắt, đón đầu" trong tiếp cận các công nghệ tiên tiến trên thế giới, như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), và dữ liệu lớn (Big Data). Việc áp dụng các công nghệ này vào quy hoạch và quản lý đô thị giúp tối ưu hóa sử dụng tài nguyên, nâng cao hiệu quả vận hành và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Đặc biệt, xu hướng đầu tư vào năng lượng tái tạo và công nghệ xanh mang lại tiềm năng to lớn cho các thành phố áp dụng các giải pháp bền vững nhằm giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường sống.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Nga, Việt Nam đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn cho các dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nhờ vào môi trường chính trị ổn định và cam kết cải thiện chính sách pháp lý. Huy động nguồn tài chính quốc tế thông qua các tổ chức tài chính như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và các quỹ đầu tư xanh cũng mở ra cơ hội lớn để tài trợ cho các dự án phát triển hạ tầng và công nghệ đô thị. Sự gia tăng quan tâm của cộng đồng quốc tế và các đối tác phát triển giúp Việt Nam tận dụng tốt các nguồn lực này, từ đó thúc đẩy nhanh chóng quá trình đô thị hóa bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Những cơ hội này không chỉ cải thiện năng lực cạnh tranh kinh tế mà còn giúp Việt Nam gia tăng vị thế trong khu vực và trên toàn cầu.
Lấy con người làm trung tâm để tạo dựng đô thị bền vững
Trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và chương trình đô thị mới, cần thiết phải đề ra những giải pháp cụ thể và khả thi nhằm vượt qua các thách thức và tận dụng các cơ hội hiện có.
Theo bà Phạm Thị Nhâm (Viện VIUP), các giải pháp cần tập trung quy hoạch đô thị thông minh theo hướng bền vững, hài hòa với thiên nhiên và phát triển vùng miền. để đạt được mục tiêu phát triển đô thị bền vững và thông minh, Việt Nam cần xây dựng hệ thống quy hoạch đô thị theo mạng lưới xanh, thông minh và bền vững, phù hợp với định hướng của Nghị quyết 06-NQ/TW. Viện VIUP đã nghiên cứu và đề xuất các giải pháp chiến lược về tổ chức và sắp xếp hệ thống đô thị, bao gồm quản lý các cấp độ đô thị như vùng đô thị, đô thị trực thuộc trung ương, đô thị thuộc tỉnh và huyện.
Bà Nhâm nhấn mạnh việc cần đẩy mạnh đô thị hóa ở khu vực nông thôn, giúp giảm áp lực di cư về các đô thị lớn, đồng thời hiện đại hóa nông thôn để đáp ứng nhu cầu phát triển. Chiến lược quy hoạch cần tập trung vào tăng cường kết nối liên vùng và liên quốc gia, từ đó khai thác hiệu quả tiềm năng kinh tế của từng vùng miền, thúc đẩy phát triển các cực tăng trưởng và hành lang kinh tế quốc gia.
Bên cạnh đó, bà Nhâm cũng khuyến nghị các giải pháp phát triển đô thị phải tích hợp với môi trường tự nhiên và sinh thái, theo nguyên lý thuận thiên nhằm đảm bảo sự bền vững lâu dài. Quy hoạch đô thị cần kiểm soát không gian dựa trên khả năng chịu tải của hệ sinh thái, tối ưu hóa sử dụng đất đai và năng lượng, và thúc đẩy các mô hình kinh tế xanh và đô thị tăng trưởng bền vững. Đồng thời, phát triển các khu vực đô thị và nông thôn cần phải đảm bảo hài hòa với bản sắc văn hóa và xã hội địa phương, nâng cao chất lượng cuộc sống cho cả cư dân đô thị và nông thôn.
Các giải pháp cần tập trung vào chính sách đổi mới sáng tạo, huy động nguồn lực và số hóa - bà Nguyễn Thị Thanh Nga - Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường (Bộ KH&ĐT) chỉ rõ giải pháp: Để đạt được những mục tiêu này, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh các chính sách lấy con người làm trung tâm, đảm bảo công bằng xã hội và thu hẹp khoảng cách giữa các khu vực. Các chương trình mục tiêu quốc gia như giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số cần được triển khai một cách hiệu quả hơn.
Bà Nga cũng nhấn mạnh rằng, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong ba đột phá chiến lược quan trọng, bên cạnh cải cách thể chế và phát triển kết cấu hạ tầng. Việt Nam cần nhanh chóng đi tắt đón đầu các công nghệ tiên tiến trên thế giới, đồng thời huy động nguồn lực tài chính quốc tế và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) để hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi số và phát triển các dự án hạ tầng thông minh.
Ngoài ra, việc tối ưu hóa sử dụng năng lượng, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, và bảo vệ môi trường là những yếu tố then chốt để giảm thiểu tác động của BĐKH. Đặc biệt, tầm quan trọng của việc số hóa công tác thu thập và phổ biến dữ liệu, nhằm hỗ trợ cho các quyết định chính sách dựa trên dữ liệu chính xác và kịp thời.
Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa của một giai đoạn phát triển đô thị mới, nơi các mục tiêu phát triển bền vững đóng vai trò chủ đạo trong chiến lược phát triển dài hạn. Để đạt được sự bền vững, việc kết hợp giữa các chính sách hợp lý, ứng dụng công nghệ hiện đại và sự hợp tác giữa các bên liên quan sẽ là chìa khóa mang đến thành công.
Triển khai các mục tiêu phát triển bền vững không chỉ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân mà còn mang lại nhiều lợi ích kinh tế và xã hội lâu dài. Với sự cam kết mạnh mẽ từ Chính phủ và sự ủng hộ từ cộng đồng quốc tế, Việt Nam hoàn toàn có tiềm năng để trở thành một mô hình thành công trong phát triển đô thị bền vững.