Nhà nước bảo đảm kinh phí cho thực hiện dịch vụ sự nghiệp KH&CN

13:53 30/08/2024
Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định, chi cho thực hiện dịch vụ sự nghiệp KH&CN do Nhà nước bảo đảm kinh phí và bảo đảm một phần kinh phí…
Nhà nước bảo đảm kinh phí cho thực hiện dịch vụ sự nghiệp KH&CN
Ảnh minh hoạ. Nguồn: ITN.

Bộ KH&CN đang lấy ý kiến cho dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 95/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 của Chính phủ quy định về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động KH&CN.

Chính phủ không quy định tiêu chí phân bổ kinh phí

Dự thảo Nghị định gồm 03 Điều, trong đó Điều 1 sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 95/2014/NĐ-CP như, sửa đổi quy định tại điểm b khoản 2 Điều 4 theo hướng: Chi thực hiện các dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN thuộc lĩnh vực sự nghiệp KH&CN được cấp có thẩm quyền ban hành do Nhà nước bảo đảm kinh phí và bảo đảm một phần kinh phí; kinh phí chi thường xuyên hoặc hỗ trợ kinh phí chi thường xuyên thực hiện các nhiệm vụ Nhà nước giao hoặc đặt hàng; kinh phí được NSNN hỗ trợ theo quy định pháp luật về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.

Bổ sung quy định tại điểm k khoản 2 Điều 4 theo hướng: Hỗ trợ đăng ký và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, hoạt động tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng, công bố kết quả nghiên cứu khoa học trên các tạp chí khoa học chất lượng cao thuộc các danh mục có uy tín hoặc in thành sách, chương sách được nhà xuất bản có uy tín xuất bản; khen thưởng, giải thưởng KH&CN”.

Điều 2 dự thảo Nghị định bãi bỏ một số điểm, khoản, Điều của Nghị định số 95/2014/NĐ-CP. Trong đó, về đề xuất bãi bỏ quy định tại khoản 4 Điều 5 Nghị định số 95/2014/NĐ-CP: “4. Thủ tướng Chính phủ quy định nguyên tắc, tiêu chí phân bổ kinh phí cho hoạt động khoa học và công nghệ.”, Bộ KH&CN cho biết: theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 5 Luật NSNN, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định định mức phân bổ chi thường xuyên, chi đầu tư NSNN áp dụng cho mỗi thời kỳ ổn định ngân sách.

Mặt khác, đến thời điểm hiện nay, Nghị định số 95/2014/NĐ-CP đã thực hiện được 08 năm, nhưng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định nguyên tắc, tiêu chí phân bổ kinh phí cho hoạt động KH&CN vẫn chưa được ban hành.

Đồng thời, các quy định của pháp luật về NSNN, đầu tư công, quản lý, sử dụng tài sản công và các quy định pháp luật khác có liên quan đã được ban hành và thực thi nên cần thiết phải bãi bỏ quy định tại khoản 4 Điều 5 Nghị định số 95/2014/NĐ-CP.

Cơ chế quản lý tài chính chưa phù hợp, tiền công quá thấp

Theo dự thảo Tổng kết tình hình thực hiện Nghị định số 95/2014/NĐ-CP của Bộ KH&CN, về đầu tư cho hoạt động KH&CN có một số tồn tại, hạn chế về chi sự nghiệp KH&CN như: cơ chế quản lý tài chính đối với các tổ chức KH&CN, nhất là các tổ chức sự nghiệp công lập thực hiện chức năng nghiên cứu để tham mưu chính sách phục vụ quản lý nhà nước chưa phù hợp, dẫn đến những khó khăn, vướng mắc trong quyền tự chủ về kế hoạch, tài chính, nhân lực và hợp tác quốc tế để phát huy tính năng động, sáng tạo, thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao trong nghiên cứu.

Quy trình phân bổ kinh phí thực hiện các nhiệm vụ KH&CN theo quy định tại khoản 3 Điều 5 vào các Quỹ KH&CN các cấp chưa được thực hiện do các Quỹ phát triển KH&CN của Bộ, ngành, địa phương theo Điều 7 của Nghị định về cơ bản chưa được thành lập.

Hoạt động của các Quỹ phát triển KH&CN còn hạn chế, chưa phát huy đầy đủ tiềm năng do còn vướng mắc cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính theo các quy định của pháp luật về KH&CN và NSNN…

Bên cạnh đó, quy định về xây dựng dự toán và kinh phí quản lý nhiệm vụ KH&CN sử dụng NSNN chưa đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng, gây khó khăn trong xác định ngày công khi thẩm định nhiệm vụ KH&CN, thiếu cơ sở xác định trong lĩnh vực khoa học xã hội và chưa theo học hàm học vị mà chỉ theo chức danh tham gia thực hiện, định mức ngày công đối với các thành viên tham gia còn thấp, chưa đủ để khích lệ nhà khoa học tham gia nghiên cứu...

Hệ số tiền công thấp và thời gian làm thêm giờ không quá 200 giờ/năm khiến mức tiền công nghiên cứu KH&CN quá thấp, không đủ đảm bảo thu nhập và chưa phải mức đãi ngộ xứng đáng với chất xám và công sức của nhà khoa học.

Chưa có định mức tiền công thuê chuyên gia trong nước và nước ngoài nên khó khăn trong việc thương thảo hợp đồng khoán việc hay chọn chuyên gia phù hợp với mức kinh phí hội đồng sẽ chấp thuận.

Nhiều nhiệm vụ cần có tổ chuyên gia kỹ thuật hỗ trợ để cung cấp thông tin cho hội đồng thẩm định, đánh giá nhiệm vụ nhưng chưa có nội dung, định mức chi.

Thực tế việc dự toán công lao động theo các chức danh nhưng khi thanh quyết toán lại là khoán chi nên cần quy định rõ hồ sơ thanh quyết toán để tránh có nhiều cách hiểu khác nhau: có cần bảng chấm công hay không, ký hợp đồng giao việc và chuyển tiền cho từng người hay cho đầu mối chịu trách nhiệm chính…

Bình luận