Nhà máy sản xuất tinh bột sắn Gia Lai: Nỗ lực vượt qua giai đoạn khó khăn

14:54 29/04/2022
Nhà máy sản xuất tinh bột sắn Gia Lai - Cơ sở 2 có tiền thân là Xí nghiệp liên doanh Tapioca Việt Thái. Vượt lên những khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch covid-19, Nhà máy đang tích cực đổi mới chiến lược, trước mắt đang làm việc với tất cả các đối tác để nối lại xuất khẩu, đẩy mạnh tiêu thụ.

Đại dịch COVID-19 đã và đang khiến hàng loạt các nhà máy sản xuất tinh bột sắn trên khắp cả nước rơi vào trạng thái kinh doanh ảm đạm. Nhiều nhà máy phải sản xuất cầm chừng vì không xuất khẩu được hàng hoá và thiếu vốn để thu mua nguyên liệu. Việc các nước, trong đó có Trung Quốc - thị trường hàng đầu thu mua tinh bột sắn - áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại, tạm ngừng thông quan và thực hiện giãn cách xã hội cũng khiến nhu cầu tiêu thụ mặt hàng này giảm mạnh.

Nhà máy sản xuất tinh bột sắn Gia Lai - Cơ sở 2 có tiền thân là Xí nghiệp liên doanh Tapioca Việt Thái được thành lập theo giấy phép 767/GP ngày 18/1/1994 của Ủy ban nhà nước về hợp tác đầu tư, (nay gọi là Bộ Kế hoạch & Đầu tư) với ngành nghề kinh doanh là sản xuất tinh bột sắn và các sản phẩm chế biến từ tinh bột sắn. Sau một thời gian dài hoạt động, đến cuối năm 2005, các bên góp vốn đã nhất trí chuyển lại toàn bộ cổ phần cho Công ty CPHH Vedan Việt Nam.

Trên cơ sở đó Công ty CPHH Vedan thành lập nên Công ty TNHH VeYu. Đến tháng 11/2012, nhà máy sản xuất cầm chừng do khủng hoảng kinh tế và năng lực của công nhân còn thấp chưa đủ sức vận hành thiết bị. Xuất phát từ tình hình này, ngày 11/1/2013 được sự cho phép của UBND tỉnh Gia Lai, Công ty Cổ phần Nông sản Thực phẩm Quảng Ngãi tiếp nhận nhà máy dựa trên hợp đồng chuyển nhượng tài sản giữa Công Ty TNHH VeYu và Công ty Cổ phần Nông sản Thực phẩm Quảng Ngãi. Từ đây, Chi nhánh Công ty Cổ phần Nông sản Thực phẩm Quảng Ngãi với tên gọi: Nhà máy sản xuất tinh bột sắn Gia Lai - Cơ sở 2 chính thức đi vào hoạt động.

Nhà máy sản xuất tinh bột sắn Gia Lai - Cơ sở 2

Là một trong những doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ mang đến giá trị bền vững cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế Tây Nguyên, nhà máy cũng không tránh khỏi những khó khăn nhất định trong thời kỳ trước, trong và hậu dịch COVID-19. Khó khăn hiển hiện là không xuất khẩu được, số lượng hàng tồn nhiều. Sức mua của thị trường giảm mạnh khiến nguồn thu sụt giảm. Nhà máy phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất trong thời gian tới để giảm thiệt hại. 

Ban lãnh đạo nhà máy nhận định rằng, dù còn muôn vàn khó khăn, nhưng ở Việt Nam nói chung và Gia Lai nói riêng, khi dịch COVID-19 đi qua, lại là cơ hội lớn để nhiều doanh nghiệp vươn lên. 

Nhà máy tinh bột sắn Gia Lai đang tích cực đổi mới chiến lược, trước mắt đang làm việc với tất cả các đối tác để nối lại xuất khẩu, đẩy mạnh tiêu thụ. Khi xuất khẩu được, hàng hóa được giải phóng, doanh thu tăng dần và ổn định sẽ khiến "nút thắt" khó khăn của nhà máy được cởi bỏ, mang lại nhiều tín hiệu khả quan trong việc áp dụng tiến bộ trong công nghệ sản xuất và vùng nguyên liệu ổn định đem lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững.

Với những nỗ lực của tập thể cán bộ, công nhân viên Nhà máy trong việc thích nghi với trạng thái "bình thường mới" hậu COVID-19, các chiến lược tái cấu trúc mô hình cạnh tranh và các giải pháp sản xuất, kinh doanh của nhà máy sẽ phát huy hiệu quả, đưa nhà máy trở lại guồng phát triển bình thường. 

Đồng thời, giải quyết hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với việc nâng cao đời sống của người dân và kiểm soát mức độ ô nhiễm trong phạm vi cho phép. Nhà máy sản xuất tinh bột sắn Gia Lai sẽ phát triển, đáp ứng kỳ vọng và góp phần vào sự tăng trưởng chung của ngành sản xuất tinh bột sắn trong nước cũng như góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh Gia Lai.

Bình luận