Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong 4 tháng đạt rất thấp so với yêu cầu (đạt 18,48% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
Nhiều quy định chồng chéo
Tại cuộc họp với các địa phương (Vĩnh Phúc, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bình Phước) về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, ngày 18/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh Việt Nam vừa trải qua một thời kỳ dịch bệnh kinh hoàng khiến nền kinh tế giảm sút. Hiện nay, cả nước đang bước vào giai đoạn phục hồi kinh tế, trong đó việc tăng cường đầu tư công và tập trung thu hút đầu tư từ các nguồn vốn ngoài Nhà nước là những giải pháp trọng tâm.
Tuy nhiên, số liệu từ Bộ Tài chính chỉ ra đến cuối tháng Tư, cả nước có 7 bộ và 8 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 25%, còn lại 43/51 bộ và 28/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 17% (trong đó có 17 bộ, ngành chưa giải ngân kế hoạch vốn).
Lý giải nguyên nhân của sự chậm trễ trên, đại diện của các địa phương cho biết còn một số vướng mắc về thể chế, quy định của pháp luật về đầu tư công và các quy định có liên quan.
Ông Vũ Việt Văn, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng về thẩm quyền trong việc kéo dài thời gian thực hiện, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công hàng năm của các dự án sử dụng vốn ngân sách địa phương còn chưa linh hoạt. Việc phải báo cáo Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định phải cần nhiều thời gian để thực hiện theo quy trình, bị động cho các địa phương (cấp huyện, cấp xã).
Bên cạnh đó, Nghị định số 10/2021/NĐ-CP và Luật Đầu tư công chưa thống nhất trong xác định cơ quan thẩm định và phê duyệt dự toán chi phí nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư xây dựng. Hay, việc trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định chủ trương đầu tư từng dự án đầu tư công khiến mất rất nhiều thời gian, do phụ thuộc vào kỳ họp Hội đồng nhân dân (thường chỉ 2-3 kỳ/năm), dẫn đến không đáp ứng được yêu cầu về thời gian báo cáo các cơ quan Trung ương theo quy định.
Ngoài ra, ông Văn cũng cho biết việc chia tách giai đoạn bồi thường, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập mới áp dụng đối với dự án quan trọng quốc gia và dự án nhóm A, còn các loại dự án còn lại (nhóm B, C) công tác giải phóng mặt bặng chỉ được triển khai tại bước thực hiện dự án. Điều này gây ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân khi chưa có sẵn mặt bằng thi công.
Về cơ quan chuẩn bị đầu tư, ông Văn nêu theo quy định tại Luật Đầu tư công, cơ quan chuyên môn hoặc Ủy ban Nhân dân cấp huyện đề xuất chủ trương đầu tư, song quyết định chủ trương đầu tư lại giao cho Ban quản lý dự án làm chủ đầu tư. Như vậy, một dự án để thực hiện phải giao cho hai cơ quan làm chủ đầu tư ở hai giai đoạn, dẫn đến phức tạp khi thực hiện thanh quyết toán, kéo dài thời gian thực hiện dự án.
Đại diện các địa phương cũng chia sẻ những vướng mắc chung khác như dịch bệnh COVID-19 vẫn còn ảnh hưởng đến tiến độ phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội cũng như việc triển khai thực hiện thi công các dự án.
Hơn nữa, mặt bằng giá vật tư, vật liệu xây dựng trong những tháng qua đã tăng lên rất cao, khiến nhiều doanh nghiệp, nhà thầu thi công cầm chừng hoặc tạm dừng thi công, dự án phải điều chỉnh chủ trương, điều chỉnh tổng mức đầu tư.
Riêng về công tác giải phóng mặt bằng, hầu hết các địa phương cho biết vướng mắc chủ yếu về đơn giá, hệ số điều chỉnh giá đất, phương án đền bù, di dời công trình phải giải tỏa, chồng lấn mặt bằng thi công, khiếu kiện của người dân… những yếu tố này đã gây ảnh hưởng lớn đến việc giải ngân vốn đầu tư công.
Vị đại diện của Vĩnh Phúc chỉ ra Luật Xây dựng không cho phép điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư dự án đầu tư do nguyên nhân phát sinh chi phí bồi thường và giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên thực tế triển khai, khi kiểm kê tính toán lên phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng thường phát sinh rất nhiều chi phí mà khi lập dự án không thể tính hết.
“Do đó, cần nghiên cứu quy định cho phép điều chỉnh tổng mức đầu tư do phát sinh chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng để có cơ sở triển khai thực hiện,” ông Văn cho biết.
Tháo "nút thắt" thế nào?
Ghi nhận những ý kiến của các địa phương, song Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh trước yêu cầu về phục hồi và phát triển kinh tế đòi hỏi việc giải ngân đầu tư công phải đúng kế hoạch, nhằm đảm bảo tăng trưởng GDP đồng thời giải quyết việc làm, tăng thu ngân sách và đây là chính sách xuyên suốt.
Theo Bộ trưởng Phớc, các vấn đề vướng mắc cần phải đặt lên “bàn cân” để từ đó có thể đưa ra những giải pháp phù hợp nhất.
“Như, việc nhà thầu dừng dự án do giá nguyên vật lên cao, song càng dừng thì càng khó khăn. Bởi, nếu nhà thầu không có giải pháp triển khai, làm cuốn chiếu và thanh toán nhanh thì gói thầu sẽ càng lỗ. Khi doanh nghiệp lâm vào tình trạng khó khăn, không thu hồi được vốn thì rủi ro cũng đến với phía cơ quan Nhà nước. Ví dụ như số vốn Nhà nước ứng trước cho doanh nghiệp (khi ký hợp đồng) có thể không thu hồi được,” Bộ trưởng trao đổi.
Do đó, người đứng đầu ngành tài chính cho rằng các địa phương phải có những giải pháp triển khai quyết liệt, động viên doanh nghiệp thi công nhanh. Bên cạnh đó, với công trình chuẩn bị làm thủ tục đấu thầu, địa phương nên thực hiện theo đơn giá điều chỉnh vì các gói thầu thường có sự biến thiên. Điều này vừa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đồng thời cũng tạo điều kiện cho Nhà nước trong công tác thanh, quyết toán sau này.
Bộ trưởng Bộ Tài chính nhìn nhận hiện nhiều thủ tục hành chính còn rườm rà và có nhiều “nút thắt” như việc đền bù giải phóng mặt bằng, lập dự án đầu tư, duyệt thiết kế dự án…
“Đây là vấn đề về mặt luật pháp và cần phải sửa đổi theo hướng: Một dự án đầu tư đã có thiết kế cơ sở sẽ đồng thời có mặt bằng quy hoạch để có thể cắm mốc giải phóng mặt bằng,” ông Phớc nói.
Ông Nguyễn Đức Tâm, Vụ trưởng Vụ Địa phương và Lãnh thổ, Bộ kế hoạch và Đầu tư khuyến cáo các địa phương thực hiện giải ngân vốn đầu tư công thấp và đặc biệt địa phương chưa giao hết vốn, khối lượng phải giải ngân của năm 2022 trong thời gian tới sẽ rất nhiều. Do đó, ông đề nghị các địa phương có giải pháp thực hiện quyết liệt việc giải ngân trên cơ sở phân tích, đánh giá thực trạng của nguyên nhân chủ quan-khách quan, để từ đó có các giải pháp thực hiện triệt để nguồn vốn đầu tư công trong năm 2022.
Ngoài ra, ông kiến nghị các địa phương nên thành lập các tổ công tác và cử ra một đồng chí Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh làm tổ trưởng để đôn đốc việc giải ngân vốn đầu tư công. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung chỉ đạo giải quyết rứt điểm công tác giải phóng mặt bằng của các dự án, sớm giao mặt bằng sạch để thực hiện các thủ tục đấu thầu và lựa chọn được các nhà thầu triển khai thực hiện giải ngân vốn đầu tư.
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết các vấn đề về hoàn thiện pháp luật, bộ sẽ tiếp thu ý kiến và phối hợp với các bộ để trình Chính phủ, từ đó báo cáo với Quốc hội. Những trường hợp cấp bách chưa sửa được Luật, Bộ sẽ đề xuất ý kiến xin Quốc hội ra Nghị quyết để thực hiện.
Nguồn: Vietnam+